“Khởi nghiệp tinh gọn” (The Lean Startup) của Eric Ries
Năm 1996, James P. Womack và Daniel T. Jones trong cuốn sách nổi tiếng mang tên “Lean Thinking” (tạm dịch: Tư duy tinh gọn) đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “tinh gọn”. Đó là một nguyên tắc tổ chức và thực hành nhằm khích lệ tất cả mọi thành viên trong doanh nghiệp cùng nhau tham gia sáng tạo ra và cung cấp những giá trị tốt nhất đến khách hàng thông qua đổi mới không ngừng. Trong hoạt động của mình, các doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp dựa vào quy trình được thực hiện có hệ thống và các vấn đề trong hoạt động ban đầu của doanh nghiệp được giải quyết với mục tiêu tạo ra các lợi ích cho khách hàng dựa trên một quy trình tối ưu nhất có thể.
The Lean Startup, dựa trên các nguyên tắc “tinh gọn”, cung cấp một phương pháp tiếp cận khoa học để tạo ra doanh nghiệp và quản lý thành công trong giai đoạn khởi nghiệp, từ việc phát triển một sản phẩm mới đến việc phân phối sản phẩm đó đến tay khách hàng nhanh hơn, thúc đẩy tăng trưởng với tốc độ tối đa.
Trong cuốn sách của mình Eric Ries đã đưa ra phương pháp để có thể khởi nghiệp một cách tinh gọn nhất có thể bao gồm: Nắm bắt quy trình – Thử nghiệm – Lựa chọn giải pháp tối ưu – Kiểm chứng và hoàn thiện.
1. Nắm bắt quy trình
Trong đó, “nắm bắt quy trình” chính là yếu tố nền tảng và cần thiết nhất trong mọi hoạt động khởi nghiệp kinh doanh. Quy trình khởi nghiệp để thành công phải gắng liền với trình tự và một quy trình nghiêm ngặt. Việc không có một quy trình quản lý hoàn thiện và nhất quán dẫn đến việc giải quyết vấn đề một cách “tuỳ nghi” và không chú trọng vào quy trình quản lý từ đó dẫn đến sự thất bại của doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp.
2. Thử nghiệm
Khởi nghiệp là một thử nghiệm lớn với mục tiêu trả lời câu hỏi “Liệu sản phẩm này có nên được thực hiện?” và “Liệu chúng ta có thể xây dựng một doanh nghiệp bền vững từ sản phẩm hay dịch vụ này hay không?” Thử nghiệm không chỉ đơn thuần là một tìm kiếm mô hình quản trị phù hợp mà đó chính là quá trình cho ra đời “sản phẩm tiên phong” của doanh nghiệp.
Quy trình này bao gồm việc tạo ra một “sản phẩm tiên phong khả thi” từ đó điều tra phản hồi của khách hàng và thị trường. Nếu phản hồi thành công có thể cân nhắc việc sản xuất để tận dụng các đơn đặt hàng sớm hoặc tiếp tục những thử nghiệm liên tiếp lặp đi lặp lại, và cuối cùng là xây dựng một sản phẩm lâu dài. Ries cho rằng, “Khi sản phẩm đã sẵn sàng để được phân phối rộng rãi, nó sẽ là sản phẩm đã tạo ra được mạng lưới khách hàng. Thử nghiệm sẽ giúp khác phục các vấn đề trong thực tế và đưa ra các yêu cầu cụ thể để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy trình”.
3. Lựa chọn giải pháp tối ưu
“Lựa chọn giải pháp tối ưu” là quá trình tiếp theo sau quá trình thử nghiệm và tìm ra sản phẩm. Một khi quá trình khởi nghiệp tìm ra vấn đề hạn chế của doanh nghiệp để giải quyết, một sản phẩm tiên phong khả thi sẽ được tạo ra để bắt đầu quá trình học hỏi nhanh nhất có thể.
Khi sản phẩm tiên phong được tạo ra, quá trình khởi nghiệp sẽ diễn ra nhanh chóng hơn sau đó. Điều quan trọng là phải đánh giá được các nguyên nhân và tác động của các vấn đề xảy ra trong quá trình đó. Đặt ra và trả lời chính xác các câu hỏi “Tại sao” là một phương pháp tốt nhằm giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề tồn tại và có lựa chọn đúng cho mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Kiểm chứng và hoàn thiện
Eric Ries đã chỉ ra rằng đối với công đoạn sản xuất, tiến bộ được đo lường bởi việc sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao; tuy nhiên trong quá trình khởi nghiệp tiến bộ được đo lường bởi quá trình “Kiểm chứng và hoàn thiện”. Khi một doanh nghiệp có được quá trình tiếp thu/học hỏi được hoàn thiện, quá trình phát triển sẽ nhanh hơn đáng kể.
Khi một công ty tập trung vào một mục tiêu nào đó chẳng hạn như tạo ra một sản phẩm chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng họ sẽ phải tạo ra các sản phẩm thử nghiệm và kiểm định tính đúng đắn, và sau đó mới quyết định hướng đi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu có phương pháp tiếp thu/học hỏi được hoàn thiện, họ sẽ rút ngắn được thời gian để thích nghi nhanh hơn với môi trường kinh doanh.
“Khởi nghiệp tinh gọn” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất theo xếp hạng của The New York Times và là một trong những tác phẩm được xem là nổi bật nhất trên thế giới về chủ đề “Khởi nghiệp” khi liên tục được các tạp chí về kinh doanh lớn trên thế giới như The New York Times, The Wall Street Journal, Harvard Business Review, Inc. đưa tin.
MỤC LỤC SÁCH:
Giới thiệu
Phần I: Tầm Nhìn
1- Khởi đầu
2- Định nghĩa
3- Học hỏi
4- Thử nghiệm
Phần II: Lèo Lái
5- Nhảy vọt
6- Kiểm tra
7- Đo lường
8- Điều chỉnh hay đeo bám
Phần III: Tăng Tốc
9- Loại sản xuất
10- Tăng trưởng
11- Thích nghi
12- Cách tân
13- Phần kết: Đừng lãng phí
14- Tham gia phong trào