Không gian nghệ thuật là gì?
Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan.
Ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng (Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu. Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng – Tố Hữu). Do vậy không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lí. Không gian nghê thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô hình hoá các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tổn ti trật tự.
Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới – dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng. Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hóa các kiểu tính cách con người. Không gian nghệ thuật có thể là không có tính cản trở, như trong cổ tích, làm cho ước mơ, công lí được thực hiện dễ dàng. Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật rất da dạng và phong phú.
Các cặp phạm trù cao – thấp, xa – gần, rộng – hẹp, cong – thẳng, bên này – bên kia, vững chắc – bập bênh, ngay – lệch,… đều được dùng để biểu hiện các phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã hội. Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật.
Như vậy, có thể hiểu không gian nghệ thuật là một bình diện quan trọng của thi pháp, chỉ hình thức tồn tại chủ quan của thế giới nghệ thuật với ba sđặc điểm:
- Không gian nghệ thuật thuộc về phương diện hình thức bên trong của tác phẩm.
- Không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại của thế giới hình tượng.
- Không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối và mang tính quan niệm.
Với tư cách là một phương diện thi pháp trong kết cấu nghệ thuật của một tác phẩm, không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại chủ quan của hình tượng nghệ thuật. Tính chủ quan của không gian thể hiện ở chỗ nó là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ, được biểu hiện dưới hệ quy chiếu của điểm nhìn chủ thể. Và đến lượt mình, không gian cũng mở ra một trường nhìn khác về thế giới. Tùy theo cá tính sáng tạo, mỗi nghệ sĩ sẽ cho ra đời những mô hình thế giới riêng để chuyển tải những quan niệm riêng của chủ thể về cuộc đời.
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm là sự mô hình hóa các mối liên hệ về thời gian, đạo đức, xã hội của bức tranh thế giới. Với vai trò này, không gian thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ với thời gian nghệ thuật. Có nhiều khi, thời gian được không gian hóa, trở thành một chiều của không gian. Trong không – thời gian ấy, hình tượng nhân vật đã vận động qua nhiều mối quan hệ với chính cái tôi nội cảm dưới những quan điểm đạo đức nhất định của xã hội.
Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật còn tạo thành các ngôn ngữ, biểu tượng nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan niệm của tác phẩm. Vai trò ấy đã khẳng định tính biểu trưng của không gian trong văn học. Người nghệ sĩ khi sáng tác không đơn thuần là việc vẽ lại những không gian vật lí mang tính vật chất đơn thuần mà cái chính là muốn gửi gắm một góc nhìn về con người và cuộc đời. Chính vì vậy, trong quá trình khám phá tác phẩm cần phải xem xét không gian nghệ thuật như một quan niệm về thế giới, một phương diện thể hiện cảm xúc và tư tưởng thẩm mĩ của tác giả. Bởi lẽ, cũng như thời gian thì không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống.
Lưu ý rằng, mô hình không gian nghệ thuật trong văn học rất đa dạng. Lốtman đã đưa ra ba mô hình không gian:
- Không gian điểm.
- Không gian tuyến.
- Không gian mặt phẳng.
Nếu như không gian tuyến có hướng vươn đến chiều dài, không gian mặt phẳng có hướng vươn ra chiều rộng thì không gian điểm lại được xác định bằng các giới hạn và tính chất chức năng của nó, tính đối lập của nó. Giáo sư Trần Đình Sử thì chia không gian nghệ thuật theo những ranh giới giá trị để có không gian bên trong và không gian bên ngoài, không gian bất biến và không gian khả biến, không gian trên cao và không gian dưới thấp…