nhung-ngoi-sao-xa-xoi-le-minh-khue

Thuyết minh truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê

Thuyết minh truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

I. Tác giả Lê Minh Khuê.

Lê Minh Khuê là thanh niên xung phong lên đường Trường Sơn thuộc thế hệ nhà văn thời kỳ chống Mỹ, bắt đầu viết văn vào đầu những năm 1970. Trước 1975 chị chủ yếu viết về cuộc sống, chiến đấu của thanh niên xung phong, bộ đội trên đường Trường Sơn.

Ở giai đoạn này, chị khá thành công trong việc biểu hiện thế giới nội tâm của nhân vật nữ, vừa nhẹ nhàng, đàm thắm, lại vừa rất mãnh mẽ, tràn đầy sức sóng. Sau 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, chị hăng hái viết về những chuyển biến đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới. Tác phẩm của chị phản ánh hiện thực lao động và bảo vệ tổ quốc sau chiến tranh của quần chúng nhân dân trong niềm tin tưởng lớn.

II. Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi.

1. Hoàn cảnh sáng tác.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm đầu tay của nhà văn Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Với sở trường truyện ngắn ngắn gọn, có sức truyền tải nhanh kết hợp với sự nhẹ nhàng, tinh tế trong tâm hồn, Lê Minh Khuê đã mang đến cho người đọc những trang viết đặc sắc, mang đậm hơi thở của thời đại.

2. Tóm tắt.

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là câu chuyện kể về ba nữ thanh niên xung phong: Phương Định, Nho, Thao – tổ trưởng, làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường ở một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Đó là một công việc vô cùng nguy hiểm, lúc nào cũng đối mặt với tử thần. Mặc dù vậy, không bao giờ họ tỏ ra sợ hãi.

Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Cuộc sống của ba cô gái dù là khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản thơ mộng và đặc biệt họ gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội dù mỗi người cá tính.

Truyện tập trung miêu tả nhân vật Phương Định – nhân vật kể chuyện và cũng là nhân vật chính là một cô gái giàu cảm xúc, hay mơ mộng, hồn nhiên và luôn nhớ về những kỷ niệm với gia đình và thành phố của mình. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã hết lòng lo lắng chăm sóc.

Kết thúc câu chuyện là một cơn mưa đá bất chợt đến trên điểm cao khiến các cô hết sức vui thích.

3. Ý nghĩa nhan đề.

– “Những ngôi sao xa xôi” là một nhan đề hay, vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa ẩn dụ mang tính biểu tượng:

+ Nhan đề “Những ngôi sao xa xôi” gợi nhớ đến hình ảnh những ngôi sao lớn trên bầu trời thành phố quê hương mà Phương Định – nhân vật chính trong truyện – thường hay nhớ lại. Hình ảnh ấy gắn liền với tuổi ấu thơ êm đềm bên gia đình, bên người thân. Điều đó cho thấy, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, những cô gái thanh niên xung phong vẫn giữ được nét hồn nhiên, trong sáng, mơ mộng. Đồng thời thể hiện tình yêu, sự gắn bó với quê hương của các cô thanh niên xung phong. Những ngôi sao là sự kết dính họ và quê hương, kết dính chiến trường Trường Sơn và mọi miền trên đất nước.

+ Nhan đề còn gợi nên vẻ đẹp lấp lánh của ba cô gái thanh niên xung phong. Ba cô gái thanh niên xung phong trên một cao điểm ở liệt ở tuyến đường Trường Sơn, tiêu biểu cho thế hệ nữa thanh niên xung phong trong thời chống Mĩ, sẽ mãi mãi là những ngôi sao lấp lánh trên đỉnh cao Trường Sơn, xa xôi mà gần gũi trong lòng yêu thương cảm phục của mọi người, mọi thời đại. Họ với lý tưởng cao đẹp, tình yêu cuộc sống lớn lao, quyết chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ ttor quốc chính là những ngôi sao sáng trên bầu trời cách mạng. Tên truyện khơi gợi cảm xúc lãng mạn cách mạng, phần nào giảm bớt những đau thương, mất mát của chiến tranh.

+ Nhan đề đó góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của truyện: chủ nghĩa anh hùng, vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong chiến tranh yêu nước.

4. Nội dung và nghệ thuật.

Nội dung: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Nghệ thuật: Truyện sử dụng vai kể là nhân vật chính, có cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.  Lê Minh Khuê tỏ ra nắm bắt chắc chắn tâm lí tuổi trẻ, viết ra được những trang văn chân thực, tinh tế phô bày thế giới nội tâm nhân vật trước mắt người đọc.

Tác phẩm đã nhận được nhiều lời đánh giá cao của các nhà phê bình trong và ngoài nước. Năm 1971, nhà xuất bản Wadsworth, Hoa Kỳ, đã chon in tác phẩm trong tuyển tập The Art of the short Story, cùng với nhiều tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang