Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo

phan-tich-bi-kich-bi-cu-tuyet-quyen-lam-nguoi-cua-chi-pheo

Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.

  • Mở bài:

Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn của nền văn học Việt Nam trước Cách mạng. Sau Cách mạng, ông hăng hái tham gia làm báo kháng chiến. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. “Chí Phèo” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam trước Cách mạng. Bằng ngòi bút sắc sảo, nghệ thuật khắc họa nhân vật đặc sắc, Nam Cao đã làm nổi bậc tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo.

  • Thân bài:

Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn đã lí giải thành công nguyên nhân vì sao người nông dân hiền lành bị tha hóa từ nhân tính đến nhân hình một cách tàn tệ đến vậy. Quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo trải qua hai giai đoạn. Mỗi giai đoạn là một bước chuyển biến mạnh mẽ sức sống trong nhân vật.

Thứ nhất, không giống như những đứa trẻ khác, Chí Phèo không cha, không mẹ. Một anh nông dân nhặt được chí phèo và đem về nuôi. Từ một anh nông dân hiền lành như cục đất Chí Phèo bị đẩy vào tù. Không tội lỗi gì, bất ngờ Chí bị đẩy vào vòng lao lí, bị tước đoạt quyền sống. Bước ra khỏi nhà tù, Chí Phèo trở thành một “con quỷ” gớm ghiếc, côn đồ và tàn bạo.

Thứ hai, khi Thị Nở đánh thức khát vọng sống lương thiện và mong muốn trở lại với mọi người, Chí Phèo lại hiền lành như lúc ban đầu. Cánh cửa bước vào cuộc đời rộng mở trước mắt Chí Phèo. Thế nhưng, trớ trêu thay, chỉ vì sự cản trở của bà cô, Thị Nở đã đoạn tuyệt tình nghĩa với Chí sau năm ngày chung sống hạnh phúc. Chí Phèo hụt hẫng, bất lực và hoàn toàn bế tắc. Cánh cửa phục thiện đóng sầm trước mặt hắn, lạnh lùng và tàn nhẫn. Một lần nữa, Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người. Bi kịch cuộc đời Chí Phèo bị đẩy đến mức cùng cực.

Khắc họa tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã tỏ ra rất vững vàng và bản lĩnh. Lần đầu tiên trên trang văn, người ta thấy một kẻ dị dạng nhân hình bước ngật ngưỡng trong cơn say. Lần đầu tiên, người ta thấy một nhân vật bị hủy hoại tàn bạo và khủng khiếp đến như vậy. Nhân vật Chí Phèo đã thực sự mất hết tính người, sống bằng kiếp thú vật, hoàn toàn bản năng. Chí Phèo ngập ngụa trong cơn say triền miên từ ngày này qua ngày khác. Không có sự đê hèn và tàn ác nào mà Chí Phèo không dám làm.

Nam Cao đã dũng cảm ghi nhận hiện thực cuộc sống dù biết rằng dó là một hiện thực tàn nhẫn có thể khiến người ta thấy đau lòng và khiếp sợ. Ông không hề lảng tránh hay tô vẽ nó bằng sắc màu giả tạo của nghệ thuật ngôn từ. Ông muốn mỗi trang văn phải là “cái sự thật ở đời” chân thực và chính xác.

Không để nhân vật rơi vào sự tầm thường, dung tục, Nam Cao đã phát hiện vẻ đẹp ẩn sâu bên trong họ. Bên trong cái điên cuồng của Chí Phèo là khát vọng lương thiện bị đè nén khủng khiếp. Nó thôi thúc con người vươn lên tìm kiếm nguồn sống. Nhưng trước những trở lực quá lớn của xã hội thực dân nửa phong kiến, nó không có cách nào khác là phản kháng một cách tiêu cực. Sự phản kháng tự phát ấy không mang lại kết quả tốt đẹp nào. Cuối cùng, nhân vật thực sự rơi vào tuyệt vọng.

Trước đây, Chí Phèo là một chàng trai nông dân hiền lành, lương thiện và có lòng tự trọng. Chỉ vì cái thói ghen bóng ghen gió của cụ Bá Kiến, Chí Phèo đã bị cụ thẳng tay đẩy vào nhà tù. Trải qua bảy, tám năm bị đầy đọa, chung sống với lớp người dưới đáy xã hội, tâm hồn Chí Phèo đã bị nhuộm đen. Từ một anh Chí Phèo hiền lành, lương thiện, ra tù biến thành Chí Phèo với bộ mặt gớm giếc, linh hồn chất đầy thù hận và tội lỗi. Phần người trong Chí Phèo đã bị thui chột đi. Từ mặt mũi, nhân cách đều biến tướng thật đáng sợ. Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng cỡn, cái mặt thì đen và rất câng câng, hai mắt gườm gườm gớm giếc.

Trong cái xã hội tàn bạo ấy, càng hiền lành,nhẫn nhục bao nhiêu thì lại càng bị chà đạp bấy nhiêu. Hắn muốn sống thì phải cướp giật, ăn vạ, gây gổ với mọi người. Muốn thế thì phải cao, phải mạnh, phải hung bạo. Thế là Chí Phèo tìm đến rượu như một cứu cánh giúp hắn quên đi cuộc đời. Thế nhưng rượu cũng không thể làm hắn quên, hắn lại càng nhớ. Cứ nhớ là hắn chửi. Tiếng chửi của Chí Phèo cứ vang lên, trở thành một thứ âm thanh vừa quen thuộc vừa rất đáng sợ đới với tất cả mọi người. Hắn sống trong những cơn say triền miên và làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm. Cùng với thời gian, Chí Phèo mất đi khả năng nhận thức. Hắn không còn nhận ra nổi cái bóng của mình, không nhớ nổi mình là ai, bao nhiêu tuổi. Mọi người đều cho Chí Phèo là một con vật chứ không phải là con người nữa.

Những chuỗi ngày say sưa vô tận, những tiếng chửi điên cuồng và vô lí, những hành động liều lĩnh hung hãn chính là sự giãy dụa, tuyệt vọng của một con người muốn tìm về con đường lương thiện mà không được. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo chớm nảy sinh những yếu tốt đầu tiên nhưng hết sức cuồng nộ.

Trước những hành động điên cuồng và hình dáng quái dị của Chí Phèo, ta chỉ thấy đáng thương hơn là đáng giận. Bởi lẽ chính nhà tù thực dân, sự áp bức bốc lột nặng nề của giai cấp thống trị, những định kiến tồi tệ và thái độ hắt hủi nhục mạ của những người xung quanh đã đẩy Chí Phèo đến con đường đó. Đẻ ra anh Chi Phèo hiền lành là một bà mẹ tội nghiệp và khốn nạn đã lén lút vứt con mình ở cái lò gạch cũ. Còn đẻ ra thằng lưu manh Chí Phèo, mất hết tính người là cái xã hội thực dân phong kiến đầy rẫy bất công, vô nhân đạo.

Nếu nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đã phải bán con, bán sữa nhưng chị còn được là con người, còn Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình để trở thành con quỹ dữ của làng Vũ Đại. Tất cả chỉ để được tồn tại mà thôi. Nhưng, ở đáy sâu của tâm hồn cằn cõi và lạnh lẽo ấy vẫn còn có những mầm mống tốt đẹp mà hoàn cảnh phủ phàng của xã hội kia chưa đủ sức làm thui chột hết. Nam Cao đã không bỏ rơi nhân vật của mình. Ông dõi theo từng bước chân của Chí Phèo trong đêm tối, trong cơn say, trong giấc ngủ, nhìn ngắm nhân vật bằng tấm lòng đồng cảm sâu sắc. Trong cái thân xác đáng thương ấy, Nam Cao đã phát hiện ra có một mầm lương thiện hãy còn thổn thức. Nó muốn vực dậy, muốn trào ra nhưng không thể tự mình làm được.

Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở sau cuộc rượu say ở nhà Tư Lãng phải chăng là sắp đặt của tạo hóa? Tình cờ mà như là định mệnh đã sẵn bày. Cái tình mềm mại của Thị Nở và bát cháo hành ấm nóng tình người đã đánh thức dậy những tình cảm tốt đẹp, những khát khao ước mơ khi xưa của Chí Phèo về một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nó như một thứ phép màu xoa dịu mọi khổ đau, hàn gắn mọi vết thương và làm rung động mọi tế bào của Chí Phèo. Sau cái đêm hạnh phúc, Chí phèo cứ thấy có cái gì đó lâng lâng khắp người khó lí giải.

Thì ra, đó là cảm giác hạnh phúc. Hắn hạnh phúc vì có một người phụ nữ ở bên canh, dịu dàng và yêu thương. hắn hạnh phúc vì lần đầu tiên có một người không sợ hãi, không chạy trốn khỏi hắn. Cũng là lần đầu tiên có một người cho hắn một bữa ăn ngon lành mà trước đây hắn phải rạch mặt ăn vạ hoặc cướp giật mới có được. Những quyền lợi ấy có gì to tát đối với con người đâu? Nhưng chao ôi, đối với Chí Phèo thì đó là cả một ân huệ lớn lao. Chút tình thương yêu mộc mạc của Thị Nỡ đã đốt cháy lên ngọn lửa lương tri còn leo lét nơi đáy lòng của Chí Phèo, đánh thức dậy bản chất lương thiện vốn có trong hắn. Con người xấu xí “ma chê quỹ hờn” ấy kì lạ thay lại là nguồn ánh sáng duy nhất đã rọi vào chốn tăm tối của Chí Phèo. Thức tỉnh, gợi dậy bản tính người ở hắn, thắp sáng một trái tim đã bị ngủ mê qua bao tháng ngày bị dập vùi, hắt hủi.

Một thành công nổi bật của Nam Cao trong tác phẩm “Chí Phèo” là đã phát hiện, miêu tả được những phẩm chất tốt đẹp của Chí ngay khi hắn đã bị biến chất, tha hóa. Ngay khi Chí Phèo điên cuồng như một con thú, tưởng chừng như lòng thương đã cạn kiệt thì vẫn còn có một người biết thương cảm hắn. Ở cái làng Vũ Đại, Thị Nở là người duy nhất hiểu Chí Phèo, đồng cảm với Chí Phèo. Thị vốn là người xấu xí, đã gánh chịu nhiều điều miệt thị, khinh bỉ của con người nên dễ dàng thấu cảm cho nỗi khổ đau đang cuộn xé trong con người của Chí – một kẻ cô đơn, bị người đời ruồng bỏ.

Bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo xúc động và muốn khóc, giúp Chí Phèo nhận ra: cái đau khổ lớn nhất của con người, không phải là sự đói cơm rách áo, mà sự thiếu thốn tình thương. Bát cháo hành chính là liều thuốc thần làm sống dậy sự rung cảm mà bấy lâu tưởng chừng như đã chất trong tim Chí phèo, đánh thức dậy trong hắn khát vọng sống và sống tốt đẹp. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã thức tỉnh ở Chí Phèo niềm mơ ước của một thuở xa xưa chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, cố dồn vốn để nuôi thêm con lợn. Chí Phèo mong muốn Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối, đưa Chí Phèo trở về, hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Bát cháo hành của Thị Nở như một liều thuốc kì diệu vừa giải cảm, giải độc trong cuộc đời Chí Phèo, trả lại cho hắn một tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên như lúc trước. Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Thị Nở, tâm trạng Chí Phèo hoàn toàn thay đổi. Chí Phèo giờ đây đã nhận ra nguồn ánh sáng ngoài kia rực rỡ biết bao. Nghe thấy tiếng chim hót vui vẻ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông, tiếng cười nói bàn tán của những người đàn bà đi chợ về… bao nhiêu âm thanh quen thuộc của cuộc sống bấy lâu nay vậy mà giờ đây Chí Phèo mới nghe thấy bởi hắn luôn chìm ngập trong những cơn say. Hôm nay, những âm thanh ấy, vọng đến tai hắn, bỗng trở thành tiếng gọi của sức sông và đã lay động sâu xa tâm hồn Chí Phèo. Trái tim tưởng chừng như trái đá của hắn đã dần dần sống dậy. Cái phần người trong Chí Phèo cũng hồi sinh “hắn thèm lương thiện, hắn khao khát làm hòa hòa với mọi người”. Từ một “con quỷ dữ”, nhờ có tình thương yêu của Thị Nở – dù đó là tình thương của một con người xấu xa, thô kệch, dở hơi cũng đủ để làm sống dậy một bản tính người nơi Chí Phèo. Thế mới biết, sức cảm hóa của tình thương kì diệu đến chừng nào.

Nhưng đau đớn thay, chút tình thương của Thị Nở không đủ mạnh để cứu lấy Chí Phèo. Bởi ngoài Thị Nở ra, không hề có lấy một cơ manh nào, chẳng hề có một bàn tay thân thiện nào chìa ra dắt Chí Phèo trở về cuộc sống lương thiện. Cho đến khi hắn bị Thị Nở từ chối, con đường trở lại làm người của hắn vừa mới hé mở đã bị đóng sầm lại. Một chút hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng vẫn không đến được với Chí Phèo.

Mối tình Chí Phèo Thị Nở đi vào bế tắc khơi dạy ngọn lửa căm thù vốn vừa được dập tắt trong lòng Chí. Khắc nghiệt làm sao khi bản tính người trỗi dậy nơi Chí Phèo cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng mình không còn trở về với lương thiện được nữa. Xã hội đã cướp đi của Chí Phèo quyền làm người và vĩnh viễn không trả lại. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo được đẩy lên tới tột đỉnh. Những vết dọc ngang trên mặt – kết quả bao cơn say, bao lần đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ,… đã ngăn cản Chí trở về với cuộc đời lương thiện. Những định kiến của xã hội đã không cho phép Chí đặt chân lên nhịp độ hi vọng. Con đường trở về với cuộc sống lương thiện vừa mới kịp lóe lên trong đầu hắn, như một ngọn lửa chỉ kịp le lói đã bị cuộc đời dội gáo nước lạnh làm cho tắt ngầm.

Chí Phèo một lần nữa bị xã hội hắt hủi, khinh miệt và ruồng bỏ một cách phủ phàng. Chí đã bị chính Thị Nở cự tuyệt, người mà hắn nghĩ sẽ là cây cầu duy nhất đưa hắn về với cuộc sống lương thiện. Thị Nở không phải không yêu hắn, không phải không muốn lấy hắn nhưng vì bà cô và những định kiến xã hội đã níu giữ lấy Thị, không cho Thị được kết duyên với Chí Phèo. Chí Phèo đã cố níu lấy tay Thị Nở lúc Thị vùng vằng ra về nhưng bất lực. Hắn hụt hẫng và rơi vào vực thẳm tuyệt vọng: “ôm mặt khóc rưng rức”.

Một lần nữa, Chí Phèo tìm đến rượu. Nhưng lần này Chí Phèo càng uống lại càng tỉnh. Càng tỉnh lại càng thấm thía sâu sắc nổi đau bi kịch của mình. Trong cơn đau đớn phẫn uất, Chí Phèo quyết định trả thù. Hắn vác dao đến nhà bà cô Thị Nở để trả thù. Thế nhưng, bước chân quen thuộc đã dẫn hắn đến nhà Bá Kiến. Hắn nhận ra kẻ thù của mình chính là Bá Kiến. Rồi hắn gào thét đòi lương thiện. Đau đớn và thống thiết thay, là tiếng phẫn uất của Chí Phèo: “Ta muốn làm người lương thiện, ai cho ta lương thiện. Làm thế nào cho mất được những vết mảnh trại trên mặt này. Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không, chỉ còn một cách… biết không…”. Căm thù cao độ và không còn lối thoát nào khác, Chí Phèo đã giết chết Bá Kiến rồi tự sát, lấy sự hủy diệt đời mình để giải quyết bế tắc của số phận.

  • Kết bài:

Qua truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo chính là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh; là tiếng nói  bảo vệ và đấu tranh cho quyền được làm người của những con người lương thiện; là mong ước được sống và sống hạnh phúc, không còn những thế lực đen tối của xã hội đẩy họ vào chỗ khốn cùng, bế tắc, đầy bi kịch xót xa của lớp người nông dân khốn cùng. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo rõ ràng là một bản án tố cáo bộ mặt xã hội phong kiến tàn bạo, bất nhân, đẩy con người nghèo khổ vào bước đường cùng không lối thoát.


Tham khảo:

  • Mở bài:

Nam Cao là cây bút hiện thực phê phán xuất sắc, là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Sáng tác của ông chủ yếu ở hai mảng đề tài: viết về người trí thức nghèo và về những người nông dân cùng khổ. Ở mảng đề tài viết về người nông dân, “Chí Phèo” là một kiệt tác. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo với bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người . Đây là bi kịch phản ánh sâu sắc nỗi thống khổ của Chí Phèo nói riêng, của người nông dân VN trước cách mạng tháng Tám nói chung.

  • Thân bài:

Truyện ngắn “Chí Phèo” ra đời trước cách mạng tháng Tám. Ban đầu, truyện có tên là “Cái lò gạch cũ” , khi in thành sách lần đầu, nhà xuất bản tự ý đổi thành “Đôi lứa xứng đôi” và sau này, khi in lại trong tập “Luống cày” (1946), nhà văn Nam Cao đã đổi tên thành “Chí Phèo”. Truyện kể về cuộc đời, số phận của nhân vật Chí Phèo. Chí vốn là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, tuổi thơ sống lang thang đi ở hết nhà này đến nhà khác. Năm 20 tuổi, Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đã nhẫn tâm đẩy chí vào tù. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào để rồi sau 7,8 năm chúng biến một anh nông dan hiền lành, lương thiện trở thành tên lưu manh, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vì ngu ngơ, khờ khạo, Chí bị Bá Kiến lừa gạt, dụ dỗ và biến thành tay sai, gây ra biết bao nhiêu tội ác. Chí bị cả làng xa lánh, bị đẩy vào ốc đảo cô đơn, không ai coi Chí là một con người. Rồi Chí gặp Thị Nở – một người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn. Bát cháo hành cùng với tình yêu thương, sự quan tâm, săn sóc của Thị Nở đã thức tỉnh phần người bấy lâu nay bị vùi lấp trong tâm hồn Chí. Chí ao ước được trở lại làm người lương thiện, Chí hi vọng Thị Nở sẽ là người mở đường cho hắn. Nhưng bà cô Thị Nở ngăn cấm. Chí nhận ra bi kịch đau đớn của đời mình: bị cự tuyệt quyền làm người. Chí xách dao đến nhà Bá Kiến, kẻ đã gây ra bi kịch cho mình, đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn.

Bi kịch chính là sự mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực. Bi kịch vốn được hiểu là những khát vọng chân chính, cháy bỏng , mãnh liệt của một con người nhưng không có điều kiện thực hiện trên thực tế. Và cuối cùng, người mang khát vọng rơi vào kết cục của một thảm kịch đau thương.

Chí Phèo thuộc kiểu nhan vật bi kịch. Hắn suốt đời mang khát vọng cháy bỏng được làm người lương thiện. Thế nhưng lại trở thành kẻ bất lương, sinh ra là người nhưng lại không được làm người để rồi chết trên con đường trở về cuộc đời lương thiện.

Ở Chí Phèo, trước hết là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí.

Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người được thể hiện trước hết trong tiếng chửi của Chí mở đầu tác phẩm. Bước vào câu chuyện, người đọc ấn tượng ngay với hình ảnh của một thằng say rượu “vừa đi vừa chửi”: Hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời, chửi tất cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi cái đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn. Mới đọc, ai cũng hình dung ra hình ảnh Chí Phèo ngật ngưỡng trong cơn say , bước đi liêu xiêu và lè bè chửi, và chắc chắn ai cũng sẽ bật cười hoặc lắc đầu ngao ngán trước hình dung này. Tuy nhiên, đọc và ngẫm nghĩ kĩ, ta sẽ thấy sau tiếng cười là niềm thương cảm, xót xa dành cho Chí Phèo. Hắn chửi và mong muốn người ta sẽ đáp lại tiếng chủi của hắn bởi như thế có nghĩa là người ta còn coi hắn là một con người. Nhưng không ai lên tiếng vì không ai công nhận hắn là một con người. Đằng sau tiếng chửi ấy là niềm khát khao được giao tiếp với đồng loại dẫu bằng hình thức tồi tệ nhất, là nỗi cô đơn khủng khiếp của một con người bị xã hội dứt khoát cự tuyệt quyền làm người, không được coi là con người.

Từ cách mở đầu ấn tượng đó, Nam Cao đã dẫn dắt người đọc trở về với quá khứ , giúp người đọc nhận thấy bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người từ thấp đến cao của Chí, đồng thời chỉ ra căn nguyên dẫn đến tình trạng ấy.

Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người được bắt đầu ngay từ khi Chí mới sinh ra. Sinh ra, Chí đã bị cha mẹ cự tuyệt quyền làm người, sự ra đời của Chí không ai chờ đợi: Chí bị bỏ rơi trong một cái lò gạch cũ, xa nhà cửa và vắng người lại qua, mặc cho sống chết. May mắn, được cứu sống nhưng ngay lập tức hắn lại bị biến thành một thứ hàng hóa, mua đi bán lại: một anh đi thả ống lươn, nhặt được hắn, anh đem về cho bà lão góa mù, bà lão góa mù lại bán hắn cho một bác phó cối không con. Rồi khi bác phó cối mất, hắn thành kẻ bơ vơ, lang thang đi ở hết nhà này đến nhà khác. Đời Chí bọt bèo, lênh đênh tội nghiệp chẳng khác gì cây hoang, cỏ dại, trôi hết xó này đến xó nọ, không người chăm sóc, dạy dỗ. Nhưng không vì thế mà hắn trở nên hư hỏng, trái lại, hắn hiền như cục đất, ai sai gì hắn làm nấy, ai bảo gì hắn làm vậy. Làm thuê cho nhà Bá Kiến, Chí là anh canh điền chăm chỉ, hiền lành, chỉ biết làm ăn, có lòng tự trọng và có nhân cách.

Nhưng Bá Kiến, nhà tù thực dân đã ra sức hủy diệt sự lương thiện ở Chí. Vì ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đã nhẫn tâm đẩy Chí vào tù, nhẫn tâm biến một người nông dân hiền lành trở thành tù nhân. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào, bắt giam là một anh Chí vô tội nhưng khi trả về xã hội lại là một Chí Phèo tha hóa, lưu manh. Trở về, không gia đình, không người thân thích, không nơi nương tựa, không nghề nghiệp mưu sinh , hắn trở thành tay sai của Bá Kiến. Hắn sống bằng chửi bới, đập đầu, rạch mặt, ăn vạ, dọa nạt,….Cái mặt của hắn trở nên méo mó, thê thảm, nó không còn là mặt người, nó là “mặt của một con vật lạ, nó vằn lên không biết bao nhiêu là sẹo, không thứ tự”. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, tác oai tác quái gây họa cho bao nhiêu dân làng. Hắn đã “phá tan bao nhiêu cơ nghiệp, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của không biết bao nhiêu là người lương thiện”. Bây giờ hắn không còn là con người nữa mà phải sống kiếp của một con vật, hắn sống trong vô thức, sống triền miên trong những cơn say. Sự thay đổi đáng sợ của Chí từ khi ra tù có nguyên nhân ban đầu là do sự xa lánh của mọi người khi hắn trở về. Nếu như, khi về làng, hắn có được tình yêu thương, chăm sóc hay ít ra là sự gần gũi, không kì thị thì có lẽ hắn đã không bị bóp méo cả về nhân hình lẫn nhân tính như vậy. Người ta đã kì thị trước một kẻ đi tù về, không ai cho hắn một nguồn giao tiếp , không ai coi hắn là con người nên hắn cứ phải say, phải chửi cho quên hết nỗi đau đời. Lâu dần, người ta đã đẩy hắn vào một ốc đảo cô đơn, cách biệt hoàn toàn với xã hội loài người, hắn làm tay sai cho Bá Kiến để ngày càng sa vào vũng bùn tội ác và không thể trở lại làm người được nữa.

Và có thể thấy, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo được thể hiện rõ nhất trong bi kịch tình yêu với Thị Nở, trong bi kịch không thể hoàn lương. Từ khi gặp Thị Nở, Chí Phèo bắt đầu tỉnh táo . Tình yêu giản dị và sự chăm sóc của thị đã đánh thức phần người lương thiện bấy lâu nay bị vùi lấp sâu trong hình hài của con quỷ dữ. Hắn “thèm được sống lương thiện, thèm được làm hòa với mọi người”. Hắn hi vọng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn bởi hắn nghĩ rằng Thị Nở có thể sống được với hắn thì sao mọi người lại không thể. Thế nhưng, bà cô Thị Nở – một đại diện của dân làng Vũ Đại – đã dập tắt ngay niềm hi vọng ấy . Sự ngăn cấm của bà cô khiến hắn bừng tỉnh và nhận ra bi kịch đau đớn bấy lâu nay hắn đã mơ hồ nhận thấy : hắn bị cự tuyệt quyền làm người. Lời của bà cô Thị Nở đã giúp Chí nhận ra những định kiến khắt khe của xã hội đối với hắn. Định kiến xã hội đã không coi Chí là con người, nó chối phắt Chí và đẩy Chí ra khỏi phạm vi của loài người. Cái định kiến ấy không chịu nhận ra phần lương thiện đã quay về , không chịu chấp nhận một kẻ như Chí . Có thể khẳng định rằng, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người lần này là đau đớn nhất.

Lời nói và hành động của Chí Phèo ở cuối tác phẩm: “Tao muốn làm người lương thiện… Ai cho tao lương thiện?” là minh chứng rõ nhất cho bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí. Bà cô Thị Nở làm Chí nhận ra bi kịch đau đớn của cuộc đời mình. Hắn lại uống rượu nhưng lần này thì càng uống lại càng tỉnh. Hắn xách dao ra đi, vừa đi vừa chửi “giết cả nhà nó”, “giết con khọm già nhà nó” nhưng bước chân hắn lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến. Có lẽ, khi phần người quay về, nỗi đau, nỗi phẫn uất khiến lí trí tỉnh táo, hắn nhận ra kẻ thù của mình. Đến nhà Bá Kiến, hắn lên tiếng đòi lương thiện thống thiết. Tuy lên tiếng đòi lương thiện nhưng Chí cũng đau đớn nhận ra không thể là người lương thiện được nữa: “làm thế nào để mất hết những vết mảnh chai trên mặt này”. Nhận thức được bi kịch và nguyên nhân dẫn đến bi kịch của mình, Chí hành động quyết liệt: giết chết Bá Kiến. Giết Bá Kiến rồi, Chí vẫn không thể sống bởi lẽ nếu Chí tiếp tục sống thì hắn phải là con quỷ dữ, điều này Chí không muốn. Chí chỉ còn một lựa chọn: đó là cái chết, chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời lương thiện. Hai vũng máu ở cuối tác phẩm chính là lời tố cáo sâu sắc nhất chế độ nhà tù thực dân và tầng lớp thống trị phong kiến. Những thế lực này đã đẩy Chí vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, cùng với các thế lực và hủ tục phong kiến đã tước đoạt hẳn con đường trở về làm người của Chí.

“Chí Phèo” là minh chứng tiêu biểu nhất cho tài năng truyện ngắn của Nam Cao. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, nhà văn đã tố cáo sâu sắc xã hội thực dân nửa phong kiến phi nhân đạo đã bóp nghẹt sự sống của con người , đẩy con người vào “bước đường cùng”. Kết cấu truyện theo kiểu tâm lí, không theo thứ tự thời gian mà bắt đầu bằng tiếng chửi đổng của Chí vừa gây sự chú ý, tò mò cho người đọc lại vừa nhấn mạnh cái bi kịch đau đớn của Chí. Đồng thời, lời văn kể chuyện nửa trực tiếp cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện: trong tác phẩm, có đoạn là lời người kể chuyện hoàn toàn, cũng có đoạn như nhà văn đã hóa thân vào nhân vật, làm cho đoạn văn như là lời của chính nhân vật tự kể chuyện mình, khiến người đọc thực sự khám phá được chiều sâu tâm hồn nhân vật. Đôi mắt đầy tình người của Nam Cao cùng với tài năng nghệ thuật của ông đã đưa “Chí Phèo” vào hàng những kiệt tác văn xuôi hiện đại.

  • Kết bài:

Xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèobi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí, Nam Cao vừa tố cáo sâu sắc xã hội phi nhân tính, vừa thể hiện tấm lòng thương yêu, đồng cảm của mình với người nông dân đương thời. Với “Chí Phèo”, Nam Cao đã khắc tên mình vào nền văn học Việt Nam hiện đại.

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

3 bình luận

6 Trackbacks / Pingbacks

  1. Thuyết minh ngắn gọn về nhà văn Nam Cao - Theki.vn
  2. Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao - Theki.vn
  3. Trong truyện ngắn Chí Phèo, hắn đã chửi những ai? Tiếng chửi của Chí có ý nghĩa gì? - Theki.vn
  4. Nhân đạo là một trong hai cảm hứng chủ đạo xuyên suốt nền văn học Việt Nam. Em hãy làm rõ cảm hứng nhân đạo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. - Theki.vn
  5. Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để làm nổi rõ bi kịch của nhân vật này - Th
  6. Vì sao Chí Phèo lại giết Bá Kiến? - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.