Lí giải vì sao Nguyễn Du lại tả sắc đẹp của Thúy Vân trước rồi mới tả đến sắc đẹp và tài năng của Thúy Kiều?
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc mà kết tinh tư tưởng, tình cảm và tấm lòng của ông chính là kiệt tác “Truyện Kiều”. Tác phẩm đã thể hiện một tài năng độc đáo trong nghệ thuật tả người mà đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là một ví dụ điển hình.
“Vân thì trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…”
Tuy ngay từ đầu đoạn trích tác giả đã giới thiệu “Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân“. Nhưng đến khi miêu tả, Nguyễn Du lại miêu tả Thúy Vân trước, Thúy Kiều sau.
Với vẻ đẹp của Thúy Vân, ông đã sử dụng các hình ảnh ước lệ điển hình để vẽ nên một bức tranh thiếu nữ tuyệt đẹp: khuôn mặt tròn như mặt trăng, giọng nói trong như ngọc, nụ cười đẹp như hoa, da trắng hơn tuyết,…
Từ cái nền đã dựng sẵn, tác giả miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều. Đây chính là nét đặc sắc và sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du so với Thanh Tâm Tài Nhân. Miêu tả Thúy Vân làm đòn bẩy để tả Thúy Kiều. Thúy Vân đã đẹp nhưng Thúy Kiều còn đẹp hơn, còn “sắc sảo mặn mà” hơn. Vẻ đẹp của Thúy Kiều càng trở nên nổi bật.
Một nét đặc biệt nữa trong nghệ thuật tả người của Nguyễn Du ở đoạn trích này đó là: tác giả đã tả Vân thật cụ thêr, từ khuôn mặt cho đến nước da, còn với Kiều, Tố Như chỉ xuyết điểm vẻ tươi trẻ tràn đầy sức sống với “làn thu thuỷ, nét xuân sơn” và ngợi ca tài năng xuất chúng của nàng.
Như vậy, qua phép đòn bẩy (tả vẻ đẹp của Thúy Vân trước Thúy Kiều) và những hình ảnh ước lệ, tượng trưng, Nguyễn Du đã miêu tả thành công vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều, đồng thời qua đó khẳng định một tài năng nghệ thuật lớn.