phan-tich-cảm-hung-lang-man-cach-mang-trong-tho-cach-mang-1945-1975

Phân tích cảm hứng lãng mạn cách mạng trong thơ Cách mạng (1945-1975) qua một số tác phẩm đã học

Phân tích cảm hứng lãng mạn cách mạng trong thơ Cách mạng (1945-1975) qua một số tác phẩm đã học

Nếu thơ Mới đem đến cảm hứng lãng mạn thoát li thì thơ ca cách mạng hướng đến cảm hứng lãng mạn cách mạng. Xuất phát từ đặc điểm tâm hồn của người Việt: luôn lạc quan, tin tưởng đã được phản ánh ngay từ thời của văn học dân gian (Bài ca Mười cái trứng, truyện cổ tích), cùng với một tâm hồn thơ mộng, giàu cảm xúc “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”, “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” đã tạo nên một sự lãng mạn, thơ mộng ngay trong đời sống tâm hồn của người Việt.

Giai đoạn lịch sử 1945-1975 có thể coi là giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của lịch sử Việt Nam. Càng trong hoàn cảnh đó, người Việt Nam cần phải lạc quan hơn, phải có một tâm hồn lãng mạn để tạo động lực to lớn có thể giúp họ chiến thắng hoàn cảnh. Con người trong giai đoạn lịch sử này tuy đứng ở hiện tại đầy gian khổ, mất mát, đau thương nhưng tâm hồn luôn hướng về lí tưởng, về tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ngợi ca nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng.

Đặc điểm nổi bật của cảm hứng lãng mạn cách mạng là từ hiện thực mà lí tưởng hóa hiện thực, hướng tới các khác thường, cái phi thường, cái lí tưởng. Cảm hứng lãng mạn cách mạng được biểu hiện rất phong phú: là tinh thần lạc quan, tin tưởng trong những cuộc chia tay, niềm tin tưởng vào một cuộc sống mới trên đất nước:

“Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội”,

Niềm tin vào thắng lợi của cách mạng, tin tưởng vào ngày giải phóng và thống nhất đất nước, hướng tới những người anh hùng bình dị với cảm hứng ngợi ca, lý tưởng hóa, hướng tới những chủ đề lớn lao, kì vĩ như Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội… Trên cái nền hiện thực đến nghiệt ngã của cuộc chiến đấu trong Đồng chí, người đọc vẫn thấy vút lên chất thơ bay bổng, lãng mạn qua hình ảnh kết thúc bài thơ:

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”

(Đồng chí – Chính Hữu)

Câu thơ ngắn gọn với hai hình ảnh gợi đến hai thế giới hoàn toàn đối lập: đầu súng – trăng treo, chiến tranh – hòa bình, hiện tại – tương lai, hiện thực – lãng mạn, thực tại – mơ ước. Không phải ngẫu nhiên mà Chính Hữu lại đặt hình ảnh “trăng” xuống cuối cùng, chốt lại bài thơ. Đâu chỉ đơn giản để tạo nhạc điệu cho thơ, kết thúc bằng thanh bằng mở ra cái miên man, trầm lắng trong suy cảm của con người mà còn bởi hình ảnh trăng treo đầu súng ấy vừa thi vị, vừa lãng mạn, đẫm chất thơ mở ra thế giới tâm hồn nhiều cảm xúc, lãng mạn của các chiến sĩ. Đó là hiện thực mơ ước, là khát vọng cháy bỏng về cuộc sống hòa bình. Một tâm hồn thanh thản ngay giữa cái bộn bề, khó khăn của cuộc chiến đấu. Phút xuất thần ấy, chiến sĩ đã hóa thi nhân trong một cảm hứng bay bổng.

Cảm hứng lãng mạn cách mạng trong Tây Tiến là cảm hứng về một thiên nhiên thơ mộng, thi vị, cảm hứng về vẻ đẹp tâm hồn tinh tế, thấm đẫm cảm xúc, giàu mộng và mơ của các chiến sĩ binh đoàn Tây Tiến. Đẹp biết bao một thiên nhiên Tây Bắc trong nỗi nhớ của người lính:

“Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Hay những lần hành quân qua đèo cao dốc đứng:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Núi rừng với những hiểm nguy chồng chất:

“Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. 

Cảnh và người miền Tây hiện lên vừa gân guốc, vừa mềm mại:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Xuyến xao biết bao những xúc cảm nên thơ của con người:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Bên cạnh những nét vẽ gân guốc, khỏe khoắn lại là những nét vẽ mềm mại, trữ tình khiến cho Tây Tiến lấp lánh trong sự giao thoa của những nguồn cảm hứng hiện thực và lãng mạn, lãng mạn và bi tráng. Phải chăng vì vậy, bài thơ vẫn gieo vào lòng người cái tin tưởng cần thiết dù trong một hoàn cảnh nghiệt ngã của sự hi sinh, chết chóc:

“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”

(Tây Tiến)

Các nhà thơ tìm đến với cuộc sống mới, tràn đầy sức sống. Cuộc sống như trong mơ nhưng lại đang diễn ra trên những vùng đất tự do của Tổ quốc. Đó là con người vùng biển trong những chuyến ra khơi với bài ca lao động say mê:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm với gió khơi
..
Thuyền ta lái gió với buồn trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng”

(Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)

Hiện thực đã được lãng mạn hóa. Đọc những câu thơ này, ta như thấy được tầm vóc lớn lao, kì vĩ của con người trong tương quan đối diện với biển cả. Họ không còn là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ bao la mà họ đã thiết lập nên mối quan hệ bình đẳng, gần gũi với lòng mẹ biển khơi. Câu hát ra khơi như bài ca say mê về cuộc sống, về biển cả, được cất lên từ những tâm hồn bình dị, yêu đời, yêu lao động. Con thuyền đưa họ ra khơi không phải đi trên mặt nước bình thường mà như đang đi trong thế giới của mộng, của mơ, của những gió, trăng, của biển xanh thẳm mênh mông.

Thế giới ấy hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Đâu chỉ là cuộc đánh bắt cá bình thường của ngư dân trong cảm nhận của Huy Cận mà đó là cuộc vượt trùng dương để chinh phục thiên nhiên, để được bay bổng trong cái mênh mông, bát ngát của biển khơi. Chính cảm hứng lãng mạn cách mạng đã đem đến những dư vị say mê cho Đoàn thuyền đánh cá.

Cảm hứng lãng mạn cách mạng trong thơ Tố Hữu biểu hiện ở khuynh hướng thơ hướng vào tương lai, khơi dậy niềm vui, lòng tin tưởng và niềm say mê với con đường cách mạng, ca ngợi nghĩa tình cách mạng và con người cách mạng. Núi rừng và con người Việt Bắc hiện lên tươi đẹp, thắm đượm nghĩa tình:

“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”. 

(Việt Bắc)

Nếu Nguyễn Mĩ nói về “Cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng” thì Tố Hữu đã khắc họa cuộc chia li tập thể giữa cán bộ cách mạng và người dân Việt Bắc tràn đầy cảm hứng lạc quan, tin tưởng vào ngày gặp lại, vào sự gắn bó giữa miền ngược với miền xuôi trong một viễn cảnh hòa bình tươi sáng của dân tộc:

– Ðường về, đây đó gần thôi!
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về”

(Việt Bắc)

Thơ ca Cách mạng đã xây đắp niềm tin, niềm lạc quan tin tưởng cho con người Việt Nam chính bằng cảm hứng lãng mạn cách mạng. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn khiến người Việt Nam có thể vượt qua mọi thử thách, tạo nên những sự tích diệu kì như chỉ có ở trong mơ: “Đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang