»» Nội dung bài viết:
“Nghệ thuật có thể chỉ là những tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng – Nam Cao)
Nhận định trên gợi cho em suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống? Hãy phân tích một vài câu thơ tiêu biểu trong bài thơ “Tiến sĩ giấy” (Nguyễn Khuyến) và “Vịnh khoa thi hương” (Trần Tế Xương) để làm rõ nhận định trên.
Gợi ý làm bài:
1. Giải thích ý kiến:
– Nghệ thuật: hình thái ý thức xã hội đặc thù phản ánh tồn tại xã hội và bày tỏ quan điểm của con người với đời sống. Văn học là loại hình nghệ thuật ngôn từ.
– “tiếng đau khổ kia”, “những kiếp lầm than”: Hiện thực cuộc sống bộn bề, biến động với những mảnh đời cơ cực, bất hạnh… Ở đây, “những tiếng đau khổ” vừa xuất phát từ những kiếp đời bi kịch của hiện thực, vừa cất lên từ trái tim người nghệ sĩ khi mở rộng tâm hồn mình đón nhận những vang vọng của hiện thực.
⇒ Nhận định của Nam Cao bàn về mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống: nghệ thuật chính là bức tranh phản ánh hiện thực cuộc sống.
2. Bàn luận ý kiến:
– Nhận định của Nam Cao là đúng đắn.
– Văn học chính là tấm gương phản ánh cuộc sống, hiện thực chính là nguồn chất liệu, nguồn cảm hứng bất tận của tác phẩm văn học. Không có tác phẩm nào không phản ánh cuộc sống và do vậy không nhà văn nào có thể sáng tác nếu không gắn mình với hiện thực cuộc sống.
– Cuộc đời là điểm khởi đầu và cũng là điểm đi tới của văn chương, văn chương tác động vào con người và qua đó cải tạo hiện thực cuộc sống. Nếu không đi sâu khơi phá, tìm tòi bản chất hiện thực, làm cho con người hiểu rõ hiện thực mình đang sống, thì văn học sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh của mình.
– Hơn nữa, vai trò, sứ mệnh của nhà văn rất cao cả, đó là “người cho máu”, là người “nâng giấc cho những kẻ cùng đường tuyệt lộ” (Nguyễn Minh Châu), mỗi nhà văn cần đi sâu vào biển hiện thực để khám phá những bản chất, những quy luật của đời sống, đồng thời cần phải mở rộng tâm hồn mình để đón nhận những nỗi đau, những vang vọng của cuộc đời, có như vậy tác phẩm mới có thể neo đậu trong trái tim bạn đọc.
– Về phía người đọc, họ tìm đến tác phẩm văn học như một cách để giúp mình hiểu đời, hiểu người và qua đó thấu hiểu chính mình. Nếu nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng không phải là “những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”, không trở thành một cuốn sách giáo khoa chân thực về đời sống, thì nó sẽ bị người đọc khước từ và nhanh chóng rơi vào quên lãng.
3. Chứng minh qua bài thơ “Tiến sĩ giấy” và “Vịnh khoa thi hương” của Nguyễn Khuyến:
– Có thể thấy cả hai tác phẩm “Tiến sĩ giấy” và “Vịnh khoa thi hương” đều là “những tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than. Cả hai tác phẩm đã vẽ nên thực trạng thi cử hỗn loạn đau đớn, chỉ ra hiện thực hệ tư tưởng nho giáo suy tàn trong bối cảnh mất nước:
+ Bài thơ “Tiến sĩ giấy”:Bằng bút pháp song quan, Nguyễn Khuyến vừa khắc họa hình ảnh món đồ chơi quen thuộc, vừa phê phán những ông nghè giả kiêu căng tự đắc nhưng thực ra bất tài vô dụng, đồng thời cũng tự cười cợt, tự trách chính mình.
+ Bài thơ “Vịnh khoa thi hương” phơi bày thực trạng thi cử nhố nhăng, xô bồ, sự suy tàn của tư tưởng Nho giáo trong thời kì thực dân Pháp xâm lược. Nhà thơ Trần Tế Xương tấn công trực diện vào đối tượng để phê phán, chê cười.
– Đằng sau hai bài thơ, ta nhận ra “những tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” còn cất lên từ chính tâm hồn của tác giả khi đối mặt với hiện thực xô bồ, hỗn loạn của thời cuộc:
+ Tiến sĩ giấy: Bi kịch “con người thừa” luôn day dứt, ám ảnh suốt cuộc đời nhà thơ. Nhà thơ tự cười cợt, tự trách mình bởi bất lực không thể làm gì giúp cho đất nước.
+ Vịnh khoa thi hương: đằng sau tiếng cười là nỗi đau đớn khắc khoải của Trần Tế Xương trước cảnh đời đen bạc, trước nỗi nhục mất nước. Sinh thời ông từng bi phẫn mà phải thốt lên rằng: “Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ/ Giương mắt trông chi buổi bạc tình”
4. Khẳng định lại tính đúng đắn của nhận định:
– Sống cùng thời đại, cùng chọn tiếng cười làm thủ pháp thể hiện, nhưng đằng sau tiếng cười ấy cả hai nhà thơ đều gửi gắm nỗi đau của mình. Tựu chung lại, đó chính cảm giác trống rỗng của tầng lớp nho sĩ khi chứng kiến hệ tư tưởng ngàn năm mà mình từng theo đuổi sụp đổ. Đó là nỗi đau, nỗi nhục của một người công dân mất nước. Tiếng cười, sự phán xét ở đây xuất phát từ chính cái nhìn của người trong cuộc, là kết quả của việc người nghệ sĩ “đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta” (Heinrich Boll).
– Tuy nhiên, sự phán ánh hiện thực không bao giờ là sự sao chép vô hồn, mà bao giờ cũng in đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ:
+ Cách thức tạo tiếng cường: Nguyễn Khuyến khai thác mâu thuẫn bên trong của đối tượng, Trần Tế Xương khai thác các mâu thuẫn bên ngoài.
+ Giọng điệu trào phúng: Nguyễn Khuyến thâm trầm, thâm thúy; Trần Tế Xương mỉa mai, giễu cợt, với tiếng cười gằn “như mảnh vỡ thủy tinh”.
+ Đối tượng trào phúng: Nguyễn Khuyến hướng đến tầng lớp quan lại chóp bu, Trần Tế Xương hướng đến tầng lớp nho sĩ thị dân.
+ Nguyên nhân sự khác biệt: Cá tính và cuộc đời riêng của từng tác giả