Thế nào là tính đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau?

the-nao-la-do-ky-ganh-ghet-lan-nhau-13215-2

Đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau

  • Mở bài:

Trong cuộc sống luôn có kẻ hơn người thua, kẻ thắng kẻ bại, kẻ giàu sang người khốn khó. Một khi có sự chệnh lêch ấy sẽ làm nảy sinh tính đố kị ở con người. Khi trong lòng đầy ghen tỵ, người ta chê bai mọi thứ dù tốt hay xấu. Đố kị là bản chất của những con người. “Chừng nào con người còn so sánh lẫn nhau thì còn có sự đố kỵ”. (S. Neckel)

  • Thân bài:

Đố kỵ, ghen tỵ là gì?

– Đố kỵ (hay ghen tỵ, ganh ghét) là cảm thấy không hài lòng, khó chịu, bực tức hoặc thù ghét những ai có nhiều hơn mình hay có những thứ mà mình không có được và luôn mong muốn người dó không có được điều đó.

– Đố kị là bản chất của những người có nhân cách kém cỏi hoặc thất bại trong cuộc sống.

Biểu hiện của tính đố kỵ, ganh ghét trong cuộc sống.

Đố kỵ là một đặc trưng của xã hội loài người. Nó xuất phát từ khi xã hội mới hình thành, con người bắt đầu biết sở hữu vật chất. Càng phát triển, sự sở hữu vật chất của con người ngày càng lớn hơn, sự đố kỵ cũng lớn dần lên. Ngày nay, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, sự phân hoá xã hội sâu sắc khiến cho tâm lý đố kỵ, ganh ghét ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Trong cuộc sống, người có tính đố kỵ thường hay có tính cách nhỏ nhen, vụn vặt, chấp trách người khác. Họ thường hay soi mói, châm chích, chê bai người khác hay những gì hoặc xuất hiện trước mặt, hoặc nghe thấy. Dường như họ không hề hài lòng hay biết quý trọng cuộc sống có ở xung quanh. Đối với người có tính đố kỵ, ai cũng đáng ghét, đáng chê, chỉ có bản thân họ là toàn diện.

Trong công việc, người có tính đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau thường hay so đo tính toán hơn thua lẫn nhau. Họ luôn thấy mình làm nhiều hơn người khác nhưng lại được ít hơn. Họ ghét những người giỏi hơn mình và khinh chê những người kém hơn mình. Họ thích được khen ngợi dù không có gì nổi bậc. Ai đó may mắn có được của cải hay thành tích cũng làm họ khó chịu, bực tức trong lòng.

Thói ghen tỵ, đố kỵ khác với tính thi đua. Giữa lòng ghen tị và sự thi đua có một khoảng xa cách như giữa tật xấu xa và đức hạnh. Thi đua là động lực của sự tiến bộ còn đố kị là sự kiềm hãm sức mạnh sáng tạo của con người. Hãy khiêm tốn và đừng kiêu căng, tự mãn nếu bạn thực sự có tài năng và không đố kị nếu bạn muốn dạt được thành công nào đó mà người khác đang có.

Tác hại của thói đố kỵ, ganh ghét:

Bị chiếm lĩnh bởi sự đố kỵ và thói ganh ghét, con người thường không hề nhìn thấy những ưu điểm của người khác, thậm chí là ưu điểm của bản thân. Kẻ mang lòng đố kỵ không những không biết ơn những người đã mở rộng vòng tay giúp đỡ mình mà còn có thái độ bất cần, thù địch với họ và khước từ sự giúp đỡ ấy.

Bởi vì có lòng đố kỵ cho nên trong công việc họ hay tránh việc khó, chọn việc dễ, làm việc qua loa, cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Khi xảy ra hậu quả, họ lại trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác. Khi bị xử phạt họ không khâm phục, tỏ ra oán trách hoặc đe dọa người khác. Sự nguy hiểm của tính đố kị chính là tính thù ghét. Đầu óc của họ lúc nào cũng sẵn chứa sự hung bạo và lúc nào cũng nghĩ đến chuyện gây rối. Từ sự không hài lòng, cảm thấy bị đối xử bất công, họ mang thù hận ở trong lòng và tìm cách trả thù để thỏa lòng ghen tức.

Chuyện xưa kể rằng, Chu Du vì quá đố kỵ, ghen tức với tài năng của Gia Cát Lượng mà nói rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng”. Từ sự đố kị nhỏ nhen ấy, Chu Du luôn tìm cách hãm hạm, hạ nhục, thậm chí là giết chết Gia Cát Lượng như không làm được. Cuối cùng, quá uất hận, Chu Du vỡ máu mà chết.

Nguyễn Trãi là bậc tài trí hơn người. Ông lại là người liêm khiết, chính trực, sống vì muôn dân, vì đát nước. Tài năng và tấm lòng ngay thẳng của ông đã khiến bao kẻ đố kỵ, ghen tức vô cùng. Chúng luôn tìm cách hãm hại ông, phá hủy thanh danh của ông. Lợi dụng sự việc vua Lê Thái Tổ băng hà tại nhà riêng của Nguyễn Trãi, bọn gian thần ấy đã vu ông tội giết vua, phải chịu án tru di tam tộc. Thiên cổ kì án ấy mãi đến 20 năm sau mới được minh chứng và hóa giải.

Đừng để cho con rắn đố kỵ, ghen tỵ luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại con tim. Trước sự thành công của người khác, hãy bình tĩnh, tự tin và lạc quan. Hãy nhìn sự vật một cách biện chứng trong mối quan hệ vận động và phát triển. Không nản lòng, không nhụt chí trước những điều chưa đạt được, luôn tin tưởng ở bản thân, ở tương lai chính mình, thất bại chỉ là tạm thời, đời người không ai tránh khỏi thất bại. Hãy dùng phép thắng lợi tinh thần: “thất bại là mẹ thành công” chỉ cần ta có dũng khí, đứng thẳng trên đôi chân mình thế nào cũng đi đến đích.

  • Kết bài:

Cuộc sống không nên có tính đố kỵ, ganh ghét lẫn nhau. Muốn thành công, con người cần hình thành ở mình những phẩm chất tốt đẹp và không ngừng rèn luyện bồi dưỡng những phẩm chất ấy. Chính lòng đố kỵ, ganh ghét hẹp hòi làm xấu đi mối quan hệ xã hội, là nguyên nhân dẫn ta đến thất bại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.