Phân tích nhân vật bà cô thị Nở

Phân tích nhân vật bà cô thị Nở.

  • Mở bài:

Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nam Cao và của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Chủ đề chính của câu chuyện này là phơi bày và phê phán xã hội phong kiến vốn đã mục ruỗng, thối nát. Nhân vật bà cô thị Nở tuy ít được nhà văn chú ý khắc họa nhưng trở thành một điểm nhấn đặc sắc, không thể nào quên. Bà cô thị Nở chính là đại diện cho những định kiến tàn nhẫn của xã hội chặn đứng con đường hoàn lương của Chí Phèo. Với định kiến xã hội sâu sắc, bà cô Thị Nở chính là đại diện cho những định kiến tàn nhẫn của xã hội chặn đứng con đường hoàn lương của Chí Phèo.

  • Mở bài:

Bên cạnh nhân vật Chí Phèo, Thị NởBá Kiến thì còn có một hình tượng nhân vật điển hình nữa mà ta vẫn ít nhắc tới. Sự xuất hiện của nhân vật này là một bước ngoặt đối với sự chuyển biến của câu chuyện cũng như đối với cuộc đời, số phận của nhân vật trung tâm Chí Phèo. Hơn nữa, nhân vật này còn mang tính điển hình rất rõ nét đó là nhân vật bà cô Thị Nở. Là một nhân vật phụ, ngay cả tên cũng không, nhưng bà cô Thị Nở là nhân vật điển hình cho người nông dân ở “làng Vũ Đại ngày ấy” nói riêng và làng quê nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng 1945 nói chung. Đó là một xã hội bị tha hóa toàn. Nghiêm trọng nhất, đó là xã hội sống trong những định kiến nghiệt ngã. Chính định kiến đó đã làm Chí và Thị Nở không đến được với nhau, nên duyên vợ chồng.

Chí Phèo vốn là một gã nông dân hiền lành, chất phác. Do lòng ghen tuông mù quáng và tâm địa đọc ác của lão cáo già Bá Kiến và nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành một gã côn đồ, nát rượu và tàn bạo. Thị Nở là một người đàn bà xấu xí, tinh thần bất ổn. Thị sống với bà cô, cuộc sống cũng không có gì tươi sáng. Hai con người bất hạnh, rổ rá cạp lại với nhau, sự quan tâm, bát cháo hành của Thị Nở đã thức tỉnh lương tri Chí Phèo, đánh thức những khao khát hạnh phúc, khao khát được làm người lương thiện của hắn.

Mối quan hệ “thiên duyên tiền định” này đã làm thay đổi cuộc đời của Chí Phèo. Với Nam Cao, tình yêu không đi liền với sự lý tưởng, với sự hâm mộ sùng bái người yêu mà bắt đầu chỉ thuần tuý là bản năng. Tình yêu của thị nở thực sự đánh thức khát vọng sống và khao khát được làm một con người đúng nghĩa ở Chí Phèo.

Nam Cao đã hợp nhất hài hòa tình yêu của họ giữa tinh thần và thể xác. Đây cũng là sự hồi sinh của tinh thần nhờ tình yêu và sự gắn kết hai “thân xác” tưởng như đã chết. Nó đã cải hóa, tái sinh Chí Phèo, tình yêu cho Chí Phèo và Thị Nở ý thức về chính mình. Tình yêu cũng làm tăng thêm “chiều dài”“ý nghĩa” cho cuộc đời Chí. Trước đây Chí Phèo vô cảm, vô tâm, không có ý thức về chính bản thân nhưng nay Chí có cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Với những kỷ niệm yêu thương đầm ấm, mùi hương từ bát cháo hành và những săn sóc ân cần của Thị Nở, làm Chí cũng ngủi lòng. Chí Phèo cũng từng mơ tới cảnh bình yên với chồng cày thuê , vợ dệt vải… hắn còn sợ già, sợ cô độc và muốn làm hòa với mọi người, muốn làm người lương thiện. Tất cả là hệ quả của tình yêu đem lại, nó khắc họa một bức tranh toàn vẹn về cô độc của Chí Phèo và Thị Nở trước khi yêu và được yêu. Chính tình yêu đã bù đắp khiếm khuyết trong tâm hồn, tái sinh một cuộc đời và làm giàu có đời sống nội tâm của nhân vật Chí và Thị.

Thế nhưng, con đường trở lại đó nào được dễ dàng, những định kiến nghiệt ngã vẫn vây hãm lấy cuộc đời Chí, mà đại diện cho tất cả những định kiến ở đây chính là qua lời nói của nhân vật bà cô Thị Nở. Cuộc tình tươi đẹp ấy bỗng chốc biến thành bi kịch chỉ vì một câu nói chứa đầy định kiến của bà cô: “đàn ông đã chết hết hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng ko cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ…”

Định kiến cay nghiệt của xã hội thông qua lời của bà cô xuất phát từ lòng ích kỷ, và thái độ cay nghiệt với một kẻ như Chí Phèo bà cô đã thẳng tay “ném” vào mặt đứa cháu những lời cay nghiệt, chua chát nhất. Bà ta làm như thế trước là để giải mối uất ức trong lòng mình, sau là xả ra nhưng cái định kiến của xã hội về Chí Phèo, nó như một điều đương nhiên ai cũng biết, chỉ có Thị Nở không biết, và bà ta có nghĩa vụ phải chửi cho cháu mình tỉnh táo lại.

Những lời cay nghiệt của bà cô đã phá tan, chặn đứng lại cái ước mơ, cái khát vọng được hoàn lương của Chí Phèo, phá tan cái hạnh phúc mới xây dựng năm ngày của cô cháu gái. Những con người ở xã hội cũ họ chỉ sống bằng những định kiến chết tiệt của mình, mà chưa bao giờ nhân từ, mở lòng ra để cảm thông cho những số phận bất hạnh như Chí Phèo. Điều ấy đã dồn Chí Phèo đến bước đường cùng, buộc phải lựa chọn cái chết để giải thoát.

Tình người ở thị Nở đã bị định kiến ở bà cô giết chết một cách lạnh lùng. Chính thị Nở đem đến cho chí cảm giác hạnh phúc, đánh thức những ước mơ giản dị ngày trước. Nhưng cũng chính thị là người phũ phàng khước từ cuộc tình này. Tình người mong manh đã bị định kiến thôn tính. “Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái”. Nỗ lực cuối cùng nhằm níu giữ thị Nở lại cho mình đã bị gạt phắt phũ phàng. Đó thực sự là cú “sốc” đối với Chí. Đau đớn cùng cực, Chí về mang rượu ra uống. Lần này khác tất cả mọi lần, càng uống vào lại càng tỉnh ra. Rượu đã bất lực. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Thế là, từ hi vọng đến tuyệt vọng, khởi đầu, là nước mắt, cuối cùng, lại là nước mắt. Bà cô thị Nở xuất hiện như bức tường ngăn cản con đường lương thiện, tượng trưng cho dư luận làng Vũ Đại không tin vào sự hồi sinh tính người trong Chí.

Bà cô Thị Nở là nhân vật được nhà văn kể sau, nhưng vẫn quan trọng và gắng liền với định mệnh của Chí Phèo sau này. Bà cô không chồng trong truyện, xét ở phương diện nào đó, có thể xem là một điển hình, là đại diện cho định kiến xưa của mỗi gia đình, là tàn dư của chế độ phong kiến. Nhưng ở nhân vật này cũng có những điểm làm cho người đọc phải xót xa, đáng thương hơn là đáng ghét. Nam Cao cũng đã viết “cũng có lẽ tủi cho thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dằng dặc của bà, không có chồng. Bà thấy chua xót lắm…”. Chỉ có thế, ta cũng hiểu hết được nỗi đau thân phận phụ nữ không chồng trong xã hội cũ.

Câu nói đầy cay nghiệt của bà cô Thị Nở chính là đại diện cho những định kiến đến tàn nhẫn của xã hội phong kiến mục nát lúc bấy giờ đối với Chí Phèo. Cái định kiến hẹp hòi về nguồn gốc, gia cảnh, về những quãng đời u ám của Chí Phèo, có một sức mạnh ghê gớm, như bức tường vô hình muốn ngăn cách họ. Làm sao bà cô Thị Nở có thể chấp nhận một đứa con hoang, không cha không mẹ, chuyên sống bằng rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo hay có chăng xã hội ấy, làng Vũ Đại đó đang muốn ruồng bỏ một con người vốn đang sống, đang hiện diện giữa một cộng đồng người như thế. Làng Vũ Đại là một điển hình cho làng quê nông thôn miền Bắc trước 1945. Cái làng quê nghèo nàn, tù túng và đầy những định kiến hẹp hòi, lạc hậu ấy, nhân vật bà cô Thị Nở được Nam Cao xây dựng thành công mang giá trị điển hình rõ nét. Nó đã chặn đứng hết tất cả ước mơ, hy vọng, lương tri vừa mới được đánh thức của Chí, dồn Chí đến bước đường cùng, lựa chọn cuối cùng là cái chết để giải thoát. Bà cô Thị Nở, hay nói khác đi chính định kiến xã hội đương thời đã làm thay đổi hành động của Chí, suy nghĩ của Chí, và cái chết của Chí nữa, một cái chết không cần gươm dao và vũ khí…

Chuyện tình Chí Phèo – Thị Nở tưởng là câu chuyện lãng mạn, sẽ kết thúc như bao câu chuyện cổ tích khác nhưng đã khép lại với một hiện thực đầy ám ảnh. Chí Phèo giết chết kẻ thù lớn nhất đời mình, giết chết con quỷ làng Vũ Đại. Truyện trở về với mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến chưa thể hóa giải. Ý nghĩ của thị cuối truyện mở ra nhiều suy tưởng: “Nói dại, nếu mình chửa, giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào? Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người qua lại…” Nó vừa gợi ra được sự quẩn quanh, bế tắc trong tấn bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền sống lương thiện của người nông dân: cuộc đời Chí Phèo tuy kết thúc nhưng tấn bi kịch Chí Phèo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Kết thúc truyện vừa khép vừa mở dành nhiều khoảng trống cho người đọc tưởng tượng và suy ngẫm, tạo ra được dư âm sâu bền đối với sự tiếp nhận. Kết cục của mối tình ấy sẽ đi về đâu… đó vẫn là một ẩn số khiến người đọc trăn trở đi tìm.

  • Kết bài:

Chí Phèo là một kiệt tác bất hủ bởi nó chứa đựng trong đó là tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc mà người đọc rút ra được từ những trang sách giàu tính nghệ thuật của Nam Cao. Tác phẩm khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước năm 1945, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa và những định kiến nặng nề ràng buộc con người trong khổ đau và tuyệt vọng. Nhà văn đã kết án đanh thép cái xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mất cả nhân hình, nhân tính.  Sự kết hợp giữa giá trị hiện thực sắc bén và giá trị nhân đạo cao cả đã làm cho tác phẩm Chí Phèo bất tử, mãi mãi có khả năng đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc mọi thời đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang