Câu chuyện Kỷ Sảnh luyện gà

Câu chuyện Kỷ Sảnh luyện gà.

Nghe tiếng Kỉ Sảnh là người luyện gà giởi, Vua Tề Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi.

Được mười hôm, vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà hăng lắm, nghe tiếng gà khác gáy đã muốn chọi rồi”. Nhà vua trở về chờ đợi.

Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được. Gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi”. Tề Tuyên Vương lại trở về.

Cách mười hôm sau nữa, vua lại đến hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”

Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn xung trận rồi”. Nhà vua lại thất vọng trở về, cho rằng KỶ Sảnh rõ thực không biết luyện gà.

Mười hôm sau, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”.

Kỷ Sảnh thưa: “Được rồi. Gà bây giờ, cho nghe tiếng gà khác không còn hung hăng tự hồ như không hề nghe, cho trong thấy gà khác cứ thản nhiên như không thấy. Dẫu bị khiêu khích cũng không nóng vội. Trông thì tựa như gà gỗ; mà thực thì đủ các ngón hay. Gà khác nhìn thấy cũng đủ sợ, phải lùi chạy không cần phải đánh nữa”.

(theo Trang Tử)

Lời bàn:

Chỉ nghe tiếng gáy, chưa trông thấy gà khác, đã muốn chọi, thế là tức khí hão, chớ vị tất chọi mà đã được. Trên đời những kẻ có khẩu khí lại thường là người nhát sợ mỗi khi đứng vào thế khó. Lấy sự hung dữ mà dọa nạt người khác gặp kẻ can trường hẳn đã cso ích gì. Mới hay khí hão là cái bóng của những kẻ bất tài vậy.

Mới trông thấy bóng gà khác đã muốn chọi ngay. Đó là cậy khỏe, hung hăng ngu xuẩn, chớ vị tất chọi mà đã được. Quá hăng, nóng vội, khinh địch, thiếu cẩn trọng, không lường trước tính sau lại là nguyên nhân của mọi thất bại. Chớ cậy khỏe mà vội vàng xung trận, nên lượng sức mình trước khi đối đầu với một sức mạnh nào đó để tránh thất bại. Kìm chế được cơn giận mới là kẻ khôn ngoan.

Trông thực thấy gà khác đã muốn chọi, thế là còn hiếu thắng chớ vị tất chọi mà đã được. Chỉ đến lúc mất hết tất cả tức khí, cậy khoẻ, hiếu thắng, luyện đã được hình toàn thần toàn tính, đủ hết cả ngón hay, mà trông bề ngoài trơ ra như gỗ đá là lúc ấy mới chọi được. Có khi không phải đợi chọi, gà khác ngó thấy dũng khí cũng đủ sợ mà trốn tránh rồi. Thế mới hay những bậc thánh hiền chỉ thu cái tài vào khuôn phép, nên cái khí vào tâm thần, chỉ cốt trong mình cho đầy đủ, không có ý gì tranh cạnh với ai, mà thiên hạ hồ dễ đã ai tranh cạnh nổi. Chờ những kẻ chỉ vụ bề ngoài, chăm chăm danh lợi, có tranh giành mới lấy làm vui lòng, có tham lam mới lấy làm mãn nguyện, còn những hạng tầm thường, có khi hại đến thân mà vẫn tự đắc cho là phải.

Cổ nhân có câu: “Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng” là muốn nói đến cái khí tại trung tâm. Dửng dưng khi thấy kẻ địch không có nghĩa là không quan sát mà là quan sát một cách kín đáo, không để kẻ địch phát hiện. Khi kẻ địch nảy sinh sự kiêu mạn, khinh thường, không phòng bị kĩ lưỡng tất để lộ nhiều sai sót. Phàm những bậc cao nhân thường rất điềm tĩnh. Bề ngoài tuy chậm chạp, như không phòng bị nhưng thật chất là rất phòng bị vậy. Chế ngự được tính khí hẳn là đã nắm được phần thắng.

Người khôn cậy trí, kẻ dại cậy sức. Xưa nay, mọi sự trên đời biết vậy mà hẳn gì đã làm được. Câu chuyện luyện gà của Kỉ Sảnh ngỡ như nói chuyện gà mà lại nói chuyện người. Ngỡ như nói chuyện người mà lại nói chuyện của ta. Tâm an, khí định tất nảy sinh sự sáng suốt. Sức mạnh cũng từ đó mà ra. Đâu phải khỏe là sẽ thắng, yếu là sẽ bại. Cái quan trọng khi xung trận không phải là đánh được bao lần mà là né tránh được bao lần. Cho đến khi kẻ địch tiêu hao hết sự hưng phấn, ý chí chùng xuống, lúc đó ta mới nhẹ nhàng kết thúc.

Nói thì dễ, thực làm mới khó. Nghe ra, câu chuyện luyện gà của Kĩ Sãnh thật chí lí mà lại không chí lí. Đôi khi, khẩu khí cũng có sức mạnh đáng kinh ngạc của nó, đánh trước bất ngờ triệt hạ kẻ địch lại cũng là một binh pháp hay. Ví như tiếng thét của Trương Phi có thể làm cho kẻ địch hoảng hồn ngã ngựa, ánh mắt của Quan Công cũng làm cho kẻ địch khiếp vía, ra tay đoạt mạng làm cho kẻ địch không kịp trở tay là cách làm thường thấy của các bậc mãnh tướng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang