nghi-luan-moi-tac-pham-la-mot-phat-minh-ve-hinh-thuc-va-mot-kham-pha-ve-noi-dung-leonit-leonop_

Nghị luận: Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung (Lêônit Lêônôp)

Nhà văn Nga Lêônít Lêônốp có nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

I. Mở bài:

– Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Mỗi nhà văn là một phu chữ”. Còn nhà thơ Xuân Diệu lại cho rằng: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác”. Điều đó có nghĩa là một tác phẩm hay phải đảm bảo được cái đẹp ở cả nội dung và hình thức. Bàn về vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ và giá trị của tác phẩm văn chương, Lêônit Lêônôp khẳng định: “Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”.

II. Thân bài:

1. Giải thích, lí giải:

– Cũng như ý kiến của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Macxim Gorki…, nhà văn Nga Lêônit Lêônôp muốn khẳng định các nghệ sĩ phải trau dồi cá tính sáng tạo của mình. Mỗi tác phẩm phải là một phát minh, một sự hiện diện của nhà văn đối với cuộc đời. Do vậy cái mới, cái độc đáo trong phong cách của người sáng tác phải thể hiện ở sự tìm tòi cái mới về nghệ thuật cũng như nội dung.

– Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Hiện thực cuộc sống là kho đề tài vô tận để người nghệ sĩ khám phá, phát hiện, nhưng đối với mỗi cây bút, nó lại được chiếu rọi dưới một ánh sáng riêng. Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình và biết làm cho ấn tượng ấy có được hình thức riêng biệt, độc đáo. Đúng như vậy, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của nghệ thuật.

– Cuộc sống bày ra trước mặt biết bao cảnh ngộ, số phận. Người nghệ sĩ hơn những người bình thường ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với tác phẩm trước hết là để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú hơn vốn tri thức. Vì lẽ đó, người sáng tác phải đem đến cho họ một cái nhìn mới, mang đậm dấu ấn chủ quan.

– Cuộc sống là phong phú vô tận, nhưng sự hiểu biết và hứng thú của nhà văn thì có hạn. Do đó ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mần tư tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy vố ấn tượng riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, nhà văn mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác đã nói. Nói cách khác, mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cho mình một con đường riêng để đến với cuộc sống và trái tim bạn đọc.

– LepTônxtôi đã từng nói với những người viết văn trẻ, đại ý: “Các anh có đem đến cho chúng tôi một cái gì mới khác với những người đến trước anh không?” Bàn về thơ Nguyễn Tuân cũng khẳng định: “Thơ là đã mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị đóng kín”. Mỗi tác phẩm là một thông điệp thẩm mỹ mà người nghệ sĩ gửi đến bạn đọc. Do đó trước hết mỗi tác phẩm là một “khám phá về nội dung”. Muốn vậy, nhà văn không chỉ là “người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho”, mà phải biết “đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có” (Nam Cao). Nhà văn phải biết nhì sâu vào cuộc sống, hiểu về tâm hồn của con người để khám phá ra những vấn đề mới, cất tiếng nói riêng của mình với cuộc đời.

– Trong nghệ thuật, nội dung và nghệ thuật gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Nội dung là nội dung của hình thức, hình thức là hình thức của nội dung. Một nội dung mới sẽ tìm cho mình một hình thức mới. Sự thay đổi về hình thức biểu hiện cũng có thể kéo theo sự thay đổi về nội dung. Có khi nhà văn đề cập đến những vấn đề của muôn đời nhưng lại nói với giọng điệu riêng, âm sức riêng của tâm hồn mình; do vậy tác phẩm vẫn đem đến cho người đọc cái mới đáng quý.

– Cái độc đáo sáng tạo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ không phải là chuyện cách nói mà chủ yếu là vấn đề cách nhìn, một cách nhìn nếu không do nghệ sĩ đem lại thì không bao giờ có được.

– Cái mới không chỉ đơn thuần thuộc về nội dung hay nghệ thuật một cách cực đoan, có nghĩa là không chỉ đơn thuần tìm ra cái mới trong hình thức mà trước hết phải xuất phát từ các mới của nội dung. Khi cả tác phẩm toát lên cốt cách riêng, phong vận riêng mới lạ thì nó sẽ tác động mạnh mẽ vào người tiếp nhận. Người nghệ sĩ đi sâu vào cái chủ quan, cái cá nhân của mình, mặt khác vẫn phải gắn bó với cuộc sống để không đẩy sự mới lạ lên thành cá nhân chủ nghĩa.

– Mỗi thời đại, mỗi tác giả góp vào dòng chảy văn học một cách cảm nhận mới, một niềm trăn trở khác nhau và một cách nói mới. Điếu này sẽ tạo ra tính liên tục, phát triển sự phong phú của nền văn học. Mỗi gia đoạn văn học, mỗi nghệ sĩ có một bản sắc riêng, một diện mạo riêng. Chính mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức đã góp phần làm cho văn học nhân loại vận động từ kiểu sáng tác này đến kiểu sáng tác khác.

2. Phân tích,chứng minh: Phân tích ít nhất 2 tác phẩm để làm sáng tó các luận điểm:

– Mới mẻ về nội dung.

– Mới mẻ về hình thức nghệ thuật.

– Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức.

3. Bình luận.

– Ý kiến rất đúng đắn khi khẳng định mỗi nghệ sĩ khi đi sâu vào cuộc sống, cần nỗ lực tìm ra một cách khám phá mới lạ. Cũng viết về nông dân, Nam Cao khác Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, … Chính những khám phá mới ấy đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn học. Để tạo ra cái mới, người nghệ sĩ cần có tài năng, có năng khiếu bẩm sinh để phát huy cái riêng của mình. Cũng để tạo ra sự mới lạ, nhà văn không thể xem sáng tác như một thứ nghề chơi mà cần có sự khổ luyện, có sự đào sâu tìm tòi. Sự đào sâu, tìm tòi ấy phải được thể hiện ở cả hai phương diện nội dung và hình thức.

– Nội dung quyết định hình thức nhưng nếu hình thức không phù hợp thì tác phẩm cũng không có hoặc bị giảm giá trị. Trong văn chương có những niềm hạnh phúc trong nỗi đau tột cùng mà chỉ người nghệ sĩ mới hiểu được. Sáng tạo ra cái mới chính là kết quả của sự công phu và tài năng, nó tạo sức mạnh cho người nghệ sĩ chiến thắng sự băng hoại của thời gian. Và quả thực không sai khi Lêônit Lêônôp nói: “Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”.

– Đánh giá về các tác phẩm vừa phân tích để chứng minh ý kiến.

– Bài học với người sáng tác và tiếp nhận:

+ Người sáng tác: Phải có ý thức sâu sắc về sáng tạo nghệ thuật, không đi vào lối mòn cả về nội dung và hình thức để khẳng định tên tuổi của mình.

+ Người tiếp nhận: Lắng nghe tiếng nói tác giả để nhận ra những khám phá, phát hiện của nhà văn về cuộc đời và nghệ thuật.

Bài văn tham khảo:

Chúng minh: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”

  • Mở bài:

Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Mỗi nhà văn là một phu chữ”. Còn nhà thơ Xuân Diệu lại cho rằng: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác”. Điều đó có nghĩa là một tác phẩm hay phải đảm bảo được cái đẹp ở cả nội dung và hình thức. Bàn về vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ và giá trị của tác phẩm văn chương, Lêônit Lêônôp khẳng định: “Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”.

  • Thân bài:

Cũng như ý kiến của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Macxin Gorki…, nhà văn Nga Lêônit Lêônôp muốn khẳng định các nghệ sĩ phải trau dồi cá tính sáng tạo của mình. Mỗi tác phẩm phải là một phát mình, một sự hiện diện của nhà văn đối với cuộc đời. Do vậy cái mới, cái độc đáo trong phong cách của người sáng tác phải thể hiện ở sự tìm tòi cái mới về nghệ thuật cũng như nội dung. Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Hiện thực cuộc sống là kho đề tài vô tận để người nghệ sĩ khám phá, phát hiện, nhưng đối với mỗi cây bút, nó lại được chiếu rọi dưới một ánh sáng riêng. Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình và biết làm cho ấn tượng ấy có được hình thức riêng biệt, độc đáo. Đúng như vậy, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của nghệ thuật.

Cuộc sống bày ra trước mặt biết bao cảnh ngộ, số phận. Người nghệ sĩ hơn những người bình thường ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với tác phẩm trước hết là để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú hơn vốn tri thức. Vì lẽ đó, người sáng tác phải đem đến cho họ một cái nhìn mới, mang đậm dấu ấn chủ quan.

Cuộc sống là phong phú vô tận, nhưng sự hiểu biết và hứng thú của nhà văn thì có hạn. Do đó ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mần tư tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy vố ấn tượng riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, nhà văn mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác đã nói. Nói cách khác, mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cho mình một con đường riêng để đến với cuộc sống và trái tim bạn đọc.

LepTônxtôi đã từng nói với những người viết văn trẻ, đại ý: “Các anh có đem đến cho chúng tôi một cái gì mới khác với những người đến trước anh không”. Bàn về thơ Nguyễn Tuân cũng khẳng định: “Thơ là đã mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị đóng kín”. Mỗi tác phẩm là một thông điệp thẩm mỹ mà người nghệ sĩ gửi đến bạn đọc. Do đó trước hết mỗi tác phẩm là một “khám phá về nội dung”. Muốn vậy, nhà văn không chỉ là “người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho”, mà phải biết “đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có” (Nam Cao). Nhà văn phải biết nhì sâu vào cuộc sống, hiểu về tâm hồn của con người để khám phá ra những vấn đề mới, cất tiếng nói riêng của mình với cuộc đời.

Trong nghệ thuật, nội dung và nghệ thuật gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Nội dung là nội dung của hình thức, hình thức là hình thức của nội dung. Một nội dung mới sẽ tìm cho mình một hình thức mới. Sự thay đổi về hình thức biểu hiện cũng có thể kéo theo sự thay đổi về nội dung. Có khi nhà văn đề cập đến những vấn đề của muôn đời nhưng lại nói với giọng điệu riêng, âm sức riêng của tâm hồn mình; do vậy tác phẩm vẫn đem đến cho người đọc cái mới đáng quý.

Cái độc đáo sáng tạo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ không phải là chuyện cách nói mà chủ yếu là vấn đề cách nhìn, một cách nhìn nếu không do nghệ sĩ đem lại thì không bao giờ có được.

Cái mới không chỉ đơn thuần thuộc về nội dung hay nghệ thuật một cách cực đoan, có nghĩa là không chỉ đơn thuần tìm ra cái mới trong hình thức mà trước hết phải xuất phát từ các mới của nội dung. Khi cả tác phẩm toát lên cốt cách riêng, phong vận riêng mới lạ thì nó sẽ tác động mạnh mẽ vào người tiếp nhận. Người nghệ sĩ đi sâu vào cái chủ quan, cái cá nhân của mình, mặt khác vẫn phải gắn bó với cuộc sống để không đẩy sự mới lạ lên thành cá nhân chủ nghĩa.

Mỗi thời đại, mỗi tác giả góp vào dòng chảy văn học một cách cảm nhận mới, một niềm trăn trở khác nhau và một cách nói mới. Điếu này sẽ tạo ra tính liên tục, phát triển sự phong phú của nền văn học. Mỗi gia đoạn văn học, mỗi nghệ sĩ có một bản sắc riêng, một diện mạo riêng. Chính mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức đã góp phần làm cho văn học nhân loại vận động từ kiểu sáng tác này đến kiểu sáng tác khác.

Trong văn mạch dân tộc, nhìn trên diện rộng cũng có thể thấy mỗi thời đại để lại một khí chất, mang một cảm hứng chủ đạo khác nhau. Văn học Lí, Trần, Lê lấy cảm hứng chủ đạo là lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Sang giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các nhà nghệ sĩ lại bị ám ảnh hơn cả bởi vấn đề số phận con người. Họ không đi vào ngợi ca cảnh thài bình thịnh trị như văn học thời Lê mà xoáy sâu vào bi kịch của những thân phận con người. Mỗi tác phẩm lớn của thời kỳ này là một tiếng yêu thương mỗi cá nhân. Sang giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cảm hứng nổi lên trong văn học chân chính lại là tình yêu mãnh liệt, khát vọng độc lập dân tộc. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các thi sĩ phong trào thơ mới nói lên khát vọng cởi trói cho cái “tôi” cá nhân của mình…

Mỗi thời đại có một nét riêng và cải riêng ấy dội vào tác phẩm với những âm hưởng khác nhau. Thú vị thật, độc đáo nhất với người đọc lá sự lắng nghe những giọng điệu riêng của mỗi tâm hồn nghệ sĩ. Lĩnh vực thử thách lớn nhất đối với tài năng người cầm bút là trong một đề tài quen thuộc, anh có thể nói lên được điều gì móei lạ hay không. Bản sắc riêng, khí chất riêng của mỗi tâm hồn làm cho mỗi tác phẩm có một diện mạo riêng. Nhưng điều quan trọng nhất, tác phẩm văn học phải hướng đến phục vụ đời sồng con người, vì con người. Chính vì lẽ đó mà Sê-khốp khẳng định: “mỗi nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo trong cốt tủy”.

Phát minh trong hình thức và khám phá về nội dung đã mang đến những góc nhìn, cách nhìn khác nhau ở các nghệ sĩ. Cũng viết về kỹ nữ, nhưng Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Xuân Diệu, Tố Hữu, mỗi người có một cách nhìn riêng, một cách nói riêng. Bằng khúc “Tỳ Bà Hành”, thi sĩ Lý Bạch cất lên tiếng nói xót thương đầy cảm thông cho người phụ nữ tài sắc và cũng thể hiện nối đau trong chính số phận long đong, lận đận của mình. Tiếng hát của người kỹ nữ cất lên giữa đêm trăng cô vắng làm thức dậy bao nỗi niềm của chàng Tư mã áo xanh. Nỗi xót thương ấy, nỗi đau khổ ấy vẫn gặp trong văn học cổ điển. Thấm thía mà nhẹ nhàng, nỗi sầu muốn lan ra cùng cảnh vật:

“Bến Tầm Dương đêm khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu”

Không hiểu sao hai chữ “canh khuya” với mỗi tâm hồn Việt Nam lại có sức gợi đến thế? Không chỉ gợi cái khuya của thời gian mà còn chứa sẵn trong đó cảm giác bất trắc, muôn màng, e sợ. Nỗi buồn lan ra theo những dải tơ trời , khiến không gian như lặng ngắt để lắng vào cõi tâm tư, thấm vào lòng người và tràn ra thành dòng lệ. Nỗi đau ở đây là sự cộng hưởng của hai nguồn yêu thương: thương người và thương thân, tạo mối tình tri âm và tri kỷ, nói đúng hơn là tạo nên sự xót thương, đồng cảm giữa những nạn nhân đau khổ cùng một lứa bên trời lận đận. Mang tấm lòng đầy yêu thương đến với cái đẹp. Nguyễn Du lại nhìn thấy trong thân phận bất hạnh của người ca nữ nơi đấu Long Thành cả lẽ hưng phế của thời cuộc bể dâu, của một đời người đã trải qua bao cơn sóng gió, bao phen giang sơn thay chủ đổi ngôi. Cảm quan dâu bể thấm sâu trong từng câu chữ, tạo thành nỗi thương người, thương đời da diết của nhà thơ.

Tất cả những cảm thương, đau đớn ấy thể hiện những nét tâm tình của con người trung đại, yêu thương mà bất lực, bất lực nhưng vẫn lặng lẽ nếm chịu nỗi đau. Sang đến thơ mới, cái “tôi” cá nhân thức dậy với sự tự ý thức về bản ngã rất mãnh liệt. Ở một hồn thơ cuồng nhiệt như Xuân Diệu, hình ảnh người kỹ nữ không đau xót một cách ngậm ngủi nàng như run lên vì đau khổ và giá lạnh.

“Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da”

Nàng như một linh hồn cô đơn bị vây phủ bởi bốn bề lạnh lẽo. Cái lạnh xuyên thấu vào tâm can. Trăng không “trong vắt” một cách tĩnh lặng, xa xôi mà từ cái sáng của vầng trăng còn toả ra hơi lạnh và sự cô đơn.

Nếu như Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Xuân Diệu yêu thương mà vẫn bất lực, vẫn chỉ biết đau đời cất lên tiếng kêu tuyệt vọng với con tạo hay đánh ghen với khách má hồng, thì Tố Hữu lại đem đến cho chúng ta một niềm lạc quan, tin tưởng. Từ trong hiện tại còn bao nhục nhã, xót xa, thi sĩ đã hướng tới ngày mai, một ngày mai tươi sáng. Nhà thơ khẳng định cuộc đời đau khổ của người kĩ nữ kia sẽ đổi thay:

“Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ hôm nay”

Như vậy, cùng viết về người kĩ nữ, các nhà nghệ sĩ đã gặp nhau ở sự đồng cảm, xót thương. Nhưng mỗi tác phẩm lại có một linh hồn riêng, tạo nên sức sống riêng. Nếu Bạch Cư Dị, Nguyễn Du viết bằng thể thơ Đường luật thì Xuân Diệu lại sử dụng thể thơ tự do, thoát khỏi sự gò bó về niêm luật.

Thiên nhiên cũng là một đề tài muôn thuở của văn chương nhưng không bao giờ cũ bởi mỗi thời đại, mỗi nghệ sĩ lại nhìn thiên nhiên ấy với một cảm quan riêng. Trong thơ cổ, thiên nhiên mang kích thước vũ trụ và thường được miêu tả như là bức tranh tĩnh lặng. Cảnh vật thiên nhiên được khắc hoạ bằng đoi nét chấm phá cốt ghi lấy cái linh hồn của tạo vật. Cũng là gió ấy, trời nước ấy nhưng thiên nhiên hiện lên trong mỗi tác phẩm một khác. Ta hãy cùng thưởng thức thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi:

“Nước biếc, non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh, nguyệt bạc khách lên lầu.”

Cảnh vật hiện lên như bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Màu xanh của nước hoà cùng màu xanh của non tạo nên một vẻ đẹp thanh nhã. Con “thuyền gối bãi” thật nhàn nhã, lặng lẽ. Cảnh tĩnh như không có chút xao động nào. Cả một bầu không khí thanh sạch, thơ mộng được mở ra. Nói là cảnh đêm mà sao ta vẫn thấy lung linh ánh sáng. Bến nước hay là bến thơ? Dường như không có chút bụi trần nào làm vẩn đục khung cảnh ấy. Hình ảnh con người – chủ thể trữ tình không đối diện với người đọc bằng một cái tôi cá thể một là nói về ai đó, có thể là một khách văn chương. Tư thế con người là đang vận động, đi lên cao, nhưng sao vẫn tĩnh lặng như không. Thi nhân thả hồn mình vào thiên nhiên, đắm say thiên nhiên, nhưng vẫn lặng lẽ, vẫn ung dung như đứng ngoài dòng chảy của thời gian. Ức Trai giao hòa với cảnh vật nhưng không hề làm cho nó động lên mà tất cả nhưng ngưng đọng lại.

Đến thời Nguyễn Khuyến, thiên nhiên vẫn mang nét đơn sơ, tĩnh lặng ấy:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.”

Từ xanh gắt không chỉ gợi độ xanh mà còn gợi chiều cao, chiều sâu thăm thẳm. Không gian thanh sạch như được đẩy ra tới vô cùng. Cảnh có chuyển động nhưng thật khé khàng. Cái lơ phơ vừa gợi sự thưa thớt của lá trúc trên cầu trúc vừa gợi sự lay động nhẹ nhàng. Dường như cái lơ phơ ấy chỉ để nhận ra làn gió hắt hiu.

Cũng là mùa thu ấy, làn gió ấy khi vào thơ Xuân Diệu chúng trở lên khác hẳn:

“Những luồng run rẩy rung ring lá
… Đã nghe rét mướt luồn trong gió”

Làn gió của Xuân Diệu không hắt hiu thổi mà run rẩy vì thu đến. Rét mướt như một sinh thể ẩn trong gió. Cũng là cảnh cây cối, nhưng trong cảm quan của Xuân Diệu, lá cây cũng run lên vì lạnh. Từ vầng trăng trong thơ Nguyễn Khuyến đến vầng trăng trong thơ Xuân Diệu cũng khắc biệt biết bao. Với Nguyễn Khuyến, vầng trăng hiền hòa như người bạn muôn đời của thi nhân:

“Nước biết trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào”

Vầng trăng cứ thế giãi lên thềm, cứ lọt qua song cửa, nơi giao lưu của tinh thần. Trăng với người đồng cảm, đồng điệu, nhưng tình cảm ấy cũng có cái gì đó lẵng lẽ. Vầng trăng vẫn còn mang vẻ tự nhiên của tạo vật không lời.

Đến Xuân Diệu, trăng như có linh hồn, có tâm tư, trăng cũng thấm thía nỗi cô đơn: Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ. Có thể nói, lòng yêu thiên nhiên của Xuân Diệu mang cái đắm say của một hồn thơ khao khát sống, khao khát yêu đương mãnh liệt. Đọc “Vội vàng” ta cũng thấy đây là “một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Khi ông nói đến thiên nhiên cũng là nói đến niềm say đắm cuộc sống. Trái tim bồi hồi, rạo rực, băn khoăn ấy đã tự tìm cho mình bộ “y phục tối tân”, trút cái “áo cổ điển” gò bó tìm đến thể thơ tự do với những câu dài ngắt khác nhau. Thơ Xuân Diệu bài nào cũng có sự hăm hở, say đắm. Thi sĩ cuống quýt, hối hả để tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, chứ không chỉ lặng lẽ ngắm nhìn như các nhà thơ cổ.

  • Kết bài:

Mỗi nghệ sĩ khi đi sâu vào cuộc sống, đều nỗ lực tìm ra một cách khám phá mới lạ. Cũng viết về nông dân, Nam Cao khác Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, … Chính những khám phá mới ấy đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn học. Để tạo ra cái mới, người nghệ sĩ cần có tài năng, có năng khiếu bẩm sinh để phát huy cái riêng của mình. Cũng để tạo ra sự mới lạ, nhà văn không thể xem sáng tác như một thứ nghề chơi mà cần có sự khổ luyện, có sự đào sâu tìm tòi, khám phá. Trong văn chương có những niềm hạnh phúc trong nỗi đau tột cùng mà chỉ người nghệ sĩ mới hiểu được. Sáng tạo ra cái mới chính là kết quả của sự công phu và tài năng, nó tạo sức mạnh cho người nghệ sĩ chiến thắng sự băng hoại của thời gian. Và quả thực không sai khi Lêônit Lêônôp nói: “Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang