khuynh-huong-su-thi-la-gi-dac-diem-cua-khuynh-huong-su-thi-khuynh-huong-su-thi-trong-van-hoc-viet-nam-giai-doan-1945-1975

Khuynh hướng sử thi là gì? Đặc điểm của khuynh hướng sử thi. Khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.

Khuynh hướng sử thi là gì? Đặc điểm của khuynh hướng sử thi. Khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.

Khuynh hướng sử thi là gì?

Khuynh hướng sử thi (hay còn được gọi là tính sử thi): là những sự kiện và biến cố quan trọng, có ý nghĩa lớn lao đối với một dân tộc, dành để ca ngợi những vị anh hùng và chiến sĩ dân tộc.

Đặc điểm của khuynh hướng sử thi.

– Thường đề cập đến những vấn đề chung của xã hội trước những sự kiện mang tính lịch sử dân tộc

– Các nhân vật, những hình tượng được xây dựng trong tác phẩm đều mang tính sử thi, dù là người ở tầng lớp nào, lứa tuổi nào hay ở dân tộc nào…
Nhân vật chính thường là đại diện cho những lí tưởng và khát vọng, luôn luôn hướng tới ánh sáng, luôn gắn bó số phận của từng cá thể cùng với số phận của cả một cộng đồng. Đồng thời nhân vật chính còn là kết tinh của những phẩm chất tốt đẹp nhất của cả một tập thể.

– Lời văn sử thi thường mang vẻ đẹp ngợi ca, trang trọng, ngôn từ mang tính cách điệu, hào hùng, giàu hình ảnh, mang tính tưởng tượng cao..

– Các tác phẩm mang tính sử thi luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, tin tưởng vào thắng lợi của đất nước.

– Sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật: cường điệu, so sánh, lặp từ nhằm nhấn mạnh khắc họa nổi bật đối tượng.

Khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.

* Về đề tài, chủ đề:

Các tác phẩm văn học trong giai đoạn 1945 – 1975 hướng tới những vấn đề trọng đại có ý nghĩa lịch sử, liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Hiện thực được phản ánh trong văn học cũng là hiện thực cách mạng của dân tộc, cũng là đời sống trong hiện thực. Cái riêng tư và đời thường nhất dường như ít được đề cập đến, gần như là bị lãng quên, nếu có được nói đến thì cũng chỉ là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của cá nhân đó với cộng đồng.

1. Đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội.

– Ca ngợi ca vẻ đẹp của đất nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đất nước lúc này giống như được thay máu đổi thịt. Một bức tranh tổ quốc lộng lẫy hiện ra, có sông có núi, có biển bạc rừng vàng, muôn hình muôn vẻ rực rỡ.

– Hướng về nhịp sống chủ nghĩa xã hội. Cuộc sống xây dựng khẩn trương náo nhiệt trong giai đoạn mới đang diễn ra khắp mọi miền tổ quốc, từ đồng bằng đến vùng trung du, từ biển rộng duyên hải đến núi cao hải đảo.

– Thể hiện niềm tự hào, niềm vui chung vô cùng to lớn của nhân dân khi người người nhà nhà được sống trong tự do, sống trong hòa bình, được làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội này.

Ví dụ: Bài “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận).

+ Đề tài: Cuộc sống lao động của những người dân miền biển trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Chủ đề: Bài thơ viết về niềm vui và khí thế lao động hăm hở, hăng say của những ngư dân ven biển khi được tự do làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội.

Ví dụ: Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.

+ Đề tài: Cuộc sống lao động trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Chủ đề: Ca ngợi những con người tình nguyện làm việc ở những nơi xa xôi hẻo lánh, những nơi có điều kiện khắc nghiệt để xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc trong âm thầm.

2. Đề tài đấu tranh đánh giặc và thống nhất đất nước.

– Trong suốt 30 năm ròng rã, dân tộc ta đã phải liên tục kháng chiến, chống lại hai đế quốc lớn mạnh là Mỹ và Pháp. Cũng vì lẽ đó mà đề tài đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất lãnh thổ là một để tài vô cùng nổi bật, thu hút vô vàn những tài năng văn học như Tố Hữu, Nguyễn Trung Thành, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu…

– Thể hiện những đau thương mất mát của người dân khi đất nước bị giặc ngoại xâm hoành hành giày xéo.

+ Bên cạnh đó, văn học còn thể hiện khí thế hào hùng khi ra trận, mạnh mẽ kiên cường của những con người khát khao độc lập và tự do. Thể hiện tinh thần chiến đấu quên mình, dũng cảm không ngại gian khổ, ngại hi sinh của những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Ví dụ: Truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).

+ Đề tài: Cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ

+ Chủ đề: Tác phẩm ngợi ca sức sống mãnh liệt, lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường, ý chí một lòng hướng về Đảng, về Cách mạng của đồng bào Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Ví dụ: Bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng).

+ Đề tài: Hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp

+ Chủ đề: Ngợi ca vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến, những con người vừa hào hùng lại vô cùng hào hoa, sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân cho đất nước.

* Về hình tượng nghệ thuật.

Hình tượng nhân vật được khắc họa trong những tác phẩm văn học giai đoạn 1945-1975 đều là kết tinh của tinh hoa khí phách, mang những phẩm chất tốt đẹp và ý chí của toàn dân tộc. Đó là những con người có khả năng hoàn thành được sứ mệnh của dân tộc, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu vì sự sống còn của Tổ quốc.

1. Hình tượng mang tính sử thi đại diện cho vẻ đẹp sức mạnh của cả dân tộc, cả đất nước Việt Nam.

– Hình ảnh những cô gái mở đường, những người thanh niên xung phong, những cô du kích, giao liên…

– Hình ảnh các anh chiến sĩ giải phóng quân.

– Hình ảnh các em nhỏ chiến sĩ can đảm.

– Hình ảnh người mẹ anh hùng kiên cường.

– Hình tượng vị lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.

2. Vẻ đẹp của hình tượng sử thi là một nét tiêu biểu cho lẽ sống lớn, tình cảm lớn của thời đại, của cả cộng đồng.

– Tình yêu đất nước:

+ Hình tượng mang tính sử thi mang trong mình tình đồng đội, tình quân nhân dân tộc ấm áp.

+ Hình tượng mang tính sử thi luôn có tình cảm cao quý dành cho Đảng và Bác Hồ kính yêu.

+ Thế giới tình cảm của khuynh hướng sử thi cũng có tình yêu đôi lứa nhưng tình yêu ấy hài hòa trong tình yêu đất nước.

+ Hình tượng thiên nhiên hùng vĩ.

* Về ngôn ngữ giọng điệu.

– Giọng ngợi ca, khí khái hào hùng, mang sắc thái ca ngợi và khẳng định, đậm chất anh hùng ca

– Khi viết về Hồ Chí Minh, giọng thơ chủ yếu là giọng ngợi ca đồng thời khẳng định sự kính phục và yêu thương vô hạn.

– Giọng điệu bi tráng khi nói về những mất mát và hi sinh.

* Các thủ pháp nghệ thuật.

Khuynh hướng sử thi thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật phóng đại, cường điệu và trùng điệp để nhấn mạnh cái phi thường.

+ Phép cường điệu.

+ Phép trùng điệp.

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 chính là giai đoạn mang đậm khuynh hướng sử thi nhất. Khuynh hướng sử thi biểu hiện qua đề tài và chủ đề, hình tượng và giọng điệu trong tác phẩm văn học. Mỗi tác phẩm văn học được chất sử thi bao trùm đều tạo nên một nét đẹp rất riêng, một vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng mà các giai đoạn khác không có.

Chất sử thi bao trùm đã làm nên vẻ đẹp rất riêng của một giai đoạn văn học, một vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với đặc điểm nổi bật này, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đã trở thành tiếng nói, tâm hồn, nguyện vọng, ý chí của cả một dân tộc, một cộng đồng nhiều con người cùng hợp lại, cùng hành động, cùng đứng lên chiến đấu giành lại quyền sống, quyền làm người, quyền độc lập, quyền tự do cho non sông đất nước.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang