Kể lại một việc làm tốt mà em đã làm khiến ba mẹ vui lòng.
- Mở bài:
Đối với tôi, ba mẹ là những người quan trọng nhất ở trên đời. Bởi thế, tôi rất nghe lời ba mẹ, không dám làm sai điều gì. Tôi nhớ có một lần, tôi đã liều lĩnh, lén lút giúp ông lão ăn mày ở đầu hẻm. Ba mẹ biết được, nhận ra tấm lòng tốt của con nên đã rất tự hào.
- Thân bài:
Đêm phủ trùm xuống phố. Ánh đèn đường bắt đầu chập choạng sáng lên. Hôm nay, ba lại về muộn. Ba lại tăng ca. Gần tết nên công việc công ty nhiều hơn. Thương ba quá. Chắc giờ này ba lại đi ăn cơm hộp rồi.
Mẹ đã sẵn sàng bữa cơm tối và bảo chúng tôi ăn trước rồi còn học bài. Bữa ăn trôi qua nhanh chóng. Mẹ ăn qua loa rồi lại lo đi sắp xếp lại đồ đạc trong tủ lạnh cho gọn gàng. Thằng Tuấn em trai tôi hay nghịch ngợm nên mỗi khi lấy đồ gì, nó cứ xới tung lên. Mẹ đã nhắc mấy lần mà nó vẫn cứ chứng nào tật ấy.
Tôi nhanh chóng ăn hết phần ăn của mình và lặng lẽ giấu đi cái bánh mì có kẹp xúc xích. “Chắc giờ này ông cũng chưa ăn gì!” – tôi thầm nghĩ – “Có cái này chắc ông sẽ vui lắm đây!”. Sau bữa ăn, tôi cầm cái bánh mì, co cẳng chạy đến chạy ra ngã tư, dúi mạnh chiếc bánh vào tay ông lão bảo ông ăn đi rồi vội vã chạy về, sợ mẹ biết sẽ la. Ông lão chua kịp nhìn thì tôi đã chạy mất tiêu rồi.
Tôi nấp sau bức tường quan sát. Ông run rẩy cắn từng miếng to rồi nhai lấy nhai để. Chắc là ông đói lắm. Có lẽ từ sáng tới giờ ông chưa được ăn gì. Tôi chỉ lo ông ăn vội mà bị nghẹn thôi. Thoáng một cái, ông đã ăn xong. Uống ngụm nước trong cái chai giắt ở bên túi, ông ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm. Ông tìm ai đó vừa cho ông thức ăn để cảm ơn. Hay ông nghĩ một thiên thần nào đó vừa đến giúp ông chăng? Nghe tiếng mẹ gọi, tôi giật mình, vội chạy ngay về.
Đó là ông lão ăn mày vừa đến ở khu phố tôi. Không biết ông từ đâu đến. Một buổi sáng, khi ba chở anh em tôi đi học, tôi đã thấy ông ngồi ở đó, bên ngã tư đường, rách rưới và đói khát. Ánh mắt ông mờ đục nhìn dòng người lại qua. Khuôn mặt khắc khổ, đen sạm vì đen sạm gió, ánh mắt mờ đục bởi những khổ đau. Ông ngồi đó hết ngày này qua ngày khác. Ai thương, cho gì ông đều nhận lấy. Nghe mấy cô bác nói ông ở quê lên, không còn gia đình nữa. Ông không nhà, không cửa, không cháu con, một mình ở giữa cõi đời. Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường.
Mấy ngày nay trời đất cứ âm u, gió thổi vù vù trên mấy ngọn cây. Ngọn đèn đường cứ chập chờn sáng tối. Hôm nay, ba lại tăng ca không về. Bữa cơm tối chỉ có ba mẹ con. Mẹ nhắc em tôi sánh mai đi học nhớ mặc thêm áo ấm. Em tôi dạ rồi lại cắm cúi ăn. Nó thích món trứng sốt cà chua mẹ làm nên hôm nay nó vui vẻ lắm.
Hôm nay không có bánh mì nhưng tôi cũng kịp dành cho ông lão gói xôi tôi mua từ chiều nhưng chưa kịp. Như những lần trước, tôi chạy vội ra, dúi vào tay ông lão rồi co cẳng chạy về, không kịp nhìn. Vì trời gió to nên tôi không nán lại xem ông ăn.
Khép cửa sổ, cài chốt cẩn thận, tôi phụ mẹ dọn mấy thứ ở ngoài sân vào nhà. Mẹ bảo lên lầu kéo rèm và cột chặt lại kẻo gió giật rách mất. Tôi nhanh chóng làm xong mọi việc rồi lên bàn học bài.
Trời bắt đầu mưa. Nhưng giọt mưa đầu mùa tí tách rơi trên mái rồi nặng hạt dần. Mưa phủ mịt mờ khắp phố. Ngọn đèn trên cao cũng mờ mờ bởi màn mưa phủ. Tôi giật mình nghĩ về ông lão. Trời, cơn mưa đến nhanh thế, không biết ông có kịp tránh mưa không? Mà mưa to thế này, biết tránh đi đâu. Tôi liền nghĩ đến việc mang cho ông một cái áo mua. Nghĩ rồi làm, tôi lặng lẽ xuống bếp, tìm trong kệ lấy một cái áo mưa cũ kỹ. Đội cái mũ lên đầu, tôi khẽ mở cửa chạy thẳng đến ngã tư. Ông lão đứng nép mình trong góc, run rẩy dưới làm mưa, quần áo đã ướt sũng. Có một người nữa đang đứng trước mặt, vừa đưa ông lão một cái gì đó. Có lẽ là thức ăn. Tôi không kịp nhìn, dúi vội vào tay ông lão bảo ông mặc vào đi rồi co cẳng chạy về.
Tôi về, lau khô người, thay vội bộ quần áo thì ba cũng về. Ba bước vào cửa, tôi bỗng giật mình. Tôi nhận ra dáng ba chính là người đàn ông bí ẩn lúc nãy đưa gói thức ăn cho ông lão. Thôi chết tôi rồi, ba sẽ la và đánh cho tôi một trận cho coi. Tôi sợ hãi, lẳng lặng lên phòng và chờ đợi, mặt tôi căng thẳng, khiến em tôi lấy làm lạ lắm. Nó lại gần khẽ hỏi: “Có chuyện gì vậy chị hai?”. Tôi không nói nên lời, chỉ chực muốn khóc thôi.
Cửa phòng khẽ mở, ba mẹ tôi bước vào, khuôn mặt nghiêm nghị. Biết có chuyện chẳng lành, em tôi vội ngồi lên bàn học, giả vờ làm bài tập. Mẹ đến bên tôi, ôm tôi vào lòng. Nước mắt tôi chảy xuống, tôi thủ thỉ xin lỗi mẹ, xin lỗi ba. Ba mẹ tôi không những không trách mắng tôi mà còn khen tôi khiến tôi bất ngờ đến sửng sốt. Mẹ bảo, mẹ biết chuyện tôi dành phần thức ăn cho ông lão từ lâu nhưng không nhắc nhở vì đó là việc tốt. Biết giúp đỡ người nghèo khó, người trong nghịch cảnh là hành động cao quý. Ba nói, mỗi ngày làm về, ba cũng mua cho ông lão thứ gì đó để ăn. Hôm thì cái bánh, hôm thì hộp cơm. Ông lão là người đáng thương, rất cần giúp đỡ. Ông lão khoe với ba rằng có một cô bé ở trong hẻm vẫn thường đem cho ông thức ăn. Ba chỉ mỉm cười. Ba còn nói, ba thấy tôi đưa ông lão cái áo mưa ba cũng ngạc nhiên lắm. Ba về muộn hơn tôi vì ba còn giúp ông lão mặc cái áo vào.
Thế là từ đó, mỗi buổi tối, tôi đều dành cho ông lão một ít thức ăn. Nhà tôi cũng nghèo khó, thức ăn cũng chẳng có gì ngon lành nhưng đối với ông lão đó là sự sống, là hạnh phúc ở trên đời.
- Kết bài:
Chiều nay đi học về, tôi không còn thấy ông lão ngồi ở ngã tư ấy nữa. Một gốc phố trống trải, u buồn. Người ta nói, ông lão đã đi rồi. Ông đi đâu đó không ai biết. Nhìn về góc phố xa, tôi thầm mong, ở nơi mới, ông lão cũng sẽ được mọi người giúp đỡ giống như gia đình tôi đã giúp ông.
- Kể lại kỉ niệm đáng nhớ trong một lần về thăm quê
- Kể lại một việc tốt mà em đã làm: giúp bà cụ qua đường
- Kể lại một chuyến tham quan du lịch trong mùa hè của em
- Kể lại một lần em mắc lỗi khiến thầy cô giáo buồn lòng
- Kể lại một lần em mắc lỗi khiến bạn thân em buồn lòng (có yếu tố nghị luận)
Pingback: Kể lại một lần em mắc lỗi khiến bạn thân em buồn lòng (có yếu tố nghị luận) - Theki.vn