Những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội của học sinh giỏi.
1. Lỗi xác định vấn đề nghị luận.
Thiết nghĩ, khi làm bài nghị luận xã hội thì đây là một khâu quan trọng, có phần quyết định bài làm đạt yêu cầu hay không của học sinh. Bởi lẽ, nếu xác định yêu cầu sai, không đúng hoặc chưa toàn diện thì học sinh sẽ làm lạc đề, lệch hướng hoặc chưa toàn diện bài viết.
Để có thể viết được một bài văn nghị luận xã hội đúng và chặt chẽ, trước hết học sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Rồi sau đó mới có thể đưa ra hệ thống các ý hay luận điểm, luận cứ để lập luận một cách logic.
Song cũng cần lưu ý, để không bị lạc đề và xác định đúng hướng của bài làm, học sinh cần đọc và phân tích thật kĩ đề bài. Tức là phải hiểu rõ ý nghĩa của từng từ, từng câu và cả cách ngắt câu, dùng dấu câu trong đề bài.
Tuy nhiên trong quá trình làm bài học sinh đôi khi vẫn không thể tránh khỏi việc mắc phải một số lỗi trong việc xác định yêu cầu của đề. Và đặc biệt đây cũng là một lỗi không phải hiếm gặp trong một số bài viết của học sinh giỏi. Dưới đây là một số lỗi sai điển hình mà bài làm văn nghị luận xã hội của học sinh giỏi thường mắc:
1.1 Không xác định được hoặc xác định sai vấn đề nghị luận.
– Với đặc thù của đề thi học sinh giỏi là thường khó với các dạng đề mở, hay đề có nhiều ẩn ý, nhiều lớp nghĩa chìm sâu trong câu chữ nên đôi khi việc không đọc kĩ đề hay còn chưa chắc chắn về kiến thức dễ dẫn đến việc học sinh xác định sai vấn đề nghị luận. Đây là một lỗi rất nghiêm trọng bởi lẽ xác định sai vấn đề cần nghị luận sẽ dẫn đến không nắm được yêu cầu của đề bài, bài viết sẽ đi sai hướng không nhấn mạnh được vào trọng tâm khiến bài làm lan man, dài dòng mà không đạt đến vấn đề cần nghị luận. Đặc biệt đây cũng là một lỗi rất thường thấy không chỉ trong bài viết của học sinh đại trà mà có cả trong bài làm của học sinh giỏi.
Ví dụ 1: Trong bài thơ “Khúc dân ca” Nguyễn Duy viết:
“Mây bay bằng gió của trời
Là ta ta hát bằng lời của ta.”
Suy nghĩ của anh/ chị về ý thơ trên.
Có học sinh xác định vấn đề nghị luận là hai câu thơ đề cập đến lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, mỗi công dân trong một đất nước phải luôn tự hào về những nét bản sắc riêng, tiếng nói riêng của dân tộc mình. Trong khi đó trọng tâm vấn đề lại đề cập tới vấn đề: Dẫu rằng cuốc sống đầy phức tạp, nhiều điều phải chịu tác động từ hoàn cảnh nhưng con người cần được sống là chính mình một cách trọn vẹn nhất. Ở đây học sinh đã không đọc kĩ đề dẫn đến xác định sai vấn đề từ đó bài viết triển khai lệch hướng, thất bại khi không bàn luận được đúng yêu cầu đặt ra trong đề bài.
Ví dụ 2:
Một ngọn cỏ tự do làm thành thảo nguyên
Một cái cây tự do làm thành cánh rừng
Một con cá tự do làm thành biển cả
Một con chim tự do làm thành bầu trời
Một con người tự do làm thành vũ trụ.
(Nguyễn Quang Thiều, Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng)
Theo anh/ chị đoạn thơ trên đề cập đến vấn đề gì? Viết một bài văn nghị luận bàn về vấn đề đặt ra trong đoạn thơ.
Đề bài này đề cập đến vấn đề: Tự do là nhu cầu bản thể, là quyền cơ bản của con người khi tồn tại trong cuộc đời. Nhưng có học sinh lại xác định vấn đề nghị luận ở đây là: Những cá thể nhỏ bé lâu dần với nỗ lực không ngừng sẽ có thể phát triển thành những điều to lớn, vĩ đại. Ở đây vì không chắc về kiến thức nên học sinh đã xác định sai lệch hoàn toàn với vấn đề cần bàn luận dẫn đến việc bài viết viết về một vấn đề khác xa, không trúng với những gì mà đề bài đặt ra.
Ví dụ 3:
Một ngày kia tôi đi thăm bố tôi ở Atlanta. Nhà cụ cách nhà tôi khoảng ba, bốn dặm và muốn đến đó phải đi qua đường Simpson. Khi tôi về nhà vào ban đêm – quý bạn ơi, tôi nói cho quý bạn nghe, đường Simpson là một con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Bên lề đường có một anh chàng đưa tay vẫy tôi dừng lại. Tôi cảm thấy là người này cần giúp đỡ; tôi biết là người này cẩn giúp đỡ. Nhưng lúc đó tôi không biết được điều này. Và thú thực với các bạn, tôi đi luôn. Tôi không dám mạo hiểm như vậy
Tôi muốn nói với các bạn sáng ngày hôm nay là câu hỏi câu hỏi đầu tiên thầy tế lễ hỏi cũng là câu đầu tiên tôi hỏi trên đoạn đường Jericho ở Atlanta, tức là đường Simpson. Câu hỏi đầu tiên mà người Lê – vi hỏi là: “Nếu tôi dừng lại để giúp người này, thì việc gì sẽ xảy đến cho tôi?” Nhưng người tốt bụng Samari đi đến và đảo ngược câu hỏi. Không phải là “điều gì sẽ xảy đến cho tôi nếu tôi dừng lại để giúp người này?” mà là “điều gì sẽ xảy đến cho anh ta nếu tôi không dừng lại gặp anh ấy?”…
(Trích diễn văn: Ba Chiều của Một Đời Sống Trọn Vẹn- Dr. Martin Luther King)
Suy nghĩ của anh (chị) từ hai câu hỏi trong đoạn trích trên.
Với đề bài này có học sinh xác định vấn đề nghị luận là đặt ra câu hỏi: Liệu rằng chúng ta đã và đang nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hay chưa? Song ở đề bài này thì vấn đề cần bàn luận lại là: Bên cạnh việc yêu quý, trân trọng, lo lắng cho bản thân thì mỗi người cũng cần biết quan tâm, chia sẻ với người khác mới có thể làm nên ý nghĩa của cuộc sống.
1.2 Xác định chưa trúng trọng tâm của vấn đề nghị luận.
– Nếu như lỗi xác định sai vấn đề nghị luận là một lỗi đôi khi mới mắc phải trong bài viết của học sinh giỏi thì việc xác định chưa trúng trọng tâm của vấn đề nghị luận lại là một lỗi thường thấy trong bài làm của học sinh. Tất nhiên lỗi xác định chưa thật sâu, thật trúng vấn đề không ảnh hưởng quá nhiều và nghiêm trọng đến chất lượng của bài viết song không phải là nó sẽ không làm giảm đi độ sâu, và độ chính xác trong bài văn của học sinh giỏi. Từ đây cũng dẫn đến thực trạng là học sinh xác định trọng tâm nghị luận rộng hơn hoặc hẹp hơn yêu cầu của đề ra, do đó bài làm bị vênh với đề, luận điểm vừa thừa vừa thiếu. Đây là một lỗi thường mắc phải khiến cho bài văn của học sinh mới chỉ chạm đến được vấn đề mà vẫn chưa thật trúng vào vấn đề mà đề cập tới khiên cho bài viết có ý nhưng lại không sâu, chưa thực có độ lắng, người đọc văn sẽ cảm thấy chưa thật thỏa mãn khi đọc bài viết như vẫn còn mong muốn nuối tiếc điều gì từ ngòi bút của người viết. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến việc người học, người viết vẫn thường mắc phải lỗi xác định chưa thật trúng, thật sát vấn đề cần nghị luận.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là việc người viết đọc chưa thật kĩ đề, chỉ đọc lướt một lần rồi bắt tay vào viết bài dẫn đến chưa thực sự hiểu thấu vấn đề mà đề cập khiến bài viết cho dù bàn luận rất dài mà không nhấn mạnh đúng, trúng yêu cầu cần đạt.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc xác định được một phần của vấn đề mà vẫn không thể xác định, triển khai hết toàn vẹn được những điều mà đề bài đặt ra, đó chính là việc người viết hay chính là bản thân học sinh giỏi chưa hiểu được ngôn từ, ý nghĩa của các vế câu trong nhận định, những tầng nghĩa ẩn sâu trong một tác phẩm nghệ thuật. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân thường thấy trong các bài viết của học sinh. Việc không hiểu đúng, toàn vẹn, hoặc hiểu nhưng chưa thực sâu sắc rất dễ dẫn đến việc học sinh dù có đề cập đến vấn đề nhưng vẫn không đạt được đến vấn đề cuối cùng mà đề bài đặt ra khiến cho bài viết không thể có những lập luận chặt chẽ, sắc bén làm thuyết phục người đọc.
Ví dụ 1:
“ Sống – là cá nhân mỗi người đang gửi một thông điệp đến cuộc sống.”
Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên và về một thông điệp anh (chị) muốn gửi gắm.
Với đề bài này có học sinh mới chỉ xác định được vấn đề cần nghị luận là: Ý kiến chính là một bức thông điệp mà người nói muốn gửi gắm tới cuộc đời chung rằng: mỗi con người sống trên đời này đều luôn phải tìm tòi và không ngừng khám phá cho mình một cách sống riêng và cách sống ấy sẽ giống như một bức thông điệp gửi tới cuộc đời chung giúp xã hội trở nên phong phú, muôn màu, muôn vẻ. Và cũng từ đây, mỗi chúng ta cũng tự soi xét lại bản thân để đúc rút và gửi gắm một bức thông điệp của riêng mình tới cuộc sống. Trong khi đó vấn đề cần nghị luận ở đây hiểu một cách sâu sắc và đầy đủ là: Bản chất cuộc sống của mỗi chúng ta, cách chúng ta sống đã là một thông điệp chúng ta gửi đến cuộc sống, tác động sâu xa đến cuộc sống xung quanh, chúng ta cần có trách nhiệm với thông điệp của mình. Như vậy, ở đề bài này học sinh đã hiểu hơi xa so với vấn đề cần bàn khi cho rằng thông điệp sống mà mỗi cá nhân gửi đến là luôn phải tìm tòi, khám phá cho mình một cách sống riêng. Tuy nhiên ở đề này chúng ta chỉ cần hiều rằng chính cách sống của ta đã là một thông điệp đầy ý nghĩa ta gửi tới cuộc đời cho dù không cao sang, phi thường mà chỉ giản dị là chính ta.
Ví dụ 2:
“Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ nếu bị điều khiển bởi định kiến của người khác hẳn còn tệ hơn nhiều.”
(Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân)
Suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng được đề cập trong đoạn trích trên.
Có học sinh xác định vấn đề nghị luận của đề bài này là đề cập đến hai kiểu người trong cuộc sống mà ta đã gặp phải, đó là những người thường phán xét, nhìn nhận người khác bằng định kiến và cả những con người chịu đựng sống dưới tấm lưới định kiến đó. Xác định như vậy không sai nhưng chưa chạm đến được vấn đề mà đề bài đặt ra dẫn đến bài viết sẽ không sâu sắc khi người viết quên mất bài học vô cùng ý nghĩa mà ý kiến đặt ra. Đối với đề bài này cần xác định yêu cầu của đề là : Trong cuộc sống, mỗi con người phải biết vượt qua những định kiến, vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu để khẳng định mình, để được sống đúng là mình.
Ví dụ 3:
Bình luận câu nói của Tônxtôi: “Bạn đừng chờ đợi những quà tặng bất ngờ từ cuộc sống, mà hãy tự mình làm nên cuộc sống”.
Nhiều học sinh xác định vấn đề nghị luận là: Phải sống chủ động, tích cực, trong lúc trọng tâm vấn đề hẹp hơn: phải chủ động, tích cực để tự mang lại hạnh phúc thành công cho chính mình.
2. Lỗi về luận điểm
2.1 Không xác lập được luận điểm, viết chung chung, thiếu luận điểm
Đây là một thực trạng khá phổ biến , nhiều học sinh khi làm bài, lập ý mà thiếu kĩ năng trình bày, dẫn đến thiếu luận điểm, luận điểm không nổi bật vì bị lẫn vào nhưng câu phân tích lí giải,…Một số học sinh thích diễn đạt rườm rà , cầu kì khiến luận điểm mơ hồ, thiếu chính xác.
Ví dụ 1: Với đề bài Viết bài văn khoảng 1000 từ bàn về lời bài hát sau: “Đừng sống giống như hòn đá,…sống không một tình yêu, sống chỉ biết riêng mình. Tâm hồn luôn luôn băng giá. Đừng hóa thân thành đá, vì tâm hồn đá giá băng”: Nhiều học sinh chỉ quan tầm đến bề nổi của vấn đề là lối sống vị kỉ, phải biết yêu thương người khác,… Thế nhưng đối với bài làm của HSG thì cần phải đào sâu và nhìn nhận toàn diện mọi vấn đề. Vậy nên không thể phủ nhận hoàn toàn sự yêu thương bản thân của mỗi con người, bởi chỉ khi yêu bản thân con người ta mới có thể mở lòng mình yêu thương người khác. Và đây cũng là một luận điểm quan trọng làm nổi bật vấn đề nghị luận của bài.
Ví dụ 2: Có học sinh khi phản biện ý kiến : “Bị đánh bại chỉ là nhất thời, bỏ cuộc mới là thất bại vĩnh viễn” đã diễn đạt : “Trong cuộc sống con người cũng cần học cách từ bỏ”. Khi thảo luận thậm chí các em còn không nhận ra mình bị mắc lỗi diễn đạt ở phản biện. Đó là lỗi diễn đạt chung chung. Việc diễn đạt chung chung như thế dễ trở thành “vơ đũa cả nắm”, biến điều cá biệt trở thành phổ biến, dẫn đến tự mâu thuẫn với chính những điều mình ra sức chứng minh ở phần trước.
2.2. Lặp ý, sắp xếp các ý lộn xộn
Bài làm của học sinh thường bị ý sau lặp lại nội dung của ý trước hoặc các ý sắp xếp không theo trật tự, thiếu tính logic khiến cho bài văn dàn trải, không gây được ấn tượng với người chấm.
Ví dụ 1: Để chứng minh “Lao động là cái đáng quý nhất”, có học sinh nêu ra bốn ý :
(1). Lao động sáng tạo ra loài người.
(2). Lao động nuôi sống con người.
(3). Lao động sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần trong xã hội.
(4). Lao động là môi trường rèn luyện để con người hoàn thiện không ngừng.
→ Ta thấy ý (2) bị bao chứa trong ý (3). Đặt một ý nhỏ ngang hàng với ý lớn như vậy cũng gây ra tình trạng lặp ý khi viết.
2.3 Ý không phục vụ cho vấn đề
Có những ý nhỏ không phù hợp với nội dung của ý lớn hoặc có những ý nhỏ bậc dưới không phù hợp với nội dung của ý nhỏ bậc trên, hoặc có những luận điểm không phục vụ cho vấn đề mà đề bài đặt ra cho người viết.
Ví dụ: Để nêu nguyên nhân của vấn đề bạo lực học đường, một bạn phân tích như sau :
+ Nguyên nhân khách quan:
(1). Một trong những nguyên nhân cơ bản là tình trạng nhiều nơi chú trọng về chữ, nhẹ về dạy người, đạo đức dần bị bỏ quên.
(2). Gia đình ít quan tâm giáo dục con cái.
(3). Các bạn học sinh học tập căng thẳng nên dễ dẫn đến những tình trạng ức chế về tâm lý. Cộng với ở độ tuổi vị thành niên, học sinh thường có những suy nghĩ bốc đồng, mang trên mình cái tôi cá nhân quá lớn. Lòng tự trọng, hay nổi nóng vì những chuyện không đáng và có khi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và cho người khác.
+ Nguyên nhân chủ quan:
(4). Nhiều bạn trẻ quan niệm rằng: dùng bạo lực có tác dụng nhanh, hiệu quả tức thì, đối phương phải phục tùng mình. Thế nên tình trạng bạo lực học đường cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, truyền từ người này sang người khác.
Ở ví dụ trên, ý nhỏ (3) không phù hợp với nội dung của ý lớn ” nguyên nhân khách quan“.
3. Lỗi về dẫn chứng
Dẫn chứng là những sự vật, sự việc, số liệu, ý kiến được đưa ra để chứng minh, làm cơ sở cho điều nói ra, viết ra. Đối với bộ môn ngữ văn, quá trình làm bài cần thiết phải có dẫn chứng để bài viết tăng sức thuyết phục, tạo nên văn phong hấp dẫn, sinh động. Dẫn chứng đưa vào bài nhằm khẳng định, củng cố phần đã phân tích, cảm nhận. Vì vậy, dẫn chứng phải được chọn lọc, tiêu biểu, chính xác, đảm nhiệm được chức năng làm ngọn đuốc, đốm lửa của nó trong bài văn nghị luận.
Mục đích của văn nghị luận là tác động, thuyết phục người đọc, người nghe. Để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận thì cần đến lí lẽ và dẫn chứng. Nếu như lí lẽ là những giải thích, cắt nghĩa để hiểu vấn đề thì dẫn chứng là đưa ra chứng cứ để chứng minh cho vấn đề. Một bài văn nghị luận mà không hoặc thiếu dẫn chứng thì sẽ không hoặc thiếu sức thuyết phục, người đọc sẽ không tin vào lí lẽ suông vì thiếu minh chứng.
3.1 Dẫn chứng không tiêu biểu, không cụ thể, dẫn chứng sai.
– Dẫn chứng sai: Lỗi này làm ảnh hưởng đến tính xác thực của văn bản. Bài viết không có dẫn chứng thì không có sức thuyết phục, dẫn chứng không chính xác thì cũng không có tác dụng gì. Không ít bài viết trích dẫn chứng không chính xác, chẳng hạn như trích sai từ ngữ, sai dấu câu, nhầm lẫn tên tác giả…
VD: Câu nói nổi tiếng của nhà bác học Thomas Edison: “Thiên tài chỉ có 1% là bẩm sinh, còn 99% là do sự nỗ lực” thì có học sinh lại viết vào trong bài làm của mình đó là câu nói của Albert Einstein.
Hoặc khi trích dẫn chứng là thơ:
“Hãy sống đi hãy hái tự bây giờ
Bông hồng thắm của cuộc đời đang sống”
(Sonnet gửi Helen- Pierre de Ronsard)
Thì có học sinh trích sai:
“Hãy sống đi hăng hái tự bây giờ
Bông hồng thắm của cuộc đời đang sống”
– Dẫn chứng mờ nhạt, không cụ thể: Dẫn chứng không đặc sắc, không tiêu biểu, không rõ ràng sẽ không làm sáng rõ được vấn đề cần nghị luận. Đối với bài văn NLXH của học sinh giỏi, các em càng phải tinh trong khâu chọn dẫn chứng. Trong rất nhiều bài văn NLXH mà chúng tôi chấm, có một số bài khi đưa dẫn chứng không nêu tên đối tượng, sự việc cụ thể mà chỉ nói chung chung “cô ấy…”, “có một bác sĩ nọ…” hoặc “tập thể này đã làm được những hành động hết sức tốt đẹp để đóng góp cho cộng đồng…” v.v Tất cả cách đưa dẫn chứng như thế này sẽ làm giảm sức thuyết phục của tất cả những lập luận, lí lẽ đi kèm.
– Dẫn chứng không có tính mới: Dẫn chứng đã quá quen thuộc, đã nhàm, không mới mẻ làm giảm đi tính hấp dẫn của văn bản nghị luận, không thể thu hút sự chú ý của người đọc, người chấm. Ví dụ: bàn về vấn đề nghị lực trong cuộc sống, sự cố gắng không ngại khó khăn gian khổ, chúng ta thường chỉ nhắc đến các dẫn chứng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí.
3.2 Kể lể, chưa biết phân tích, tinh lọc dẫn chứng
Ở đây, vấn đề mà học sinh gặp phải đó là tìm dẫn chứng rồi nhưng viết dẫn chứng không đạt. Lỗi thường gặp nhất vẫn là sa đà, kể lể. Các em chưa biết cách tinh lọc dẫn chứng, chọn ra những đặc điểm tiêu biểu nhất về đối tượng, sự việc để đưa vào bài viết.
Ví dụ: Đề bài: “Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, nên nếu bị điều khiển bởi những định kiến của người khác hẳn còn tệ hơn nhiều” ( Nếu trăm năm là hữu hạn – Phạm Ngữ Ân ). Hãy bình luận ý kiến trên. Có học sinh đã chọn dẫn chứng về hoa hậu
Một lỗi khác trong việc phân tích dẫn chứng đó là dung lượng dẫn chứng không được chia đều, có dẫn chứng viết quá sâu, quá dài, có dẫn chứng lại chỉ điểm qua một cách sơ sài, thậm chí chỉ nêu tên đối tượng, sự việc, không có lời lẽ diễn giải, bàn luận.
4. Lỗi về cách trình bày
4.1 Bố cục bài viết chưa hợp lí
Bố cục chính là cái “sườn” của bài văn. Không chỉ có bài văn NLXH, với bất kỳ dạng đề nào thì bài viết của học sinh cũng phải đầy đủ ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Tuy nhiên, học sinh thỉnh thoảng vẫn mắc phải những lỗi về bố cục chưa thật hợp lý như:
– Viết mở bài liền với thân bài hoặc thân bài liền với kết bài khiến người đọc rất khó phân biệt được bố cục ba phần của bài văn; hoặc viết mở bài hơn một đoạn văn ( nhiều đoạn).
– Một số học sinh do không đủ thời gian làm bài nên không kịp triển khai hết ý cho phần thân bài và viết luôn phần kết bài.
– Ngay cả trong phần thân bài, việc phân chia dung lượng cho các luận điểm lớn cũng không đều. Điều này là do các em chưa biết căn chỉnh thời gian hợp lí. Ví dụ như phần bàn luận, mở rộng nâng cao vấn đề viết quá dài khiến phần bài học nhận thức và hành động chỉ viết được một đoạn văn ngắn ba, bốn dòng.
4.2 Chưa biết cách mở bài, kết bài
Mở bài là đặt vấn đề, giới thiệu vấn đề nghị luận. Mở bài một bài văn tốt sẽ tạo ấn tượng tốt cho người đọc, người chấm. Ai cũng biết vậy. Nhưng để có một mở bài tốt, một mở bài đúng, không phải học sinh nào cũng làm được. Nhiều em không biết mở bài, mà đúng hơn là chưa chú ý mở bài sao cho đúng, cho hay. Các em cứ đặt bút là viết theo cảm tính, nghĩ gì viết nấy, không chịu để ý đề yêu cầu nghị luận cái gì, cứ viết chung chung, tràn lan, linh tinh, không có chọn lọc. Cho nên viết xong mở bài rồi chuyển xuống làm thân bài mà chưa thấy nêu ra được vấn đề đề yêu cầu nghị luận là gì cả. Những bài như vậy dù phần thân bài có viết nhiều mấy cũng trở nên mơ hồ, dễ lạc đề, lệch đề, điểm sẽ rất thấp. Có những mở bài phần dẫn dắt và phần trích dẫn vấn đề không ăn khớp, không hợp lí.
Ví dụ: Đề bài: Suy nghĩ của anh chị về câu nói của Blaise Pascal “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”. Có học sinh mở bài rằng:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng…”
Dòng sông, bông hoa hay hình ảnh con chim đều là hình ảnh của thiên nhiên và gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người. Con người và tự nhiên là hai khía cạnh tồn tại song song với nhau. Vì vậy, trong một lần khẳng định giá trị của con người, Blaise Pascal đã cho rằng : “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ.” Câu nói đã gợi lên trong chúng ta về mối quan hệ giữ con người và tự nhiên.
→ Nhận xét: Phần trên của mở bài không logic, không có khả năng dẫn đến phần sau. Cả phần mở bài có cảm giác không ăn khớp, liền mạch với nhau.
Kết bài có một vai trò quan trọng, nó có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá những vấn đề đã được đặt ra ở phần mở bài và giải quyết ở phần thân bài. Đây chính là phần giúp cho bài văn thêm hoàn chỉnh và trọn vẹn. Tuy nhiên, trong bài viết của học sinh vẫn còn mắc một số lỗi như sau:
Nếu mở bài có tính chất của một câu hỏi, thì kết bài có tính chất là một câu trả lời. Vì vậy kết bài phải thâu tóm lại vấn đề đã được đặt ra ở mở bài và phát triển ở thân bài, đồng thời khơi gợi những nội dung cảm xúc nối tiếp từ những vấn đề đã nêu ra và giải quyết. Tuy nhiên, khi viết kết bài, học sinh thường quên hoặc rất ít tóm lại vấn đề được nghị luận ở bên trên. Đây là lỗi không phổ biến nhưng vẫn có học sinh mắc phải.
Bên cạnh lỗi sai đầu tiên, một số học sinh còn có phần kết bài quá ngắn gọn do không đủ thời gian hoặc mở bài thân bài viết quá nhiều dẫn tới phần kết bài cảm thấy không còn cảm xúc để viết. Viết sơ sài bằng một hai câu tón gọn, không có ấn tượng, không đọng lại được gì trong lòng người đọc. Thậm chí, có học sinh chỉ kết bài bằng một câu văn. Các em nên nhớ, một câu văn chưa đủ để tạo nên một đoạn văn kết bài, cho dù các em có viết câu văn đó dài đến bốn, năm dòng.
Và lỗi kết bài cuối cùng học sinh hay vướng phải, đó là kết bài quá dài dòng và lan man. Đây cũng là điều khiến cho học sinh bị mất điểm một cách đáng tiếc do viết lạc đề hoặc ý viết bị trùng với ý ở phần thân bài.
4.3 Cách sử dụng từ ngữ, đoạn văn.
Đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn: có những đoạn văn chứng minh cho một luận điểm, học sinh viết quá dài, từ một trang rưỡi đến hai trang giấy, còn có đoạn văn chỉ viết bốn, năm dòng. Ta đều biết trong một bài văn sẽ có ý chính, ý phụ tương ứng với các đoạn văn, nhưng nếu viết đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn sẽ khiến bố cục cả bài văn mất cân đối.
Lỗi lặp từ: không chỉ có bài viết của các đối tượng học sinh khác, học sinh giỏi đôi khi cũng mắc lỗi lặp từ trong khi viết. Ví dụ, trong bài làm của học sinh có đoạn:
“Con người là một loại sinh vật sống với những cảm xúc, và cảm xúc ấy được thể hiện qua trạng thái, ử chỉ, khuôn mặt của con người. Mọi biến thiên trong nội tâm con người chính là thứ tạo nên cảm xúc. Khi vui ta hạnh phúc, ta biết cười; khi buồn, khi sợ ta biết khóc; khi gặp những điều bất ngờ ta biết ngạc nhiên. Cảm xúc là thế giới tinh thần của con người, nó phân biệt con người với những loài robot khác, cỗ máy khác. Bởi vậy, con người không nên và không thể sống vô cảm, không bao giờ được sống như những hòn đá vô cảm, mà phải luôn sống mạnh mẽ, dũng cảm và tràn đầy tình yêu thương.”
→ Nhận xét: ta thấy ở đây học sinh bị lặp từ “con người” và “cảm xúc” làm giảm sức hấp dẫn của đoạn văn.
Sai chính tả: Cẩu thả, tùy tiện, thiếu ý thức tôn trọng tiếng Việt là nguyên nhân dẫn đến lỗi này. Đây lại là lỗi mà hầu như học sinh nào cũng mắc, kể cả HSG, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Lỗi này cũng làm các em bị mất nhiều điểm đáng tiếc. Thay vì trả lời đúng hết ý, các em sẽ được trọn điểm của câu, nhưng vì dính lỗi này nên bị trừ điểm. Có những lỗi sai nhỏ, lỗi không đáng kể giám khảo có thể bỏ qua. Nhưng có lỗi không thể tha thứ được vì các em dùng từ, viết từ quá tùy tiện, ngô nghê, rất khó chấp nhận.
Ví dụ: Thái độ “bàng quan” lại viết “bàng quang”, vật “gia bảo” lại viết “gia truyền”, “độc giả” lại viết là “đọc giả”,… rồi thì tiếng Anh, tiếng Pháp dùng chung với tiếng Việt… Đây là những lỗi tối kỵ phải tuyệt đối tránh.