lam-sang-to-nhan-dinh-khi-doc-xong-tac-pham-van-hoc-hung-thu-chu-yeu-la-tinh-cach-tac-gia-duoc-the-hien-trong-do-leptonxtoi

Làm sáng tỏ nhận định: Khi đọc xong tác phẩm văn học, hứng thú chủ yếu là tính cách tác giả được thể hiện trong đó (Leptonxtoi)

Khi đọc xong tác phẩm văn học, hứng thú chủ yếu là tính cách tác giả được thể hiện trong đó (Leptonxtoi).

Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên. Chứng minh bằng một số tác phẩm mà anh (chị) yêu thích.


Bài văn tham khảo:

Tuôc-ghê-nhep từng bàn luận về sứ mệnh sáng tác văn học rằng “Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói riêng của mình”. Chân dung, nhân phẩm, thế giới quan của người nghệ sĩ luôn hiện lên qua từng trang sách, qua mỗi con chữ mà anh ta viết nên. Cũng đồng tình với ý kiến của Tuôc-ghê-nhep, tác giả của “Chiến tranh và hòa bình” – Leptonxtoi phát biểu: “Khi đọc xong tác phẩm văn học, hứng thú chủ yếu là tính cách tác giả được thể hiện trong đó”. Gấp trang văn lại, hiện lên trước mắt bạn đọc là con người chân thực nhất của kẻ hành văn. Và một cuộc đối thoại trong tâm tưởng bắt đầu…

Tựa như những chú chim trong khu vườn rực rỡ xuân sắc, mỗi một loài chim cất lên một khúc ca riêng tạo nên bản nhạc giao hưởng hài hòa vang vọng, những nhà văn, nhà thơ cũng khao khát in dấu ấn riêng của mình vào từng trang viết, mong muốn ngân lên bài ca độc đáo, khác biệt hòa tấu cùng dàn đồng ca vĩ đại.

Những kẻ sĩ lấy ngòi bút làm tôn chỉ ấy mang trong mình một một dòng cảm xúc riêng, một cái nhìn tinh tế mới mẻ khác biệt, một giọng điệu chẳng ai giống ai, cùng nhau lên đường đi tìm cái đẹp cho chính mình.

Nhưng có lẽ không nên băng qua sa mạc nóng bỏng hay lướt trên đại dương mênh mông chỉ để tìm kiếm cái đã luôn ẩn chứa ngay trong tim mình. Chúng ta sinh ra là một bản thể, khác biệt, độc nhất. Không có đôi mắt nào giống đôi mắt nào, cũng chẳng bao giờ tìm được ở đâu hai ngòi bút giống hệt nhau. “Cá tính” mà Leptonxtoi đề cập trong nhận định của ông là nét tính cách riêng biệt nhất của một con người. Tính cách của một tác giả được định hình qua cách anh ta phác họa con chữ, điểm tô chi tiết, qua giọng điệu ngân vang và đặc biệt qua cách anh ta nhìn nhận, khám phá cuộc đời …

Những vẻ đẹp tính cách của người nghệ sĩ đã khiến người đọc phải chần chữ trên trang giấy, phải trăn trở, ngẫm suy về những gì mà tác giả viết. Cả trăm năm nay, đã có bao giọt lệ đổ xuống trang văn của Truyện Kiều? Những nỗi đau đến tận cùng của nàng Kiều vẫn ám ảnh trong nỗi nhớ của người đọc. Nhưng điều làm bạn đọc cảm phục nhất lại chính là tấm lòng và tài năng vô hạn của đại thi hào Nguyễn Du. Ngọc bút Nguyễn Du đã thể hiện tư tưởng, thế giới quan của mình qua những dòng thơ dân tộc. Tâm hồn của Nguyễn Du được bạn đọc cảm nhận bằng ngôn từ, bằng chất liệu nghệ thuật. Sáng tác văn học là việc không khó nhưng để bộc lộ tâm hồn mình thông qua ngòi bút không phải là điều dễ dàng.

Và như đại văn sĩ người Nga đã nói: “hứng thú chủ yếu là tính cách tác giả được thể hiện trong đó”. Vô vàn những con chữ trôi đi nhưng đọng lại một góc sâu nhất trong tâm hồn người đọc là con người của nghệ sĩ mà họ yêu mến. Ngàn đời sau, người Việt rồi vẫn sẽ ngâm Kiều, vịnh Kiều, ca Kiều. Hình ảnh Thúy Kiều đi vào những khúc ru của bà, qua câu thơ của mẹ và vang cả vào những bài học của con. “Kẻ hồng nhan bạc mệnh” ấy đã trở thành nét đẹp của văn hóa Việt như thế.

“Bà cụ không nhớ tên Nguyễn Du
Đâu có gì đáng trách
Một cái tên như bao cái tên thường
Nhưng cụ đã gởi lòng trong áng sách
Theo dõi đời Kiều từng đoạn từng chương”

Cái tên Nguyễn Du chưa hẳn người ta đã nhớ nhưng làm sao quên được những câu thơ lấp lánh vẻ đẹp nghệ thuật:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”

Làm sao quên được một tấm lòng nhân hậu sâu xa, một con người tri âm tri kỉ qua từng trang viết, một con người viết vui cái vui của bao người và khóc cho nỗi đau của nhân loại…

Chúng ta không thể trôi mãi trong những dòng văn tẻ nhạt chỉ hai màu trắng đen. Bạn đọc khó tính, khó chiều còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Tác phẩm phải là một bức tranh rực rỡ những mảng màu, thậm chí chúng ta muốn có sự pha trộn hòa quyện giữa những gam màu khác nhau để nói trắng cũng đúng mà nói đen cũng chẳng sai. Người ta đã tốn không ít giấy mực chỉ để bình về môt chữ “điền” trong “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Tìm hiểu và bàn luận cốt cũng chỉ muốn hiểu tâm tư, tính cách, dụng ý của nhà thơ. Hàn Mặc Tử sống một cuộc đời bất hạnh, cái bất hạnh đó theo ông đi vào thơ ca, day dứt, ám ảnh không nguôi. Những ca từ điên loạn, những ý thơ mơ hồ siêu thực trải dài trên từng con chữ. Hàn Mặc Tử đã tô vẽ những gam màu mờ ảo, không rõ nét cho nghệ thuật của mình. Ông như đang thách thức, đưa người đọc vào một thế giới mông lung huyền bí. Những đường nét ma mị, không rõ ràng nhưng vẫn rất cuốn hút và hấp dẫn. Cá tính “điên” của Hàn Mặc Tử đã tạo nên hứng thú trong lòng bạn đọc, khiến thơ của ông vẫn còn sống mãi, khiến người ta trăn trở mãi, không bao giờ phai nhạt theo thời gian.

Nhưng người đọc cũng chán ghét cái cung cách nhà văn, thi sĩ thể hiện mình lồ lộ trên trang giấy. Chúng tôi muốn bí ẩn, muốn phiêu lưu, muốn đào bới con chữ để tìm ra tâm hồn anh chân thật. Cuộc phiêu lưu chỉ thú vị khi chúng ta không biết cái gì đang tiềm ẩn phía trước. Hành trình đi tìm cái đẹp chỉ lôi cuốn khi con người khao khát cái kho báu tiềm tàng đang bị ngôn từ khỏa lấp. Và tâm hồn của nhà văn chính là cái mà bạn đọc ao ước tìm thấy, thấu hiểu để cùng giao hòa, đồng cảm.

Không thể chỉ đọc cái tiêu đề, đã thấu suốt con người anh. Đó chỉ là một bài văn nhạt nhòa, sẽ vội trôi đi theo dòng chảy thời gian và chúng tôi – những người đọc vùi nó vào phần trí nhớ mang tên Lãng Quên của mình.

Một bông hoa trở nên đẹp và rực rỡ cũng nhờ có ánh mặt trời chiếu rọi. Tác phẩm văn học cũng thế, tồn tại và tỏa sáng nhờ người đọc và cũng có thể chết bởi sự quên lãng của người đọc. Nhận định của Leptonxtoi lại một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong tác phẩm văn học, đó là cái cốt yếu tạo nên điều cốt tử của nghệ thuật

“Chiều. Chiều rồi, một chiều êm ả như ru. Văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”, hay “đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo sạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét…”, đó là những giai điệu êm đềm, đằm thắm, dịu nhẹ mà Thạch Lam đã cất lên bằng chính giọng ca của mình. Những câu văn ân tình, nhẹ nhàng mà thấm sâu vào lòng người đọc, những con chữ nhỏ bé, điệu văn thủ thỉ, khe khẽ, tâm tình nhưng đánh thức tâm tưởng bao con người. Hầu hết những nhà phê bình đọc truyện ngắn của Thạch Lam đều cho rằng: tác phẩm của ông như một bài thơ đượm buồn, man mác, lúc nào cũng cất giấu những bí mật sâu xa…

Cái riêng và độc nhất khiến giai điệu của Thạch Lam trở nên nổi bật rong dàn giao hưởng còn là ý nghĩa ca từ của ông. Lúc mà xung quanh chúng ta, cuộc sống mờ mịt và bế tắc, Thạch Lam lại đốt lên một ngọn nến. Nhỏ. Đơn độc. Nhưng vẫn là ánh sáng. Dù cho ánh lửa cỏn con ấy rồi sẽ bị đêm đen vùi dập nhưng Thạch Lam vẫn nâng niu, ngợi ca và tôn vinh vẻ đẹp của nó. Hai tác phẩm “Hai đứa trẻ”“Gió lạnh đầu mùa” của ông bị bóng tối bao phủ và tràn ngập gió rét của mùa đông. Nhưng chỉ với vài nét chấm phá, Thạch Lam đã làm những ước mơ rực sáng trong cái khắc nghiệt, tăm tối của cuộc đời. Chậm rãi, không gân guốc, không khoa trương nhưng vẫn chan chứa và thắm thiết tình người, Thạch Lam vẫn là Thạch Lam, và chỉ có Thạch Lam mới điềm đạm như thế.

Trong hành trình dài của nền văn học Việt Nam, phong trào Thơ mới nổi lên như một trang sách khác được lật mở. Những nhà thơ tiên phong đi đầu đã cùng hòa ca một giai điệu lạ kỳ. Nhưng, phá vỡ những quy phạm của thơ Đường, biến tấu linh hoạt về thể loại… những thứ đó thôi chưa đủ. Cảm xúc của các thi sĩ vẫn u uất, hoài cổ. Lão tướng Thế Lữ bồi hồi nhớ về “Thuở hống hách những ngày xưa”, Chế Lan Viên mong mỏi “một tinh cầu giá lạnh” và cả nỗi niềm bơ vơ “củi một cành khô lạc mấy dòng” của kiện tướng Huy Cận. Được phong danh hiệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”, Xuân Diệu lại hiện lên với vẻ đẹp riêng nhất, mới nhất, độc đáo nhất với dòng cảm xúc cuồn cuộn tuôn trào, tình yêu nồng cháy thiết tha, gắn bó với cuộc đời, với cả quan niệm nhân sinh mới mẻ:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”

Sẽ chẳng thể tìm đâu ra một giọng thơ rất “Tây”, phóng khoáng, rộng mở cùng những ngôn từ hay cách ví von kiêu sa, hoa lệ: “Thần Vui”, “Tháng Giêng ngon”, “tuần tháng mật” …. Nét bút xa lạ nhưng cũng rất thân quen đó như một tiếng chuông thức tỉnh bao con người đang muốn thoát li khỏi cuộc sống tươi đẹp. Cá tính mạnh mẽ, tràn trề nhiệt huyết ấy của Xuân Diệu tuy đi ngược lại với nếp nghĩ của hầu hết các nhà thơ cùng thời đại nhưng ông vẫn dám tự tin khẳng định tên tuổi của riêng mình. Một nếp nghĩ khác biệt, đối lập nhưng cách tân và mới lạ. Xuân Diệu đã khắc ghi dấu ấn riêng của mình trên văn đàn, một dấu ấn mới mẻ, rực rỡ, đậm đà….

Dù là điệu buồn man mác của Thạch Lam hay cái sôi nổi hào hứng của Xuân Diệu đều để lại những ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc, khiến người đọc tò mò về những gì mà người nghệ sĩ sẽ mang lại cho cuộc đời và cũng rất hiếu kì về tâm hồn tác giả qua những trang viết. Đó chính là cái “hứng thú”củangười đọc mà nhà văn Nga Leptonxtoi đã nêu lên trong ý kiến của mình.

Một câu hỏi được đặt ra: “Cá tính của người nghệ sĩ đến từ đâu?” Theo   tôi, đó là bản lĩnh sáng tạo của người cầm bút. Tài năng, trí thông minh, óc quan sát, sự thấu hiểu,… là những cái cần thiết nhưng cũng sẽ trở thành thứ yếu nếu tác giả giấu nhẹm nó đi dưới sự sợ hãi. Sợ người đọc không đón nhận, sợ những nhà phê bình chê trách, sợ dư luận, sợ xã hội đả kích… Nếu người cầm bút e ngoại trước những nỗi sợ tầm thường đó thì có lẽ văn học Việt Nam đã chẳng có một bức tranh “Tây Tiến” với vẻ đẹp bi tráng hào hùng:

“…Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Hay một “Màu tím hoa sim” vẫn dai dẳng giọt lệ trong nỗi nhớ…

