Phân tích bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh.
I. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh: cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn chương.
– Nêu khái quát về hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa lịch sử và giá trị văn học của bản Tuyên ngôn độc lập.
II. Thân bài:
– Trình bày khái quát về bố cục của bản Tuyên ngôn độc lập: gồm 3 phần sắp xếp chặt chẽ và logic.
1. Cơ sở pháp lí của Tuyên ngôn Độc lập.
– Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ và của Pháp để làm cơ sở pháp lí cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam:
+ Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776: “Tất cả mọi người … quyền mưu cầu hạnh phúc”
+ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do … bình đẳng về quyền lợi.”
– Ý nghĩa:
+ Hồ Chí Minh tôn trọng và sử dụng hai bản tuyên ngôn có giá trị, được thế giới công nhận làm cơ sở pháp lí không thể chối cãi.
+ Dùng phương pháp “gậy ông đập lưng ông”: lấy tuyên ngôn của Pháp để phản bác lại chúng, ngăn chặn âm mưu tái xâm lược của chúng.
+ Đặt ngang hàng cuộc cách mạng, giá trị bản tuyên ngôn của nước ta với hai cường quốc Mĩ và Pháp, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.
+ Lập luận chặt chẽ, sáng tạo: từ quyền con người (tự do, bình dẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc), “suy rộng ra” là quyền tự do bình đẳng của mọi dân tộc trên thế giới.
2. Cơ sở thực tiễn của Tuyên ngôn độc lập.
a. Tội ác của thực dân Pháp:
– Vạch trần bản chất công cuộc “khai hóa” của thực dân Pháp: thực chất chúng thi hành nhiều chính sách dã man về chính trị, văn hóa – xã hội – giáo dục và kinh tế.
– Vạch trần bản chất công cuộc “bảo hộ” của thực dân Pháp: hai lần bán nước ta cho Nhật (vào năm 1940, 1945), khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”, …
– Chỉ rõ luận điệu xảo trá, lên án tội ác của chúng: là kẻ phản bội Đồng minh, không hợp tác với Việt Minh mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh, …
– Nghệ thuật: Điệp cấu trúc “chúng + hành động”: nhấn mạnh tội ác của Pháp.
b. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
– Nhân dân ta đã chống ách nô lệ hơn 80 năm, đứng về phía Đồng minh chống phát xít, kêu gọi Pháp chống Nhật, lấy lại nước từ tay Nhật
– Kết quả: cùng lúc phá tan 3 xiềng xích đang trói buộc dân tộc ta (Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị), thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
c. Lời tuyên bố độc lập và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc
– Dùng từ ngữ có ý nghĩa phủ định để tuyên bố thoát li hẳn với thực dân Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước đã kí kết, mọi đặc quyền của Pháp tại Việt Nam.
– Dựa vào điều khoản quy định về nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn để kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
– Tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do… ”. Thể hiện quyết tâm đoàn kết giữ vững chủ quyền, nên độc lập, tự do của dân tộc.
– Lời văn đanh thép, rõ ràng như một lời thề cũng như một lời khích lệ tinh thần yêu nước nhân dân cả nước.
III. Kết bài:
– Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực với lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, gần gũi, giàu tính biểu cảm.
– Bản tuyên ngôn nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí chống quân xâm lược, lòng tự hào dân tộc; đánh dấu mốc son trong lịch sử dân tộc ta.
Bài văn tham khảo 1:
Phân tích bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh.
- Mở bài:
“Tuyên ngôn Độc lập” là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là kết tinh của chủ nghĩa yêu nước của khát vọng tự do, hòa bình và tự chủ của dân tộc Việt Nam.
- Thân bài:
Cuộc cách mạng tháng Tám kết thúc thắng lợi vẻ vang, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một nước thuộc địa nhỏ bé đã giành được độc lập từ tay thực dân, đế quốc. Sau hơn một trăm năm phải sống kiếp đời nô lệ, nhân dân Việt Nam đã thực sự làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. Chính quyền đã về tay nhân dân nhưng âm mưu lật đổ chính quyền, tiếp tục đô hộ nước ta của thực dân Pháp và bè lũ phản động vẫn chư từ bỏ. Trên thế giới, lực lượng phản động vẫn không ngừng lăm le can thiệp vào tình hình nước ta. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, thay mặt chính phủ lâm thời, Người trịnh trọng đọc bản tuyên tuyên ngôn trước hàng vạn nhân dân Thủ đô, tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự chủ và tự cường của dân tộc.
Bản tuyên ngôn không chỉ đóng vai trò mở ra một giai đoạn mới của lịch sử dân tộc, mà nó còn là một lời tuyên bố với nhân dân thế giới về sự tồn tại của nước Việt Nam tự do, độc lập và ý chí, quyết tâm giữ vững nền độc lập ấy của toàn thể dân tộc Việt Nam. Bởi thế, mở đầu bản tuyên ngôn, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Khẳng định như vậy vì đó là điều phù hợp với đạo lí và pháp lí. Bởi vì đất nước và con người Việt Nam cũng như tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc và mọi người “đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (“Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mỹ).
Mặt khác “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” bởi lẽ “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791). Cách lập luận mở đầu của Bác bằng cách lấy hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, những nước lớn luôn nói về quyền tự do và độc lập của các quốc gia, đã tạo ra tiền đề để khẳng định độc lập tự do của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với quyền bình đẳng quốc tế.
Nhưng cái hay của Người là từ nhân quyền được đặt ra trong bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, Hồ Chủ tịch đã “suy rộng ra”, nói đến quyền tự quyết mọi dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Lẽ phải ấy “không ai chối cãi được”, và vô cùng thiêng liêng. Có thể nói, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, lời tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” biểu lộ niềm tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do của đất nước và con người Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời “và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Đó là một sự thật lịch sử không ai chối cãi được.
Trước khi nói về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Người đã nói lên những khổ đau mất mát của dân tộc ta bằng dẫn chứng đanh thép, lí lẽ sắc bén, hùng hồn, Hồ Chủ tịch đã vạch trần những tội ác dã man về chính trị, về kinh tế của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong suốt 80 năm trời. Chúng áp bức, bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, “khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. Thực dân Pháp đã tước đoạt tự do, dìm nhân dân ta vào máu và nước mắt trong đêm trường nô lệ: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”… Chúng thủ tiêu mọi quyền lợi kinh tế của dân tộc “cướp không hầm mỏ, nguyên liệu; độc quyền in giấy bạc; bóc lột công nhân ta tàn nhẫn”. Mang tiếng là bảo hộ ta nhưng thực tế “trong vòng 5 năm (1940 – 1945), chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Pháp và Nhật đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu (1945) làm cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Khi Nhật đảo chính Pháp, trước khi thua chạy, bọn thực dân Pháp “còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.
Tiếp đó, Người nói lên niềm tự hào mãnh liệt về sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất đã làm nên lịch sử nước nhà. Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi, “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời khi ba kẻ thù bị lật đổ, bị thất bại: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Chỉ một câu thôi mà Người đã tổng kết được cả một quá trình vươn lên kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam: Ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân “Pháp chạy”. Ta đã đập tan xiềng xích của Nhật “Nhật hàng”. Ta đã làm sụp đổ chế độ Phong kiến tồn tại hàng ngàn đời nay “Vua Bảo Đại thoái vị”.
Đó là lẽ phải, là sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Như vậy, Độc Lập và Tự Do là thành quả đấu tranh cách mạng bền bỉ, gan góc, lâu dài của dân tộc ta: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Cách lập luận ấy đã làm “đẹp mặt, đẹp lòng” với các nước Đồng minh đồng thời cách lập luận đó đã cho thấy thái độ nhục nhã của thực dân Pháp khi “phản bội lại Đồng minh” bán nước ta hai lần cho Nhật.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một sự thật lịch sử, nên Hồ Chủ tịch mới tuyên bố một cách đanh thép, hùng hồn: “Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Cách nói “xóa bỏ hết”, “xóa bỏ tất cả” là cách nói thể hiện sự dứt khoát chối bỏ sự có mặt của người Pháp trên đất nước ta. Từ nay, nước ta là nước độc lập.
Độc lập tự do là khát vọng, là ý chí của đất nước và con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố vang lên như một lời thề thiêng liêng làm chấn động lòng người: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời tuyên bố hùng hồn, chắc nịch như một lời thề vang vọng khắp núi sông. Cụm từ “Toàn thể dân tộc Việt Nam” đã nói lên sức mạnh đại đoàn kết, triệu triệu con người Việt Nam kết thành một khối mà không một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục được. Các yếu tố như “tinh thần”, “lực lượng”, “tính mạng”, “của cải” đã được tập trung trong một câu kết xiết bao niềm tự hào làm người đọc rưng rưng xúc động.
Lời tuyên bố ấy của Hồ Chủ tịch cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với thực dân Pháp đang âm mưu tái chiếm Việt Nam một lần nữa, đồng thời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta đã thể hiện một cách hùng hồn lời tuyên bố mạnh mẽ ấy. Đó là khát vọng, là ý chí sắt đá về độc lập tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta. Một lần nữa, Người lại Tuyên bố: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!” (“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” – 19.12.1946).
Kết thúc bản “Tuyên ngôn Độc lập“, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là một lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn, đã kết tinh một cách sáng ngời những tư tưởng nhân văn và khát vọng độc lập tự do của dân tộc.
Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc ta đã trải qua rất đáng tự hào: Cách mạng tháng Tám – chiến thắng Điện Biên oai hùng – Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng – Non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà… Đó là chiến thắng tất yếu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của một dân tộc Việt Nam bé nhỏ nhưng có sức vươn lên kỳ vĩ:
“Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân
Sức nhân dân khỏe như ngựa sắt
Chí căm hờn ta rèn thép thành roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi”.
“Tuyên ngôn Độc lập” có nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm. Giọng văn linh hoạt. “Tuyên ngôn Độc lập” của Bác đã trở thành một áng văn chính luận mẫu mực nổi tiếng. Đằng sau đó là một tầm tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh, Người đã tổng kết được một cách giản dị mà súc tích những kinh nghiệm đấu tranh của nhiều thế kỷ giành độc lập dân tộc, dân quyền, nhân quyền của dân tộc ta và nhân loại.
- Kết bài:
“Tuyên ngôn Độc lập” xứng đáng là một áng “thiên cổ hùng văn”. Nó đã kế tục truyền thống vinh quang của “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo”. Nó là lời nước non cao cả và thiêng liêng, thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đọc đoạn văn cuối bản “Tuyên ngôn Độc lập”, chúng ta càng thấm thía tự hào về độc lập, tự do mà dân tộc ta đã giành được bằng xương máu của bao thế hệ, của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho chúng ta được tự do như ngày hôm nay.
Bài văn tham khảo 2:
- Mở bài:
Những tư tưởng lớn của các bậc vĩ nhân phản ánh chân lí của lịch sử và ý nguyện của nhân loại thường giản dị thường có sức sống lâu dài. Dù nhiều lúc được phát biểu rất giản dị. Thời gian càng lùi xa, lịch sử càng tiến lên, các tư tưởng đó ngày càng được thực tiễn kiểm nhiệm và tỏa sáng trong ý thức của mọi con người và các cộng đồng người như “ ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, như suối trở thành sông, càng đi ra biển càng trở thành rộng lớn. Đó cũng là trường hợp tư tưởng Hồ Chí Minh trong Tuyên Ngôn Độc Lập. Văn kiện này do chính Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc cách đây hơn 60 năm. Phản ánh quy luật cơ bản của lịch sử dân tộc và nguyện vọng sâu xa của nhân dân ta. Có thể nói Tuyên Ngôn Độc Lập đã và sẽ trở thành tượng đài văn chương vĩnh hằng trong lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại.
- Thân bài:
Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh được ra đời vào một thời điểm đặc biệt của lịch sử dân tộc và nhân loại. Chiến tranh thế giới thứ 2 đang ở giai đoạn kết thúc. Phát xít Nhật – kẻ đang xâm lược nước ta đã bị quân Đồng Minh đánh bại trên toàn thế giới. Nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945 chính quyền Hà Nội về tay nhân dân, ngày 26/8/1945 chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Tại căn nhà 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ngày 2/9/1945 Người đã thay mặt chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đọc Tuyên Ngôn Độc Lập trước hàng vạn đồng bào tại quảng trường Ba Đình Hà Nội. Trong khi đó bọn đế quốc thực dân câu kết với bọn phản động trong nước tìm cách phá hoại chính quyền còn non trẻ của ta. Phía Bắc là quân Tưởng, tay sai đế quốc Mĩ. Phía Nam là thực dân Anh, lấp sau là lính viễn chinh Pháp. Lúc này Pháp tung ra dư luận: Đông Dương là đất bảo hộ của người Pháp bị Nhật xâm chiếm nay Nhật đầu hàng Đồng Minh đương nhiên phải trở lại với người Pháp.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được viết ra nhằm hướng tới đồng bào cả nước với nhân dân thế giới, đặc biệt là phe đồng minh. Để tuyên bố về quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Khẳng định lập trường nhân đạo và chính nghĩa của ta. Tuyên Ngôn Độc Lập còn là cuộc đấu lí, tranh luận ngầm với thực dân Pháp nhằm ngăn chặn âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Để đạt được mục đích trên, Tuyên Ngôn Độc Lập có kết cấu rất chặt chẽ. Tác phẩm được cấu thành 3 phần:
Phần mở đầu: Hồ Chí Minh nêu lên cơ sở pháp lí, chính nghĩa của bản tuyên ngôn.
Phần 2: Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Khẳng định lập trường nhân đạo và chính nghĩa của ta.
Kết thúc bản Tuyên Ngôn Độc Lập: Hồ Chí Minh đưa ra lời tuyên bố đồng thời khẳng định một lần nữa ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của nhân dân ta.
Phần mở đầu Hồ Chí Minh đã nêu lên cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản Tuyên ngôn bằng cách trích dẫn 2 bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại của 2 nước lớn: Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ( 1776 của Mĩ và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791)
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của Mĩ đã ghi: “ tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”
Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “ Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Cả 2 bản tuyên ngôn đều khẳng định quyền con người, đặc biệt nhấn mạnh quyền tự do và bình đẳng của con người. Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là luận điểm nền tảng coi độc lập tự do bình đẳng, bác ái là những thành tựu lớn của tư tưởng nhân loại, là lí tưởng theo đuổi hết sức cao đẹp của nhiều dân tộc.
Việc trích dẫn 2 bản Tuyên Ngôn Độc Lập trên có ý nghĩa rất to lớn. Hồ Chí Minh đã nêu lên những nguyên lí chung quyền được tự, bình đẳng của con người để khẳng định lập trường chính nghĩa của dân tộc đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Mà đã là lẽ phải thì dù là người Mĩ, người Pháp hay người Việt Nam đều phải được hưởng quyền tự do, bình đẳng như một chân lí hiển nhiên của lịch sử.
Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam – lí lẽ của tổ tiên người Mĩ và người Pháp. Cách nói và viết như thế tỏ ra vừa khéo léo lại vừa rất kiên quyết. Khéo léo ở chỗ người tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Mĩ, người Pháp từng ghi trong bản tuyên ngôn từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng, văn học của dân tộc họ. Nhưng kiên quyết ở chỗ Người nhắc nhở người Mĩ, người Pháp đừng phản bội lại tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo và chính nghĩa của các cuộc Cách Mạng vĩ đại của nước Mĩ và nước Pháp. Nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam. Bởi họ chống lại Việt Nam là họ chống lại chính họ, chống lại truyền thống vẻ vang nhất, giá trị ưu tú nhất của dân tộc, quốc gia tổ tiên họ và rút cục họ sẽ bị thất bại. Đúng như một câu nói nổi tiếng “ kẻ nào bắn vào quá khứ một phát súng lục sẽ bị tương bắn trả bằng một loạt đại bác”.
Nhắc đến 2 bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại của 2 nước lớn, Hồ Chí Minh đã đặt 3 bản tuyên ngôn ngang hàng nhau và 3 nền độc lập ngang hàng nhau. Cuộc Cách Mạng của nước Mĩ do Oa-sinh-tơn lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ lật đổ ách thống trị của thực dân Anh và khi cuộc Cách Mạng thành công, nước Mĩ tuyên bố độc lập tự do và được nhân dân cả nước trên thế giới thừa nhận. Cuộc Cách Mạng tư sản của nước Pháp năm 1789 thực hiện nhiệm vụ lật đổ sự thống trị của bọn phong kiến, giai cấp tư sản Pháp lên nắm chính quyền. Nước Pháp đã được độc lập tự do và đương nhiên cũng được các nước trên thế giới thừa nhận. Cuộc Cách Mạng của dân tộc Việt Nam đã thực hiện đồng thời cùng một lúc hai nhiệm vụ của cuộc Cách Mạng tư sản Pháp và cuộc Cách Mạng của nước Mĩ, lật đổ ngai vàng thống trị của bọn phong kiến, ách thống trị tàn bạo của bọn phát xít thực dân. Vì thế Việt Nam có vị thế bình đẳng với các nước trên thế giới. Các nước đã họp ở hội nghị. Tê hê răng và Cưu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Kín đáo hơn bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh dường như muốn gợi lại niềm tự hào của dân tộc của tác giả bài Bình Ngô đại cáo xưa khi ở đầu tác phẩm bằng 2 vế cân xứng như đã đặt các triều đại của Nam quốc sánh ngang với triệu đại Bắc quốc:
“Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời gây nên độc lập
Cùng Hán, Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
Trong tranh luận để bác bỏ luận điệu của một đối thủ nào đấy không gì thú vị, đích đáng hơn bằng việc dùng chính lí lẽ của đối thủ ấy. Hồ Chí Minh đã sử dụng thành công thư pháp lấy “gậy ông đập lưng ông”, để ngăn chặn âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Như vậy, với việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã đưa ra những lí lẽ thuyết phục để chuẩn bị tiền đề cho lập luận ở những phần tiếp theo, làm cơ sở cho hệ thống lập luận của bản tuyên ngôn.
Tư duy của Hồ Chí Minh thông minh, sắc bén, linh hoạt và biến hóa khôn lường. Cùng với việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh còn có một câu, suy rộng ra câu ấy có y nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sướng sướng và quyền tự do.
Với ba chữ “suy rộng ra” đó Hồ Chí Minh đã đưa tư tưởng nhân quyền và dân quyền từ thế kỉ XVIII trở thành tư tưởng của thế kỉ XX. Từ phạm trù Cách Mạng tư sản sang phạm trù Cách Mạng vô sản, từ phạm trù giải phóng cá nhân sang phạm trù giải phóng dân tộc và nhân loại. Với Hồ Chí Minh nhân quyền và dân quyền không chỉ là quyền bất khả xâm phạm của mọi cá nhân ( thực chất thời đại tư sản là của một số cá nhân có tiền nên có quyền với đa số cá nhân khác) mà còn là quyền bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc. Bởi vì làm sao có được quyền tự do bình đẳng, bác ái giữa người với người. Nếu còn dân tộc này xâm lược, áp bức, thống trị dân tộc khác. Làm sao có nhân quyền và dân quyền thực sự nếu đại đa số các dân tộc trên địa cầu không có quyền tự quyết định lấy số phận của mình, phải nương thân gửi mạng vào tay 1 thế lực cậy súng cậy tiền tha hồ làm mưa làm gió trên vũ đài quốc tế. Các – Mác đã nói một câu rất hay: “ Một dân tộc áp bức dân tộc khác không phải là một dân tộc tự do”
Như vậy cái tự do bình đẳng bác ái mà Mĩ và Pháp rêu rao trên vũ đài cai trị quốc tế thực chất chỉ là hình thức bên ngoài nhằm che đậy âm mưu xâm lược các quốc gia. Sự suy rộng ra của Hồ Chí Minh đã làm cho khái niệm nhân quyền và dân quyền từ nội dung cũ thêm nội dung mới. Nội dung mới không những bổ sung mà còn làm thoái hóa cả nội dung cũ theo thực tiễn và tinh thần của thời đại mới.
Ý kiến suy rộng ra của Hồ Chí Minh quả là đóng góp đầy ý nghĩa của Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Một nhà văn hóa nước ngoài đã nói: “ cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Có thể xem luận điểm suy rộng ra là phát súng kệnh khởi đầu cho bão táp Cách Mạng ở các nước thuộc địa sẽ làm sụp đổ hệ thống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới vào nửa sau thế kỉ XX.
Trong phần mở đầu bản tuyên ngôn, cùng với câu suy rộng ra, Hồ Chí Minh còn có một câu khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Câu khẳng định này nhằm nhấn mạnh lại một lần nữa cơ sở pháp lí chính nghĩa của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng là tiền đề quan trọng để Người tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp trong hơn 80 năm thống trị nước ta về tất cả mọi mặt.
Như vậy phần mở đầu của bản Tuyên Ngôn Độc Lập rất ngắn gọn và súc tích, những lập luận vô cùng chặt chẽ , lí lẽ đanh thép, bằng chứng tiêu biểu, toàn diện không ai có thể chối cãi. Tất cả đã thể hiện một tầm văn hóa và tư tưởng vô cùng vĩ đại của Hồ Chí Minh. Người đã đứng trên lập trường nhân đạo chính nghĩa đòi quyền độc lập tự do cho dân tộc mình và quyền tự quyết định lấy vận mệnh của tất cả các dân tộc trên thế giới. Như vậy chỉ phần mở đầu có thể khẳng định Hồ Chí Minh là con người của nhân loại.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tố cáo tội ác của thực dân Pháp, khẳng định lập trường nhân đạo chính nghĩa của ta và đưa ra lời tuyên bố.
Để hợp thức hóa cuộc chiến tranh xâm lược trở lại Việt Nam, thực dân Pháp đã tung ra dư luận quốc tế Pháp có công lao mở mang, khai hóa được Đông Dương. Đông Dương là đất bảo hộ của người Pháp và Pháp thuộc phe Đồng Minh chống phát xít. Đông Dương là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm nay Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, Dông Dương đương nhiên phải trở lại với người Pháp. Đứng trên lập trường nhân đạo và chính nghĩa, bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã tố cáo tội ác của Pháp trên tất cả các mặt nhằm vạch trần âm mưu xâm lược và đập tan mọi luận điệu xảo trá của kẻ thù.
Trước hết Pháp tung ra dư luận Pháp có công lao mở mang, khai hóa với Đông Dương. Mở mang khai hóa nghĩa là người Pháp sẽ mang ánh sáng văn minh từ mẫu quốc sang các nước thuộc địa làm cho các nước thuộc địa thoát khỏi tình trạng lạc hậu, mông muội, ngày một trở nên văn minh và tiến bộ hơn. Đây thực chất là những chiêu bài chính trị của bọn chủ nghĩa thực dân, hòng hợp thức hóa cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu của chúng ở Đông Dương. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã vạch trần những hoạt động trái hẳn nhân đạo và chính nghĩa của chúng trong 80 năm thống trị nước ta về nhiều mặt.
Về chính trị chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập 3 chế độ khác nhau ơ Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu.
Về văn hóa – xã hội chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học, chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng còn đầu độc nhân dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện.
Về kinh tế chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, chúng cướp không ruộng đất hầm mỏ và nguyên liệu của chúng ta. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn, chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên.
Về ngoại giao, chúng giữ độc quyền với giấy bạc, xuất cảng, nhập cảng.
Từ những dẫn chứng cụ thể Hồ Chí Minh đã chỉ ra kết quả của quá trình mở mang khai hóa mà bọn thực dân Pháp đã thực hiện ở nước ta. Đó là nòi giống ta bị suy nhược, dân ta nghèo nàn thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều, dân cày và dân buôn trở nên bần cùng, đặc biệt bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp trong lịch sử “ cuối năm ngoái sang đầu năm nay, QT đến BK hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói”. Đó là bằng chứng không thể chối cãi, đã lật tẩy bộ mặt tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp, chúng đã đi ngược lại truyền thống văn hóa của nước Pháp và nhân loại. Nhà văn Rôđaighết đã diễn tả nỗi đau xót của Hồ Chí Minh trước hiện thực lịch sử này:
“Người đã đói với mọi cơn đói ngày xưa
Người đã chết hơn 2 triệu lần năm đói 45 khủng khiếp”
Để làm nổi bật tội ác của Pháp, Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp liệt kê nêu tội ác của Pháp trên tất cả các mặt từ chính trị, văn hóa – xã hội đến kinh tế, ngoại giao để cho thấy đây là những tội ác trời không rung đất không tha. Lí lẽ của Hồ Chí Minh rất sát đáng, bằng chứng xác thực không thể chối cãi, ngôn ngữ sắc xảo, gợi cảm hùng hồn, đặc biệt văn chính luận nhưng Người viết văn rất có hình ảnh. Đọc Tuyên Ngôn Độc Lập ta không thể quên được những câu văn vừa giàu hình ảnh, vừa có sức gợi cảm tác động mạnh mẽ đến hình ảnh của con người như “chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu, nước ta xơ xác tiêu điều, chúng không cho các nhà tư sản của ta ngóc đầu lên”. Vì thế đoạn văn không chỉ đập tan chiêu bài mở mang “ khai hóa” văn minh của thực dân Pháp với những tội ác vô cùng dã man, tàn bạo mà còn gây xúc động hàng triệu con tim, khơi dậy lòng phẫn nộ của nhân dân ta với bọn thực dân Pháp.
Thực dân Pháp còn muốn kể công lao “bảo hộ” đói với Đông Dương. “Bảo hộ” có nghĩa là bảo vệ, hỗ trợ Đông Dương giúp cho Đông Dương không bị các nước bên ngoài xâm chiếm. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã vạch trần chân tướng hèn hạ phản bội nhục nhã của thực dân Pháp.
Mùa thu năm 1940 khi quân Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh thì bọn thực dân Pháp qùy gối đầu hàng, mở cửa nước ta cho nước Nhật, từ đó dân ta chịu 2 tầng xiềng xích: Pháp và Nhật.
Ngày 9/3/1945 Khi Nhật tước khí giới của quân đội Pháp, bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy hoặc là đầu hàng. Từ những sự thực lịch sử trên Hồ Chí Minh đã đi đến những kết luận. Thế là chẳng những chúng không bảo hộ được ta mà trái lại trong 5 năm chúng đã bán nước ta 2 lần cho Nhật. Như vậy bọn thực dân Pháp không có công lao bảo hộ với nước ta mà chúng còn có tội với các nước Đông Dương, thậm chí đó là một trọng tội.
Nghệ thuật: Hồ Chí Minh đã sử dụng lí lẽ hùng hồn, bằng chứng không thể chối cái cùng với lập luận sắc sảo và chặt chẽ từ đó người đã đập tan chiêu bài bảo hộ, khai hóa rất bịp bợm của chủ nghĩa thực dân.
Để hợp thức hóa cuộc chiến tranh xâm lược trở lại Đông Dương bọn thực dân Pháp còn tung ra dư luận quốc tế, Pháp thuộc phe Đồng Minh chống phát xít, Đông Dương là thuộc địa của chúng đã bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã bị Đồng Minh đánh bại phải đầu hàng. Vậy Đông Dương đương nhiên phải trở về tay người Pháp.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã chỉ rõ Đông Dương không còn là thuộc địa của Pháp: Sự thật là từ mùa thu 1940 nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Hồ Chí Minh đã sử dụng hàng loạt câu được viết theo hình thức lặp cú pháp để nhấn mạnh sự thật. Lí lẽ của Hồ Chí Minh được xây dựng trên hiện thực cuộc sống và chân lí lịch sử của Việt Nam 1940 đến 1975. Với lí lẽ đanh thép sắc bén và hùng hồn, bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã đập tan luận điệu xảo trá của bọn thực dân Pháp muốn hợp thức hóa cuộc xâm lược của chúng trước dư luận quốc tế.
Trên cơ sở vạch trần những hành động tàn ác trái hẳn nhân đạo và chính nghĩa của bọn thực dân Pháp và âm mưu xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã nêu cao lập trường nhân đạo và chính nghĩa của ta.
Nếu thực dân pháp có tội phản bội Đồng Minh, bán rẻ Đông Dương 2 lần cho Nhật thì dân tộc Việt Nam mà đại diện là Việt Minh đã đứng lên đánh Nhật giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Nếu thực dân Pháp phản động tàn bạo thẳng tay khủng bố Việt Minh, nhẫn tâm giết nốt số đông tù nhân ở Yên Bái và Cao Bằng thì nhân dân ta vẫn giữ thái độ khoan hồng, nhân đạo với kẻ thù thất thế. Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam của Nhật và bảo vệ tài sản và tính mạng cho họ.
Đặc biệt dân tộc ta đã chịu bao đau đớn dưới ách thực dân tàn bạo, đã anh dũng chiến đấu cho độc lập tự do, đã nêu cao tinh thần nhân đạo, bác ái. Dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập.
Dân tộc Việt Nam đã kiên cường bền bỉ anh dũng đã giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân phong kiến: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” vì thế Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, tuyên bố xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về Việt Nam, tuyên bố xóa bỏ hết mọi đặc quyền đặc lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam. Căn cứ vào những điều khoản quy định về nguyên tắc dân tộc và bình đẳng Hội nghị Tê-hê-rang và Cựu Kim Sơn, Hồ Chí Minh kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhân quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
Nghệ thuật: sức mạnh của chính nghĩa bao giờ cũng đồng thời là sức mạnh của sự thật. Người viết đã lấy lại nhiều lần sự thật, sự thật là đã dựa trên cơ sở hiện thực để đưa ra lời tuyên bố, đấy là những điệp khúc nối nhau làm tăng thêm âm hưởng hào hùng của bản tuyên ngôn.
Khép lại bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, bởi vì tất cả mọi người để sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc và người ta sinh ra tự do, bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được bình đẳng và tự do về quyền lợi”. Như vậy hưởng tự do và độc lập là một quyền thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.
Nước Việt Nam không chỉ có quyền được hưởng độc lập tự do mà hưởng độc lập tự do còn là một sự thật. Bởi sự thật nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vì vậy, toàn thể nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững quyền tự do độc lập ấy: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Nhận xét chung: Lời khẳng định của Hồ Chí Minh rất ngắn gọn nhưng đanh thép hùng hồn, khẳng định ý chí quyết tâm hi sinh của toàn dân tộc để bảo vệ độc lập tự do.
Kết luận chung:
Nghệ thuật: Người ta gọi Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi là áng thiên cổ hùng văn. Cũng có thể nói như vậy, đối với bản Tuyên Ngôn Độc Lập ra đời không còn ở thời kì văn học nguyên hợp, văn sử bất phân. Để người viết đưa vào những hình tượng hào hùng tầng tầng lớp lớp như bài cáo của người xưa. Ngày nay, văn chính luận là văn chính luận, Hồ Chí Minh đã dàn dựng được một hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ hùng hồn, bằng chứng xác thực không ai chối cãi được, lời văn ngắn gọn, súc tích, âm hưởng hào hùng đầy sức thuyết phục. Đó là sức hấp dẫn của bản tuyên ngôn.
Nội dung: Tuyên Ngôn Độc Lập còn thể hiện một tầm tư tưởng, tầm văn hóa lớn của Hồ Chí Minh, đã tổng kết được trong một văn bản tuyên ngôn ngắn gọn, trong sáng, kinh nghiệm của nhiều thế kỉ đấu tranh vì độc lập tự do, vì nhân quyền và dân quyền của dân tộc và nhân loại. Chính bác Hồ cũng tự đánh giá đây là thành công thứ ba khiến người cảm thấy sung sướng trong cả cuộc đời hoạt động Cách Mạng, cầm bút viết văn làm báo đầy kinh nghiệm của mình. Cũng vì thế mà vào ngày Bác mất, một chính khách danh tiếng của châu Á đã phát biểu: “Người là ánh sáng hi vọng trong thế kỉ bạo tàn, ánh sáng hi vọng đó phải chăng là tư tưởng không gì qúy hơn độc lập tự do của Người”.