lam-sang-to-nhan-dinh-am-dieu-la-co-xe-chuyen-cho-dieu-hon-thi-pham-hoang-cam

Làm sáng tỏ nhận định: Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm (Hoàng Cầm).

Nghĩ về thơ, thi sĩ Hoàng Cầm từng khẳng định: Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm. Hãy lắng nghe âm điệu ấy trong một số bài thơ mà anh/chị tâm đắc.

1. Giải thích.

“Âm điệu”: là sự hòa điệu giữa cảm xúc thơ và tiết điệu ngôn ngữ, là dạng thức hết sức vi diệu của điệu hồn trong thơ. Cảm xúc được gợi ra từ nghệ thuật tổ chức các yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, thanh điệu, vần điệu, giọng điệu…

“Điệu hồn”: chiều sâu xúc cảm, tinh thần của bài thơ.

→  Bằng cách nói khẳng định “chuyên chở”, Hoàng Cầm đã nhấn mạnh vai trò của của âm điệu trong thơ. Đây là phương tiện đắc lực trong việc thể hiện cảm xúc và linh hồn của bài thơ, cảm xúc hóa thân trong âm điệu thơ.

2. Bàn luận.

– Đặc trưng của thơ là trữ tình, nghiêng về biểu hiện thế giới chủ quan của con người với trạng thái tình cảm, rung động (thơ là tiếng lòng, là rung cảm mãnh liệt của nhà thơ trước cuộc sống)

– Nội dung cảm xúc trong thơ được thể hiện qua cách tổ chức ngôn từ đặc biệt, hàm súc, giàu nhạc tính, cụ thể các yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, vần điệu, thanh điệu, giọng điệu… Đọc thơ, cảm được âm điệu coi như đã nhập được vào hồn thơ, chạm vào được “cõi thơ” thực sự. Trong thực tế, có rất nhiều bài thơ mà sức hấp dẫn, sức sống của nó trong lòng người đọc bắt đầu từ âm điệu.

3. Lắng nghe âm điệu trong một số bài thơ.

– Các dấu hiệu nghệ thuật thuộc âm điệu bài thơ: từ thể thơ đến thanh điệu, nhịp điệu, vần điệu, giọng điệu, khoảng lặng ngôn từ… Mỗi thi phẩm có một âm điệu riêng với cách tổ chức các yếu tố nghệ thuật đó một cách đặc biệt.

– Âm điệu tạo nên sự hấp dẫn cho bài thơ về mặt nghệ thuật, đặc biệt là âm vang của lời thơ.

– Âm điệu dẫn dắt, hòa điệu tâm hồn người đọc vào thế giới cảm xúc lắng sâu cùng điệu hồn thi phẩm.

– Nội dung cảm xúc trong thơ được thể hiện qua cách tổ chức ngôn từ đặc biệt, hàm súc, giàu nhạc tính, cụ thể các yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, vần điệu, thanh điệu, giọng điệu… Đọc thơ, cảm được âm điệu coi như đã nhập được vào hồn thơ, chạm vào được “cõi thơ” thực sự.

– Trong thực tế, có rất nhiều bài thơ mà sức hấp dẫn, sức sống của nó trong lòng người đọc bắt đầu từ âm điệu. Đó là âm điệu nồng nàn, sôi nổi, si mê trong “Vội vàng” của Xuân Diệu; âm điệu day dứt, băn khoăn, khắc khoải trong “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

Lắng nghe âm điệu trong “Tràng giang” của Huy Cận.

Tràng giang là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Huy Cận, thể hiện đầy đủ tư tưởng và phong cách thơ của nhà thơ. Lấy cảm hứng từ một buổi chiều bên bờ sông Hồng, nhà thơ nghĩ về kiếp người

Âm điệu chung của bài thơ là âm điệu buồn lặng lẽ, bâng khuâng, man mác da diết, sầu lặng. Nổi bật trong suốt bài thơ là âm điệu buồn – đều đều, dập dềnh như sông nước ở trên sông, vừa lai âm điệu trong lòng thi nhân khi đứng trước cảnh Tràng Giang lúc chiều xuống.

Âm điệu đó được tạo nên bởi nhiều yếu tố như nhịp điệu, thanh điệu, hệ thống từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ…

+ Nhịp điệu trầm buồn bất tận: Nếu như ta bắt gặp ở bài thơ “Vội vàng” một nhịp điệu vội vã gấp gáp, nhanh mạnh như một cơn lũ cảm xúc thì đến với Tràng giang lại xuất hiện một nhịp điệu khác hẳn. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn nên khuôn nhịp cơ bản là 2/2/3 nhưng lại luôn có thiên hướng trải dài thành nhịp 4/3 như:

Thuyền về nước lại/ sầu trăm ngả
Củi một cành khô/lạc mấy dòng
……

Nhịp thơ trải dài, chậm buồn có tác dụng gợi mênh mang, không gian xa rộng, gợi nỗi buồn trong lòng người.

– Thanh điệu thanh thoát: Bài thơ sử dụng nhiều từ láy nguyên: điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn… và tổ chức ngon từ theo nguyên tắc song song, trùng điệp như: thuyền về nước lại, nắng xuống trời lên, sông dài trời rộng…  Các yếu tố ấy góp phần tạo nên âm điệu đều đặn, miên man, bám đuổi; gợi ra âm hưởng chảy trôi xuôi chiều, hòa hợp với nhịp điệu tạo nên âm điệu thơ mênh mang tựa như nhịp trôi chậm chạm, miêm man vô hình của dòng nước, dòng thời gian tạo vật.

– Từ ngữ, hình ảnh: Trong bài thơ ta thấy xuất hiện nhiều hình ảnh, từ ngữ gợi buồn: buồn điệp điệp, sầu trăm ngả, đìu hiu, bến cô liêu, củi một cành khô, lơ thơ cồn nhỏ, bèo dạt về đâu…tất cả đều góp phần tạo nên âm điệu buồn của bài thơ.

* Vai trò, giá trị: Âm điệu của bài thơ chính là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm:  Âm điệu buồn của bài thơ chính là biểu hiện của nỗi buồn trong lòng người,; là sự cảm thông sâu sắc giữa hồn người với thiên nhiên; là sự đồng điệu giữa hồn thi nhân với hồn tạo vật. Chất nhạc lắng sâu tạo nên sự hấp dẫn cho bài thơ về mặt nghệ thuật, đặc biệt là âm vang của lời thơ. Âm điệu dẫn dắt, hòa điệu tâm hồn người đọc vào thế giới cảm xúc lắng sâu cùng điệu hồn thi phẩm. Đây là nét riêng, nét độc đáo của bài thơ góp phần làm nên phong cách thơ Huy Cận.

Lắng nghe âm điệu trong bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão

– “Thuật hoài” là một trong số ít tác phẩm còn sót lại của vị tướng Phạm Ngũ Lão. Bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) được làm bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, niêm luật chặt chẽ, ý tứ hàm súc, hình tượng kì vĩ, âm điệu hào hùng, sảng khoái.

– Âm điệu của bài thơ vừa hào hùng, hào sảng, khí thế vừa trầm lắng, suy tư:

+ Hai câu thơ đầu mang âm hưởng hào hùng, hào sảng khắc họa vẻ đẹp gân guốc, lẫm liệt, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi – chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước, qua đó thể hiện hào khí  Đông A ngút trời của quân đội nhà Trần thời ấy. Âm điệu đó được thể hiện qua thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật với niêm luật chặt chẽ, ý tứ hàm súc, nhịp thơ 4/3 chắc khỏe so sánh, phóng đại độc đáo. Qua đó, người đọc thấy được niềm tự hào trước vẻ đẹp oai hùng, lẫm liệt, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi – chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước; vẻ đẹp của đội quân nhà Trần với hào khí Đông A ngút trời.

+ Hai câu thơ sau âm hưởng khác hẳn hai câu thơ trước với giọng điệu trầm lắng, suy tư được thể hiện qua nhịp thơ chậm rãi, sử dụng điển tích điển cố. ảm xúc hào sảng ban đầu dần chuyển sang trữ tình, sâu lắng, như lời mình nói với mình cho nên âm hưởng trở nên thâm trầm, da diết. Qua đó bộc lộ nỗi niềm băn khoăn trăn trở, tâm tư và khát vọng lập công của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm về chí làm trai rất tiến bộ của ông.

* Nhận xét: Mỗi bài thơ có một âm điệu riêng độc đáo. Tuy nhiên, âm điệu của cả hai bài thơ đều là phương tiện đắc lực trong việc chuyên chở điệu hồn của thi phẩm.. Khi xưa, Phạm Ngũ Lão tự hào trước hào khí Đông A của thời Trần thì nay Huy Cận buồn trước cảnh nước mất nhà tan. Dù âm điệu buồn hay hào hùng, hào sảng cũng đều bộc lộ tấm lòng yêu nước đáng quý của hai nhà thơ.

4. Mở rộng, nâng cao.

– Ý kiến của thi sĩ Hoàng Cầm giúp ta nhận thức sâu sắc vai trò của âm điệu trong thơ. Chỉ khi bài thơ là kết quả của sự rung động mãnh liệt và sự sáng tạo độc đáo trong cách tổ chức ngôn từ thì âm điệu thơ mới trở nên ngân vang. Như thế, âm điệu đã trở thành tín hiệu thẩm mĩ quan trọng của bài thơ.

– Ý kiến ấy không chỉ có ý nghĩa với người sáng tác mà còn là sự định hướng, gợi mở cho người tiếp nhận, đọc thơ, cần “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, cần nắm bắt âm điệu thơ để đến được điệu hồn thi phẩm.

– Từ phương diện âm điệu, có thể thấy được thực tài, thực tâm của người nghệ sĩ, đó cũng là một yêu cầu để thi phẩm có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang