Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân).
- Mở bài:
Bà cụ Tứ là một nhân vật phụ xuất hiện ở cuối tác phẩm “Vợ nhặt” nhưng nếu thiếu nhân vật này, tác phẩm sẽ mất đi chiều sâu, sự đằm thắm của nó. Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân muốn hướng người đọc nhìn nhận việc lấy vợ của Tràng từ một góc độ khác.
- Thân bài:
Cũng như dân làng xóm ngụ cư, khởi đầu tâm lý của bà là sự ngỡ ngàng, bà ngạc nhiên ngay từ sự đón tiếp khác thường của con trai: “bà lão phấp phản theo con vào trong nhà”. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ Tứ được diễn tả qua hàng loạt những câu hỏi nghi vấn: “quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ý nhỉ? Người đàn bà nào đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u… không phải con cái Đục mà? Ai thế nhỉ?”
Sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của bà cụ Tứ trước việc Tràng lấy vợ đã được nhà văn Kim Lân mỗi lúc một dâng cao. Đầu tiên là sự ngỡ ngàng. Tiếp theo là hàng loạt câu hỏi mà không có lời giải đáp. Bà không tin vào mắt mình: “bỗng dưng bà thấy mắt mình nhoèn đi thì phải”. Thậm chí khi Tràng giới thiệu đây là vợ của mình và cô gái chào bà bằng “U” thì bà cũng không tin vào tai mình nữa.
Vì sao bà cụ Tứ lại ngỡ ngàng, ngạc nhiên đến vậy? Đó là vì bà không dám nghĩ tới, nhất là vào thời điểm đói kém này. Bà quá hiểu hoàn cảnh nhà mình và cậu con trai của mình. Mọi việc diễn ra một cách quá hay nói cách khác là bà chưa được chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận.
Bà cụ Tứ làm sao ngờ được giữa năm đói, nhà thì nghèo,mà con mình lại dẫn về một người vợ. Rồi khi đã hiểu mọi sự tình, bà lão “cuối đầu nín lặng”. Mạch truyện lắng xuống thiết tha: “lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp của con trai mình”. Kinh nghiệm, vốn sống của bà mách bảo rằng mối duyên kiếp trớ trêu kia không nên có: “chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì,…”.
Đọc những dòng này thì, ta có cảm giác trái tim người mẹ nghèo đang rung lên xót xa. Bà cụ thương con tủi phận rồi thương con dâu: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Nỗi xót xa, tủi hờn của bà cụ Tứ trước việc Tràng lấy vợ. Bà “cúi đầu nín lặng”. Bà nghĩ về người chồng đã quá cố, và nhớ lại cuộc đời dài dằng dặc với biết bao nổi vất vả khổ đau. Bà hiểu rõ sự đời, lẽ ra làm dăm mâm cơm mời hàng xóm, láng giềng, nhưng cảnh nhà mình nghèo đến như vậy làm sao lo nổi. Bà cảm thấy thương mình, thương con, thương cả con dâu về nhà chồng trong tình cảnh khốn khó.
Trong tình cảnh ấy, điều đầu tiên là bà tự trách mình không làm tròn bổn phận của người mẹ. Bà đã chẳng lo lắng được cho con , cũng chẳng lo được “dăm ba măm cơm” cho con vào ngày trọng đại ấy. Bà cụ nghẹn ngào, “nước mắt cứ ròng ròng”… đó là giọt nước mắt lấp lánh, tấm lòng vị tha cao quí của người mẹ, những giọt nước mắt mằn mỏi của trái tim yêu thương vô hạn.
Nhưng ở chính bà cụ Tứ, niềm tin, sự lạc quan lại được bộc lộ nhiều hơn cả: từ việc đan phên ngăn riêng chỗ ở cho vợ chồng Tràng cho đến việc nuôi gà “rồi may ra ông trời cho khá”. Bà hào hứng lễ mẻ bưng ra “nồi cháo cám” mà bà nói vui là “nồi chè khoán”, rồi đen đả cười múc cho con, cảm thấy hạnh phúc khi “khối nhà chẳng có cám mà ăn”. Bà dường như đang cố gắng xua đi không khí ảm đạm, cố gắng vượt lên hoàn cảnh bằng sự tươi tỉnh, động viên con và đó là ý nghĩa của đời bà: sống vì con, vun vén cho con, hi vọng vào thế hệ sau.
- Kết bài:
Khắc họa hình ảnh nhân vật bà cụ Tứ là một thành công nghệ thuật của Kim Lân trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Có lẽ ông đã thấu hiểu kiếp đời cơ cực và trách nhiệm cao cả của bậc làm cha làm mẹ phải nhen nhóm lên niềm hi vọng cho con cái trong cảnh khốn cùng. Càng đọc ta càng cảm thương và rơm rớm nước mắt khi hình dung bóng bà cụ lọ mọ trong buổi hoàng hôn đen tối mà chưa biết bao giờ mới tìm thấy được cuộc sống tốt hơn cho con trai và con dâu của bà.
Bài văn tham khảo:
Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân
Kim Lân là cây bút truyện ngắn xuất sắc. Ông viết rất hay về thú “phong lưu đồng ruộng“. “Nên vợ nên chồng” và “Con chó xấu xí” là hai tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn. “Vợ nhặt”– một truyện ngắn độc đáo rút trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Truyện thấm đẫm tinh thần nhân đạo đã phản ánh cuộc đời nghèo khổ, cơ cực và khát vọng vẻ hạnh phúc gia đình của người nông dân Việt Nam trong thời Pháp thuộc. Nhà văn kể vể chuyện anh cu Tràng “nhặt” được vợ khi cả xóm ngụ cư người chết đói như ngả rạ. Trong ba nhân vật của truyện, hình ảnh bà cụ Tứ – mẹ của Tràng để lại cho người đọc nhiều ấn tượng.
Cuộc đời bà cụ Tứ thật đáng thương: tuổi già, nhà nghèo, góa bụa, hiền lành và thầm lặng… Bà cụ lần đầu xuất hiện trong bóng hoàng hôn tê tái, khi người con trai làm nghề kéo xe dẫn người đàn bà xa lạ về gia đình bà. Một mái nhà tranh “đứng rúm ró trên mảnh vườn cỏ mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”. Sau tấm phên rách nát là những “niêu bát, xống áo vứt bừa bãi cả trên giường dưới đất”. Người mẹ già nghèo khổ “húng hắng ho” chẳng khác nào một chiếc bóng “lọng khọng” đi vào ngõ. Bà cụ ngạc nhiên khi chợt thấy một người đàn bà xa lạ đứng ngay đầu giường thằng con mình. Bà lão “đứng sững lại”, càng ngạc nhiên hơn. Bà băn khoăn tự hỏi: “Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Bà hấp háy mắt, thấy mắt mình “nhoèn ra”, … rồi “lập cập” bước vào nhà. Lại nghe một tiếng chào nữa, bà lão “băn khoăn” ngồi xuống giường, lòng bà phân vân không kể xiết! Sau khi nghe Tràng “giới thiệu” người khách lạ, bà cụ Tứ vừa mừng vừa lo lại tủi thân. Lòng bà xáo trộn bao nỗi niềm. Một đời người trải qua nhiều đau khổ, mất mát, cay đắng, bà lấy làm xót xa, thấy mình làm mẹ mà không tròn bổn phận với con. Bà khóc. Tâm trạng cay đắng, chua xót: “Lòng người mẹ già nghèo khổ ấy… vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình”. Bà cụ Tứ nghĩ đến gia cảnh mà thêm buồn tủi. Tiếng than, tiếng thở dài như tràn qua dòng nước mắt. Thương con, thương cho số phận mình, những tháng năm dài dằng dặc với bao chuyện buồn. Bà thương mình trải qua một cuộc đời đầy cay đắng: “Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng con lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”.
Nạn đói đang đe dọa. Bà phấp phỏng lo âu: “Chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Góa bụa, nghèo khổ, cô đơn. Chồng chết rồi mụn con gái chết con. Bà sống với đứa con trai thô kệch “mắt nhỏ tí, quai hàm bạnh ra” lại có tật vừa đi vừa nói lẩm bẩm như người dở hơi. Bà mỗi ngày một già mà Tràng vẫn sống độc thân. Tục ngữ có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Bà mẹ càng thấy buồn, lo vô hạn. Tuy mặc cảm cho số phận, bà chợt nghĩ đến cái may của gia đình mình: “Người có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có vợ được”. Hạnh phúc đến với tuổi già quá lớn lao và đột ngột! Niềm vui xôn xao dậy lên trong lòng người mẹ già nghèo khổ. Bà vui sướng nhận nàng dâu mới. Chẳng cần phải cưới cheo. Cũng chẳng tìm đâu ra cỗ bàn để đón mừng người con dâu mới. cử chi bà rất dịu dàng, âu yếm. Bà gọi người đàn bà xa lạ là “con” rồi xưng “u” một cách thân tình, ruột thịt: “Ừ! Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp nhau, u cũng mừng lòng”. Bà nhìn nàng dâu mà lòng đầy thương cảm. Vượt qua mọi tục lệ, bà vui mừng vì từ nay con trai bà đã có vợ. Bà sung sướng về hạnh phúc của con. Mừng mừng tủi tủi, nước mắt chảy ra ròng ròng.
Mẫu tử tình thâm! Lòng mẹ già đối với con trai và nàng dâu thật là mênh mông. Bà hạ thấp giọng xuống thân mật, vừa khuyên con vừa an ủi: “…Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…”. Bà nhắc con trai đủ chuyện, từ việc đan tấm liếp để che chắn gian buồng, đến chuyện làm chuồng gà, chuyện làm ăn, chứa chan hi vọng.
Kim Lân rất tinh tế khi miêu tả những biến thái trong tâm hồn bà cụ Tứ. Cảnh mẹ chồng đón nàng dâu mới, đơn sơ nghèo nàn mà cảm động. Tâm trạng người me già lúc thì ngạc nhiên lo lắng, lúc thì vui buồn lẫn lộn. Mặc cảm về phận nghèo, nhưng lòng bà vẫn ít nhiều hi vọng về cuộc đời của con: “Rồi may ra ông trời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng về sau”…
Bữa cơm đón nàng dâu mới sau “tối tân hôn” của Tràng là một nét vẽ rất tài tình, giàu tính nhân bản. Trên cái mẹt rách làm mâm là một đĩa muối, một lùm rau chuối thái rối và một nồi cháo cám. Mỗi người được hai bát cháo lõng bõng. Thế mà bà cụ Tứ rất vui. Trong bữa ăn bà nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này. Bà gọi nồi cháo cám “đắng chát”là “chè khoán” rối rít khen “ngon đáo để”, ít nhiều tự hào, an ủi động viên con trai và nàng dâu: “Cám đấy mày ạ! Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà chả có cám mà ăn đấy!”. Sau này, vợ chồng con cái Tràng có thể có những bữa cơm no, nhiều thịt cá ngon lành, nhưng họ có bao giờ quên được mùi vị “đắng chát”của nồi cháo cám ấy. Vì trong bát cháo cám ấy đã chứa đựng biết bao tình thương của mẹ già.
Mượn ngoại cảnh, sự việc để phó diễn tâm trạng nhân vật cũng là một thành công của Kim Lân trong việc khắc hoạ tâm trạng bà cụ Tứ khi cuộc đời mới đang hé mở. Cảnh tượng mới mẻ, đổi thay trong nhà ngoài sân: hai cái ang đầy nước, đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã được hót sạch. Mấy chiếc áo quần rách bươm đcm ra phơi… Nhà cửa, sân ngõ được quét dọn sạch sẽ, quang quẻ. Bà cụ Tứ cùng con dâu giẫy cỏ… Cuộc đời của bà, của con bà, gia đình bà đã bắt đầu đổi thay. Mặc dầu còn nhiều thử thách cam go. Tiếng quạ kêu. Tiếng trống thúc thuế. Tiếng hờ khóc tỉ tê của những nhà có người thân mới chết đói. Nước mắt bà cụ Tứ lại chảy ra, nhưng bà “không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc”. Trên cái nền đen tối ấy là hình ảnh lá cờ đỏ và đoàn người đi phá kho thóc của Nhật. Trong lo âu có niềm vui phấp phỏng, thoáng hiện mơ hồ. Nạn đói chưa thể vượt qua, nhưng người mẹ già phúc hậu, từng trải là chỗ dựa cho hai vợ chồng Tràng đi tới… để khẳng định niềm tin: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời…”.
Hạnh phúc cầm tay. Con trai đã có vợ. Bà cụ Tứ lo chết đói nhưng lòng vẫn vui và hi vọng. Có một chi tiết đầy ý nghĩa. Có lẽ lần đầu tiên trong nhà người mẹ nghèo khổ đã có hai hào dầu thắp đèn, bóng tối đang bị xua tan dần. Đó là ánh sáng của hạnh phúc, ánh sáng của hi vọng.
Trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, Tố Hữu viết:
“Đời ta gương vỡ lại lành,
Cây khô cây lại đâm cành nở hoa”.
Cuộc đời mẹ con Tràng nhất định sẽ “đâm cành nở hoa”. Có biết trận đói năm Ất Dậu 1945, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói mới thấy hết lòng mẹ được miêu tả, mới cảm nhận được giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ nhặt” này. Giọt nước mắt, tiếng thở dài, nụ cười của bà cụ Tứ khi nhận nàng dâu mới làm ta cảm động khi khép trang văn “Vợ nhặt” của Kim Lân với nhiều bâng khuâng.