»» Nội dung bài viết:
Kiến thức Ngữ văn.
Truyện thơ dân gian; Truyện thơ Nôm; Biện pháp lặp cấu trúc.
1. Truyện thơ dân gian.
– Truyện thơ dân gian mang các đặc điểm của văn học dân gian: sáng tác tập thể (lúc đầu, có thể do một cá nhân sáng tác nhưng sau đó, được dân gian hóa), phương thức lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng (với các dân tộc sớm có chữ viết thì truyện còn được lưu truyền bằng văn bản chữ dân tộc), mang tính nguyên hợp (yếu tố văn học kết hợp với các yếu tố văn hóa, thường kết hợp với các hình thức diễn xướng).
– Phân loại truyện thơ dân gian: Cũng như nhiều tác phẩm tự sự bằng thơ, truyện thơ dân gian có sự kết hợp giữa tự sự (yếu tố truyện) và trữ tình (yếu tố thơ).
+ Dựa trên cơ sơ này, truyện thơ dân gian có thể chia thành hai nhóm:
- Nhóm tự sự – trữ tình (yếu tố tự sự nổi trội hơn).
- Nhóm trữ tình – tư sự (yếu tố trữ tình nổi trội hơn).
+ Căn cứ vào đề tài, chủ đề, có thể chia truyện dân gian thành ba nhóm chính:
- Nhóm truyện thơ tự sự – trữ tình thường hướng vào đề tài, chủ đề những người chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ (Tam Mẫu Ngọ, Vượt biển (dân tộc Tày),…).
- Nhóm truyện thơ tự sự – trữ tình thường hướng vào đề tài, chủ đề ước mơ công lí, chính nghĩa (Nàng con côi (dân tộc Mường), Truyện chim sáo (dân tộc Tày),…).
- Nhóm truyện thơ trữ tình – tự sự thường hướng vào đề tài, chủ đề tình yêu lứa đôi (Tiễn dặn người yêu, Chàng Lú – Nàng Ủa (dân tộc Thái), Út Lót – Hồ Liêu (dân tộc Mường),…)
– Cốt truyện của truyện thơ dân gian thường gồm ba phần: Gặp gỡ – Thử thách (hoặc Tai biến) – Đoàn tụ. Tùy từng kiểu truyện mà nội dung ba phần của truyện có sự thay đổi. Ở nhóm truyện tự sự – trữ tình, nhiều tác phẩm có cốt truyện giống truyện cổ tích (do truyện dân gian tiếp biến từ truyện cổ tích). Ở nhóm truyện thơ trữ tình – tự sự, tác phẩm thường có kết cấu: Gặp gỡ (yêu nhau, thề nguyền, đính ước,…) – Thử thách (cha mẹ ngăn cấm, ép giả,…) – Đoàn tụ (nơi trần gian hoặc thế giới bên kia).
– Nhân vật của truyện thơ dân gian thường được phân theo loại (tốt – xấu, thiện – ác), được miêu tả qua những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, lời nói) và qua tâm trạng.
– Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian đậm chất dân ca, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, nhạc điệu và các biện pháp tu từ.
2. Truyện thơ Nôm.
– Truyện thơ Nôm là truyện thơ được viết bằng chữ Nôm, phần lớn theo thể thơ lục bát. Đặc điểm nổi bật của truyện thơ Nôm là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Truyện thơ Nôm vừa phản ánh cuộc sống qua một cốt truyện với hệ thống nhân vật, sự kiện, vừa bộc lộc thái độ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, của tác giả.
– Phân loại truyện thơ Nôm: Căn cứ vào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có thể chia truyện thơ Nôm thành hai nhóm một cách tương đối: truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học.
+ Truyện thơ Nôm bình dân thường khuyết tên tác giả; thường lấy đề tài, cốt truyện từ truyện dân gian như cổ tích; ngôn ngữ thường nôm na, mộc mạc (Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Thạch Sanh,…).
+ Truyện thơ Nôm bác học phần lớn có tên tác giả, hay lấy đề tài, cốt truyện từ những tác phẩm cổ của Trung Quốc nhưng được người viết sáng tạo lại một cách độc đáo (Truyện Kiều – Nguyễn Du, Hoa tiên – Nguyễn Huy Tự, Nhị độ mai,…). Tuy nhiên, cũng có tác phẩm do tác giả sáng tạo, hư cấu (Sơ kính tân trang – Phạm Thái, Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu). Truyện thơ Nôm bác học, nhất là của dân tộc Kinh thường trau chuốt, điêu luyện về nghệ thuật.
– Cốt truyện của truyện thơ Nôm nhìn chung được xây dựng theo mô hình khá ổn định với ba phần cơ bản: Gặp gỡ – Thử thách – Đoàn tụ.
– Nhân vật truyện thơ Nôm thường được phân theo loại chính diện và phản diện, tương ứng với chính – tà, thiện – ác, tốt – xấu. Nhân vật truyện thơ Nôm phần nhiều được miêu tả với những biểu hiện bên ngoài (diện mạo, hành động, ngôn ngữ đối thoại) hơn là với đời sống nội tâm (cảm xúc, suy tư, ngôn ngữ độc thoại) hơn là con người với đời sống nội tâm (cảm xúc, suy tư, ngôn ngữ, độc thoại). Tính cách nhân vật thường tĩnh tại, ít có sự vận động và phát triển, những tác động của hoàn cảnh có tác dụng làm rõ hơn tính cách đã được định hình.
– Trong ba hình thức ngôn ngữ tự sự là ngôn ngữ gián tiếp (lời tác giả), ngôn ngữ trực tiếp (lời nhân vật), ngôn ngữ nửa trực tiếp (lời tác giả nhưng thể hiện cảm xúc, suy tư, giọng điệu nhân vật; lời tác giả và lời nhân vật đan xen vào nhau, khó lòng tách bạch), truyện thơ Nôm hay sử dụng ngôn ngữ gián tiếp. Người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba.
– Kiệt tác Truyện Kiều và một số truyện thơ Nôm xuất sắc vừa mang những đặc điểm chung của truyện thơ Nôm, vừa có những sáng tạo riêng mang ý nghĩa cách tân.
3. Biện pháp lặp cấu trúc.
– Lặp cấu trúc (còn gọi: lặp cú pháp, điệp cú pháp) là biện pháp tu từ, theo đó người viết (người nói) lặp lại cấu trúc của một cụm từ, một câu nhằm nhấn mạnh nội dung biểu đạt và tạo nhịp điệu, sự liên kết cho các câu văn, câu thơ. Ví dụ:
Chỉ cá liền với nước
Chỉ lúa liền với ruộng
Tiễn đưa em, thôi anh quay lại, em ơi!
(Tiễn dặn người yêu)
Trong ví dụ trên, việc lặp lại cấu trúc “Chỉ A liền với B” ở hai dòng thơ đầu vừa nhấn mạnh sự gắn bó giữa những sự vật khó chia lìa nhau vừa tạo sự liên kết giữa hai dòng thơ đem lại ấn tượng về một không gian trải dài.
– Lặp cấu trúc thường được dùng nhiều trong phong cách ngôn ngữ chính luận và phong cách ngôn ngữ văn chương.