“Những đồi hoa sim…
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa.
Áo tôi sứt chỉ đường tà,
Vợ tôi mất sớm mẹ già chưa khâu”

Chính bản lĩnh, lòng dũng cảm, nỗi khát khao muốn bày tỏ nỗi lòng, tình cảm, bộc lộ cá tính sáng tạo đầy chất trữ tình của mình mà cả Quang Dũng cùng Hữu Loan đã bất chấp sự đả kích, phải đối của xã hội lúc bấy giờ, can đảm giãi bày tấm chân tình của người chiến sĩ. Dù cho lửa đạn có vùi dập, người đời có chê trách thì nghệ thuật vẫn mãi là nghệ thuật. Nghệ thuật đúng nghĩa vẫn sẽ hiên ngang trỗi dậy vượt qua quy luật băng hoại của con nước bạc thời gian để neo mãi nơi những tâm hồn đồng điệu…

Cá tính của người nghệ sĩ phải được xây dựng qua một quá trình dài đầy gian nan. Không thể chỉ đọc qua “Chí Phèo” đã có thể nhận xét giọng văn Nam Cao “sắc lạnh gân guốc, tỉnh táo nghiêm ngặt” được. Cái lạnh lùng đôi khi hơi tàn nhẫn của Nam Cao được bộc lộ qua bi kịch bị mất đi quyền làm người của anh Chí, bi kịch cơm áo gạo tiền Hộ, Điền, lão Hạc, … qua cả những câu văn tưởng như vô tình mà có chủ ý của ông: “Chao ôi ! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ,thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn ; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương ; không bao giờ ta thương…”

Nhà thơ Lê Đạt cho rằng:

“Mỗi công dân có một dạng vân tay
Mỗi nhà thơ thứ thiệt cũng có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn”.

“Vân chữ” giúp bạn đọc nhận ra người nghệ sĩ ngay từ những câu văn, dòng thơ đầu tiên. Bài ca hay nhất phải là bài ca khác lạ, độc đáo nhất. Cái mới mẻ luôn gây kịch tính và khiến con người ta hứng thú. Để tìm ra được tính cách cũng như con người thật của mình không phải là điều dễ dàng. Người nghệ sĩ phải sống hết mình, trải nghiệm thật nhiều, dám xông pha, lăn xả, thể hiện rõ lập trường của bản thân. Sống độc nhất, không e sợ và rụt rè. Tất cả sẽ góp phần tạo nên một tâm hồn lớn và khác lạ.

Không những thế, nhà văn, nhà thơ tài giỏi là những người luôn không ngừng trau dồi kỹ năng, bồi dưỡng cho tài năng của mình ngày càng nổi bật và chín muồi hơn. Và một ngòi bút lớn thì cần có một trái tim lớn để cảm nhận và thấu hiểu. Bạn đọc muốn làm tốt vai trò đồng sáng tạo của mình cũng cần phải không ngừng học tập, tiếp thu tri thức, mở rộng tấm lòng để yêu thương và có một tâm hồn tinh nhạy để cảm nhận. Người nghệ sĩ sẽ chỉ là con chim nhỏ hót chơi vơi trên đầu ngọn lau nếu không có sự hòa ca của đồng loại. Bạn đọc cũng sẽ ngân lên tiếng hát của mình, hòa vào giai điệu hùng vĩ của dàn đồng ca quảng đại đó.

Nhận định đúng đắn, minh bạch của Leptonxtoi đã đề cập đến đề tài về cá tính sáng tạo của người hành văn. Theo như lời ông, cá tính của tác giả cũng chính là sự sống của tác phẩm. Mất đi cái riêng, văn học sẽ đi vào cõi chết. Bởi lẽ: “Nếu không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ” (Sekhop). Đồng thời nhà văn Nga còn đặt ra một thiên chức dành cho những người nghệ sĩ: một nhà văn, nhà thơ chân chính phải để lại những dấu chân trên con đường nghệ thuật của riêng mình, phải khắc ghi tên tuổi một cách đậm nét nhất để chỉ cần nhắc đến tên mình, người đọc vẫn có thể hình dung ra cả một thế giới tâm hồn rộng lớn, nồng hậu và chan chứa yêu thương…

Thời gian trôi đi, thế giới rồi sẽ đổi thay nhưng “Những câu thơ còn xanh/Những bài hát còn xanh” (Văn Cao) chừng nào ký ức về một con người riêng biệt vẫn còn tồn tại trong trái tim mọi người.

Làm sáng tỏ ý kiến: Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời (Sê-khốp)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang