phan-tich-doan-tho-ben-kia-song-duong-que-huong-ta-lua-nep-thom-nong-ben-kia-song-duong-hoang-cam

Phân tích đoạn thơ: Bên kia sông Đuống/Quê hương ta lúa nếp thơm nồng… (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm:

“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thắm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngã
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu”

(Theo Văn học 12, tập một, tr. 79 – 80, NXB Giáo dục – 2006)


* Gợi ý làm bài:

Bên kia sông Đuống là bài thơ trữ tình viết về đất nước của nhà thơ Hoàng Cầm rất nổi tiếng trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Nghe tin quê hương mình bị giặc chiếm đóng, bắn phá tan tành, lòng nhà thơ dâng lên những đợt sóng đau đớn, xót xa rồi lại tự hào về quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa.

“… Bên kia sông Đuống
…………………….
Bây giờ tan tác về đâu?”

Đã hơn một lần ta bắt gặp mùi hương lúa nếp đầu mùa trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Nguyễn Đình Thi đã ngửi mùi thơm hương cốm mới vào một sáng mùa thu. Ở đây ta lại nghe thoang thoảng mùi thơm lúa nếp trên quê hương Kinh Bắc. Quê hương hiện về với bao cảnh đẹp. Những bờ dâu bãi cát, nương mía nương ngô trù phú xanh tươi và đọng lại với thanh khiết của hương lúa nếp. Phải! Đó là cái mùi dường như là “đặc sản” chỉ có ở dân tộc Việt Nam. Người dân đi đâu cũng nhớ về hương lúa, hương thơm của những cánh đồng trĩu hạt nặng bông là kỷ niệm của riêng mình:

“Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”

(Hơi ấm ổ rơm – Nguyễn Duy)

Bên cạnh hương lúa nếp ấy, quê hương Kinh Bắc được nhắc đến với những tranh làng Hồ đậm màu dân tộc. Những chú lợn với các xoáy âm dương xoay tròn tượng trưng cho sự hòa hợp của đất trời và đó cũng là nguyện vọng làm ăn phát đạt của người dân. Rồi các chú bé đầu để chỏm với những bức tranh hứng dừa thật đặc sắc và đám cưới chuột hiện lên thật vui nhộn đã phản ánh những nét sinh hoạt và phong tục cổ truyền của làng quê Việt Nam.

Đời sống văn hóa tinh thần người dân thật chân chất bình dị nhưng chan hòa không khí vui tươi, đoàn kết. Thật độc đáo khi Hoàng Cầm phát hiện gam màu trong bức tranh ấy là “màu dân tộc” phải, đó là màu của dân tộc Việt chứ không phải màu du nhập từ phương trời nào khác. Màu ấy đã được những nghệ nhân tìm tòi khai thác từ loài cỏ cây, từ hoa đồng cỏ nội để pha chế sắc màu. Màu dân tộc phải được thổi lên loại giấy cũng rất dân tộc; “giấy điệp”.
Đó là loại giấy được tráng lên bằng chất liệu vỏ sò, vỏ ốc để có sắc màu trắng tinh khiết…

Nỗi nhớ quê hương với những bức tranh làng Hồ nổi tiếng đã gợi lại bao kỉ niệm ngọt ngào trong kí ức nhà thơ. Nỗi nhớ êm đềm như khúc hát ru trên nhịp nôi đưa nhẹ nhàng và hình như Hoàng Cầm cũng muốn ôm trọn lấy nó. Điều đặc biệt là trong đêm khi nhớ về quá khứ thì những mùi hương có sức khơi gợi đánh thức con người mãnh liệt. Chút yên hương của quê nhà ấy chính là điểm gợi đầu tiên để Hoàng Cầm sang bên kia sông Đuống bằng suy tưởng – Nhớ về mùi hương nó rất độc đáo nhưng cũng rất tự nhiên bởi vì những hương thơm, giọng hò… là “bóng” chứ không phải là… “hình” của hiện thực. Nó rất khó nắm bắt nhưng cũng dễ khơi gợi một vùng trời kỉ niệm thân yêu:

“Sao có thể ôm tròn nỗi nhớ
Trong đêm giày vò gầy tiếng dế giữa bao la
Sao có thể ướp hương thơm nội cỏ
Với mùi lúa lên đòng làm kem mát cho da?”

(Chút yên hương quá khứ – Thái Quang Vinh)

Thế nhưng cái ước muốn ấy không bao giờ nhà thơ thực hiện được. Vì sao thế? Chiến tranh, đơn giản hai chữ ấy nhưng đã chứa trong đó bao sự tàn phá chết chóc thật khủng khiếp, Quang Dũng từng xót xa “Những xác già nua ngập cánh đồng” và căm giận “Bao lần rồi xác trẻ trôi sông?”.

Hoàng Cầm cũng đồng tâm trạng đó, quê hương tiêu điều xơ xác thê lương:

“Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”

Nhịp thơ đang kéo dài bỗng tắc nghẽn lại, dồn ứ lại với ba tiếng trong một dòng:

“Ruộng ta khô
Nhà ta cháy”

Nhịp gắt cắt ra đối với nhịp bình thường. Dường như bao căm giận, dồn nén được gói trọn vào hai dòng thơ này. Hoàng Cầm đã hiểu tinh tế tâm lí người nông dân. Ruộng và nhà là tài sản quý nhất của họ, là gia sản mà họ kế thừa từ đời này sang đời khác nhưng giờ đây không còn gì cả, đã khô đã cháy hết rồi. Câu thơ mang tính chất liệt kê nhưng vẫn có sức khái quát cao vì đã biểu hiện một cách sinh động nỗi lòng người dân.

Dòng thơ “Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang” buông chùng như tiếng thở dài bế tắc. Câu thơ như kêu cứu, van nài bên bờ vực thẳm nhưng dường như không ai cứu được nên nó rơi vào tuyệt vọng. Cái độc đáo của nhà thơ Hoàng Cầm là ở chỗ anh không nói đến con người mà chỉ hướng đến bức tranh. Lúc đầu thì “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Hai câu thơ đã cô đọng và thể hiện khá đầy đủ những nét đặc sắc của tranh làng Hồ: Cái hồn dân gian và dân tộc của nó từ đề tài (gà, lợn) đến đường nét và màu sắc tươi sáng (sáng bừng, nét tươi trong) chất liệu độc đáo (giấy điệp). Còn về sau thì ông dùng hai bức tranh tương phản để nói cảnh chia lìa.

Trên là hòa bình, là quá khứ, dưới là chiến tranh, là hiện tại; trên là sum họp dưới là chia lìa, xưa là cuộc sống, nay là cái chết, xưa là thiên đường hạnh phúc nay là địa ngục trần gian. Hình tượng bức tranh như sống động trước mắt ta:

“Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngã
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?”

Tranh dân gian dường như trở thành tranh của tâm hồn chính mà thơ nó là cuộc sống, là nhịp thở của vùng Kinh Bắc. Nó chen vào nỗi nhớ của anh và thành một yếu tố quan trọng trong nỗi nhớ quê hương. Câu thơ như trộn lẫn thực và ảo vì đàn “chó ngộ”, “mẹ con đàn lợn âm dương”, “đám cưới chuột” đang quay cuồng trong cơn lốc chiến tranh ảo vì nhớ lại hình ảnh êm đềm quá khứ, thực vì nó sống động trong tâm trí nhà thơ như những cảnh thật ngoài đời, như con người thật quê hương. Thật đúng như thế vì những bức tranh làng Hồ chính là cái nhìn và niềm ao ước của con người về cuộc sống ấm no yên vui hạnh phúc thanh bình mà nay chỉ là niềm hoài vọng và anh cũng không biết rõ “bây giờ tan tác về đâu?”. Đó cũng là sự xót xa đau đớn, căm hận. Nó trở thành điệp khúc lặp đi lặp lại ở những đoạn sau để cuối cùng “chúng ta không biết nguôi hờn”.

“Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm hay chính là nỗi lòng nhà thơ khi hay tin giặc chiếm quê mình. Có lẽ vì vậy, nên khi tiếp xúc lần đầu với bài thơ Nguyên Hồng đã tuôn trào nước mắt… Đoạn thơ khép lại nhưng mở ra trước mắt ta những hình ảnh tươi đẹp về ngày đất nước hòa bình thống nhất để quê hương Kinh Bắc bên kia sông Đuống không còn “tan tác về đâu” mà sẽ giống dòng sông Đáy.

“Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”

(Đôi mắt người Sơn Tây – Quang Dũng)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang