»» Nội dung bài viết:
Phân tích bi kịch của nhân vật Trương Ba.
Tình huống kịch của Lưu Quang Vũ bắt đầu từ chỗ kết thúc tích truyện nhân gian: sau khi hồn Trương Ba được sống hợp pháp trong xác hàng thịt, cuộc sống vay mượn trái tự nhiên bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo đã làm phát sinh những mâu thuẫn giữa hồn và xác. Mâu thuẫn càng phát triển khi linh hồn thanh cao dần bị tha hóa trước sự đòi hỏi, lấn át của thân xác thô phàm – Trương Ba trở nên xa lạ với những người thân trong gia đình, với bạn bè và tự chán ghét, ghê sợ chính mình. Xung đột được đẩy lên tới đỉnh điểm khi Trương Ba không chịu nổi tình cảnh của mình, chấp nhận cái chết vĩnh viễn. Đoạn trích chính là một phần cảnh 7, cảnh cuối cùng của vở kịch, khi xung đôt kịch lên tới cao trào và kết thúc bằng cái chết của hồn Trương Ba.
Trương Ba rơi vào bi kịch đau khổ trong cuộc sống không phải của mình.
Hoàn cảnh bi kịch:
Sau những nhầm lẫn và sửa chữa oái oăm của người nhà Trời, để có thể tiếp tục được sống, hồn Trương Ba phải trú nhờ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt – đó là nghịch cảnh phi lí, trái tự nhiên, là hoàn cảnh trớ trêu mà hồn Trương Ba buộc phải chấp nhận, quy phục. Đây cũng là mâu thuẫn lớn nhất của tấn bi kịch mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt. Như vậy, bắt đầu từ kết thúc có vẻ có hậu của cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã đặt ra những vấn đề lớn lao trong cuộc sống con người: Khi người ta cố gắng sống với bất cứ bằng giá nào, họ có tìm thấy hạnh phúc hay không? Con người sẽ ra sao nếu không được sống là chính mình, không được sống trọn vẹn với những phẩm chất giá trị mình vốn có và theo đuổi? Liệu con người có thể giữ cho mình những giá trị tinh thần cao quý khi phải chấp nhận sống chung với những dung tục, có tránh được sự tha hóa khi thường xuyên phải thỏa mãn những ham muốn vật chất tầm thường?
Hoàn cảnh bi kịch của Trương Ba với sức mạnh sai khiến ghê gớm, sự cám dỗ khó lòng cưỡng lại của cái dung tục, tầm thường đã được cụ thể hóa trong thân xác anh hàng thịt. Trước hết, thân xác ấy được miêu tả như một biểu tượng đáng ghê sợ của hoàn cảnh sống dung tục: từ hình dáng kềnh càng thô lỗ tới cái dạ dày đòi hỏi mỗi bữa ăn tám chín bát cơm, từ những ham muốn thấp kém mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt… Cho đến những dục vọng xấu xa. Đó là xác thịt âm u đui mù nhưng tiếng nói xui khiến của nó lại có sức mạnh ghê gớm, thậm chí có khả năng sai khiến kể cả những linh hồn thanh sạch, cao khiết nhất. Hơn một lần, xác hàng thịt đã khẳng định sự phụ thuộc của hồn Trương Ba đối với nó – Tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục… ông không tách ra khỏi tôi được đâu… Phải sống hòa thuận với nhau thôi… hai ta đã hòa với nhau làm một rồi. Quả là, một khi đã chấp nhận cuộc sống vay mượn, chắp vá, cuộc sống không phải của mình vì sư đánh đổi cho một mưu cầu nào đó, con người rất khó thoát ra khỏi sự chi phối nghiệt ngã của hoàn cảnh sống ấy.
Xác hàng thịt còn ve vãn hồn Trương Ba bằng cái lí lẽ ti tiện nhưng có sức hấp dẫn ghê gớm, cái lí lẽ mà chính hồn Trương Ba có lẽ đã nhiều lần từng âm thầm tự nói với mình, tự an ủi, gột rửa mình cho trong sạch: Trương Ba vẫn sẽ làm mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của xác hàng thịt, và hình như càng ngày càng là thềm khát của chính Trương Ba, nhưng sau đó cứ việc đổ tội cho xác, đó là cách giúp con người thỏa mãn được những đòi hỏi tầm thường của thân xác lại vừa giữ được cảm giác thanh thản cho linh hồn! Theo cách nói của xác hàng thịt, đó là trò chơi tâm hồn, thực chất là phương cách hèn nhát mà con người thường dung để lừa dối chính mình và cuộc đời!
Phải sống nhờ vào những yếu tố phẩm chất bên ngoài, không được sống với con người thực của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống dung tục, bị nó chi phối, sai khiến – đó là một trong những bi kịch đau đớn nhất của con người.
Sự tha hóa của con người trong cuộc sống không phải của mình.
Sự tha hóa của Trương Ba trong hoàn cảnh sống nhờ vào thân xác người khác đã được Lưu Quang Vũ thể hiện rõ nét qua cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, qua sự bối rối, khổ sở, bế tắc của hồn Trương Ba và sự đắc thắng lợi những lí lẽ trâng tráo nhưng đầy sức thuyết phục của xác hàng thịt.
Xác hàng thịt chỉ đã chỉ rõ sự tha hóa không tránh khỏi của hồn Trương Ba khi Trương Ba phải nhờ vào nó để tồn tại: Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm đất trời, cây cối, những người thân…, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi. Thực chất, khi phải chấp nhận hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã để tiếp tục duy trì sự sống, Trương Ba hầu như không còn được sống theo cách riêng của mình, linh hồn toàn lệ thuộc vào những yếu tố vật chất của thân xác, tồn tại qua thân xác, cái thân xác không phải của mình. Mà trong sự nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng thì nhân cách của một con người bao giờ cũng thể hiện qua lời nói, việc làm, cách hành xử… những việc được thực hiện bằng đôi mắt, bàn tay, tiếng nói của thân xác. Đó là nguyên nhân khiến linh hồn của Trương Ba rơi vào tình trạng bất lực trước sự sai khiến ghê gớm của thân xác âm u đui mù.
Sự tha hóa của Trương Ba đã được thể hiện qua rất nhiều bình diện và diễn ra ở nhiều mức độ. Bây giờ, Trương Ba ăn bằng miệng của xác hàng thịt; ham muốn những món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi và đủ thứ vị khác theo khẩu vị của xác hàng thịt; tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại… khi đứng cạnh vợ hàng thịt; người làm vườn khéo léo, nhẹ nhàng ngày xưa, nay trở nên vụng về, thô lỗ, khi ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to be như cái xẻng, giẫm nát cả cây sâm quý mới ươm… những cử chỉ phũ phàng của ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý… Tuy nhiên, sự tha hóa của Trương Ba không còn dừng lại trong những hành động phụ thuộc vào xác hàng thịt nữa, ngay cả linh hồn Trương Ba cũng đã thay đổi, từ cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử, cách dạy con… Trương Ba xưa kia hiền lành nho nhã, hết lòng yêu thương vợ con, sống chân thật ngay thẳng, trong sạch, đôn hậu với nghề làm vườn, nay dần bước vào con đường bán mua lươn lẹo, kết thân với phú hào, chức sắc, xa lánh bà con lối xóm. Ông bắt đầu ngụy biện theo cách tính toán của hàng thịt: “Phải thay đổi để sống chứ, việc chi tiêu trong nhà càng lúc càng nhiều trong khi cuộc sống càng lúc càng khó khăn”.
Qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, có thể thấy: Trương Ba có được cuộc sống nhưng là cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống nhờ vào thân xác thô kệch của anh hàng thịt, bị nó chi phối, đồng hóa, thậm chí lôi kéo thỏa hiệp trong cách sống giả dối với mình, với người. Bi kịch của Trương Ba chính là lời cảnh báo về những tác động tiêu cực của hoàn cảnh sống đối với con người: khi con người phải sống trong sự dung tục thì sớm muộn, cái dung tục cũng sẽ ngự trị, thắng thế, sẽ lấn át hủy hoại những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người.
Hậu quả đau khổ trước sự tha hóa.
Ý thức được sự tha hóa của mình, hồn Trương Ba dằn vặt đau khổ, ông đã cố chối bỏ, chống trả nhưng bất lực. Đặc biệt, khi đối diện với những người Trương Ba yêu thương, những người vốn rất yêu thương Trương Ba trước đây, hồn Trương Ba càng cảm nhận sâu sắc hơn sự đau khổ mình đã gây ra cho họ, cũng thấy rõ hơn tình cảnh tuyệt vọng của mình.
Vợ Trương Ba buồn bã, đau khổ vì nhận ra: ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa. Người vợ hiểu rất rõ Trương Ba bây giờ hoàn toàn bị sự sai khiến mạnh mẽ của cái bên ngoài ông, Trương Ba khó có thể cưỡng lại ý muốn của cái thân xác ông đang phải sống nhờ, và vì thế, Trương Ba không còn khả năng sống với những ý muốn tốt đẹp của người làm vườn chăm chỉ, đôn hậu ngày xưa nữa: ông bảo không được nhưng tôi biết rồi sự thể sẽ dẫn đến như vậy, ông sẽ đành ưng chịu như vậy… với trái tim vị tha nhân hậu của người vợ, bà thấu hiểu cái bất hạnh, đau khổ của Trương Ba trong sống không phải của mình, bà càng đau khổ hơn vì không thể giúp Trương Ba thay đổi hoàn cảnh bế tắc của ông. Truy nhiên, dù thấu hiểu và sót thương, vợ Trương Ba vẫn khó có thể đối diện với người chồng đang hòa nhập với thân xác đồ tẻ nên muốn bỏ đi. Chính Trương Ba cũng ý thức được nỗi đau khổ của vợ, ông nói với người con dâu: thầy đã làm u khổ.Có lẽ cái ngày u chôn xác thầy xuống đất, tưởng thầy đã chết hẳn, u cũng không khổ như bây giờ. Nỗi đau khổ của người vợ nhân hậu, vị tha khiến Trương Ba càng nhận rõ bi kịch không lối thoát của mình.
Con dâu Trương Ba cũng thấu hiểu và xót thương cho hoàn cảnh trớ trêu của bố chồng, chị cũng hiểu bây giờ, trong thân xác hàng thịt, Trương Ba khổ hơn xưa nhiều lắm. Chị thương cho tình cảnh sống nhờ, sống vay mượn trái tự nhiên của Trương Ba, càng thương hơn cho sự thay đổi không tránh khỏi của bố chồng: Thầy bảo con: cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, … mỗi ngày, thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả mọi thứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi … Nỗi lòng chân thành của người con dâu hiếu thảo đã phản ánh chính xác bi kịch của Trương Ba: trong cảm nhận của những người thân yêu, Trương Ba hiền hậu, vui vẻ, tốt lành ngày xưa cứ bị cuốn xa dần, nhòa mờ dần phía sau những biểu hiện thô lỗ, phàm tục của thân xác đồ tể – nơi chứa đựng linh hồn ông. Bi kịch tha hóa của Trương Ba đã hiện rõ qua cảm nhận của người con dâu: chính con cũng không nhận ra thầy nữa; bi kịch ấy càng đau xót hơn trong ước mong vô vọng của chị: làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia?
Quyết liệt và dữ dội nhất là thái độ của cái Gái – đứa cháu yêu quý ông nội sâu sắc. Tâm hồn trong sáng ngây thơ của nó tuyệt đối không thể chấp nhận những dàn xếp trái tự nhiên của thế giới thần tiên những thỏa hiệp kì lạ của thế giới người lớn, đặc biệt không chấp nhận nổi sự tồn tại giả dối, quái gở của cái gọi là hồn Trương Ba – da hàng thịt. Càng yêu quý, nhớ thương ông nội, cái Gái càng trân trọng, nâng niu những kỉ niệm về ông, từ đôi guốc gỗ, bó đóm thuốc lào, nhất là những cây thuốc trong vườn; nó chỉ sống với những kí ức thiêng liêng về người ông chăm chỉ, nhẹ nhàng, khéo léo, gắn bó với vườn cây, người ông nội hiền hậu luôn dành tình cảm trìu mến yêu thương cho nó, cho cu Tị… Kiên quyết phủ nhận hồn Trương Ba trong thân xác hàng thịt, cái Gái gọi ông là Lão đồ tể – cách gọi cho thấy thái độ rành mạch, dứt khoát với nghiệt ngã của trẻ thơ, với cái Gái, con người mang thân xác hàng thịt, với bàn tay giết lợn, với bàn chân to bè như cái xẻng, với những cử chỉ thô lỗ phũ phàng kia chỉ có thể là lão đồ tể xấu xa, độc ác mà cả nó và cu Tị đều căm ghét.
Thậm chí, ngay cả đứa con trai thực dụng cũng chẳng còn tôn trọng ông: “Cha bây giờ không còn là cha trước đây nữa. Cha tôi hồi đó không bao giờ đánh tôi nên tôi rất kính trọng ông. Cha bây giờ cũng gian dối, đang sống nhờ bằng cái xác ăn cắp của người khác đó thôi….”.
Những nỗi niềm hoặc buồn bã, đau khổ, hoặc thương xót, bất lực, hoặc căm ghét, chối bỏ của người thân đã khẳng định sự tha hóa đáng buồn, đáng thương, cũng đáng sợ, đáng ghét của Trương Ba khi phải sống nhờ vào thân xác hàng thịt, cũng làm đậm thêm nỗi đau khổ tuyệt vọng của một người ý thức sâu sắc bi kịch đánh mất mình.
Cuộc chiến đấu kiên cường và quyết định dũng cảm để tự giải thoát khỏi bi kịch – sự tìm lại chính mình.
Phải để linh hồn trong sạch, cao khiết của mình sông nhờ trogn thân xác thô phàm của anh hàng thịt, ý thức sâu sắc mình đang dần bị đồng hóa, hồn Trương Ba ngày càng thấy không thể chấp nhận kiểu sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, ông thấy chán ghét, ghê sợ cái thân xác không phải của mình: Tôi không muốn sống như thế này mãi – tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi. Sau cuộc nói chuyện với những người thân, Trương Ba đã đứng trước tình huống phải lựa chọn quyết liệt – trong lời độc thoại nội tâm, hồn Trương Ba đã đi từ sự tuyệt vọng khi cay đắng thừa nhận thất bại của linh hồn trước sự đồng hóa của thân xác: mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta…, đến sự phản kháng bướng bỉnh: nhưng có lẽ nào ta lại thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? Thách thức xác hàng thịt: có thật là không còn cách nào khác? Cuối cùng là lời khẳng định kiên cường: không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!
Trong thời gian sống nhờ vào xác hàng thịt, không ít lần hồn Trương Ba đã cố hết sức để có thể sống đúng như con người mình trước đây, nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì kết quả dường như lại tai hại bấy nhiêu. Bởi khi ấy, hồn Trương Ba vẫn cần trú nhờ vào xác hàng thịt, nghĩa là vẫn cần cái đời sống do xác hàng thịt mang lại, tình cảnh phụ thuộc hoàn toàn khiến sự chi phối, đồng hóa của thân xác với linh hồn là không tránh khỏi. Hướng giải thoát duy nhất giúp Trương Ba thoát khỏi bi kịch đã hiện ra qua lời tuyên bố: không cần đến cái đời sống do mày mang lại!
Trong màn đối thoại với Đế Thích, Trương Ba đã tiếp tục phải đấu tranh với những lời thuyết phục, những giải pháp xuất phát từ thiện ý của Đế Thích, đã dần đi đến quyết định cuối cùng, kiên quyết chối từ cuộc sống chắp vá, vay mượn, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, ông muốn được sống là mình một cách toàn vẹn. Ông đã thoát ra khỏi sức cám dỗ của những lí lẽ đã từng giúp ông yên lòng bám víu vào cuộc sống không phải của mình, những lí lẽ mà khi xác hàng thịt nói ra, ông đã xấu hổ vì nhận thấy sự ti tiện giả dối; sự chối từ của Trương Ba với cuộc sống vay mượn, chắp vá đưa đến một thông điệp: con người luôn phải có sự thống nhất hài hòa giữa hồn và xác, giữa bản chất và biểu hiện, giữa bên trong và bên ngoài, không thể có một tâm hồn thanh quý trong một thân xác thô phàm; khi con người bị chi phối bởi những ham muốn tầm thường, bản năng của thân xác thì không thể chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự vỗ về, an ủi mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn với sự ngụy biện: cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong.
Trương Ba đã không tìm thấy sự an ủi hay bào chữa cho mình theo thực tế cách sống của số đông khi nghe Đế Thích khẳng định: cả ở dưới đất lẫn trên trời, không phải tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn, không phải bao giờ con người cũng được sống theo những điều mình nghĩ bên trong… nhiều khi người ta cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị bên ngoài…, Trương Ba cho rằng: sống nhờ vào đồ đạc của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt – bất chấp sự thuyết phục của lí thuyết số đông, Trương Ba vẫn không chấp nhận nổi tấn bi kịch của một cuộc sống giả dối, vay mượn, đáng xấu hổ. Ông cũng không chấp nhận việc Đế Thích thay cách sửa sai này bằng một cách sửa sai khác khi đề nghị để hồn ông nhập vào xác cu Tị. Hình dung ra những phiền toái rắc rối khi một con người từng trải như Trương Ba phải sống trong thân xác của một đứa trẻ lên mười – mà thực ra, làm trẻ con không phải dễ; và nhất là lại tiếp tục sống một cuộc sống giả tạo không phải của chính mình, để rồi, khi những người cùng trang lứa lần lượt nằm xuống, Trương Ba sẽ phải sống bơ vơ lạc lõng giữa đám người hậu sinh tựa như một ông khách ngồi dai ở nhà người ta, những hình dung ấy cùng tình thương với mẹ con cu Tị đã giúp Trương Ba đủ dũng cảm để kiên quyết chối từ những cuộc sống không phải của mình, dù là trong bất cứ giải pháp nào.
Nghe Đế Thích nói về sự hư vô đáng sợ của cái chết: ra khỏi thân xác, hồn chẳng còn là gì nữa!…ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa; Trương Ba vẫn kiên cường đối diện với sự thật khốc liệt bao giờ cũng là đáng sợ với con người, đó là cái chết. Giống như tất cả mọi người trong cuộc đời này, Trương Ba cũng ham sống, ông càng khao khát được sống bên những người ông yêu thương và cũng rất yêu thương ông, nhất là khi cái chết của ông lại do sự nhầm lẫn của quan thiên đình, cuộc sống hiện tại của ông là do sự sửa sai của họ, nhưng theo ông, có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm.
Khi đã trải qua bi kịch hồn Trương Ba, da hàng thịt, bi kịch trong cuộc sống không phải của mình, Trương Ba khẳng định chua xót và thấm thía: sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Với một người nhân hậu như Trương Ba, ông còn day dứt về sự sống vay mượn giả tạo của mình đã đem đến đau khổ cho những người thân, khiến ông không còn đủ tư cách để khuyên con trai mình đi vào con đường ngay thẳng, đã khiến gia đình thân yêu của ông như sắp tan hoang ra cả… Đó là những cái giá quá đắt cho cả Trương Ba và gia đình ông, cái giá mà ông không thể trả dù là cho sự sống quý giá của chính mình!
Trương Ba đã cầu tiên Đế Thích cho ông được chết, xóa bỏ sự tồn tại của cái vật quái gở mang tên hồn Trương Ba, da hàng thịt. Đó là quyết định khiến ông cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, thấy tâm hồn mình trở lại thanh thản,trong sáng như xưa… Quyết đinh dũng cảm, trung thực đã giúp ông có thể tự tin dạy con lời tha thiết cuối cùng: “Không thể sống bằng mọi giá đâu con ơi. Sống đảo điên, hèn hạ, không được là chính mình còn tệ hơn cái chết!”. Quyết định của Trương Ba cho thấy ông là con người nhân hậu, trung thực và giàu lòng tự trọng, là con người yêu cuộc sống nhưng cũng ý thức sâu sắc được ý nghĩa của cuộc sống đích thực. Đoạn kết của vở kịch như một khúc vĩ thanh đầy chất thơ, thanh thoát và sâu lắng đã đem đến âm hưởng lạc quan cho tác phẩm, đó là niềm tin vào sự chiến thắng cuối cùng của cái Đẹp, cái Thiện, của sự sống đích thực. Chấp nhận cái chết, Trương Ba đã tìm lại được sự trong sạch cho linh hồn mình, hóa thân vào các sự vật bình dị, gần gũi, thân thương, tồn tại vĩnh viễn trong kí ức và tình yêu của những người thân. Cuộc sống lại tuần hoàn miên viễn theo quy luật bình dị muôn đời.