»» Nội dung bài viết:
Nghị luận: “Lời nói tuy vô hình nhưng có sức mạnh to lớn”
- Mở bài:
Xưa nay, không ít người chỉ bằng lời nói mà làm nên việc lớn. Cũng không ít người chỉ vì lời nói mà rước họa vào thân. Mới hay, lời nói tuy vô hình nhưng có sức mạnh xoay chuyển càn khôn, điên đảo trời đất. Làm người biết được sức mạnh của lười nói mà sống cho phải đạo lí, biết tu dưỡng lấy mình mới mong có cuộc đời êm đẹp, thanh bình.
- Thân bài:
Lời nói là gì?
Lời nói là sự diễn ngôn ngữ được biểu hiện dưới dạng nói. Lời nói là hình thức giao tiếp quan trọng nhất của con người. Ngôn ngữ giao tiếp được biểu hiện dưới dạng lời nói mang những đặc trưng riêng, có tính tùy biến cao để phù hợp với từng hoàn cảnh và dối tượng giao tiếp nhằm hướng đến một hiệu quả giao tiếp nhắn gọn và cao nhất.
Sức mạnh của lời nói:
Với sự hỗ trợ đắc lực của ngữ điệu, thái độ trong giao tiếp, lời nói phát huy sức mạnh to lớn trong việc thực hiện việc trao đổi thong tin trong giao tiếp, đồng thời bọc lộ tư tưởng, tình cảm của con người. Lời nói tỏ ra đầy sức mạnh trong từng hoàn cảnh giao tiếp và mục đích của người nói. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói thiếu trách nhiệm và tình thương có thể giết chết một người đang trong cơn tuyệt vọng. Lời nói tuy không có hình thể, nhưng có tác động mạnh mẽ đối với con người.
- Nghị luận về sức mạnh của lời nói
- Nghị luận: “Người giàu tặng của cải, người khôn tặng lời nói”
- Nghị luận: “Lời nói dối thường ngọt ngào, lời nói thật thường khó nghe”
Bởi thế, xưa nay, con người luôn rất cẩn trọng mỗi khi nói thành lời. Người xưa có câu:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Ngoài chức năng trao đổi thông tin, lời nói còn là phương tiện để gắn kết tình cảm của con người. Nhờ lời nói tốt đẹp mà tình cảm con người trở nên tốt đẹp, thân thiện và bền vững hơn. Chính nhờ lời nói mà con người thấu hiểu, đồng cảm lẫn nhau, tăng cường tình yêu thương trong xã hội.
Con người đã biết vận dụng sức mạnh vô hạn của lời nói để thành công trong công việc và trong đời sống. vận dụng sức mạnh của lời nói để thành công là mọt lựa chọn thông minh bởi lời nói luôn sẵn có ở mỗi con người. Nó không cần phải chuẩn bị dài lâu hay vận động từ những nguồn lực khác. Người nói luôn chủ động điều chỉnh trong mọi tình thế làm cho nó tốt hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn với mục đích giao tiếp của mình.
Trong lịch sử dân tộc ta, các bậc anh hùng đều là người có tài ăn nói phi thường. Trần Quốc Tuấn với bản hùng văn Hịch tướng sĩ mà có thể làm cho tướng sĩ thức tỉnh, khơi bừng sĩ khí, vực dậy lòng quân. Lời văn chân thành thống thiết, thấu tận nhân tâm khiến ai ai cũng rơi lệ hối hận về những hành động sai trái và thái độ thờ ơ của mình với vận mệnh đất nước. Nguyễn Trãi với những bức thư mà có thể khiến cho kẻ dịch quy hàng, phiến quân thuần phục, nhân dân ủng hộ hết mình. Những bức thư của ông được tập trung lại thành bộ Quân trung từ mệnh được đánh giá có sức mạnh hơn mười vạn quân. Thật đáng khâm phục.
Trên thế giới cũng không ít người bằng lời nói mà đạt được mục đích của mình. Hitler chỉ bằng lời nói mà lấy được niềm tin của thanh niên Đức, khiến họ tin tưởng vào sứ mệnh làm thay đổi thế giới, hăng hái ra chiến trường chiến đấu, phục vụ mưu đồ của bọn phát xít. Cái tài của Hitler là chỉ bằng lời nói mà có thể lừa dối cả dân tộc Đức, thực hiện tham vọng bá chủ thế giới. Lãnh tụ Le-nin với bài diễn thuyết đầy bản lĩnh, hùng hồn và thuyết phục đã khiến cho toàn thể giai cấp vô sản nước Nga tin vào một tương lai tươi sáng với đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng đất nước Chủ nghĩa xã hội.
Và còn biết bao nhiêu câu chuyện khác nữa về sự thành công vang dội của các vĩ nhân khi họ phát hy sức mạnh phi thường của lời nói. Thế nhưng, lời nói chỉ phát huy sức mạnh hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích của lời nói và bản lĩnh của người thực hiện lời nói. Mục đích của hành động nói phải tốt đẹp, hướng vào số đông, phục vụ lợi ích của số đông. Người thực hiện hành động nói phải là người uy tín, trí tuệ, được mọi người hết mực tin tưởng thì điều kì diệu ấy mới xảy ra được.
Lời nói vô hình nhưng sắc như dao nhọn và độc hơn rắn rết. Những lợi ích nó mang lại là hết sức lớn lao và những tổn thương của nó cũng rất khủng khiếp, không thể lường trước hết được. Bởi thế, hãy cẩn thận với những gì mình nói. Đừng hủy diệt tinh thần của một người đang trong hoàn cảnh khốn khó bởi những lời nói tiêu cực của mình. Thay vào đó, hãy biết dành thời giờ để động viên và khích lệ họ.
Việc thành bại đâu chỉ có chí lớn mà thành. Trước là để nắm vững cơ hội, sau là lời nói thuận lòng người. Cuộc sống của chúng ta và mọi người xung quanh trở nên như thế nào tuỳ thuộc vào chính thái độ và những lời nói của chúng ta. Bởi thế, hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói để không phải hối hận.
- Nghị luận: “Không có gì tốt đẹp bằng những lời nói chân thật”
- Nghị luận: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Vận dụng lời nói như thế nào để thành công trong công việc và trong đời sống:
Muốn phát huy được sức mạnh của lời nói không gì quan trọng hơn là ý thức rõ ràng về sức mạnh (tích cực và tiêu cực ) của nó. Biết cái lợi để mà tận dụng, phát huy. Biết cái hại để mà hạn chế, né tránh, không gây tổn hại cho người khác và cho bản thân mình.
Nên vận dụng lời nói đúng lúc, đúng đối tượng giao tiếp. Linh hoạt trong lời nói để đạt được mục đích cao nhất nhưng không vì thế mà giảo hoạt, giả dối, lừa bịp người khác. Phải có lập trường vững vàng trong giao tiếp.
Luôn ý thức nâng cao bản lĩnh trong giao tiếp. Nói lời thì phải giữ lấy lời. Không nên ngụy biện khi mình sai trái. Thành thật trong lời nói giúp ta được người khác tin tưởng, yêu thương và giúp đỡ để thành công.
Phát hiện và kiên quyết chống lại những kẻ dùng lời nói để mưu lợi cho bản thân hoặc hãm hại người khác. Thực hiện lối sống lành mạnh, tiến bộ, ngôn phong chuẩn mực trong cộng đồng.
Lời nói có thể làm con người đẹp hơn hay trở nên xấu xí hơn trong mắt người khác. Tất cả phụ thuộc vào những gì bạn nói và cách bạn nói với mọi người.
Phê phán: Trong cuộc sống, có nhiều người lợi dụng sức mạnh của lời nói để lừa dối, mưu lợi cho bản thân hoặc hãm hại người khác. Có nhiều người thiếu cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, để kẻ khác lợi dung khiến bản thân rơi vào nguy hiểm, tai họa đến nỗi tan nhà nát cửa. Những người như thế thật đáng che trách.
- Kết bài:
Kiếm có thể làm tổn thương thân thể, lời nói có thể làm tổn thương tâm hồn. Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột. Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời. Một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng. Nhưng một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc. Hãy luôn ý thức trách nhiệm của mình khi nói và nên nói những lời đúng đắn và tốt đẹp để gắn kết tình người trong cuộc sống này.
- Những câu nói hay về sức mạnh của lời nói:
“Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”
“Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”