nghi-luan-nhung-bai-tho-chan-chinh-bao-gio-cung-xam-chiem-tam-hon-nguoi-doc-truoc-het-bang-am-dieu

Nghị luận: Những bài thơ chân chính bao giờ cũng xâm chiếm tâm hồn người đọc trước hết bằng âm điệu

“Những bài thơ chân chính bao giờ cũng xâm chiếm tâm hồn người đọc trước hết bằng âm điệu. Cảm xúc của hồn thơ thường hiện ra thành những rung động. Những rung động tâm hồn hoá thân rất nhiều thành âm điệu thơ. Nghe được âm điệu thơ là đã phần nào nắm được cái hồn của bài thơ”. (Chu Văn Sơn)

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua thi phẩm Tràng giang của Huy Cận  và Việt Bắc của Tố Hữu, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

1. Giải thích:

Những bài thơ chân chính (thơ hay), là những bài thơ thể hiện cách nhìn, cách cảm xúc mới mẻ độc đáo về thiên nhiên tạo vật, về xã hội, về tâm hồn con người…; bộc lộ những tâm sự, nỗi niềm của người viết, mang lại cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ lành mạnh… Thơ chính là tình đời, tình người ngân lên trong những âm vang ngôn ngữ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu, nhịp điệu…

– Thơ hay, “thơ chân chính” đến với người đọc trước hết bằng “âm điệu”: là sức vang, sức tan toả của bài thơ thấm vào hồn người đọc, chinh phục trực giác của người đọc, tạo sự ám ảnh, có “ma lực” cuốn hút người đọc để có những khám phá, có cách “giải mã” phù hợp, để được đắm mình trong thế giới thơ.

– Để có “âm điệu” bài thơ “xâm chiếm tâm hồn người đọc”, nhà thơ phải có những “rung động tâm hồn” (cảm xúc); những rung động tâm hồn ấy đã “hoá thân rất nhiều thành âm điệu thơ”. Nhà thơ tái hiện cuộc sống thông qua những rung động, những xúc cảm mãnh liệt. Thiếu tình cảm mãnh liệt và sâu sắc thì sẽ không có thơ. Độ chín của cảm xúc nhà thơ làm nên chiều sâu của sự thể hiện cuộc sống và lay động tâm hồn người đọc. Cảm xúc trong thơ là tình cảm được ý thức, được lắng lọc qua những xúc cảm thẩm mĩ của nhà thơ.

– Đọc thơ, người đọc phải “nghe” được những rung động tâm hồn của người làm thơ, như thế mới phần nào nắm được cái hồn của bài thơ.

2. Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận, Việt Bắc của Tố Hữu để “nghe được âm điệu thơ”.

a. Bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

– Giới thiệu khái quát về Huy Cận, bài thơ Tràng giang.

– “Âm điệu” qua nội dung: Bài thơ mang một âm điệu buồn mênh mang sâu lắng, ngấm sâu trong lòng tạo vật và tâm hồn thi nhân, bộc lộ nỗi buồn tủi cô đơn bơ vơ của con người cá nhân Huy Cận với nhiều cung bậc: buồn, sầu, đìu hiu, lặng lẽ, cô liêu, bơ vơ… vừa cổ điển vừa hiện đại.

+ Tràng giang hiện lên như một bức tranh tạo vật vừa mênh mông, vô biên vừa hoang sơ, hiu quạnh. Giữa không gian đó thi nhân hiện lên: như một lữ thứ lạc loài đơn độc thấm thía trạng thái bơ vơ, cô độc, sầu tủi của kiếp người; nỗi cô đơn của con người trước tạo vật bao la hùng vĩ mà thiếu vắng tình người, thiếu quê hương ấm áp, thiếu sự đồng điệu giao cảm gắn bó; niềm khát khao hơi ấm tình đời tình người đã chuyển thành niềm rung động của một tấm lòng quê.

+ Về sự vận động của hình tượng thơ: có hai dòng sông chảy dọc suốt bài thơ, một dòng sông dềnh lên mênh mang sóng nước và một dòng sông tâm hồn thấp thoáng ẩn hiện qua các khổ thơ.

“Âm điệu” qua các yếu tố hình thức nghệ thuật: nỗi buồn triền miên trong tâm hồn Huy Cận đã được thể hiện qua âm hưởng của bài thơ, bằng âm vang chữ nghĩa, hình ảnh thơ, cấu trúc câu thơ,…

– Cội nguồn của nỗi cô đơn sầu tủi tạo nên âm điệu buồn của thi phẩm vừa mang dấu ấn của truyền thống nghệ thuật thi ca phương Đông, vừa có căn nguyên thời đại và mang đậm dấu ấn cái tôi cá nhân Huy Cận

b. Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

– Giới thiệu khái quát về Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc.

“Âm điệu” qua nội dung: Việt Bắc là bản anh hùng ca tổng kết một giai đoạn lịch sử gian lao mà hào hùng của dân tộc với những mảng hoài niệm chân thực, rõ nét về con người và quê hương cách mạng. Âm điệu bài thơ được tạo nên từ nhịp điệu của cảm xúc, tâm trạng của thi nhân. Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ thương lưu luyến.

+ Vẻ đẹp thiên nhiên Việt Bắc thanh bình, thơ mộng nhưng cũng rất đỗi oai hùng trong những ngày kháng chiến; Con người Việt Bắc sống gian lao mà nghĩa tình, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh cùng Cách mạng.

+ Tái hiện kỷ niệm về Việt Bắc là để: bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng của cán bộ cách mạng với đồng bào và quê hương Việt Bắc; là lời tự vấn của tác giả với lòng mình về nghĩa tình thủy chung đối với đất và người Việt Bắc; nhắn gửi bài học sâu sắc về đạo lý dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, quá khứ lịch sử luôn là một phần của hiện tại hôm nay.

– “Âm điệu” qua các yếu tố hình thức nghệ thuật: sử dụng sáng tạo thể thơ lục bát truyền thống; kết cấu của bài thơ theo lối đối đáp, hô ứng kết hợp với cặp đại từ “mình-ta” thường gặp trong ca dao dân; nhịp thơ có sự thay đổi phù hợp với cảm xúc khi chậm rãi, tha thiết, lắng sâu trong hoài niệm, khi nhanh, mạnh, hối hả gấp gáp khi tái hiện những tháng ngày kháng chiến hào hùng và niềm vui chiến thắng; nghệ thuật dùng từ láy, điệp từ ngữ, điệp cấu trúc cú pháp, nghệ thuật tiểu đối…

– Cội nguồn của nỗi nhớ tạo nên âm điệu tha thiết, ngọt ngào… của thi phẩm vừa mang dấu ấn của nghệ thuật truyền thống vừa mang đậm dấu ấn phong cách thơ Tố Hữu.

Lưu ý: Mỗi luận điểm phải lựa chọn dẫn chứng để làm sáng tỏ.

4. Bình luận.

– Ý kiến của nhà phê bình Chu Văn Sơn đã khái quát đặc trưng nổi bật của thơ là tính trữ tình, là những rung động tâm hồn, xúc cảm thẩm mĩ của nhà thơ được mã hoá bằng những sáng tạo ngôn từ tạo nên âm điệu của bài thơ. Âm điệu thơ chính là cái thần, là linh hồn, làm nên giá trị, sức hấp dẫn, sức sống của thi phẩm. Đồng thời, tác giả cũng đề cập đến vấn đề tiếp nhận thơ, người đọc “nghe” thơ, hiểu những xúc cảm của nhà thơ bằng chính những rung cảm tâm hồn mình.

– Đối với người làm thơ, trước hết phải có “rung động tâm hồn”, có cảm xúc nhưng đồng thời phải biết “mã hoá” cảm xúc, những rung động tâm hồn ấy bằng những sáng tạo nghệ thuật để bài thơ có “âm điệu” riêng, có sức hấp dẫn riêng đối với người đọc.

– Đối với người đọc, đến với thi phẩm, trước tiên bằng trực cảm, lắng nghe những rung động trong tâm hồn mình. Những rung động đó phải bắt nguồn từ việc cảm “âm điệu” của bài thơ, từ những yếu tố (đặc biệt là những yếu tố độc đáo) thuộc về thi phẩm để đồng cảm với những rung động tâm hồn của tác giả và “giải mã” thi phẩm. Người đọc cần có những “chìa khóa” để mở cánh cửa thế giới nghệ thuật của các tác phẩm thơ.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang