Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu (dưới góc độ thi pháp)
Thi pháp bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu thể hiện qua những điểm tiêu biểu nhất như kết cấu, quan niệm và cái nhìn nghệ thuật về con người và ngôn từ nghệ thuật.
Nhìn từ kết cấu thẩm mỹ, có thể thấy bài thơ Đồng chí là một kiểu định nghĩa về đồng chí bằng thơ hết sức chân thực và xúc động; một cách nói về đồng chí theo thao tác tư duy diễn dịch, mà trong đó, từ đồng chí là câu mở của lập luận diễn dịch. Theo đó, tiêu đề bài thơ là ý chủ đạo, các câu tiếp theo, bắt đầu từ câu thứ nhất “Quê hương anh nước mặn đồng chua” cho tới câu cuối cùng “Đầu súng trăng treo” là sự diễn dịch nội hàm của từ đồng chí: Đồng chí là như thế này đây…
Xuyên suốt hình tượng đồng chí là hai nhân vật anh và tôi, tuy chỉ là hai nhân vật nhưng thực ra có tính chất biểu trưng cho số nhiều. Theo đó, đồng chí là vấn đề mối quan hệ giữa những con người với nhau. Trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học kháng chiến chống thực dân Pháp ở giai đoạn này, người lính Cụ Hồ được nhìn từ các tiêu chí mang tính cộng đồng, tập thể. Họ gia nhập quân đội với một ý thức tự giác cao. Họ là một mảnh, một phiến của nhân vật quần chúng, của nhân vật đám đông ra trận với lòng yêu nước tự giác.
Đồng chí được diễn tả với những đặc điểm nổi bật nhất, chân xác và xúc động thể hiện ở những điểm nhìn nghệ thuật tiêu biểu. Đó là nơi xuất thân:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Họ vốn là những người xa lạ, chẳng hẹn quen nhau trước khi trở thành đồng chí. Nhưng, một khi đã là đồng chí, thì đặc trưng nổi bật là cùng chung lý tưởng chiến đấu, là sự đoàn kết, gắn bó:
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.
Như thế là thành đồng chí. Và khi đã là đồng chí thì họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy vì mục đích chung cao đẹp. Theo đó, thì đặc điểm thứ ba là: đồng chí phải là những người biết vượt lên sự khó khăn, sự níu kéo tình riêng của quê hương và người thân:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Như thế không có nghĩa rằng họ là người bạc tình, phụ nghĩa, mà họ đành phải gác lại tình riêng vì nghĩa lớn trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy, khi Tổ quốc gọi. Tuy nhiên, cũng như người ly khách trong Tống biệt hành của Thâm Tâm, khi bước chân ra đi quyết chưa về khi chí nhớn chưa thành, dù một chị, hai chị, mẹ già, em thơ có thương cảm bao nhiêu đi chăng nữa. Thế nhưng người ra đi cũng đầy tâm trạng khi Đầy hoàng hôn trong mắt trong, khi có tiếng sóng ở trong lòng, và buộc lòng phải tự chuyển đổi trạng huống bằng cách nói thà…coi như nặng trĩu buồn thương, day dứt.
Trong bài Đồng chí cũng thế, nói là mặc kệ nhưng nếu thực sự là mặc kệ thì sao biết giếng nước gốc đa nhớ người ra lính được. Đó là vẻ đẹp trong tâm hồn đồng chí như là một đặc trưng thứ tư trong cái nhìn nghệ thuật của tác giả bài thơ. Đó cũng là nét tâm trạng chung của những người lính Cụ Hồ khi buộc phải tạm rời xa Hà Nội, tạm chia xa Thủ đô lên Chiến khu kháng chiến, nói “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”, nhưng vẫn biết “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy “(Đất Nước – Nguyễn Đình Thi) nhuốm đẫm nỗi buồn mênh mang.
Trong tình đồng chí, nổi bật là đặc trưng gian khổ, thiếu thốn trong cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu lúc bấy giờ. Đó là một đặc trưng chân thực và gây được xúc động lớn cho người đọc nhiều thế hệ:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Về những gian khổ, thiếu thốn của người lính trong gian đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều nhà thơ đã nói đến khá chân xác. Người lính trong Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu đã phải:
Có lúc gạo hết tiền vơi
Ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng
Trong Nhớ của Hồng Nguyên, từng:
Lột sắt đường tàu rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không đi lùng giặc đánh
Trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, suốt:
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Ở đây, trong Đồng chí của Chính Hữu, tác giả thể hiện các tình tiết vừa phản ánh hiện thực gian khổ, vừa nêu bật lên ý chí mạnh mẽ, tinh thần lạc quan và tình thương đồng chí trong những hình ảnh thơ đan cài, xen kẽ: Dù áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá trong giá lạnh nhưng vẫn miệng cười buốt giá; dù chân không giày nhưng vẫn thương nhau tay nắm lấy bàn tay….
Tất cả những đặc điểm trên đây của đồng chí được soi rọi bởi một yếu tố có tính chất then chốt, trọng yếu làm cho hình tượng người đồng chí có sự gắn kết mật thiết, chặt chẽ giữa những đặc trưng, tính chất trong sự thống nhất cao. Đó chính là lý tưởng chiến đấu của họ, ẩn nghĩa trong hình tượng Đầu súng trăng treo:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Trong “nhãn cú” Đầu súng trăng treo của bài thơ có sự kết hợp hai phạm trù tưởng chừng như trái ngược về nghĩa nhưng lại làm nên một ý nghĩa chung mang tính biểu trưng cao: súng tượng trưng cho vũ khí chiến đấu, chiến đấu để giải phóng quê hương, bảo vệ độc lập dân tộc; trăng biểu trưng cho hòa bình, là mục tiêu của chiến đấu. Như vậy, Đầu súng trăng treo là hình tượng chỉ lý tưởng chiến đấu của đồng chí. Hình tượng này trong kết cấu được đặt ở cuối bài thơ, rọi ánh sáng thẩm mỹ và tư tưởng lên toàn bộ chân dung tinh thần, cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của người lính, tạo nên sức mạnh to lớn để người lính tự nguyện tham gia quân đội, chung lưng đấu cật với đồng chí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thiếu thốn để vững vàng chiến đấu và làm nên chiến thắng.
Nhìn chung, đặc sắc nổi bật nhất trong thi pháp bài thơ Đồng chí chính là quan niệm, cái nhìn nghệ thuật và kết cấu nghệ thuật. Hình thức nghệ thuật đó mang tính nội dung của tư tưởng thẩm mỹ: Vẻ đẹp chân thực và xúc động, đặc biệt là lý tưởng chiến đấu của người lính Cụ Hồ trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.