Cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh

cam-nghi-ve-bai-tho-ram-thang-gieng-cua-ho-chi-minh-11642-2

Cảm nghĩ về bài thơ “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh

  • Mở bài:

Rằm tháng giêng là bài thơ xuất sắc của Hồ Chí Minh được viết khi Người sống và hoạt động ở Việt Bắc. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng những lúc thảnh thơi, Người đều hướng tâm hồn về với thiên nhiên. Ở Hồ Chí Minh ta nhận thấy, thiên nhiên dưới con mắt của người lúc nào cũng tươi xanh, rộn ràng và tràn đầy sức sống:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

  • Thân bài:

Cảnh mùa xuân của Bác trong bài thơ “Rằm tháng Giêng” là một bức tranh, sao vô cùng khoáng đạt. hai câu thơ đầu mở ra một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, rộng lớn:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Chỉ trong hai câu thơ tả cảnh đó, Bác dùng tới ba từ xuân liên tiếp một cách ngẫu nhiên mà rất có dụng ý nghệ thuật. Mỗi từ xuân để tả một hình ảnh: Trăng- Sông- Bầu trời. Miêu tả ba hình ảnh đó, Bác dùng từ “lồng lộng” và “lẫn” chính xác và khéo léo thuần thục trong ngôn từ như một hoạ sĩ danh tiếng có tài pha màu, phác thảo cảnh vật… vẽ nên một bức tranh xuân hài hoà và trải rộng khắp mênh mông.

Bản dịch thêm những từ sau: “lồng lộng, bát ngát, ngân”. Những từ này khá hay nhưng thiếu từ “xuân” và “yên ba” làm cho câu thơ mất đi tính mịt mù, hư thực của cảnh khuya và làm giảm vẻ đẹp sức sống của mùa xuân đang tràn ngập cả đất trời.

Nếu câu đầu mở ra khung cảnh bầu trời cao rộng, trong trẻo. nổi bật trên bầu trời ấy là vầng trăng tròn, toả ánh sáng khắp đất trời thì câu thơ thứ hai vẽ ra một không gian xa rộng bát ngát như không có giới hạn, với con sông, mặt nước tiếp liền với bầu trời.

Mùa xuân đến không chỉ trên những chồi non lá biếc, mà tất cả vầng trăng đến dòng sông, bầu trời trong thơ Bác lúc này đều đầy sức sống của mùa xuân: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”. Cả vũ trụ hòa hợp trong ánh trăng soi. Ánh trăng soi rọi cả vào trong hồn người. Trăng trở thành nguồn sáng, trở thành trung tâm của đất trời. Trăng mang đến cho thiên nhiên một vẻ đẹp đến ngỡ ngàng, mang đến một sức sống tràn trề, khiến cho hồn người say mê.

Ẩn sau cảnh trăng xuân đó là hình ảnh của ngày mai tươi sáng đang đến gần. Ngày mai đó được bắt đầu bằng những kế hoạch và công việc rất cụ thể, rất thực tế của Ðảng ta và của Bác:

Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Ðêm trăng rằm vắng lặng, êm dịu như bức tranh thuỷ mặc, trở nên sống động và thơ mộng bởi có sự góp mặt của những con người bất tử, đang chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn. ở đó, có Chủ tịch Hồ Chí Minh- nhà thơ và người chiến sĩ cách mạng kiên cường đang “bàn bạc việc quân”.

Bài thơ kết lại bằng một câu ngân vang cao vút và đầy thi vị: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Ðêm khuya không hề có bóng tối, ánh trăng toả sáng khắp cả không gian. Hình ảnh con thuyền trở thành một hình ảnh liên tưởng và lãng mạn tuyệt đẹp- con thuyền như chở đầy ánh trăng. Ðó là hình ảnh của con thuyền cách mạng đang chở đầy chiến thắng, chở đầy niềm tin, đang đi tới tương lai rực rỡ huy hoàng.

Hình ảnh, từ ngữ và cách miêu tả ở đây giống như trong thơ cổ Phương Đông. Câu thơ thứ hai có ba từ “xuân” đã nhấn mạnh sức sống mùa xuân tràn ngập cả đất trời. Thiên nhiên trong thơ Bác mang đậm vẻ đẹp truyền thống. Bác đã khát quát trong bài “Cảm tưởng đọc thiên gia thi”

Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong;
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
Thi gia dã yếu hội xung phong.

Dường như bài thơ nào của Bác cũng kết thúc bằng những câu thơ bất ngờ và tuyệt đẹp như thế. Từ vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của thiên nhiên, bài thơ Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu) đã toát lên sức mạnh tinh thần mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng.

  • Kết bài:

Mặc dù phải ngày đêm lo nghĩ việc nước, nhiều đêm không ngủ nhưng không phải vì thế mà tâm hồn Bác quên rung cảm trước vẻ đẹp của một đêm trăng rừng. Đó là phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời của Bác. Phong thái ấy còn thể hiện ở hình ảnh con thuyền khi bàn bạc việc quân trở về, lướt đi phơi phới chở đầy ánh trăng. Điều ấy thể hiện niềm tin vào chiến thắng, vào con đường đúng đắn của Đảng.


Tham khảo:

Lê Quý Đôn từng nói rằng: “Thơ phát khởi trong lòng người ta” Thật vậy, thơ ca luôn được hình thành từ nguồn mạch cảm xúc của người thi sĩ. Mọi yếu tố trong trái tim dâng đến nổi chỉ muốn tìm đến ngay văn chương để bộc lộ điều đó. Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ. Đối với một người lính Cách mạng hay vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người còn là một chàng thi sĩ tài hoa cùng vô vàn tác phẩm lừng danh trong xã hội văn học này! Các tác phẩm mang đậm chất “thép”, luôn hướng về thiên nhiên và Tổ quốc. Những niềm lo âu, niềm tin về đất nước tựa như được thõa mãn bộc lộ tất thảy đến phía người con của mảnh đất hình chữ S. Đặc biệt trong bài “Nguyên Tiêu” đã cho ta thấy được sự hòa hợp giữa trái tim cùng cảm xúc của Bác giữa chiến khu Việt Bắc. Tâm tình, suy nghĩ, yêu thương và tin tưởng lần lượt lướt đi đến con chữ cuối cùng của “Nguyên Tiêu”. Cũng chính điều này trong áng thơ của Người đã thể hiện toàn bộ vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc và quân sự ngày tháng tự do của Cách mạng, người viết:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

Với Bác – người chiến sĩ luôn tích cực trên mọi mặt trận cùng vô số cảm xúc luôn dâng trào trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt hay bình dị đều trở thành tuyệt tác của thơ ca. Và chính thời kì đầu kháng chiến chống Pháp năm 1948, đêm rằm tháng giêng, ánh trăng sáng cùng khí mùa xuân thoảng phất lên trên chiếc thuyền nhỏ đơn độc, lênh đênh giữa dòng sông bát ngát ở chiến khu Việt Bắc. Chẳng đi ngắm cảnh hay du dương đàn ca nhớ về quê hương mà người bàn bạc “sự sống” dân tộc trong tay mình. Người cùng các quan chức, chiến sĩ khác say mê bàn bạc việc quân sự, chiến lược đến cả thời gian và không gian đều quên đi mất. Đến khi hoàn tất mọi việc mới ngỡ được rằng trời đã lặng lúc nào không hay biết. Cũng chính giây phút này Việt Bắc được trăng bao trùm tạo nên một nơi lung linh, huyền ảo, thơ mộng. Tinh túy sâu bên trong núi rừng như đã đúng lúc lan tỏa cái vẻ đẹp che giấu bên trong suốt ngày tháng của quá khứ. Dù tâm hồn kiên định, vững vàng đến cách mấy cũng chẳng thể ngưng lại cảm xúc của bản thân với cảnh sắc này được! Bác cũng thế nhưng khác là người không lựa chọn cách bộc lộ bằng bên ngoài mà chọn bên trong cùng “người bạn” văn chương. Đây chính là nguyên nhân mà đã có một bài thơ “Nguyên tiêu” vang lừng trong thơ ca lịch sử, đồng thời trong trái tim và lí trí của người con Việt Nam. Bài thơ bốn câu này được người thi sĩ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt đuờng luật và viết bằng chữ Hán. Chính vì là chữ Hán nên nhà thơ Xuân Thủy đã dịch lại thành ngôn ngữ chính thống của Việt Nam bằng thể lục bát với tên là”Rằm tháng giêng”.

Ngay từ dòng thơ đầu tác giả đã phác họa ánh trăng thơ mộng của núi rừng Việt Bắc về đêm trăng rằm tháng giêng này:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,”

(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất, )

Bằng ngòi bút tài hoa của thi sĩ, điểm lên khung cảnh nên thơ là hình ảnh ánh trăng. Hình ảnh trăng có lẽ chẳng còn xa lạ gì trong thơ ca. Ngược dòng thời gian, ta sẽ bắt gặp ngay khung cảnh trăng sương mờ mờ ảo ảo trong “Tĩnh dạ tứ”:

“Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.”

Hay là trong “Cảnh khuya” trăng được gợi tả ở sâu trong thiên nhiên núi rừng Việt Bắc hoặc trăng trong “Chiều tối” của Hồ Chí Minh nhưng trăng của “Rằm tháng giêng” thì lại hoàn toàn khác.

Người thi sĩ đã dựng lên một hình ảnh ánh trăng vào rằm tháng giêng cùng lúc “nguyệt chính viên” tức là “trăng đúng lúc tròn và sáng nhất”. Ánh trăng nguyên bản vốn dĩ đã đẹp nay lại còn vào rằm tháng giêng. Trăng tự khắc tô trang cho mình một vẻ ngoài khiến người khác say mê hơn bao giờ hết. Bác cũng không là ngoại lệ. Ánh trăng tròn vành vạnh, sáng bừng dưới khoảng không được màu đen bao phủ bất tận, huyền ảo lại đem đến cho người khác cảm giác vừa yên bình vừa bí ẩn này. Nhưng trăng đã thế vậy nếu có cảnh vật sẽ như thế nào?

“Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên;”

(Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân;”)

Vẻ đẹp của mùa xuân từ khi xuất hiện vốn chẳng ai có thể cưỡng lại được nó. Nhưng lần này lại được gợi tả qua ngòi bút của chàng thi sĩ thì lại trở nên tuyệt đẹp đến biết bao! Sắc xuân được người phác họa tựa như bao trùm vạn vật của núi rừng, sông nước và đất trời nơi Việt Bắc. Tại sao gọi là bao trùm lên vạn vật thì chính là nhờ vào những câu chữ của nhà thơ “xuân giang” “xuân thủy” và “tiếp xuân thiên” được dịch thơ là “sông xuân”, “nước xuân” và “tiếp giáp với trời xuân. “Đồng thời từ “xuân” ở đây được điệp đến ba lần như ngầm ý muốn khẳng định cái mùa xuân, cái vẻ đẹp đã bao trùm lấy tất cả. Không gian được bao trùm ấy như mở rộng cả ba chiều: chiều cao, rộng cùng sâu làm cho cảnh vật tựa rằng vô hạn chẳng có điểm dừng. Cũng một phần nhờ từ “tiếp”gợi ra sự hòa hợp, giao thoa giữa trời và đất được kết tinh từ sắc xuân và ánh trăng mang lại. Nhà thơ Thanh Hải đã từng cảm nhận mùa xuân của thiên nhiên và đất trời qua những vần thơ của người:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng…”

(Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải)

Xuân đến, tiếng chim hót vang lừng, phất lên khí chất mãnh liệt. Và đối với Hồ Chí Minh, yêu trăng, yêu xuân chính là yêu cuộc đời. Yêu cái tự do, thoải mái của mùa xuân mang lại. Bức tranh trong hai câu thơ đầu không còn mùi thuốc súng hay tiếng la hét của những người khốn khổ, chết oan bởi bọn Pháp. Câu thơ mang nét yên bình, nhẹ nhàng của ánh sáng trăng gời gợi trên vạn vật. Thiên nhiên trong các bài thơ thi nhân-chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang đến cho nguời đọc cảm giác cái chiến thắng, cái tự do chẳng còn bao xa mà chúng ta sắp giành lấy đuợc.

Thế vậy chẳng lẽ Hồ Chí Minh đi trên thuyền chỉ để ngắm mỗi cảnh thiên nhiên thì chắc chắn là một sai sót nặng nề. Thật bất ngờ, bầu không khí của sự yên bình đó thì Người lại bàn bạc việc quân sự:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự,”

(Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân,)

Bởi vì nước ta đang trong giai đoạn khó khăn, gian nan nhất. Tuy quân ta rất ít và chẳng có vũ khí hay kinh nghiệm nhiều như bọn chúng. Vì thế cần bàn kế hoạch một cách kĩ lưỡng. Mọi hoạt động cách mạng đều phải diễn ra một cách thầm lặng và kín đáo nhất có thể. Chính lẽ đó Bác Hồ cùng với các quan chức quan trọng đều phải lựa thời gian khi trời đã sập tối để bàn bạc việc, đó là những công việc quan trọng liên quan đến vận mệnh đang nằm trong tay Bác. Việc bàn bạc không thể nào cho cánh phương giặc bên ngoài biết được cả, vì vậy người cùng những người khác đã vào tận sâu trong rừng trên bờ sông rộng lớn để chẳng ai kiếm hay bắt gặp được. Những điều tuy nhỏ nhưng càng thể hiện rõ khí chất kĩ cương, an toàn và niềm yêu nước càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đặc biệt ba chữ “Đàm quân sự” của Người lại mang vẻ vừa mới mẻ vừa cổ kính, vừa cổ điển cũng vừa hiện đại. Dù hoàn cảnh hiện tại khắc nghiệt đến cách mấy người lãnh tụ vẫn luôn giữ cho mình sự bình tĩnh và tích cực. Người luôn dùng vần thơ của mình và thiên nhiên để sẽ chia tâm trạng vào đó. Có lẽ đây là thứ tôi cần phải cố gắng học tập từ người!

Ngoài ra trong câu thơ cuối cùng của “Rằm tháng giêng” lại càng thể hiện rõ hơn cái sự lo lắng, kĩ càng của người thi sĩ, đồng thời là chủ tịch cùng với các quan chức Đảng cho cuộc kháng chiến sắp tới:

“Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

(Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền.)

Cụm từ “nguyệt mãn thuyền” ta thuờng thấy trong thơ cổ thi hoa lệ, hình ảnh trữ tình chớm cùng vô vàn cảm xúc khác nhau:

“Thuyền mấy lá đông, tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông…”

(Bạch Cư Dị)

Còn với Bác ta có thể cảm nhận càng rõ Bác cùng những quan chức đã say mê bàn bạc việc cho Tổ Quốc mà quên đi thời gian đến khi về trời đã khuya? Lúc này ánh trăng tỏa sáng hơn bao giờ hết. Hình ảnh ” nguyệt mãn thuyền” dịch là “trăng đầy thuyền” đã thể hiện sức lan tỏa của ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng này. Dòng sông trở thành dòng sông trăng và con thuyền cũng dường như trở đầy ắp ánh trăng. Đồng thời hình ảnh ” con thuyền ” tựa như ẩn dụ cho sự thắng lợi của cách mạng. Con thuyền chứa đầy trăng như là thắng lợi của cách mạng không còn xa nữa. Đó chính là niềm tin của Bác Hồ vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Dòng sông kết hợp với con thuyền khiến người đọc như được đưa đến khung cảnh thật sự vậy! Nó vừa có cái khí của xuân, có cái vẻ đẹp của nguồn sáng độc lập trên bầu trời đen huyền bí, đồng thời là có cái hòa quyện mọi thứ tạo nên bài thơ “Rằm tháng giêng“ này!

Trăng tựa như người bạn tri kỉ của thơ ca. Trăng luôn là nguồn cảm hứng bất tận để người thi sĩ khơi gợi cảm xúc mình và Bác cũng vậy. Vì thế trăng xuất hiện trong thơ Bác cũng chẳng lấy gì làm lạ. Cũng đúng thật, đã từng có một người nói với tôi rằng thiên nhiên luôn ở bên cạnh chúng ta, tuy không gọi quá bằng “bạn” nhưng luôn thấu hiểu và sẻ chia cùng chúng ta. Người luôn mang cho mình phong thái vừa ung dung cũng vừa lo lắng vào tương lai thì ngòi bút mới có thể đặt lên giấy viết từng nghệ thuật độc lạ riêng trong hoàn cảnh này.Trong kháng chiến gian khổ, Bác đã hướng tới vầng trăng rằm tháng giêng, hướng tới bầu Trời xuân với tâm hồn trong sáng và phong thái ung dung.

Thơ của người luôn tả tình cũng tả cảnh. Khiến người đọc cũng vừa trôi theo cái sự hào nhoáng, giản dị của bức tranh Việt Bắc cùng con thuyền thênh thang giữa dòng sông tựa rằng con thuyền là người thi nhân cùng dân tộc đang trôi giữa dòng đời tự do hay bị cai trị này. Quả thật chàng thi sĩ thật tài tình khi kết hợp giữa người và vật. Đặc biệt cái điểm nhấn trong bài thì vẫn là niềm yêu dành cho người dân, tất thảy đều là nhân dân của mình. Chính điều đó người và tác phẩm đã sống trong mãi trong lòng của người dân này!

Như vậy bằng ngòi bút miêu tả tài hoa đã khiến bài thơ “Rằm tháng giêng” mãi mãi vẫn còn đó, chất nhẹ nhàng, đằm ấm sẽ vốn như ban đầu! Hoa hồng đẹp, cũng có lúc sẽ tàn, nhưng cái hương thơm vẫn còn đó. “Rằm tháng giêng” cũng như vậy, dù có như thế nào cũng luôn còn cái bản sắc vốn có của mình. Bác yêu nước, thương dân tha thiết đến nỗi trong bài vẫn luôn niềm niệm cái điều giữa thiên nhiên và dân tộc đến ai cũng hiểu rõ được điều đó. Đồng thời Bác luôn là hình tượng để con cháu đời sau mãi noi theo! Và những điều Bác cùng các người chiến sĩ đã hi sinh hay có công trong công cuộc giành lại sự tự do, độc lập như ngày hôm nay, thì tôi cùng cả dân tộc sẽ cố gắng bảo vệ, giữ gìn và học tập để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đọc thêm: Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Chứng minh: Thơ Bác thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết, tinh thần lạc quan và phong thái ung dung, tự tại - Thế Kỉ
  2. Cảm nghĩ về bài thơ "Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh - Thế Kỉ
  3. Cách làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.