»» Nội dung bài viết:
Nghĩa của từ là gì?
I. Khái niệm:
Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ,…) mà từ biểu thị.
II. Cách giải thích nghĩa của từ.
Có thể giải thích nghĩa của từ bằng hai cách chính như sau:
– Trình bày khái niệm mà từ biểu thị;
– Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.
III. Phân biệt nghĩa của từ.
Từ có liên hệ với nhiều nhân tố, nhiều hiện tượng. Bởi thế nghĩa của từ cũng không phải chỉ có một thành phần, một kiểu loại. Khi nói về nghĩa của từ, người ta thường phân biệt các thành phần nghĩa sau đây:
1. Nghĩa biểu vật: Là liên hệ giữa từ với sự vật (hoặc hiện tượng, thuộc tính, hành động,…) mà nó chỉ ra. Bản thân sự vật, hiện tượng, thuộc tính, hành động,… đó, người ta gọi là biểu vật hay cái biểu vật (denotat). Biểu vật có thể hiện thực hoặc phi hiện thực, hữu hình hay vô hình, có bản chất vật chất hoặc phi vật chất. Ví dụ: đất, trời, mưa, nắng, nóng, lạnh, ma, quỷ, thánh, thàn, thiên đường, địa ngục,…
2. Nghĩa biểu niệm: Là liên hệ giữa từ với ý (hoặc ý nghĩa, ý niệm – signification – nếu chúng ta không cần phân biệt nghiêm ngặt mấy tên gọi này). Cái ý đó người ta gọi là cái biểu niệm hoặc biểu niệm (sự phản ánh các thuộc tính của biểu vật vào trong ý thức của con người).
3. Ngoài hai thành phần nghĩa trên đây, khi xác định nghĩa của từ, người ta còn phân biệt hai thành phần nghĩa nữa. Đó là nghĩa ngữ dụng và nghĩa cấu trúc.
Nghĩa ngữ dụng, còn được gọi là nghĩa biểu thái, nghĩa hàm chỉ, là mối liên hệ giữa từ với thái độ chủ quan, cảm xúc của người nói.
Nghĩa cấu trúc là mối quan hệ giữa từ với các từ khác trong hệ thống từ vựng. Quan hệ giữa từ này với từ khác thể hiện trên hai trục: trục đối vị và trục ngữ đoạn. Quan hệ trên trục đối vị cho ta xác định được giá trị của từ, khu biệt từ này với từ khác, còn quan hệ trên trục ngữ đoạn cho ta xác định được ngữ trị – khả năng kết hợp – của từ.