Nghị luận Phải luôn biết lắng nghe để thấu hiểu.
Chữ “lắng nghe” có ý nghĩa rất hay. Phải “lắng” thì mới “nghe” được. Cho nên, “lắng” là ngõ vào của “nghe”. Không “lắng” thì không thể “nghe” trọn ven. “Lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim. Hãy tập lắng nghe bằng chính con tim mình. (Theo “Hiểu về trái tim” – Minh Niệm)
Biết cách lắng nghe, điều tưởng chừng như đơn giản song không phải ai cũng có thể làm được. Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết phải biết lắng nghe.
1. Giải thích vấn đề:
Như nhà sư Minh Niệm nói: “lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim, là ngõ vào của “nghe”. Còn “nghe” mang ý nghĩa thấu hiểu, sẻ chia. Như vậy lắng nghe là thái độ im lặng khi người khác nói, là mở lòng để đón nhận âm thanh của cuộc sống vang động vào lòng. Và điều này vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
2. Bàn luận vấn đề:
+ Lắng nghe khi giao tiếp thể hiện thái độ tôn trọng mình và tôn trọng người, gây được thiện cảm với mọi người. Doanh nhân, chính khách… biết lắng nghe sẽ tiến xa hơn trong sự nghiệp.
+ Khi khiêm tốn lắng nghe, ta sẽ học hỏi được nhiều ở mọi người. Còn khi lắng nghe chính bản thân mình thì đó là cách để hoàn thiện nhân cách.
+ Mở lòng để lắng nghe âm thanh cuộc sống, ta sẽ tự làm giàu cảm xúc, thành người tốt hơn.
3. Bài học nhận thức và hành động:
Phê phán những người thích thể hiện bản thân, không biết lắng nghe, hoặc chỉ thích nghe những lời xu nịnh. Mỗi người cần nhận thức đúng vai trò của sự lắng nghe, hãy lắng nghe mọi lúc mọi nơi, hãy mở lòng, hãy sống chậm lại. Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt, chúng ta cần tranh luận phản bác khi nghe những điều không tốt, không đúng.
Tham khảo:
“Bạn có biết chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn mỗi người, để mở cánh cửa hạnh phúc trong gia đình, để mở cánh cửa thành công trong xã hội là gì không? Đó là lắng nghe. Khi bàn về mục đích của lắng nghe, không phải ai cũng giải đáp được: “Mục đích cuối cùng của lắng nghe là để thấu hiểu hay cảm thông?”. Theo tôi, để mỗi người sẵn sàng lắng nghe người khác đã khó, để lắng nghe với thái độ chân thành càng khó và muốn lắng nghe để thấu hiểu tâm tư của người khác càng khó hơn. Vì để hiểu được một người không phải chuyện dễ dàng, càng khó khăn hơn nếu chúng ta thiếu trải nghiệm để có thể có thể ngồi lại lắng nghe, chia sẻ làm thỏa mãn người khác.
Vậy nên, chúng ta đừng tự làm khó mình, hay chê trách mình không đủ khả năng thấu hiểu họ. Mà khi lắng nghe ai đó chia sẻ việc cần hơn là ta bình tâm lắng nghe với thái độ chân thành. Có thể ta không đủ khả năng để thấu hiểu hết được những điều mà họ chia sẻ. Ai cũng thế thôi, họ hiểu điều đó chứ. Nếu không thể hiểu điều này hãy tự đặt mình vào tình huống để hiểu những gì tôi đang chia sẻ. Bởi thế, chỉ cần lắng nghe, san sẻ với thái độ thật chân thành là đủ. Khi ấy người được lắng nghe sẽ tìm thấy được sự đồng điệu, đồng cảm về tâm hồn rồi.
Mục đích cuối cùng của lắng nghe là thấu hiểu để cảm thông. Nếu không thể thấu hiểu ta có thể cảm thông, chia sẻ với họ. Nhưng cũng cần tránh kiểu lắng nghe hình thức lắng nghe cho có lắng nghe. Như vậy, không những người chia sẻ bị tổn thương, lạc lõng mà chúng ta còn lãng phí thời gian hay thậm chí có thể mất họ. Vậy đó, cho nên mỗi người cần lắng nghe với thái độ chân thành. Đó là chìa khóa để mở cửa tâm hồn người khác, để mở cửa hạnh phúc gia đình và mở cánh cửa thành công trong cuộc sống. ”Bước thứ nhất để đạt tới sự thông thái là im lặng, thứ hai là biết lắng nghe người khác nói”. (Khuyết danh)