Kafka Bên Bờ Biển (Haruki Murakami)
Kafka bên bờ biển không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết giả tưởng, mà ở đó là sự kết hợp của những yếu tố trừu tượng trong triết học, của những hình tượng tâm linh trong các câu chuyện thần thoại, cũng có những yếu tố kinh dị kì bí, nhưng cũng có những câu chuyện của hiện thực, của đời sống hàng ngày.
Kafka bên bờ biển (海辺のカフカ Umibe no Kafuka?) là tiểu thuyết của nhà văn người Nhật Bản Haruki Murakami (2002). Sự xuất sắc của tác phẩm này đã giúp ông được trao giải thưởng văn học Franz Kafka năm 2006
Tác phẩm là hai câu chuyện tưởng như riêng biệt với hai cuộc đời của hai con người mà chẳng quen biết nhau hay có bất cứ mối quan hệ nào ràng buộc họ với nhau. Một bên là cậu học sinh trung học đang vào tuổi mới lớn, chập chững vào đời thì bên kia là ông già lẩm cẩm, đang ở bên kia sườn dốc của cuộc đời.
Kafka Tamura, một học sinh trung học, bỏ nhà ở Tokyo vào sinh nhật 15 tuổi của mình, để chạy trốn thực tại, chạy trốn lời nguyền khủng khiếp mà người cha đã giáng xuống đầu mình.
Có một yếu tố rất hay khi tác giả miêu tả Kafka, đó chính là ở nội tâm của cậu. Ở con người này chính bản thân cậu thì hoàn toàn mộc mạc và thực tế, nhưng những mối quan hệ xung quanh cậu, những câu chuyện về quá khứ của cậu thì lại luôn bí ẩn, chứa đầy những điều kì lạ. Từ một cậu bé với người cha vô tâm, bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi còn nhỏ, cậu lớn lên như một học sinh cá biệt. Cậu luôn vịn vào “cái thằng cu tên Quạ” để trốn tránh những tình huống khó phản ứng trong cuộc sống.
Nakata, một ông lão luôn tự nhận mình không được sáng dạ cho lắm, không biết đọc, sống nương nhờ vào trợ cấp hàng tháng và tưởng như chẳng bao giờ ra khỏi cái quận Nakoto.
Với con người này thì có lẽ mọi sự kì lạ đã xuất hiện ngay từ thời điểm bắt đầu khi từ một cậu bé thông minh, sáng dạ, ông gần như đã chết trong 3 tuần để rồi khi tỉnh lại trở thành một con người hoàn toàn khác, quên hết tất cả, mất một nửa cái bóng của chính mình, như một bản thể ở thế giới song song này vô tình lạc sang thế giới kia trong lúc dòng thời gian nhiễu loạn vậy. Nhưng ở Nakata có sự khoan thai từ tốn mà có thể khiến người ta đến ghen tị. Lão sống chẳng cần để tâm tới thời gian, lão tham gia vào cuộc hành trình mà chẳng hề biết điểm đến hay phải làm gì tiếp theo. Những gì xảy ra với lão tựa như thoi đưa, tất cả đều tự nhiên mà không phải bận tâm hay toan tính điều gì. Thật là một cách du lịch kì lạ! Đời người bây giờ liệu rằng có còn được như thế khi mà guồng quay của cuộc sống cuốn ta đi, như cơn sóng dữ dội cuốn trôi những gì ta để lại trên cát?
Murakami sử dụng đa dạng các thủ pháp cũng như đưa vào rất nhiều kiến thức thuộc các lĩnh vực khác nhau, như dịch giả Dương Tường đã viết ở phần giới thiệu: Nói theo thuật ngữ chưởng thì Murakami tung ra hơi nhiều “chiêu thức”.
So với các tác phẩm trước đây đã từng được dịch sang tiếng Việt, kết cấu của truyện có phần khác lạ. Câu chuyện được xẻ đôi thành hai tuyến, với chương lẻ tập trung vào Kafka Tamura và chương chẵn là ông lão Nakata, người đọc cảm thấy họ không liên quan tới nhau ở những phần đầu nhưng càng về cuối mắt xích nối họ lại với nhau càng rõ nét.
Xét về yếu tố huyền ảo, nó xuất hiện ít ở hai tác phẩm trước của ông là Phía nam biên giới, phía tây mặt trời và Rừng Na Uy, tuy rằng người đọc có cảm thấy sự chuyển biến mạnh ở tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót với khá nhiều tình huống hư hư thực thực nhưng phải ở tác phẩm này huyền ảo mới được Murakami đẩy lên cao độ và trở thành một phần trọng yếu của tác phẩm[3][4]. Người đọc rơi vào một thế giới gần như hoang đường với những trận mưa đỉa, mưa cá, linh hồn sống, vùng đất kỳ lạ mà thời gian không còn quan trọng…
Tác giả người Nhật Bản đưa vào tác phẩm của mình cả nội dung thuộc lĩnh vực phân tâm học của Sigmund Freud, Kafka mang lời nguyền giống như nhân vật huyền thoại Oedipus sẽ giết cha và ngủ với mẹ. Độc giả tự hỏi, Murakami muốn gửi gắm gì qua thông điệp này, phải chăng nó đại diện cho phần bản ngã xấu xí luôn hiện diện trong mỗi con người?
Murakami cố gắng miêu tả những chấn thương tâm lý của nhân vật. Đó là Nakata khi còn là học sinh tiểu học, sau khi bị cô giáo-một người trước đó luôn luôn hiền dịu tát mạnh vào mặt, đã hôn mê và sau khi tỉnh dậy mất hết khả năng đọc. Nhưng cái tát chỉ là giọt nước tràn ly, bởi vì ở đứa trẻ này từ trước đã mất đi tính hồn nhiên và trong môi trường gia đình phải nhận sự đối xử bạo ngược.
Âm nhạc là yếu tố thường xuất hiện trong tác phẩm của Murakami. Ngay từ khi cái tên bản nhạc được nhắc tới, dòng chảy của tác phẩm như cơn sóng trào lên và cuốn theo cái tên Kafka bên bờ biển từ giây phút đó, một điệp khúc chỉ với hai hợp âm, như mọi vật đều mang hai nghĩa. Các ca khúc nhạc pop dân dã, Beethoven, Franz Schubert, Joseph Haydn, nhạc kịch của Giacomo Puccini du dương trên từng trang giấy. Rõ ràng yếu tố phương Tây là luôn nổi bật trong mọi tác phẩm của Murakami và Kafka bên bờ biển cũng vậy tuy nhiên người ta vẫn thấy truyền thống Nhật Bản được nhắc đến, ví dụ như thơ tanka, haiku, truyện kể Genji…