lam-sang-to-nhan-dinh-hanh-dong-sang-tao-trong-tho-ca-la-mot-su-giai-toa-nhung-cam-xuc-tran-day-trong-tam-hon-nguoi-lam-tho

Làm sáng tỏ nhận định: Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ

“Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ”

Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ cách hiểu của mình qua một vài đoạn thơ, bài thơ tiêu biểu.


  • Mở bài:

Đã từ lâu, thơ ân cần với loài người giữa những buồn thương hay hạnh phúc. Đã từ lâu, nhà thơ khóc mướn thương vay những kiếp người bạc mệnh, những số phận bị bầm dập đến tận cùng của khổ đau và oan nghiệt…, “tôi không đem theo với tôi được giới hạn tiếng anh hùng, tôi không đem theo với tôi được tượng đồng bia trắng đá”(Phạm Duy). Vì thế, người nghệ sĩ trút tất cả bút lực và tâm lực vào trang viết, chẳng giữ lại điều chi. Có những vần thơ khi đọc lên mang theo cả vùng trời thương nhớ, hoài niệm, suy tư- những vần thơ có lửa. Vì sao vậy? Có người đã lí giải qua bản chất thơ ca: ” Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ.”

  • Thân bài:

Câu nói là sự khẳng định đặc trưng và quy luật sáng tạo thơ ca: tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ tràn đầy trong tâm hồn thi sĩ đã khai sinh thơ- tuyệt tác của muôn đời… “Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm” ( Lev Tonstoy), nghệ thuật sinh thành trên đời sống tinh thần của con người, bởi không có niềm cảm hứng, say mê, con người chỉ viết nên những câu chữ vô hồn, vô thanh, trống rỗng. Thơ không nằm ngoài quy luật đó. Nguồn gốc và đặc trưng của thơ ca là tình cảm, cảm xúc. Chỉ khi nhà thơ mang trái tim dễ xúc động, nhạy cảm, nhiệt huyết, khi đó sẽ có thơ. “Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ” phản ánh hành trình sáng tạo cũng như đặc trưng, bản chất của thơ ca. Thơ là thể loại đề cao tính trữ tình chủ quan, vì vậy, “sáng tạo trong thơ ca” chính là hành trình đào sâu địa tầng cảm xúc để phát hiện, làm mới cách nghĩ, cách nhìn, cách cảm và cách thể hiện tác phẩm. Sáng tạo làm thơ ca vẫy vùng trước dòng miên viễn của thời gian, kéo dài sự sống từ bao giờ đến bây giờ và mãi mãi về sau.

Sáng tạo bắt nguồn từ “ sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ”. Nói như thế không có nghĩa rằng chỉ cần cảm xúc, tác phẩm sẽ hình thành. Cảm xúc phải “tràn đầy”, mãnh liệt, nồng nàn, đấy là cảm xúc thẩm mỹ. Nó kết tinh, lắng đọng đến mức cần phải “giải tỏa”, bật ra thành những câu, những chữ. ” Bài thơ hay là bài thơ chín đỏ trong cảm xúc”, màu chín đỏ ấy là gì nếu không phải là sắc thiết tha, rạo rực, băn khoăn mà Xuân Diệu viết ” Thơ thơ” dâng cho tuổi trẻ muôn đời?

Ý kiến đề cao yếu tố tình cảm như một đặc trưng thể loại thơ và đặt ra yêu cầu với người nghệ sĩ chân chính: để có thơ hay, tâm hồn anh phải thiết tha, nồng nhiệt …

Yếu tố tình cảm hay tính trữ tình trở thành tiêu chuẩn phân biệt thơ và các thể loại văn học khác. Truyện tập trung vào hiện thực khách quan- con người và số phận trong khi thơ phải là dòng thác tuôn trào thi hứng. Đọc truyện Nam Cao, người ta hình dung những xóm làng tiêu điều, xơ xác, những số phận vật vã trong bần cùng, tha hóa… Chí Phèo, kẻ chỉ ước mơ ” có một gia đình nho nhỏ”,” chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải” cuối cùng đã giãy đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi mà khao khát làm người lương thiện còn dang dở. Nhưng đến với thơ, những cảnh đời, số phận được làm mờ đi, cồn cào những tình cảm mãnh liệt nơi từng vỏ chữ. Mỗi chữ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan đều gánh nặng nỗi hoài thương về một thời đã vãng:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

(Thăng Long thành hoài cổ)

“Sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ” còn thể hiện yêu cầu về sự chân thành, tự nhiên trong cảm xúc. Người làm thơ không thể bó buộc tình cảm để viết theo những phương châm, đường lối. Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn. Cảm xúc hời hợt hoặc giả tạo chỉ tạo ra những tác phẩm “mờ nhạt” và sẽ chết yểu, chết trong im lặng ” như một hạt cát ném vào vũ trụ, rồi mất hút mà chẳng để lại một tiếng vọng nào” ( Trần Đăng Khoa).

Tuy nhiên, những cảm xúc tràn đầy chưa hẳn đã làm nảy nở những hạt thơ. Bài thơ hay bao giờ cũng đốt lửa con tim và chinh phục lí trí. Thơ cần tư tưởng. Nó không đội mũ triết học để phát ngôn tư tưởng mà náu mình thành những mạch ngầm xuyên suốt. Thơ kết tinh cảm xúc và tư tưởng để lắng xuống bề sâu, nhưng bao giờ, cảm xúc cũng phải đặt lên hàng đầu. Những câu thơ:” Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở.Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” trong bài thơ ” Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên được bao thế hệ yêu thích cũng bởi triết lý đã quyện vào cảm xúc, mỗi khi cất lên lại ám ảnh biết bao cái xứ sở từng gắn bó, yêu thương trong mỗi người. Thơ của một người, một thời đã thành thơ muôn kiếp…

Thơ ca, từ đối tượng, đề tài đến hình thức thể hiện đều phát khởi từ tình cảm. Mỗi tác phẩm thơ chân chính đều bắt mạch từ suối nguồn tình cảm thẩm mỹ mãnh liệt, tràn đầy. Văn chương từ cổ chí kim, từ đông sang tây đã chứng minh điều đó. Những người vô danh gửi lòng mình qua ca dao, dân ca, nỗi nhớ nhung, nối tiếc duyên phận lỡ làng, nỗi cơ cực suốt đời xuôi ngược… Câu hát cất lên từ nỗi nhớ khôn nguôi. Nó xoáy sâu, dâng đầy, nó tăng tiến như một điệp khúc tỏa khắp không gian, thời gian:

“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn chẳng tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên”

Thơ trung đại, giữa thời li loạn, thi sĩ cất tiếng đòi hạnh phúc cho những người phụ nữ chôn tuổi xuân trong mòn mỏi đợi chờ. Nàng chinh phụ” Sầu đã nặng hãy chồng làm gối- Muộn đã đầy hãy thổi làm cơm”, nàng vì ai nên nỗi âu sầu? Đoàn Thị Điểm đã nói hộ nàng- oán trách, tố cáo chiến tranh phi nghĩa:

“Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng nên non nước này?”

Từ lòng đồng cảm sâu sắc ấy, tác phẩm viết theo thể ngâm khúc thất ngôn bát cú cũng là ” hành động sáng tạo trong thơ ca” mang tính tất yếu. Thể thơ truyền thống với các vần xoắn xuýt vào nhau cộng hưởng điệp trùng, như day dứt, giày vò thêm cái kiếp hồng nhan…

Cảm xúc thơ bao trùm lên nội dung và chi phối hình thức. Khi nỗi nhớ vùng quê Kinh Bắc, nỗi thù “lũ quỷ mắt xanh trừng trợn”, nỗi đau quê hương bị giày xéo – đốt lửa tron tim, cảm xúc đã tìm đến một hình thức để thơ ra đời. Ấy vậy nên Hoàng Cầm viết “Bên kia sông Đuống” bằng những lời cảm động:

“Bên khi sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường lánh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây, tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc giày vò những nét môi xinh”

Những dòng thơ tự do phóng khoáng làm cảm xúc tuôn trào tự nhiên, không gò ép trong khuôn khổ cũ, đã nói được những điều sâu thẳm tâm can mà chỉ có thơ mới chạm đến. Thơ hôm nay, trong ngổn ngang bề bộn, con người dường như mất dần kiên nhẫn để đợi một cái gì gọi là niềm tin và hi vọng, âu cũng vì lẽ ấy, Thơ trẻ lên ngôi thường mang nhịp điệu nhanh hơn, mạnh hơn cùng những hình ảnh táo bạo hơn… Thơ Vi Thùy Linh, Nguyễn Thúy Hằng, Bình Nguyên Trang…vẫn là những cố gắng để sáng tạo, tìm một lối mới cho thi ca đương đại.

Tâm hồn người làm thơ đẹp lắm, mơ mộng lắm, nhưng bao giờ cũng phải cúi xuống cuộc đời theo nghĩa trần thế nhất để yêu thương. Cẩu thả trong nghề văn là một sự ” đê tiện” (Nam Cao). Nhà thơ phải trân quý cái nghiệp của mình để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đích thực, bằng cái Tình, cái Tâm nhiệt thành với từng sự sống, bằng cái Tài phải xào nấu, trăn trở nhiều lần để tìm được tiếng nói riêng…

  • Kết bài:

Thơ đong đầy xúc cảm và người đọc hãy đón nhận nó bằng tất cả trải nghiệm và suy ngẫm. “Thơ là con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim”, hãy nghe, cảm nhận và đồng sáng tạo. Cái Tâm, cái Tình để cảm xúc đánh thức ” hành động sáng tạo trong thơ ca”, bao giờ cũng quý. Cần Tình để bao dung, cần Tài để Tình thăng hoa và nghệ thuật vượt ra ngoài quy luật băng hoại. Đã từ lâu, thơ ca bầu bạn với con người. Cũng từ độ ấy, con người càng tin, càng yêu và khát khao cho những giấc mơ về cái Chân, Thiện, Mỹ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang