Phân tích cảm hứng đời tư, thế sự trong thơ Việt từ sau 1975 đến hết thế kỉ XX qua một số tác phẩm
Chiến tranh đã qua đi, sau niềm vui ngây ngất của chiến thắng, hòa bình, con người trở về với đời thường, phải đối diện ngay với bao khó khăn, phức tạp bộn bề với cả những ngang trái, bất công ngày càng nặng nề. Mặt trận mới không có tiếng súng nhưng không kém phần gay gắt, dữ dội là một thử thách không hề dễ dàng với mỗi nhân cách và bản lĩnh của mỗi người.
Sau 1975, thơ ca giã từ tháp ngà để trở về với cuộc sống dung dị, đời thường. Từ chỗ thiên về các phạm trù cao cả, phi thường, kì vĩ, về đất nước, dân tộc, con người (thơ cách mạng), cảm hứng nghệ thuật đã ngả về phía đời thường, bình dị, con người cá nhân thân phận. Điểm tựa cho cảm hứng nghệ thuật của thơ giai đoạn này không phải là những biến cố lịch sử mà là những chuyện hàng ngày, những quan hệ nhân sinh muôn thủa.
Nhiều bài thơ từ năm 1980 trở đi, đã không ngần ngại đối diện và phơi bày tình trạng xã hội và trạng thái nhân thế với nhiều mặt trái vốn trước đây bị che khuất. Trước một cuộc sống có nhiều biến chuyển, với những tốt – xấu, rắn rết-rồng phượng, thiên thần – ác quỷ ẩn chứa trong nhau nên mạch cảm hứng của thơ sau 1975 cũng rất phong phú. Đó là cảm hứng nhận thức lại hiện thực, mở ra cuộc đối chứng với chính cái tôi của nhà thơ. Cảm hứng này rất đậm đặc trong thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ. Cảm hứng hướng tới thế giới vô thức, tâm linh của con người mà trước đây thơ Mới ở giai đoạn sau đã mở đường tiêu biểu trong thơ Lê Đạt, Hoàng Cầm…
Cuộc sống không còn quá cao xa, quá lí tưởng mà trong thơ sau 1975, cuộc sống trở về với những dung dị đời thường. Xuân Quỳnh là nhà thơ đã mang đến một gương mặt thuần hậu của cuộc sống, bình dị của tình yêu. Nhất là sau 1975, thơ Xuân Quỳnh là lời tự bạch của một tâm hồn khát khao hạnh phúc đời thường. Xuân Quỳnh cứ phơi trải những đam mê, những lo âu, niềm vui là nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật của người phụ nữ lên những trang thơ.
Chính vì vậy mà thơ chị nhận được rất nhiều sự đồng cảm, chia sẻ của bạn đọc, nhất là bạn đọc cùng giới. Khát khao tình yêu, hạnh phúc nhưng cũng đủ tỉnh táo để hiểu điều đó đâu là vĩnh viễn: “Hôm nay yêu mai có thể xa rồi”. Đó là cái bình dị đến bình yên trong thơ Xuân Quỳnh nhưng cũng có cái bình dị của đời nhiều khi lại chất chứa những nghịch lí nghiệt ngã:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm lòng anh
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn…
(Tự hát)
Để rồi cô vội vã trở về tìm chỗ trú ngụ cho tâm hồn vốn đã quá cô đơn:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu”
(Tự hát)
Nguyễn Duy khi Nhìn từ xa… Tổ quốc, đau đớn và thẳng thắn chỉ ra những nghịch cảnh của đất nước trong thời kì khủng hoảng trầm trọng:
“Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày
…
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
Ma quái – ma cô- ma tà – ma mãnh
Quỷ nhập tràng siêu vẹo những hình hài
…
Xứ sở thông minh
Sao thật lắm trẻ con thất học
Lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
Tuổi thơ lưng còng xuống chiếc bơm xe đạp
Tuổi thơ bay như lá tư giữa đường”
(Nhìn từ xa tổ quốc)
Đó còn là sự thay đổi của lòng người, sự lãng quên với quá khứ đã một thời mình gắn bó. Ánh trăng trong sáng, đẹp đẽ trong tuổi thơ của biết bao con người, đem đến những năm tháng hồn nhiên, trong trẻo. Nhưng khi cuộc sống thay đổi, con người lại vô tình lãng quên đi quá khứ:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”
(Ánh trăng)
Những tiện nghi hiện đại đã ru ngủ con người, họ quay lưng, thờ ơ, lãnh đạm với quá khứ, đánh mất những giá trị tốt đẹp vốn có của mình. Con người đã đổi thay. Nguyễn Duy không hề né tránh mà đã nói được cái hiện thực nghiệt ngã của lòng người:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
(Ánh trăng)
Cảm hứng nghệ thuật của thơ sau 1975 khi hướng vào thế giới của tiềm thức, vô thức là một hành trình thăm dò, khai quá không ngừng bản thể của con người. Hoàng Hưng viết: “Thơ trước nhất là khả năng ghi nhận chính mình, nhưng cái khó là ghi nhận một cách chân thành, trung thực, không dự kiến, không thiên kiến”. Nhiều thi phẩm có kết cấu vận động theo dòng của kí ức. Kí ức không đưa nhà thơ trở về với một thời điểm cụ thể nào, nó hút nhà thơ vào một vùng hư ảo nào đó trong tiềm thức. Ở trên tiềm thức, tất cả mọi sự vật như trở nên hư huyền.
Nhìn chung, chúng xu hướng trở về với đời sống thế sự và đời tư của thơ sau 1975 đã khẳng định được vị trí của nó trong đời sống tinh thần của xã hội và có được những gương mặt thơ, những bài thơ lưu giữ được trong tâm trí của công chúng. Một số nhà thơ kiên trì và thủy chung với định hướng thơ đã chọn, đưa thơ về với cuộc đời giữa muôn vàn cái xô bồ, hỗn tạp, bụi bặm mà vẫn không đánh mất mình.
Từ cảm hứng lãng mạn cá nhân đến cảm hứng lãng mạn cách mạng đến cảm hứng thế sự đời tư, đã đem đến sự phong phú cho thơ Việt. Mỗi một dòng cảm hứng thể hiện bộ mặt tinh thần của các giai đoạn thơ, góp phần làm nên sắc diện độc đáo của thơ ca.