nhan-vat-nguoi-phu-nu-trong-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong

Nhân vật người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương

Nhân vật người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương

  • Mở bài:

Trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đặc biệt đề cao mẫu người phụ nữ chính chuyên, đề cao đạo lý, coi trọng hạnh phúc gia đình. Họ là những người phụ nữ được cưới hỏi theo phong tục truyền thống của dân tộc, có cha mẹ họ hàng hai bên chứng dám như nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương. Thế nhưng, dù ở họ có nhiều phẩm chất tốt đẹp, thực hiện tốt bổn phận của mình nhưng không được xã hội xem trọng, cuộc đời phải gánh chịu nhiều bất hạnh, đau thương.

  • Thân bài:

Vũ Nương là hiện thân của người phụ nữ luôn khát khao về hạnh phúc gia đình

Nhân vật Vũ Nương Chuyện người con gái Nam Xương là mẫu người phụ nữ chính chuyên, trung liệt. Nàng luôn chu đáo, cẩn thận trong thiên chức của một người vợ, biết cách giữ lửa trong nhà, giữ gìn khuân phép để không xẩy ra “bất hòa” trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Biết chồng hay ghen nên nàng tính toán một cách kỹ lưỡng từ lời nói, cử chỉ, hành động đến việc làm của mình. Lúc chồng ra trận, nàng đã nói: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Từ đó, nàng phụng dưỡng mẹ già, nuôi con thơ, một lòng một dạ chờ chồng

Khi bị chồng nghi ngờ, mắng nhiếc và đánh đuổi đi, nàng cho biết ý nguyện của mình: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao”. Trước lúc quyên sinh nàng đã thề với thần sông, khẳng định tấm lòng trong sạch: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

Người phụ nữ đức hạnh ấy nhận thức được rằng muốn có hạnh phúc gia đình thì trước tiên phải làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ. Tác giả đã đặt các nhân vật của mình vào chung một hoàn cảnh là có chồng đi xa (một người chồng đi chinh chiến, một người chồng đi cùng cha vào nơi biên ải). Đây được xem là phép thử để kiểm chứng lòng chung thủy và trách nhiệm của người phụ nữ. Đó cũng là “môi trường” để nhân vật tự bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của mình. Chi tiết “chiếc bóng” góp phần nói lên tâm niệm về gia đình của Vũ Nương. Khi nàng trỏ tay vào chiếc bóng và nói với con đó là cha con, phải chăng nàng xem người vợ và người chồng luôn gắn bó với nhau như hình với bóng? Và cũng chính từ chi tiết “chiếc bóng”, nàng đã cố gắng tạo ra khoảng cách gần nhất giữa cha và con, tạo nên sợi dây nối tình phụ tử với nhau. Chính suy nghĩ của Vũ Nương về các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã thể hiện khát vọng về một gia đình hạnh phúc.

Khát vọng hạnh phúc gia đình không chỉ có khi họ sống bên nhau trên cõi đời mà còn có cả khi họ đã xa lìa nhau. Dù phải gieo mình xuống nước, Vũ Nương trong nỗi đau oan uổng, tủi nhục nhưng họ vẫn luôn nhớ chồng con, vẫn luôn hoài vọng về mái ấm gia đình nơi trần thế. Nàng đã quay lại trần gian một lần nữa để gặp chồng trong hạnh phúc đoàn tụ, dù rất ngắn ngủi.

Nhân vật Vũ Nương là hiện thân của bi kịch cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Số phận của người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương là một vấn đề trăn trở cho cả tác giả và độc giả. Dù họ là mẫu phụ nữ chính chuyên hay mẫu phụ nữ hư hỏng, dù tác giả để cho họ sống ở cõi khác thì họ đều chịu chung số phận là rơi vào bi kịch.

Vũ Nương là một mẫu hình phụ nữ lý tưởng (xinh đẹp, đảm đang, chu đáo, thủy chung, yêu chồng, thương con) nhưng vẫn rơi vào bi kịch, phải tìm đến cái chết tức tưởi, oan khuất. Gấp trang sách lại, người đọc cảm thấy bí bức, ngột ngạt và cảm thương vô hạn cho người phụ nữ bạc mệnh, phải chịu nhận bi kịch về lòng chung thủy không được giãi bày. Tại sao một người phụ nữ như thế mà Trương Sinh và cả xã hội phong kiến ruồng bỏ? Ở nàng luôn toát lên vẻ đẹp tuyệt vời về phẩm giá, nhân cách của người vợ, người mẹ. Nàng ý thức một cách rõ ràng, đời người phụ nữ chỉ mong được sống yên ấm cùng người mình yêu thương. Nhưng tất cả những việc làm và phẩm chất tốt đẹp của nàng không cảm hóa được người chồng hay ghen. Chỉ một lời nói dối vô tình của mình với con trẻ, khiến nàng phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Duyên phận hẩm hiu, chồng con ruồng bỏ, tiếng chịu nhuốc nhơ” rồi lao xuống sông tự kết liễu cuộc đời. Thoạt nhìn, đây là cách giải quyết tiêu cực nhưng suy cho cùng đó là con đường duy nhất để nàng chứng minh mình vô tội. Mặc dù tác giả để cho Vũ Nương được sống với Linh Phi phu nhân của Nam Hải Long Vương trong Quy động nhưng thử hỏi một người phụ nữ  “có cái thú vui nghi gia nghi thất”, yêu chồng, thương con, nay phải thui thủi một mình, luôn sống trong nhớ nhung, luyến tiếc liệu có hạnh phúc không?

Càng đi sâu vào câu chuyện, chúng ta càng thấm thía nỗi đau khổ và tủi nhục của người phụ nữ. Dù họ rất yêu chồng, thương con, gắn kết với gia đình bé nhỏ của mình nhưng hiểm họa luôn rình rập. Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, vị trí của người phụ nữ bị hạ thấp. Họ bị ràng buộc bởi lễ giáo “tam tòng, tứ đức” hà khắc, không có quyền tự quyết định cuộc đời mình. Tiếng nói của họ không mấy giá trị, ít được chấp nhận. Giá như Trương Sinh chịu nghe những lời giải thích của Vũ Nương thì người phụ nữ rất đáng kính trọng ấy đâu phải chịu cái chết thảm thương, oan khuất! Vấn đề ở đây là tiếng nói, vị thế của người đàn ông quá lớn. Xã hội ban cho họ những quyền lực tối thượng trong gia đình. Họ gây ra tội lỗi, gây ra cái chết cho người khác nhưng không bị xã hội lên án. Ngay cả những người bị họ đẩy vào đường chết cũng không một lời oán thán, trách móc. Vì thế, bi kịch của những người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương không chỉ là bi kịch gia đình mà rộng hơn là bi kịch của cả xã hội phong kiến.

Tác giả đã ca ngợi, ủng hộ cuộc đấu tranh để giành lấy hạnh phúc Vũ Nương. Thế nhưng, kết cục câu chuyện đều dựa vào cái lí của luân thường đạo lí phong kiến. Đây chính là sự mâu thuẫn trong con người tác giả. Mặc dù ông rất yêu đứa con tinh thần của mình và luôn tìm mọi cách cho các nhân vật nữ được hạnh phúc, thế nhưng ông cũng đang rơi vào bế tắc khi tư tưởng Nho giáo là tư tưởng chủ đạo trong quá trình sáng tác Truyền kỳ mạn lục.

“Công – dung – ngôn – hạnh” là bốn chuẩn mực xã hội phong kiến đặt ra cho người phụ nữ nhưng không phải người phụ nữ nào đạt được những chuẩn mực ấy cũng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Trong Chuyện người con gái Nam Xương, ta thấy Vũ Nương là thiếu phụ nhan sắc, tài năng, nhân phẩm trở thành khuôn mẫu của người phụ nữ phong kiến. Thế nhưng số phận của họ cũng phải hứng chịu bi kịch bị chà đạp nhân phẩm. Sống tủi nhục, đắng cay, khổ đau, chết oan uổng, tức tưởi.

Cái chết của Vũ Nương là một cái chết oan khuất đầy tủi nhục. Nàng tìm đến cái chết vì lòng tin bị xói mòn, nhân phẩm bị chà đạp, chịu tiếng nhơ nhuốc ngoại tình. Bi kịch từ đâu đến với một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn như nàng? Tin vào lời nói của trẻ thơ: “Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, những chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh đã không cần tìm hiểu, không cho vợ giãi bày, để ngoài tai mọi lời “bênh vực, biện bạch cho nàng” của họ hàng, làng xóm mà phũ phàng đẩy vợ mình vào cõi chết. Nàng chết mà không biết ai đã đặt điều, vu khống! Chết mà không được cất lên tiếng nói bảo vệ phẩm giá của mình.

Mặc dù ra đời từ thế kỷ XVI, khi xã hội phong kiến Việt Nam mới bắt đầu chuyển từ thời kỳ cực thịnh sang thời kỳ rối ren, khủng hoảng, nội chiến, nhưng Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục đã có cách nhìn khác đối với chế độ phong kiến. Nhà văn không chỉ mượn yếu tố hoang đường kì ảo để gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian thần nịnh hót đầy triều đình, những kẻ quyền cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành mà còn quan tâm đến số phận người phụ nữ như trân trọng vẻ đẹp phẩm chất, đề cao những khát vọng chân chính và thương cảm với bi kịch của người phụ nữ.

  • Kết bài:

Có thể khẳng định, với nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ là người đầu tiên xây dựng nhân vật người phụ nữ thành những hình tượng nghệ thuật có sức lay động mãnh mẽ trong lòng người đọc. Đồng thời, cũng là tác giả đầu tiên đề cao những khát vọng chân chính về hạnh phúc gia đình và thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những khát vọng của người phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang