Phân tích văn bản Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Hướng dẫn phân tích văn bản:

  • Mở bài:

Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh năm mất) là một danh sĩ sống vào nửa đầu thế kỉ XVI. Ông học rộng tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi cáo về, sống ẩn dật ở vùng núi Thanh Hóa. Chuyện người con gái Nam Xương in trong Truyền kì mạn lục, một tập truyện xuất sắc của Nguyễn Dữ.

  • Thân bài:

Chuyện người con gái Nam Xương (Truyện còn có tên khác là Nam Xương nữ tử truyện hay Nam Xương nữ tử lục), là thiên truyện thứ 16 trong 20 thiên truyện được chép lại trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục.

Chuyện kể về Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên được Trương Sinh đem lòng yêu mến liền xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi nên, Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép. Bấy giờ, đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải lên đường đi lính. Vũ Nương ở nhà sinh nuôi dạy con và chăm sóc mẹ già, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Khi Trương Sinh trở về, bế con ra mộ thăm mẹ thì hiểu lầm rằng vợ có người khác. Vũ Nương chịu oan khuất biết không thể rửa sạch liền nhảy xuống sông tự vẫn. Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo đấy là cha mới nhận ra mình đã hiểu lầm vợ, hối hận cũng đã muộn. Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung. Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang. Vũ Nương hiện ra và nói lời đa tạ chàng, rồi biến mất.

Qua câu chuyện về cuộc đời và số phận bi thương của nhân vật Vũ Nương, tác phẩm khẳng định vẻ đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam; đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả cho số phận bi kịch của họ, lên án tố cáo các lễ giáo phong kiến vô nhân đạo, các hủ tục hà khắc trong chế độ phong kiến đương thời.

1. Nhân vật Vũ Nương.

a. Vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương

– Vũ Nương mang vẻ đẹp chuẩn mực của người phụ nữ đương thời: là một người con gái “tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” .

– Trong cuộc sống vợ chồng:

+ Nàng luôn biết giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng thất hòa nhằm tạo dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

– Khi tiễn chồng đi lính, nàng hết sức đau buồn, chỉ mong chồng sớm bình an trở về, không màng danh lợi:

+ Dặn dò cẩn thận, đầy tình nghĩa, thủy chung.

+ Nàng không mong chồng khi trở về mang “ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ” mà chỉ mong chồng bình yên

– Khi xa chồng:

+ Đảm đang, tận tụy, là người mẹ hiền, dâu thảo: tận tình, chu đáo rất mực yêu thương con. Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay chu tất.

+ Là người vợ thuỷ chung yêu chồng tha thiết, hằng đêm vẫn chỉ vào bóng mình và bảo với con đó là cha nó để vơi đi nỗi nhớ chồng

→ Có thể thấy, Vũ Nương là người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu người phụ nữ.

– Khi bị chồng vu oan:

+ Nàng cố gắng phân trần để chồng hiểu tấm lòng thủy chung của mình.

+ Nàng đau khổ nói lên nỗi đau đớn, thất vọng vì không hiểu.

+ Khi không được chồng lắng nghe, nàng thất vọng tột cùng và chọn cái chết để bày tỏ tấm lòng mình.

 Vũ Nương là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiếu thảo, chung thủy, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình.

b. Số phận bi kịch của Vũ Nương.

– Nguyên nhân của nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương:

+ Cuộc hôn nhân không bình đẳng, chiến tranh phi nghĩa.

+ Lời nói ngây ngô của đứa trẻ con.

+ Tính đa nghi của Trương Sinh.

+ Lễ giáo cực đoan, hà khắc của chế độ phong kiến.

– Ý nghĩa:

+ Tố cáo chiến tranh, xã hội phong kiến trọng quyền uy người đàn ông và kẻ giàu.

+ Bênh vực và bày tỏ niềm cảm thương của tác giả với người phụ nữ.

2. Nhân vật Trương Sinh.

– Là người không có học thức, đa nghi và vũ phu.

– Cách xử sự của Trương Sinh khi nghe lời bé Đản nói thể hiện sự hồ đồ, độc đoán. Hành động đó chính sự ghen tuông mù quáng của Trương Sinh là một nguyên nhân dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương.

→ Qua việc miêu tả nhân vật Trương Sinh, tác giả phê phán sự ghen tuông mù quáng, bày tỏ sự cảm thông và ngợi ca người phụ nữ đức hạnh mà phải chịu nhiều đau khổ, bất hạnh.

3. Những yếu tố kì ảo

– Những yếu tố kì ảo trong tác phẩm:

+ Chuyện Phan Lang nằm mộng thả rùa.

+ Cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương dưới thủy cung.

+ Vũ Nương hiện về giữa uy nghi.

Là những yếu tố hoang đường nhưng vẫn rất thực và gần gũi.

– Ý nghĩa:

+ Hoàn chỉnh nét đẹp của Vũ Nương.

+ Tạo nên một kết thúc có hậu.

+ Không giảm tính bi kịch của tác phẩm, mà tăng giá trị tố cáo và niềm thương cảm của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ.

4. Nhận xét:

Với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc biệt là chi tiết chiếc bóng, sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ và yếu tố kỳ ảo, tác giả đã khắc họa đậm nét cuộc đời và số phận đầy bi thương của nhân vật Vũ Nương, một cô gái nết na, thùy mị, một người vợ hiền đức nhưng phải nhận một cái chết bi thảm.

Tác phẩm không chỉ thành công về mặt nghệ thuật như: nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, nhân vật độc đáo; cốt truyện sáng tạo; sử dụng tốt các yếu tố trữ tình; đối thoại của nhân vật… mà còn mang giá trị, ý nghĩa sâu sắc:

– Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đương thời với nhiều sự bất công (trọng nam khinh nữ, phân hóa giàu nghèo, chiến tranh phi nghĩa,…).

– Khắc họa rõ nét bức tranh về cuộc đời – số phận của người phụ nữ thời kì đó, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thể hiện sự trân trọng của nhà văn đối với những ước mơ chính đáng, khát vọng cao đẹp như: khát vọng được hạnh phúc, ước mơ về sự công bằng trong xã hội,….

– Thể hiện niềm xót thương, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.

– Lên án, phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống của con người.

– Khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ thông qua nhân vật Vũ Nương.

Qua hình tượng nhận vậy Vũ Nương, tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền, chà đạp số phận người phụ nữ; bày tỏ niềm cảm thông, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua nhân vật Vũ Nương: thùy mị, nết na, luôn giữ gìn khuôn phép, hết mực thủy chung với chồng; đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.

Đặc sắc nhất ở tác phẩm chính là tình huống truyện độc đáo, đẩy câu chuyện lên cao trào. Cái bóng chính là sự hiểu lầm dẫn tới cái chết oan của Vũ Nương, nhưng cũng chính cái bóng đã giải oan cho nàng. Nghệ thuật xây dựng nhân vật là một điểm nhấn, bút pháp miêu tả nội tâm phong phú, mạch truyện đặc sắc, hợp lý. Thông qua tác phẩm, ta cảm nhận được số phận bất hạnh của Vũ Nương đồng thời phản ánh bi kịch của người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến mục nát.

  • Kết bài:

Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Thông qua cuộc đời của nhân vật Vũ Nương, tác giả nói về cuộc đời của rất nhiều người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến. Vũ Nương chính là đại diện cho những người phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh” của xã hội thời bấy giờ.

Xem bài phân tích chi tiết: Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang