Tuyển tập bộ đề thi tuyển sinh Ngữ văn 10 cực hay
Đề bài 1:
“Mục tiêu của một nhà văn nghiêm túc là không chỉ nhằm kể cho chúng ta một câu chuyện để giải trí hoặc để lay động chúng ta mà còn khiến cho chúng ta suy nghĩ và hiểu ra ý nghĩa sâu sắc được ẩn giấu của các sự kiện” (Mô – Pa- xăng)
Em hiểu ý nghĩa câu nói trên như thế nào? Bằng việc phần tích môt tác phẩm văn học đã học, hãy làm rõ ý nghĩa ấy.
Đề bài 2:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. từ đó liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước của con người Việt Nam.
Đề bài 3
Bàn về khả năng tác động của tác phẩm văn học đến tâm hồn con người, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã cho rằng: “Mỗi tác phẩm như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi…” (Tiếng nói của văn nghệ – SGK Ngữ văn 9, tập 2, trang 14)
Qua các tác phẩm văn học đã học và đã đọc, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề bài 4:
Cảm nhận ý nghĩa đoạn thơ sau trong bài Nói với con của nhà thơ Y Phương:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.
(Nói với con – Y phương)
Từ đó, so sánh với ý nghĩa đoạn thơ sau:
“Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”.
(Những cánh buồm – Hoàng Trung Thông).
Đề bài 5:
Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ sau:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
Từ đó, hãy liên hệ với một đoạn thơ, bài thơ khác cùng chủ đề mà em đã học hoặc đã đọc và làm rõ điểm gặp gỡ của các tác giả.
Đề bài 6:
Cảm nhận tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu qua hai đoạn thơ sau:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)
Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.
(Bác ơi – Tố Hữu)
Đề bài 7:
“Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu).
Bằng việc phân tích một tác phẩm văn học, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề bài 8:
Nhận xét về truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, nhà văn Ý Nhi viết:
“Trên cái nền chiến tranh, hủy diệt ấy, các nhân vật của Lê Minh Khuê hiện lên với một vẻ đẹp kỳ diệu. Họ không ngần ngại khi khẳng định: “Cao điểm của chúng tôi, nơi ra đời những ước mơ và khao khát”… Trong những giây phút yên tĩnh hiếm hoi giữa hai trận bom, họ cặm cụi chép bài hát, họ thêu những cành hoa lên chiếc gối nhỏ, họ “mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa lời ra mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn và ngớ ngẩn”. Và, họ mơ mộng. Những câu văn đã được kéo dài ra, mềm mại, hư ảo”. (Lê Minh Khuê: Ngôi sao xa xôi và “Bi kịch nhỏ” – Ý Nhi)
Qua nhân vật nhân vật Phương Định, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề bài 9:
“Dù viết về cái gì, văn chương chân chính cũng hướng về con người. Viết về cái xấu để cảnh tỉnh con người, để báo động giúp con người sống với bản lĩnh tốt đẹp của mình. Viết về cái tốt để con người tự tin ở mình và đó chính là hành trang cần có ở con người trong cuộc hành trình tới tương lai”.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua các tác phẩm đã học, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề bài 10:
Nhà thơ Tố Hữu từng nhận định rằng: “Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”
Bằng các tác phẩm đã học, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề bài 11:
“Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “Mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xụân lớn của dân tộc”. (Sgk Ngữ Văn 9, tập 2)
Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để làm rõ ý nghĩa trên.
Đề bài 12:
“Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc quan một lầnmà bỏ xuống được. ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có tri thức… Cho đến một câu thơ kia, người đọc nghe thì thầm mãi, mắt không rời trang giấy” (Tiếng nói của Văn nghệ – Nguyễn Đình Thi)
Suy nghĩ của em về ý kiến trên. Bằng một tác phẩm văn học mà em đã được học hoặc đã đọc, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề bài 13:
“Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”.
Bằng việc phân tích một tác phẩm đã học, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề bài 14:
Trong Tiếng nói của văn nghệ, nhà văn Nguyễn Đình Thi có nhận định: “Những người nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống của tâm hồn”.
Qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, hãy chứng minh điều ấy.
Đề bài 15:
“Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trong nhìn và thưởng thức” (Theo giòng – Thạch Lam)
Qua một vài tác phẩm văn học đã học, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề bài 16:
“Người ta có thể tách bạn ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi bạn”.
Em hiểu gì về ý nghĩa câu nói trên? Bằng một tác phẩm văn học đã được học, em hãy làm sáng tỏ ý nghĩa ấy.
Đề bài 17:
Trong truyện “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, qua lời kể của nhân vật ông Ba, tác giả có viết:
“ … Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức để trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.”
Tại sao nhân vật ông Ba lại nghĩ “chỉ có tình cha con là không thể chết được” và ông “không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy”?
Đề bài 18:
“Đạo đức cao thương nhất của loài người chính là lòng yêu nước” (Napoleon)
Em hiểu gì về ý nghĩa câu nói trên. Bằng việc phân tích một tác phẩm văn học đã học, hãy làm sáng tỏ ý nghĩa câu nói trên.
Đề bài 19:
Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình cảm cha con được thể hiện trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương và truyện ngắm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.