phan-tich-bai-tho-canh-khuya-cua-ho-chi-minh

Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

Dàn bài phân tích bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh.

  • Mở bài:

– Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng làm thơ, một người chín sĩ luôn mang trong mình một tâm hồn thi sĩ. Trăng luôn là người bạn gần gũi với Bác, là nguồn cảm xúc thi ca nồng nàn của Người.

Cảnh khuya là một bài thơ trăng tuyệt đẹp được Bác viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, Bác Hồ vẫn tràn đầy cảm hứng trước vẻ đẹp của đêm trăng rừng huyền ảo.

  • Thân bài:

Cảnh đêm trăng thơ mộng nơi rừng núi Việt Bắc (2 câu thơ đầu):

– Bài thơ mở đầu bằng một khung cảnh thiên nhiên hữu tình vào một đêm trăng huyền ảo giữa núi rừng Việt Bắc kháng chiến:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Người đọc ngay lập tức bị hấp dẫn bởi tiếng suối trong trẻo ngân nga, khi xa, khi gần trong đêm yên tĩnh nghe như tiếng hát của ai đó giữa rừng khuya.

Khi so sánh tiếng suối với tiếng hát, nhà nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh đã bộc lộ một cách cảm nhận mĩ học rất hiện đại: con người là chuẩn mực của mọi vẻ đẹp trong thiên nhiên! Vì vậy tiếng suôi chảy mới biến thành tiếng hát ngọt ngào say đắm long  người.

Dòng suối như mang hồn người và trở thành ca sĩ chốn lâm tuyền. Tiếng suối âm vang trong đêm vắng khiến vẻ thanh tịnh của rừng đêm thêm rõ nét hơn. Bút pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng rất đắc địa khiến cho bức tranh phong cảnh mang đậm chất Đường thi cổ điển.

Cùng với tiếng suối ngân nga là vầng trăng soi sáng đại ngàn. Ánh trăng lọc qua vòm cây cổ thụ tạo nên một bức thảm thêu hoa lung linh, huyền hoặc.  Nghệ thuật so sánh, lấy động tả tĩnh, bức tranh thiên nhiên có chiều cao, chiều xa, chiều rộng.

Vẻ đẹp diễm ảo của đêm trăng Việt Bắc khiến ta bâng khuâng nhớ đến một tứ thơ cổ điển:

“Trăng giãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông!”

Nếu không quan tâm đến xuất xứ của bài thơ, có thể lầm tưởng đây là áng thơ của một bậc tao nhân mặc khách. Say mê vẻ đẹp nơi suối rừng, nhà thơ đã tập trung bút lực vẽ nên một bức họa bằng thơ như để tranh tài cùng tạo hoá.

Tâm trạng của nhà thơ trong đêm trăng đẹp (2 câu thơ sau):

Câu thơ thứ ba: “Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ” dường như là lời giải đáp lí do khiến nhà thơ thao thức: Người chưa ngủ vì cảnh khuya như vẽ. Rừng suối trong đêm trăng thực sự là một họa phẩm trác tuyệt của hoá công. Ai nỡ ngủ trước cái đẹp kì diệu đang lộ diện. Tác giả đang say mê cảnh thiên nhiên trong trẻo, kì diệu. Sự thao thức ấy cũng là một phương diện thể hiện tư chất nghệ sĩ của Bác.

Nhưng câu thơ thứ tư khiến ta bất ngờ và xúc động: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà!”. Hoá ra, Bác chưa ngủ vì một nguyên cớ khác. Việc nước bộn bề khiến Người thao thức suốt đêm thâu. Thao thức nên Người mới nghe thấy dòng suối hát ca trong đêm vắng.

Khoảnh khắc nghe suối hát cũng là lúc người bất chợt phát hiện vẻ đẹp kì thú của ánh trăng nơi lâm tuyền. Đây cũng là chỗ linh diệu của bài thơ Cảnh khuya. Hai yếu tố nghệ sĩ và chiến sĩ, cổ điển mà hiện đại xuyên thấm vào nhau khó mà tách bạch được.

  • Kết bài:

Bài thơ bộc lộ tâm hồn tinh tế nhạy cảm, ý thức trách nhiệm của vị lãnh tụ cách mạng đối với đất nước trong hoàn cảnh gian nan. Tác phẩm đặc sắc, ở đó có sự kết hợp hài hoà giữa cảnh và tình; giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại.


* Tham khảo:

Phân tích bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh

  • Mở bài:

Bài thơ Cảnh khuya được Bác viết khi ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt lực lượng chủ yếu và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Bác lãnh đạo nhân dân mở chiến dịch ngăn chặn âm mưa của chúng. Bài thơ miêu tả cảnh đêm trăng ở chiến khu, thể hiên tình cảm yêu thiên nhiên tha thiết và phong thái ung dung, lạc quan của Bác.

  • Thân bài:

Bài thơ có những biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ; một số thủ pháp và tứ thơ ảnh hường của thơ Đường; những hình ảnh mang màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Hai câu thơ mở đầu mang âm vang sâu xa của thơ Đường. “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Khác với Nguyễn Trãi so sánh tiếng suối với “tiếng đàn cầm”, Bác đã so sánh tiếng suối như tiếng hát con người. Cách so sánh như vậy làm cho tiếng suối trở nên ấm áp hơn. Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng suối trong trẻo, ngân nga, vang vọng nơi xa xa như tiếng hát của một người con gái. Tiếng suối làm nổi bật cái yên tĩnh của đêm khuya, vương vấn lòng người. Thiên nhiên trong thơ Bác luôn nồng ấm của tình người.

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Thật là “thi trung hữu họa”. “Trăng – cổ thụ – hoa” tạo cho bức tranh nhiều tầng bậc, nhiều màu sắc, các sự vật quấn quýt, giao hòa với nhau. Cảnh vật có tầng cao của ánh trăng trên trời hòa quyện cùng vòm cổ thụ ở tầng trung và khóm hoa ở tầng thấp.

Hình ảnh trong câu thơ này có vẻ đẹp của một bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối đa dạng. Có hình dáng vươn cao tỏa rộng của một vòm cổ thụ ở trên cao lấp loáng ánh trăng, có cả bóng lá, bóng cây, bóng hoa in trên mặt đất tạo thành như bông hoa thêu dệt. Bức tranh chỉ có hai màu sáng tối, đen trắng mà tạo nên vẻ đẹp lung linh, chập chờn, lại ấm áp, hoà hợp, quấn quýt bởi âm hưởng của hai từ “lồng” trong một câu thơ”.

Điệp từ “lồng” đã nối kết các sự vật, đã xóa mờ khoảng giữa các tầng không gian và gợi nên sự đan xen giữa hai mảng màu sáng – tối, trắng – đen, tạo vẻ đẹp lung linh, huyền ảo bao trùm khắp cây trăng. Một bức tranh đẹp như gấm thêu, như tranh vẽ mà tranh thủy mặc của thơ Đường không có được.

Trong thơ xưa, thiên nhiên thường gợi buồn, gợi sầu còn thiên nhiên trong thơ Bác lại thật sống động, khỏe khoắn và ấm áp tình người.

Nếu hai câu đầu tả cảnh khuya thì hai câu sau gợi tả hình ảnh “người chưa ngủ”:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nổi nước nhà”.

Trong thơ tứ tuyệt, câu thơ thứ ba có tác dụng như một người nhạc trưởng, vừa khai triển ý thơ, vừa xoay mạch thơ hướng vào kết thúc. “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ” tiếp tục thể hiện sự hài hòa cao nhất giữa thiên nhiên và con người trong thơ Bác. Thì ra, con người mới là vẻ đẹp trung tâm của bức tranh “cảnh khuya”. Bóng sáng của trăng lồng với cổ thụ và lồng với hoa chỉ làm nền cho bóng hình của người chưa ngủ nổi bật lên chốn núi rừng Việt Bắc.

“Người chưa ngủ” ấy phải chăng là một thi sĩ say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên, say sưa vẽ nên bức tranh núi rừng về khuya. Con người thi sĩ đã cảm được cái hồn thiên nhiên, thiên nhiên trở thành họa sĩ khắc tạo vẻ đẹp con người. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở câu thơ thứ ba thì rất có thể để lẫn thơ Bác vào những bài thơ Đường, thơ Tống. Câu thơ kết lại mang đến một bất ngờ mới: “Chưa ngủ vì lo nổi nước nhà”.

Từ “chưa ngủ” ở cuối câu thứ ba khép lại và khẳng định tâm hổn thi sĩ lãng mạn, bay bổng của Hồ Chí Minh. Từ “chưa ngủ” ở đầu câu thứ tư lại mở ra một chiều sâu mới trong tâm hồn Bác: “nổi lo nước nhà”. Thì ra, Bác “trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành” vì người nghĩ đến Cách mạng, nghĩ đến sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, giống như tâm trạng trong bài “Đi thuyền trên sông Đáy”:

“Dòng sông lặng ngắt như tờ
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo …
Lòng riêng, riêng những bàng hoàng
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”.

Những rung động trước cảnh khuya là ở cá nhân của một thi sĩ nhạy cảm, tình tế. Nỗi lo lắng cho vận nước lại ở một lãnh tụ vĩ đại “ôm cả non sông mọi kiếp người”. Điều kì diệu là hai nét tâm hồn thi sĩ – chiến sĩ ấy lại hòa hợp làm một trong tâm hồn Bác. Chính điều đó tạo nên phong thái ung dung, lạc quan ở Bác.

Cách miêu tả không gian ở bài “Rằm tháng giêng” giống như trong thơ cổ phương Đông, chú ý đến toàn cảnh và sự hòa hợp thống nhất của các bộ phận trong cái toàn thể không chú ý đến miêu tả tỉ mì chi tiết các đường nét.

  • Kết bài:

Bài thơ cho ta chiêm ngưỡng một bức tranh cảnh khuya lung linh, huyền ảo và hơn thế nữa là tâm hồn của một thi sĩ – chiến sĩ vĩ đại. Bài thơ cho ta hiểu hơn về con người Bác, con người có “đời sống vật chất giản dị hòa hợp với đời sống tình thần phong phú, với những tình cảm, tư tưởng, những giá trị tình thân cao đẹp”. Phải là người có một tình yêu đời thắm thiết, một sức sống tâm hồn mãnh liệt, Hồ Chí Minh mới viết nên được những câu thơ dồi dào sinh lực như thế.

Xem thêm:


CÂU HỎI LUYỆN TẬP

Câu 1: Bài thơ “Cảnh khuya” được viết theo thể thơ nào? Nêu đặc điểm của thể thơ và sự sáng tạo của Bác trong sử dụng thể thơ dó.

Câu 2: Cách miêu tả tiếng suối trong thơ Bác có gì khác so với cách miêu tả tiếng suối của Nguyễn Trãi trong bài  thơ “Côn Sơn ca”:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Câu 3: Em hãy viết một đoạn văn ngắn vói câu mở đầu là câu thơ “Trăng lổng cổ thụ bóng lồng hoa” gợi lên một bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối đa dạng.”

Câu 4: Trong bài thơ tứ tuyệt, câu kết phải đảm bảo hai chức năng: gói lại và nâng cao. Bác sử dụng câu kết rất dắt, nhiều câu kết làm sáng tỏ toàn bài hoặc đổi thay chiều hướng của bài thơ”. Theo em, câu thơ kết trong bài “Cảnh khuya” có phải là một sáng tạo tài tình của Bác không? Vì sao?

Câu 5: Tâm trạng của Bác trong bài thơ “Cảnh khuya” có nét gần gũi với bài thơ nào các em đã học ở lớp 6. Qua đó, em hiểu gì về vẻ đẹp tâm hổn Bác?

Câu 6: Chỉ ra các điệp ngữ trong hai bài thơ “Cảnh khuya” và “Rầm tháng giêng”. Nêu dạng điệp ngữ và tác dụng của nó.

Câu 7: Từ hai câu thơ sau:

+ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa (Cảnh khuya)
+ Khuya về bát ngát trăng ngăn đẩy thuyền (Rằm tháng giêng)

Hãy nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của ánh trăng trong thơ Bác.

Câu 8: Bài thơ “Canh khuya” và “Rằm tháng giêng” có rất nhiều điểm gặp gỡ trong cách thể hiên vè đẹp của cảnh thiên nhiên và tâm hồn Bác. Em hãy làm sáng tỏ nhận định đó.

Câu 9: Chọn một trong hai bài thơ “Cảnh khuya” hoặc  bài thơ”Rằm tháng giêng” để nêu cảm nghĩ của em.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang