»» Nội dung bài viết:
Winston Maxwell Stone cho rằng: “Nghệ thuật sống không phải thể hiện ở việc bạn tìm cách chối bỏ khó khăn, mà là ở việc bạn học cách trưởng thành từ những khó khăn đó”.
Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) bàn về ý kiến trên.
Gợi ý làm bài:
- Mở bài:
Không có thành công nào tự tìm đến với chúng ta. Muốn có thành công nhất định con người phải lao động, phải chiến thắng khó khăn, thử thách. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được điều đơn giản đó. Có nhiều người thường hay than vãn, sợ hãi hoặc bỏ cuộc khi vấp phải trở ngại. bàn về điều đó, Winston Maxwell Stone cho rằng: “Nghệ thuật sống không phải thể hiện ở việc bạn tìm cách chối bỏ khó khăn, mà là ở việc bạn học cách trưởng thành từ những khó khăn đó”.
- Thân bài:
Giải thích vấn đề:
– “Nghệ thuật sống” là cách thức làm cho cuộc sống tốt đẹp, có ý nghĩa hớn. “Chối bỏ khó khăn” là không dám chấp nhận, sợ hãi, né tránh khó khăn.
– “Trưởng thành từ khó khăn” chỉ sự chấp nhận, không nao núng, xem khó khăn như một thử thách cần vượt qua, rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích cho bản thân
⇒ Ý kiến trên đề cao thái độ sống tự tin, bản lĩnh, dám đương đầu với thử thách, khó khăn.
Bàn luận vấn đề:
1. Đừng bao giờ chối bỏ khó khăn:
– Bao giờ con người cũng có xu hướng chiều chuộng bản thân, thỏa hiệp với họàn cảnh và chọn cách giải quyết đơn giản nhất trong mọi việc.
– Khi chối bỏ khó khăn, từ đó con người sẽ tạo nên thói quen, lối sống thiếu bản lĩnh, đánh mất cơ hội thể hiện bản thân, làm mất đi sự tin tưởng ở mọi người, không tích lũy được vốn sống kinh nghiệm, sự trải nghiệm cần thiết.
– Khi một cánh cửa khép lại sẽ có một cách cửa khác mở ra. Nhưng chúng ta thường tiếc nuối ngoái nhìn lại cánh cửa đã đóng mà không nhận ra rằng cánh cửa đang mở kia là để chào đón mình. hãy lạc quan tin tưởng những điều tốt đẹp còn ở phía trước mà không ngại ngần vượt qua khó khăn trong hiện tại. Phải tự mình vượt qua những khó khăn, trở ngại, bạn mới được tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để đạt tới thành công.
2. Học cách trưởng thành từ khó khăn:
– Tính hai mặt là bản chất, là thuộc tính của mọi vấn đề trong đời sống. Do vậy, khó khăn không đồng nghĩa với thất bại, với không thể vượt qua. Thử thách sẽ tạo nên cơ hội, khó khăn sẽ tạo động lực, sức bật phát huy khả năng vốn có và đánh thức tiềm lực của mỗi người.
– Bạn phải thực hiện được điều mà bạn nghĩ là mình không thể thực hiện được. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy đừng là loài chim bé nhỏ, cam chịu nhốt mình trong lồng mà hãy luôn là đại bàng tung cánh tự do trong không trung. Chỉ khi tin tưởng vào khả năng chiến thắng của bản thân và cuộc sống, bạn mới có đủ dũng khí để vươn lên.
– Chấp nhận đương đầu với thử thách sẽ tạo sự chủ động trước khó khăn, khiến con người có bản lĩnh, thái độ bình tình, lạc quan, có điều kiện rèn luyện được ý chí, trưởng thành hơn và thu được những kinh nghiệm quí báu để thành công.
– Ngoài những may mắn mà con người có được, để nhận ra được điều tốt đẹp trong mọi việc, con người có thể sẽ phải trả giá bằng sự đau khổ, buồn giận và cả lòng ghen tị. Mọi khó khăn bạn gặp trong cuộc sống đều có lí do của nó: “Chúng giúp bạn học hỏi thêm điều gì đó”. Bởi thế, đừng chán nản, bi quan hay cáu gắt khi khó khăn tìm đến với bạn. Hãy bình tĩnh đón nhận và tìm kiếm cơ hội chiến thắng nó.
– Hãy đánh thức các giá trị của bản thân và biến nó thành nguồn sức mạnh. Trong mỗi con người đều tiềm ẩn những kho tàng vô cùng quý giá mà không ai khác có thể sở hữu được. Hãy tin tưởng vào điều đó bởi không ai có thể làm thay công việc của bạn.
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Tìm kiếm cơ hội trong mỗi khó khăn là một trong những bí quyết sống tuyệt vời nhất. Nên hiểu rõ đương đầu với thử thách không có nghĩa là tự tin thái quá, chủ quan và liều lĩnh trước khó khăn.
– Trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, chúng ta cố gắng phát huy yếu tố bản thân, cần rèn luyện cách sống chủ động, giàu ý chí để vươn lên, trưởng thành trong cuộc sống.
- Kết bài:
Điều bất ngờ là phần lớn mọi người thà chết chứ không chịu thay đổi. Đó là một hiện thực đáng buồn. Không bao giờ là quá trể để thay đổi bản thân theo những gì bạn muốn một khi bạn vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống này. Để làm được những điều vĩ đại, chúng ta phải sống như không còn có ngày mai.
- Nghị luận: Sáng tạo là động lực tạo nên thành công
- Nghị luận: “Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ, một cuốn sách hay có thế thay đôi số phận biết bao người”