Kiến thức Ngữ văn Bài 8 (Ngữ văn 7, Cánh Diều)
1. Đặc điểm của văn bản nghị luận xã hội.
– Văn bản nghị luận xã hội được viết ra nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một tư tưởng, quan điểm nào đó, hướng tới giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống. Căn cứ lựa chọn vấn đề nghị luận chủ yếu xuất phát từ yêu cầu của thực tế, ví dụ: văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) là xuất phát từ yêu cầu bồi dưỡng lòng yêu nước phục vụ cho kháng chiến; văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng) là xuất phát từ yêu cầu giáo dục đạo đức cách mạng,…
– Để khẳng định lòng yêu nước của nhân dân ta là một truyền thống lâu đời và quý báu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triển khai nội dung bằng các lí lẽ và dẫn chứng cụ thể từ các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trước đây đến cuộc chiến chống thực dân Pháp với những biểu hiện yêu nước ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân, miền núi cũng như miền xuôi, nông thôn cũng như thành thị. Những lí lẽ và dẫn chứng xác đáng ấy đã thuyết phục được người đọc, người nghe một cách thấm thía, sâu sắc.
2. Liên kết và mạch lạc trong văn bản.
– Liên kết là sự thể hiện mối quan hệ về nội dung giữa các câu, các đoạn, các phần của văn bản bằng phương tiện ngôn ngữ thích hợp.
Ví dụ: trong đoạn văn sâu, nhờ biện pháp lặp từ (đàn) và thay thế bằng từ đồng nghĩa (công chúa – nàng) mà các câu có sự gắn bó chặt chẽ với nhau về nội dung: “Một hôm, Thạch Sanh ngồi trong ngục tối, đem đàn của vua Thuỷ Tề cho ra gảy. Tiếng đàn vẳng đến hoàng cung, lọt vào tai công chúa. Vừa nghe tiếng đàn, công chúa bỗng cười nói vui vẻ. Nàng xin vua cha cho mọi người đánh đàn vào cung” (Thạch Sanh).
– Mạch lạc là sự thống nhất về chủ đề và tính lô gích của văn bản. Một văn bản được coi là có tính mạch lạc khi các phần, các đoạn, các cầu của văn bản đều nói về một chủ đề và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. Chẳng hạn, tính mạch lạc của văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng) được thể hiện ở chỗ:
+ Các phần, các đoạn, các cầu của văn bản đều bàn luận xoay quanh chủ đề đức tính giản dị của Bác Hồ.
+ Các phần, các đoạn, các câu của văn bản được sắp xếp theo một trình tự hợp lí:
++ Phần mở đầu nêu chủ đề bàn luận: Đời sống vô cùng giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ.
++ Các phần, đoạn tiếp theo nêu các chủ đề nhỏ với các nội dung cụ thể làm rõ chủ để chung của văn bản:
- Đức tính giản dị của Bác Hồ được thể hiện trong sinh hoạt (ăn, ở, làm việc)
- Đời sống vật chất giản dị của Bác Hồ được kết hợp hài hoà với đời sống tâm hồn vô cùng phong phú, cao thượng.
- Không chỉ giản dị trong sinh hoạt, Bác Hồ còn rất giản dị trong nói, viết.