phan-tich-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (dưới góc độ thi pháp)

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (dưới góc độ thi pháp)

Tây Tiến của Quang Dũng có hai phương diện thi pháp đặc sắc và độc đáo: Không gian nghệ thuật và ngôn từ nghệ thuật. Sức hấp dẫn và quyến rũ của Tây Tiến bắt nguồn từ nhiều lý do, không gian nghệ thuật mới lạ, độc đáo; thu hút và ám ảnh là một trong những lý do chính. Trong đó, đặc điểm và tính chất hùng vĩ, hoành tráng nhưng ác liệt, khắc nghiệt; trữ tình, nên thơ nhưng hoang dại, cô liêu; mất mát, hy sinh nhưng kiên cường, mạnh mẽ là cái hồn của không gian nghệ thuật Tây Tiến trong sự hài phối giữa không gian thiên nhiên với con người:

Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Nghìn thước lên cao nghìn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời…
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…

Mặt khác, các địa danh với những tên gọi mới lạ Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Sầm Nứa, Mường Hịch, Mai Châu làm nên những điểm nhấn của không gian, tạo sự khác biệt với không gian trong những bài thơ khác cùng thời của những tác giả khác.

Nhìn từ vũ trụ, thiên nhiên, không gian Tây Tiến có các nét vẽ lớn với cả bầu trời, núi và sông hùng vĩ. Đan cài và quyện lẫn với không gian ấy là không gian con người – những người lính Cụ Hồ trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Con người có vẻ đẹp bi tráng được chạm khắc nổi bật trên nền không gian hoang dại, hùng vĩ nhưng trữ tình, đồng thời là không gian hoang liêu, tâm linh:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời…

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…

Tính khốc liệt, khắc nghiệt của núi rừng hoang liêu, của cái chết…, được đan cài với những không gian lãng mạn, quyến rũ vừa mang tính mộng, vừa mang tính thực: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới (mộng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù chung – những tên lính thực dân xâm lược Đông dương – trên đất bạn Lào), đi liền kế hình ảnh thủ đô Hà Nội hào hoa cùng mỹ nữ: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến gian khổ, mệt mỏi vừa chìm lấp trong sương lại vừa là chủ thể của bức tranh nghệ thuật: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi; người lính vừa cô độc trong hành trình chiến đấu hy sinh: Anh bạn dãi dầu không bước nữa,/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời, lại vừa tan hòa cùng động đội trong những sinh hoạt nồng đượm tình người và vô cùng lãng mạn:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu, nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ…

Không gian nghệ thuật Tây Tiến được dệt bởi các mảng khối, đường nét, vừa trái ngược, vừa bổ sung cho nhau ở nhiều phương diện: thiên nhiên có đủ núi cao, đèo dốc, sông dữ, thác ghềnh hiểm ác, lại có cả hồn lau hoang hoải cùng hoa đong đưa gợi tình bên dòng nước lũ; con người được nhìn không chỉ với người lính, cả ở sự sống và cái chết, đời thường và lý tưởng, mà còn với tấm chân tình và sắc màu mỹ cảm độc đáo của người dân thường với những thiếu nữ trong vũ điệu quyến rũ cùng âm nhạc. Tất cả hòa quyện tạo nên tính hấp dẫn lạ kỳ và độc đáo, ám ảnh của không gian nghệ thuật Tây Tiến.

Cùng với không gian nghệ thuật, ngôn từ của Tây Tiến có vai trò quan trọng làm nên sự ám ảnh, quyến rũ và mê hoặc đặc biệt của bài thơ này đối với người đọc. Sau cách nói mới về nỗi nhớ là nhớ chơi vơi tạo một cảm giác độc đáo nhưng chuẩn xác về sắc thái của từ nhớ khi trở về bằng tâm tưởng với đồng đội thân yêu từng sống, chiến đấu và hy sinh nơi núi rừng hoang dại, khốc liệt, hùng vĩ và thơ mộng, Quang Dũng bài trí ngôn từ của Tây Tiến theo các chủ đề: hoang dại, khốc liệt, dữ dằn và hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình; gian khổ, mất mát, hy sinh và kiên cường, mạnh mẽ, tự hào.

Theo đó, các trường từ ngữ làm bật lên tư tưởng và xúc cảm của bài thơ. Trường từ ngữ thể hiện sự hoang sơ, hùng vĩ, khốc liệt, dữ dằn của thiên nhiên: sương lấp đoàn quân mỏi, dốc khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, heo hút cồn mây, nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống, nước lũ, thác gầm thét, cọp trêu người, hồn lau nẻo bến bờ, viễn xứ… Trường từ ngữ giàu tính trữ tình, lãng mạn, bay bổng, quyến rũ: hoa về trong đêm hơi; súng ngửi trời, Pha Luông mưa xa khơi, hoa đong đưa, hội đuốc hoa, man điệu, e ấp, dáng kiều thơm, khèn lên, nhạc về… Trường từ ngữ thể hiện những gian khó, hy sinh: đoàn quân mỏi, dãi dầu, không bước nữa, gục, bỏ quên đời, mồ viễn xứ… Trường từ ngữ chỉ sự mạnh mẽ, hùng dũng của đoàn binh: đoàn binh không mọc tóc, dữ oai hùm, mắt trừng gửi mộng qua biên giới, chẳng tiếc đời xanh, hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Các hình ảnh trong các trường từ ngữ được bài trí đan cài với nhau, kết hợp với nhau một cách nhuần nhị, tự nhiên. Cách hài phối và kết hợp như thế làm bật lên được chất tráng khỏe khoắn không chỉ trong thể chất đoàn binh mà cả những vẻ đẹp lãng mạn trẻ trung, tình yêu cuộc sống thiết tha trong tâm hồn của những người lính Tây Tiến như là những thi sĩ thực thụ. Mặt khác, một trường từ ngữ gồm các danh từ có âm hưởng lạ gọi tên sự vật, hiện tượng có tính chất địa phương cũng góp phần cá biệt hóa cái mới lạ và hấp dẫn cho bài thơ: sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Viên Chăn, Châu Mộc, Sầm Nứa.

Trong cấu trúc ngôn từ, có khi các mặt giá trị trái nghĩa trong các trường nghĩa trên nằm ngay trong một đơn vị ngôn ngữ. Chẳng hạn cụm từ sương lấp đoàn quân mỏi, vừa thể hiện sự gian khổ của người lính nơi núi rừng hoang vắng, vừa thể hiện cái hấp dẫn riêng, rất lạ của thiên nhiên. Có khi đặc điểm trái ngược lại nằm ở sự liền kế theo trục tuyến tính của ngôn bản thơ: “heo hút cồn mây” (hoang vắng, hùng vĩ)/ “súng ngửi trời” (dí dỏm, lãng mạn, khỏe khoắn); “nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống” (nguy hiểm, gian nan)/ “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” (lãng mạn, bay bổng); “dáng người trên độc mộc”, “trôi dòng nước lũ” (khốc liệt, dữ dằn, hiểm nguy)/ “hoa đong đưa” (lãng mạn, trữ tình); “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” (mạnh mẽ, dữ dội)/ “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” (lãng mạn, bay bổng)…

Trong thi pháp kết cấu hình tượng thơ ở bề sâu hình tượng thơ, sự phối kết nhuần nhị và hoàn điệu tự nhiên của chất bi và tráng, mang lại một hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt. Bi và tráng vừa có mặt trong ngôn từ, giọng điệu thương cảm, xa xót (bi) nhưng quả cảm, tự hào (tráng); vừa tiềm ẩn trong các tình tiết miêu tả và diễn trình dáng nét, thần thái của thiên nhiên và con người trong các góc tiếp cận của chủ thể thẩm mỹ. Trong đó, hình tượng thiên nhiên và con người luôn hài kết, gắn bó mật thiết với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ chung: Thiên nhiên vừa hùng vĩ, hoành tráng, dữ dội, khốc liệt (tráng), vừa hoang dại, heo hút, đìu hiu (bi); con người vừa trẻ trung, mạnh mẽ, sôi nổi, nhiệt huyết, tin tưởng (tráng), vừa gian khó, hy sinh, mất mát (bi). Tuy nhiên, xu hướng chủ đạo vẫn là tráng trong quan niệm và cái nhìn nghệ thuật của tác giả. Do vậy, Tây Tiến về cơ bản là khúc tráng ca chứ không phải bi ca.

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang