nha-tho-van-ven-nguyen-qua-tram-lan-thu-lua

Nghị luận: Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa (Chế Lan Viên)

Nghị luận: “Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa”

“Nhà thơ lớn ư? Là để cho nhân loại yêu mình bằng mọi cách
Khi thì nâng niu, khi thì hạch sách
Khi giày vò mỗi chữ
Khi trân trọng ngắm từ xa
Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa
Yêu mà”

(Chế Lan Viên)

Hãy bình luận về vấn đề gợi ra từ đoạn thơ trên.


Bài làm

  • Mở bài:

Độc giả trung thành của văn chương qua bao thời đại vẫn yêu quý “Iliad” (Hô-me-rơ)- thiên sử thi kinh điển của văn minh châu Âu với cuộc chiến khốc liệt giành lấy thành Troa thuở xưa, vẫn say mê với mối tình thủy chung của Rama và nàng Sita trong trường ca Ấn Độ “Ramayana”,… Điều gì đã khiến những tác phẩm từ thời xa xưa vẫn trường tồn, vẫn sống mãi với thời gian? Dẫu có nhiều bàn luận cùng những ý kiến trái chiều, những “đứa con tinh thần” ấy vẫn vẹn nguyên giá trị qua bao thế hệ? Phải chăng, điều kì diệu bắt nguồn từ sự tài năng và tâm hồn dạt dào xúc cảm của người nghệ sĩ? Để trả lời câu hỏi này, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

“Nhà thơ lớn ư? Là để cho nhân loại yêu mình bằng mọi cách
(……………………….)
Yêu mà”

  • Thân bài:

Cuộc sống cung cấp một kho tàng ý tưởng vô cùng phong phú và quý giá cho người nghệ sĩ sáng tác nhưng đó cũng chính là thứ lửa thử vàng, đánh giá xem tác phẩm ấy có xứng đáng để mọi người đón nhận hay sẽ trôi vào dòng chảy nhợt nhạt, chán chường. Vậy nên, cùng một loại đất sét cuộc đời, nhưng trở nên một bình gốm tuyệt mỹ hay chỉ là một đống đất vô nghĩa phụ thuộc vào tài năng và tâm hồn của tác giả. Họ thai nghén nên tác phẩm, đưa nó đến gần hơn với bạn đọc, đôi lúc nhận về sự đồng cảm, nhưng cũng có lúc vấp phải những bình luận trái chiều, đó là những “cách yêu” khác nhau của nhân loại.

Văn chương đích thực phải cho phép độc giả đào sâu vào nhiều tầng nghĩa, khám phá những bí ẩn còn khuất lấp bên trong, đưa ra những quan điểm riêng để kiến tạo tác phẩm. Nhà thơ chỉ “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” khi sáng tác của họ neo đậu nơi tâm hồn bạn đọc, tạo nên “sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” (Hoài Thanh), hoàn thành sứ mệnh là trở thành “cuốn sách giáo khoa của đời sống” giúp con người hiểu đời, hiểu mình hơn. Tài năng và tâm hồn là yếu tố làm nên một người nghệ sĩ thật thụ, một “nhà thơ lớn”!

Nhà văn Nam Cao đã viết: “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người”, vậy điều gì đã làm nên sức sống mãnh liệt của văn chương, đã cho nó sức mạnh vượt qua mọi “bờ cõi và giới hạn” như vậy? Một tác phẩm chân chính như hạt mầm xanh được vun trồng nơi mảnh đất cuộc đời đầy nắng gió nhưng phải nhờ dòng nước mát lành chảy từ tâm hồn của nhà thơ mà lớn lên. Sẽ ra sao nếu tác giả từ cô lập mình ra khỏi cuộc sống, không đắm mình dưới cơn mưa thời đại mà tạo nên tác phẩm?

Như một quy luật bất biến của nghệ thuật, văn chương sinh ra đã phải cắm rễ vào hiện thực, vậy nên, nhà thơ không thể quay lưng lại với cuộc sống, thả mình vào thế giới mộng tưởng, viển vông mà thai nghén nên “đứa con tinh thần” của mình được. Bắt nguồn từ hiện thực nhưng không có nghĩa là nhà thơ sẽ sao chép nguyên xi mọi thứ vào tác phẩm của mình. Họ chỉ rộng mở tấm lòng để đón lấy những âm vang cuộc sống, quan tâm sâu sắc để những biến chuyển, đổi thay của thời đại, hướng tới sự đồng cảm và sẻ chia với mọi người. Nhà thơ chỉ “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” khi họ biết vui với niềm vui cuộc sống, đau trước nỗi đau nhân thế, biết “hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại” (Lev Tolstoy). Nhà thơ Nga Lermontov từng tâm sự: “Có những đêm không ngủ, mắt rực cháy và thổn thức, lòng ngập tràn nhớ nhung…Khi đó tôi viết”, cảm xúc mãnh liệt và cháy bỏng chính là dòng nhựa sống nuôi dưỡng trang thơ, là cây cầu kết nối những trái tim, đưa “điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu)

Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” được Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét như có “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy”, có lẽ rằng, đại thi hào họ Nguyễn đã dành tất cả tâm huyết, cả bầu máu nóng của mình mà làm nên tác phẩm. Đó không phải là tình cảm thông thường, mà là tình cảm đã được ý thức, được sinh ra từ những tư tưởng lớn, là tình cảm cho cả nhân loại. Xót thương cho những phận đời “tài hoa bạc mệnh” như nàng Kiều hay Đạm Tiên, Nguyễn Du viết:

“Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”

Từng dòng thơ, con chữ như một tiếng kêu ai oán cho số kiếp hồng nhan nhưng bạc phận, tuy tài hoa nhưng cuộc đời đầy sóng gió. Phải thương Kiều, yêu Kiều lắm, phải đặt cả tâm hồn vào nhân vật thì Nguyễn Du mới có thể khóc thương cho cuộc đời nàng như vậy. Chính tấm lòng nhân đạo của tác giả đã dấy lên sự đồng cảm sâu sắc, mãnh liệt nơi bạn đọc. Chu Mạnh Trinh từ cuối thế kỷ XIX đã tự coi mình là nòi đa tình, thương cảm sâu sắc với nàng Kiều như một người đồng điệu: “Bộc bản đa tình, cảm thâm đồng điệu”. Rồi đến vua Minh Mệnh khen Kiều đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa, “nêu danh giáo và phong lưu muôn thuở”. Hay qua cách mà nhà văn Phạm Quỳnh cảm thán về tác phẩm rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” cũng đủ chứng tỏ “Truyện Kiều” được độc giả đón nhận và trân trọng như thế nào. Nhà thơ Tố Hữu cũng bộc bạch sự kính trọng cùng lòng ngưỡng mộ đối với đại thi hào họ Nguyễn:

“Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”

(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

“Truyện Kiều” là tiếng kêu đứt ruột, làm náo động cả không gian trước “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, mãi day dứt không nguôi trong lòng bạn đọc về lòng xót thương cho những kiếp người tài hoa bị xã hội vùi dập. Người đời đối với Kiều là “nâng niu”, trân trọng ngắm từ xa”, nhưng phải chăng hành trình 200 năm “Truyện Kiều” chỉ có vậy? Với nhiều quan điểm trái chiều xuất phát từ cách nhìn nhận của mỗi thời đại, sự “hạch sách” hay “giày vò” là điều không thể tránh khỏi. Nếu đứng trên lập trường Tống Nho xem “chết đói là sự nhỏ, thất tiết là sự lớn” thì quả thật việc Kiều không tự tử mà chấp nhận cuộc sống nhục nhã suốt hàng chục năm trời ấy là điều đáng lên án. Cũng trên quan điểm ấy, Nguyễn Công Trứ cũng có những chỉ trích rất nặng nề trong tác phẩm “Vịnh Thúy Kiều”:

“Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”

Cũng có rất nhiều người dựa trên lập trường đạo đức nghiêm khắc để xét đoán “Truyện Kiều” như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng tuy văn chương hay nhưng tác phẩm vẫn không thể tránh khỏi “cái vẻ ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng”,…

Từ khi ra đời đến nay, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã có nhiều cách tiếp nhận , đánh giá khác nhau, “kẻ khen, người chê”, người “nâng niu”, kẻ “hạch sách”, người “trân trọng ngắm từ xa”, kẻ “giày vò mỗi chữ”. Dẫu như thế nào, ngọn lửa sức sống của “Truyện Kiều” vẫn không thể bị hủy diệt, dù Nguyễn Du có mất đi nhưng nàng Kiều vẫn đi vào cõi bất tử và thi hào chính là “nhà thơ lớn” của mọi thời đại. Phải chăng, Nguyễn Du với “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời”, “đôi mắt nhìn thấu sáu cõi” và “tấm lòng thơ với tình đời thiết tha” đã làm nên sự kì diệu đó? Từ ngàn xưa cho đến bây giờ hay mãi sau này, “Truyện Kiều” vẫn sống với sức sống mãnh liệt của nó, vẫn được yêu quý, trân trọng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã bày tỏ quan điểm của mình về nghệ thuật: “Muốn viết văn, trước hết phải sống. Đừng có cậy ở thiên tài. Thiên tài chỉ cho ta nghệ thuật, sống mới cho ta nội dung”. Nhà thơ viết về cuộc sống, đúng, nhưng nó không thể là những câu thơ hời hợt và tẻ nhạt. Thơ hay, ngoài chứa đựng dòng cảm xúc sâu sắc còn phải được viết nên từ tài năng của tác giả. Người nghệ sĩ phải có đôi mắt tinh tường để nhận thấy sự chuyển biến của thời đại, nắm bắt sự thay đổi của cuộc đời.

Không những vậy, nhà thơ còn cần đến vốn kiến thức sâu rộng, bao quát từ văn hóa, nghệ thuật đến triết học, tôn giáo, lịch sử, xã hội,… như thế, “đứa con tinh thần” của họ khi được sinh ra sẽ mang đậm dấu ấn thời đại, cắm rễ vững vàng vào lòng đất mà lớn lên, đơm hoa kết trái làm đẹp cho đời. Tài năng của nhà thơ sẽ là nền tảng kiên cố, chắc chắn để giữ gìn giá trị tác phẩm, khiến nó sống mãi với năm tháng và người nghệ sĩ vẫn mãi “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa”.

Thử hỏi, nếu không có tài năng, không có vốn kiến thức phong phú về xã hội thời bấy giờ, sao nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể viết nên hai tập thơ “Bạch Vân am thi tập”“Bạch Vân quốc ngữ thi tập” được mệnh danh là thành tựu lớn của thơ ca trung đại Việt Nam, mở đầu cho dòng thơ “chạm chân vào hiện thực”?

Hay như Quang Dũng được mọi người biết đến là một nhà thơ đa tài, “cầm, kỳ, thi, họa”, vì thế, mỗi tác phẩm mà ông viết ra, đặc biệt là “Tây Tiến” sẽ rực rỡ như một bức tranh thời đại đầy màu sắc, sẽ âm vang như giai điệu ngọt ngào của bài ca cuộc sống. Chỉ vài câu thơ thôi mà người đọc có thể hình dung bức tranh phong cảnh của vùng núi Bắc Bộ hiện lên với vẻ hoang sơ nhưng đầy thơ mộng:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Song song với tâm hồn chứa chan xúc cảm, vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng về cuộc đời, người nghệ sĩ đích thực muốn “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” còn phải có cá tính độc đáo, sáng tạo, có tiếng nói, giọng nói riêng. Nếu nhà thơ không có dấu ấn cá nhân, không có sự đột phá trong phong cách sáng tác, tác phẩm mà họ viết ra sẽ trôi dần vào quên lãng, và người nghệ sĩ sẽ mãi loay hoay trong lối mòn lặp lại người khác, lặp lại chính mình. Hay nói như Phương Lựu: “…đó là một sự tự sát trong văn học, một lĩnh vực tối kỵ sự nhai lại ngay cả đối với những chân lý quan trọng”. Vậy nên, nhà thơ sẽ không thể đối mặt với cuộc đời, với độc giả khi tác phẩm của họ hoàn toàn mờ nhạt, lặp lại người khác. Thử hỏi, khi ấy tác giả có còn “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” được không? Việc đánh mất cá tính sáng tạo cùng phong cách độc đáo sẽ khiến nhà thơ trở nên loại “nghệ sĩ con rối” (Chế Lan Viên), để rồi đến một lúc, họ không còn là chính mình nữa:

“Người diễn viên ấy đóng trăm vai vai nào cũng giỏi
Chỉ một vai đóng không nổi:
Vai mình!”

(Nghĩ về thơ)

Bạn đọc tìm đến với thơ ca trước hết là tìm sự mới mẻ để thanh lọc tâm hồn, để thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Vậy nếu nhà thơ cứ lặp đi lặp lại chính mình, hay trăm nhà thơ mà nhất cử, nhất động đều như một, độc giả sẽ cảm thấy chán chường và buồn tẻ dường nào? Đối với mỗi nhà thơ, mỗi cá tính riêng, mỗi giọng nói riêng, bạn đọc có thể yêu quý họ, “nâng niu” hay “trân trọng ngắm từ xa”, nhưng cũng có lúc họ sẽ “hạch sách”, “giày vò mỗi chữ”, điều quan trọng là nhà thơ vẫn giữ được giá trị cốt lõi của mình, không phải vì người khác có ý kiến trái chiều mà thay đổi quan điểm sống của mình.

  • Kết bài:

Chính những cách tiếp nhận khác nhau của bạn đọc ấy là ngọn lửa thử chất vàng mười của người nghệ sĩ, buộc họ phải sáng tạo không ngừng, trui rèn bản thân để đến gần hơn với độc giả. Thơ ca thế giới và Việt Nam đã ghi dấu bao giọng nói riêng của nhà thơ. Những tên tuổi đỉnh cao là những người luôn nỗ lực hết mình để khẳng định tiếng nói cá nhân trong sáng tạo. Nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân qua “Thi nhân Việt Nam” đã khẳng định: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên…. và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu. Mỗi tác phẩm ra đời dù thu về những bình luận, ý kiến trái chiều nhưng ta vẫn không thể phủ nhận tài năng và cá tính độc đáo của mỗi nhà thơ. Họ chính là người nghệ sĩ thật thụ, là “nhà thơ lớn” được “nhân loại yêu bằng mọi cách”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang