Viết ra không phải là việc khó; cái khó là phải có những câu chuyện gì đáng kể để kể, những tư tưởng gì đáng ghi để ghi (Jérôme và Jean Tharaud)
Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy phân tích những câu chuyện đáng kể đã kể và những tư tưởng đáng ghi đã ghi trong một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam 1930 – 1945 đã học.
Hướng dẫn làm bài:
1. Cách hiểu về ý kiến:
– “Những câu chuyện đáng kể”: đó là những câu chuyện hay, gây chú ý, hấp dẫn, có nhiều ý nghĩa, vừa phản ánh được bản chất của đời sống vừa có khả năng khơi dậy ở lòng người những xúc cảm, nghĩ suy … Những câu chuyện đáng kể không chỉ là những câu chuyện mà còn chính là nhận thức, là đôi mắt, là khả năng khám phá, phát hiện đời sống… của nhà văn. Cuộc sống xung quanh ta có biết bao những câu chuyện, cái khó là ở chỗ anh phải có đôi mắt như thế nào để nhìn ra được những câu chuyện đáng kể. Nếu kể những câu chuyện không đáng kể tác phẩm của anh sẽ không đáng đọc. Chỉ có những câu chuyện đáng kể mới có khả năng làm cho tác phẩm của anh đáng sống…
– “Những tư tưởng đáng ghi”: tư tưởng đó là một phán đoán về hiện thực, là cách nhìn, cách đánh giá hiện thực theo một quan điểm, một tình cảm nhất định của tác giả. Những tư tưởng đáng ghi bao giờ cũng phải là những tư tưởng đúng đắn, sâu sắc, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, tiến bộ, đó là những tư tưởng vì con người… Không có những tư tưởng đáng ghi anh sẽ không thể là nhà văn. Tư tưởng càng sâu sắc, càng đúng đắn, phù hợp, tiến bộ bao nhiêu tác phẩm của nhà văn càng giá trị, có chiều sâu bấy nhiêu…
→ Không phải ai cũng dễ dàng trở thành nhà văn. Trước khi cầm bút viết văn người nghệ sĩ cần phải giải được bài toán khó: tìm được những câu chuyện đáng kể để kể và có những tư tưởng đáng ghi để ghi. Những câu chuyện, những tư tưởng ấy chính là nguồn để khơi gợi cảm hứng sáng tác. Nguồn cảm hứng này sẽ chắp bút cho nhà văn, thôi thúc nhà văn cầm bút. Và khi phẩm chất tài hoa nghệ sĩ giúp nhà văn kể lại những câu chuyện đáng kể, ghi lại những tư tưởng đáng ghi khi đó chúng ta có tác phẩm văn học. Có câu chuyện đáng kể, có tư tưởng đáng ghi làcái khó và sự thật là viết ra cho hay không đơn giản, đó cũng là cả một vấn đề…
2. Phân tích những câu chuyện đáng kể đã kể và những tư tưởng đáng ghi đã ghi trong một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam 1930 – 1945
– HS tự chọn một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam 1930 – 1945 đã học để phân tích. Khi phân tích cần làm nổi bật được những câu chuyện đáng kể, những tư tưởng đáng ghi trong tác phẩm là gì và vì sao đó là những câu chuyện đáng kể, những tư tưởng đáng ghi…
– HS cũng phải biết thực hiện thao tác so sánh giữa những tác phẩm đã chọn.
3. Ý nghĩa của vấn đề:
– Đối với người sáng tác: muốn viết được tác phẩm văn học theo đúng nghĩa nhà văn cần phảisống đã, cần phải rèn thói quen quan sát với tinh thần khám phá, nghiên cứu đời sống… Thiết nghĩ nhà văn hãy để tư tưởng tình cảm của mình soi đường dẫn lối cho tư tưởng tình cảm của những người khác…
– Đối với người đọc: thấy được, hiểu được và cùng suy ngẫm với nhà văn về những câu chuyện cuộc đời; trân trọng những đóng góp lớn lao, tài và tâm của người nghệ sĩ…
4. Nhận xét, đánh giá chung:
– Viết ra không phải là việc khó; cái khó là phải có những câu chuyện gì đáng kể để kể, những tư tưởng gì đáng ghi để ghi