nghe-thuat-tren-dong-thoi-gian

Nghệ thuật, điên và sự phi thường.

Nghệ thuật, điên và sự phi thường.

Hàn Mặc Tử nói: “làm thơ tức là điên. Tôi thêm: “làm thơ tức là sự phi thường” – trong tựa tập Điêu tàn Chế Lan Viên đã nói thế. Xưa thi nhân lấy cái tiêu sơn, mặc cảnh làm thú tiêu dao, nay thi nhân lấy cái hoang tàn, ủ rũ làm điều lạc thú. Phải chăng ta kém cõi, không có được cái chí như người xưa?

Phải đủ sức điên đề làm nên những điều phi thường. Các thi sĩ ở xứ ta dường như ai cũng làm thế chứ không riêng gì Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và các nhà thơ lãng mạn khác. Họ điên cuồng mơ tưởng. Họ điên cuồng sáng tạo. Họ điên cuồng nói những lời mà nhân gian khó hiểu và không ngừng tôn vinh điều đó. Thiên hạ lại cho rằng họ phải điên để đủ sức tìm kiếm vào thế giới u huyền của niềm khổ đau và hạnh phúc trong nghệ thuật, chấp đôi cánh cho nàng nghệ thuật bay cao (và cũng có thể là cho chính họ), được bay vào một thế giới khác thường nào đó. Đó là một sự ảo tưởng ghê gớm. Nhưng có lẽ, ta cũng phải thử điên một lần.

Đứng trước bức tượng Apsara tôi không ngừng suy nghĩ. Nhìn thấy vết thời gian đang mài mòn pho tượng mà không khỏi nao lòng. Quá khứ đã bay đi trên đôi cánh của thời gian và chỉ còn lại đây những vết thương âm ỉ đêm ngày. Sự khác biệt của quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là một ảo tưởng nhưng đứng trước hình dung này ai dám chắc rằng sẽ không còn sự đổi thay nào khác?

Và nghệ thuật trên dòng thời gian cũng thế, nó luân chuyển không ngừng và chưa bao giờ nó thôi làm cho người ta rạo rực kiếm tìm. Người ta vừa yêu lại vừa sợ nó. Yêu là bởi nó đẹp. Sợ là bởi nó mong manh. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Sự vô nghĩa lý ấy chính là cái tinh chất làm nên nghệ thuật đấy. Bởi bước vào nghệ thuật là anh đã bước vào cái thế giới riêng biệt chưa từng có và không bao giờ lặp lại. Cứ rời chân đi là lập tức anh rơi vào một thế giới khác. Đừng bao giờ cố tìm kiếm một chân lý hay nguồn sống rõ ràng nào trong những thế giới ấy mà anh đang cần. Thú thực là nó không hề có. Bởi nghệ thuật là ảo ảnh, là hương thơm, là ánh sáng, là thanh âm, là bóng hình mờ mờ ảo ảo… Làm sao có thể ôm được ảo ảnh, gói được hương thơm, gom được ánh sáng, hứng được âm thanh, bắt được hình bóng với đôi bàn tay tầm thường và vấy bẩn?

Tôi không đi tìm một thế giới xa xôi huyền ảo nào. Với tôi, mặt đất chính là thiên đường của mọi điều chân thực và ảo vọng; hồn tôi chính là vũ trụ kì bí, siêu nhiên. Không có một thế giới nào nữa có tồn tại hai điều ấy. Tôi luôn đi tìm cái vĩnh hằng trong tâm linh của chính mình và gói ghém nó cẩn thận trong những câu thơ vụng về. Thơ vừa là con đường đưa dẫn tôi khám phá thế giới vừa là dòng sông chuyên chở mọi ưu tư, sầu muộn, mọi chiêm nghiệm và trắc ẩn trước cuộc đời. Thơ không hề thiên vị, ích kỉ hay bất cứ một toan tính nào khác. Nó vượt lên cám dỗ và chiến thắng mọi sự giả dối, tầm thường. Thơ ca phải thân nhân từ và độ lượng.

“Thơ với sự sống và cái chết chỉ là khoảnh khắc nhưng sự tri âm về nó là mãi mãi…”. Hãy cứ điên đi hỡi các thi sĩ. Bởi chỉ ở trong trạng thái ấy anh mới đủ dũng cảm hiến dâng mình cho nghệ thuật. Và hãy cứ sai lầm nếu anh chưa thể làm đúng. Những ngôi sao không sợ sự xuất hiện của những con đom đóm, những dòng sông chân lí thường chảy qua những con kênh lầm lỗi. Còn điều chân thiện luôn ẩn nấp trong những bóng ma.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang