“Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngưng nghiên cứu và quan sát”. (Nguyễn Minh Châu)
Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Bài văn tham khảo:
“Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé,
Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công
Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,
Thơ đã sinh ra và tình yêu cũng đến cùng.”
Thơ văn có tự khi nào? mà sao khi ta lớn lên, những ngôn từ ấy như một phần hồi ức vang âm trong ta những vần điệu đầu đời… Sức mạnh nào đã khiến thơ sống dậy trong ta những cung bậc xúc cảm, khiến ta chợt nhận ra ta yêu văn “yên đến cùng”? Ắt vì thơ là “mùa xuân “, văn là “khát vọng”, là “tiếng hát ru” ngây ngất …Ta đọc thơ, chìm vào miền cảm xúc của thơ, nhưng đã có khi nào ta nhớ ra rằng : những ai đã tạo ra thơ văn? những ai đã “thở ” tất cả cung bậc ấy vào cuộc sống? Đó chính là người nghệ sĩ, họ đã sống và một lòng đi về với thơ văn… Và, mỗi tác phẩm nghệ thuật qua quá trình lao động miệt mài chính là một giọt “tinh túy” ở đời. Như Nguyễn Minh Châu đã từng chiêm nghiệm rằng: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngưng nghiên cứu và quan sát”.
Từ lâu thơ văn đã xuất hiện mang đến hơi thở ấm áp cho cuộc đời, và người nghệ sĩ là những sợi dây đỏ gắn kết văn chương và thực tại, Nguyễn Minh Châu đã dùng một cách gọi vô cùng quen thuộc, gần gũi và rất đời cho nhà văn, nhà thơ – những con người sáng tạo nên nghệ thuật ngôn từ : “Người viết văn”. “nặng nợ với đời” – là sự hằn kết, gắn bó sâu sắc giữa nhà văn và cuộc đời. Nếu viết văn là một cuộc vay trả thì nhà văn là người vay theo cách mình muốn song lại phải trả cho đời một di sản – là những tác phẩm có giá trị và bất biến với cuộc đời qua bao kiếp trầm luân vô tận. Sáng tác văn chương hay còn có thể nói là “món nợ” phải trả, là cuộc đời phải sống. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Minh Châu đã đặt ra hai vế câu cỏ vẻ đối lập giữa sự hữu hạn, bé nhỏ của cuộc đời “anh ta” – con người và sự mênh mông, vô tận của cuộc sống “thực tế” – cuộc đời. Càng nhỏ bé, chật hẹp bao nhiêu con người ta càng mong mỏi hướng đến những thứ cao xa, rộng lớn bấy nhiêu.
Cuộc sống vốn đa diện, nhiều chiều. Nếu người nghệ sĩ không bắt kịp với sự sống thời đại, không khao khát khám phá hết bóng hình của cuộc đời thì văn chương của anh ta chỉ như “hoa giấy” (Xuân Diệu) hay như nốt nhạc lạc nhịp giữa bản hòa tấu tráng lệ không cho phép dù chỉ lỗi sai nhỏ nhất. “Không bao giờ được phép”- lói nói nhấn mạnh nhằm khẳng định quy luật bất biến của sáng tác văn chương : người nghệ sĩ phải mở lòng ra đón nhận những vang động của cuộc đời, phải đắm mình vào trang đời để dẫn lối ngòi bút chân xác nhất đến trang văn, phải “lặn lộn”- ngụp lặn trong bể đời để tìm chất vàng mười còn ẩn dấu dưới lòng sâu bọt bể. Phải dày công “nghiên cứu và quan sát” – công cụ đắc lực để người viết văn tiếp nhận bóng dáng cuộc đời qua lăng kính chủ quan của mình để tạo nên những tác phẩm có giá trị. Đó còn là chặng hành trình dài đỏi hỏi sự cần mẫn, miệt mài và đam mê. “Và” là liên từ nối thể hiện hai vế song hành. “nghiên cứu” – “quan sát” phải đồng hiện và chung hòa cho nhau, quan sát để hiểu rõ căn nguyên của vấn đề và nghiên cứu để làm sáng tỏ những căn nguyên đó. Ở đây Nguyễn Minh Châu đã có cách nhìn rất mới về nghề văn, sáng tác văn chương không chỉ là tìm tòi, quan sát mà còn phải khám phá, thẩm định và nghiên cứu chuyên sâu như một “nhà khoa học đời sống thực thụ”.
Ong phải vạn chuyến bay mới hút được phần tinh túy nhất của hoa. Nhà văn phải bằng mồ hôi, nước mắt, bằng tài năng, xúc cảm mới tạo nên những tác phẩm có giá trị cống hiến cho đời. Trên trang giấy trắng anh đừng đem cuộc đời đi “sao” một cách cứng nhắc, khuôn mẫu. Vô ích lắm! văn anh phải dâng trào cảm xúc, nghệ thuật phải sáng tạo, ngôn từ cô đọng thì người đọc mới tìm đến như một tặng vật. Vậy nên, sáng tác là một công việc hoàn toàn tự nguyện. Tác phẩm văn học ra đời là một quá trình tích lũy, thai nghén, “mang nặng đẻ đau”… Đọc lời bình luận đầy tính chiêm nghiệm của Nguyễn Minh Châu ta càng hiểu hơn về nghề văn, quá trình sáng tác gian lao của người nghệ sĩ.
Cuộc sống bao giờ cũng là nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận của những tâm hồn nghệ sĩ. Văn chương nếu không bén rễ vào cuộc đời, không hút nguồn nhựa sống dồi dào đang tuôn chảy trong lòng mạch ngầm sự sống thì nó mãi mãi chỉ là một cây non èo ọt, không mang trong mình sự cứng cáp, dẻo dai, xanh tươi dưới ánh sáng mặt trời. Là người viết văn, anh phải biết “lao” vào cuộc đời, ” thấm “hương đời, “nhuần ” tình đời rồi mới có thể viết, mới tạo ra được “mật” thơ văn lay động tâm hồn bạn đọc.
Thơ ca cũng như nghệ thuật nói chung đều bắt nguồn từ chính hiện thực cuộc sống. Đó là chân lý không ai chối cãi, cuộc sống chính là mảnh đất của thơ ca muôn đời. Sức sống của các câu thơ chính là hơi thở phập phồng của cuộc sống trong nó. Không có mùa thu đẹp đẽ của cuộc đời thì không thể có mùa thu đẹp đẽ của thi ca. Phải hướng thơ tới cuộc đời và cuộc đời mà thơ hướng tới phải là cuộc đời trăm hồng ngàn tía. Văn chương kết tinh muối mặn của đời, và chất muối ấy qua tâm hồn nghệ sỹ mới thành hạt, nên hình. Chế Lan Viên – người đã từng trải nghiệm thấm thía điều này nên trong bài “Sổ tay thơ” thi sĩ đã viết :
“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.
Cái xào xạc, hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh, nhưng nó là mùa…”
(“Sổ tay thơ” – “Đối thoại mới” )
Nhà văn phải khám phá và sáng tạo, không được xa rời hiện thực bằng những “danh từ điêu trá”. Không tô hồng cũng không bôi đen hoặc sao chép hiện thực. Là một “vị chánh án tối cao trong phiên tòa” đưa ra những lời thẩm định về cuộc đời, nếu anh viết thiếu lập trường, chính kiến, tư duy sắc sảo và sự hiểu biết…thì những điều ấy hóa ra chỉ là sự dối lừa, lừa chính mình và lừa cả đồng loại. Đọc thơ mà ta thấy được hình bóng của cuộc đời, đồng thời tìm được tiếng lòng của nhà thơ, đấy mới là thơ ca đích thật!
Nếu không có Nguyễn Du với tài năng uyên bác, không 10 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, không chứng kiến bao cảnh đời bấp bênh trước “con sóng đời”, hay không trải nghiệm bản thân trong gian truân, đau khổ…thì sẽ không có “Truyện Kiều”, không có “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc với những câu thơ tận cùng của nỗi đau, bi kịch. Hồ Xuân Hương nếu không xuất thân trong một gia đình phong kiến suy tàn, không có hoàn cảnh giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội thì đã không có những vần thơ đậm chất ngang tàng về thời cuộc, không “vẽ” nên được chân dung thời đại cùng cuộc đời con người một cách vừa lả lơi, bỡn cợt, vừa thanh tục lại lãng mạn như thế được…
Ở mỗi cuộc đời, mỗi cách sống riêng, ta lại bắt gặp một chất văn chương riêng… “Như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt / Một giọt mật thành đòi vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên). “Giọt mật” cũng phụ thuộc vào đó, anh muốn thơ anh lấy được nước mắt, niềm cảm thương của độc giả, trước tiên anh phải hiểu đời , hiểu cái ” bi ” trong nó, và anh phải khóc cho hết nước mắt cái đã…Thế mới hiểu, ” giọt mật ” muốn được tạo ra thì không thể xa rời ” trăm hoa “, như nhà thơ không thể trật khỏi vòng đời biết bao nhiêu mảng màu cần được chắt lọc. Là nhà thơ, nhà văn hẳn anh hiểu thiên chức và tài tâm của mình…
Anh muốn tạo những vần thơ có sức lay động lòng người. Thơ anh muốn vượt qua mọi định luật băng hoại của thời gian và không thừa nhận cái chết, anh phải làm tròn thiên chức người nghệ sĩ. Nghĩa là anh phải sống, “sống say sưa, sống nhiệt tình, song phải biết tỉnh táo” (“Mãi mãi tuổi 20”) với cuộc đời và phải đem hết tâm huyết, sức lực để tìm tòi, khám phá. Bởi sự vật chỉ có thể phát hiện được toàn bộ bản chất nếu nó được nhìn từ bề sâu, từ bên dưới , từ phía sau , từ bên trong, “khai quật các tầng sâu”,”ăn vào mùi hương trầm tích” (Từ của Chế Lan Viên). Nghiêng về miêu tả bề mặt hiện thực hay giải thích hiện tượng đời sống chỉ là bề nổi trong “tảng băng trôi” , lúc ấy tác phẩm của anh sẽ chứa ngồn ngộn hình bóng cuộc đời song lại thiếu đi tính hấp dẫn, lung linh hay sự lắng đọng trong lòng người đọc.
Chính Nguyễn Minh Châu cũng từng chiêm chiệm “văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm chính là con người”. Sự quan tâm đến con người không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận, đánh giá diện mạo, ngôn ngữ, hành động mà đặc biệt còn phải thấu hiểu đời sống nội tâm sâu kín, cảm xúc phong phú, tinh vi của con người. Đó là thế giới bên trong thầm kín, thế giới luôn gợi niềm trăn trở cho mỗi người nghệ sĩ tìm tòi, khám phá, lí giải. Như một nhà thơ nước ngoài từng nói:
“Phải phí tổn hàng ngàn quặng chữ
Để thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy khiến ta rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”
“Mùa lá rụng trong vườn “ của Ma Văn Kháng là những nỗi đau của nhà văn trước sự băng hoại nhân cách, ích kỉ đang phá tung mọi sợi dây gắn bó đồng loại đến từng cá nhân, gia đình bé nhỏ . Ma Văn Kháng đã dùng hình ảnh ẩn dụ mùa lá rụng để nói lên qui luật đó. Mọi loài cây trong vườn vào mùa thay lá đều biến đổi. Chúng trút bỏ những chiếc lá vàng cũ kỹ, thay vào đó là những chiếc lá non tơ mơn mởn. Nhưng những chiếc lá mới ấy cũng mọc lên từ những cành mà trước đó không lâu nó đã rũ bỏ không thương tiếc những chiếc lá cũ.
Bởi thế, “Mùa lá rụng trong vườn” không chỉ đề cập vấn đề “thời kỳ quá độ đôi khi cuốn hút chúng ta vào những mục tiêu kinh tế, cơ sở vật chất, kỹ thuật… mà xem nhẹ việc xây dựng con người, xây dựng cá nhân, xây dựng cá tính…” hay “lối sống ích kỷ, buông thả theo những dục vọng thấp hèn, coi đồng tiền là trên hết, bất chấp những nguyên tắc luật lệ của đạo đức xã hội đang có nguy cơ xâm nhập vào từng gia đình, làm đảo lộn những gì trước đây cho là thiêng liêng, cao cả” mà còn nêu lên yêu cầu đổi mới gia đình truyền thống cho phù hợp với xã hội mới. Phải “nặng nợ với cuộc đời”, “quan sát”, “ nghiên cứu” và đắm mình trong từng nhân vật, nhà văn mới có một cách nhìn chân xác đến thế. Để rồi đọc tác phẩm ta hiểu rõ hơn lòng mình, biết trân quý những vẻ đẹp văn hóa dân gian, biết giữ lại chính mình trước những biến đổi thăng trầm, trước sự tác động khủng khiếp của nền kinh tế thị trường.
Giooc-giơ Xăng cùng đã từng nhấn mạnh : “Nghệ thuật không phải là một năng khiếu có thể phát triển mà không cần mở rộng kiến thức về mọi mặt. Cần phải sống, phải tìm tòi, phải xào nấu lại rất nhiều, phải yêu rất nhiều và chịu nhiều đau khổ, đồng thời không ngừng kiên trì làm việc”. Người nghệ sĩ theo mỗi quan niệm là một cách định hình riêng, nhưng chung nhất vẫn là phải ” yêu”,”sống”…Phải bỏ ra “vạn chuyến ong bay”, phải không ngừng “nghiên cứu và quan sát”…Có thể nói rằng, làm một con người chân chính đã khó, làm một nhà văn đúng nghĩa còn khó hơn bội lần, biết vực sâu mà cũng phải lao đến, biết hang hùm mà vẫn phải dấn thân.
Nguyễn Minh Châu đã đặt ra yêu cầu mật thiết cho mỗi người nghệ sĩ : phải “nghiên cứu và quan sát” không ngừng, phải trau dồi TÀI – TÂM và coi sáng tác văn chương là một quá trình lao động nghiêm túc để tạo ra được những “đứa con tinh thần” tạo lực đẩy cho quá trình vận động văn học, có ý nghĩa gieo giống cho những “mùa sau”….
Người ta sinh ra trong cuộc đời để mà tận hưởng, phải chăng nhà văn sinh ra để mà tận hiến? Cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học, cống hiến tất cả sức lực, trí tuệ, tài năng, tâm hồn của mình để mang đến cho con người, cho nhân loại những âm điệu của thơ ca, của cuộc sống. Để từ đó, muôn đời văn chương tác động trở lại và có khả năng nhân đạo hóa con người.