Phân tích đoạn thơ :
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
- Mở bài:
Phạm Tiến Duật là một trong những gương mặt xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước. Ông được gọi là “Viên ngọc Trường Sơn của thơ ca” bởi đã mang cả hào khí thời đại cùng dãy Trường Sơn vào thơ. Đặc biệt mảng thơ về người lính lái xe của thi sĩ đã để lại ấn tượng thật thú vị. Đó là những “Vết xe lăn” nóng bỏng trong những bài thơ trên đường ra trận thời chống Mĩ. Trong số những vần thơ thông minh, dí dỏm về người lính lái xe này của Phạm Tiến Duật, phải kể đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
- Thân bài:
Phạm Tiến Duật viết “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được viết năm 1969, in trong tập “Vầng trăng – Quầng lửa”. Hình tượng thơ hết sức độc đáo : những chiếc xe không kính băng băng ra trận bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Để cuối bài thơ, tác giả đưa ra một ý tưởng thật bất ngờ – đó là “trái tim cầm lái”:
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Ở phần đầu bài thơ, Phạm Tiến Duật đã giải thích rất đơn giản mà sắc sảo : “Không có kính không phải vì xe không có kính” bởi vì : “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Chiến tranh bom đạn tàn phá, xe không kính chắn gió vẫn ra trận thanh thản mà ung dung. Hai câu đầu khi kết, tác giả một lần nữa tả hình dáng của chiếc xe quân sự thời chống Mĩ :
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Đã không kính – gió, bụi, mưa tuôn vào buồng lái, khó khăn chồng chất hơn khi xe lại không có đèn, rồi không có mui xe thùng xe có xước. Một hình ảnh thực qua bao trận chiến. Người lái xe phải huy động mọi giác quan, năng lực để lái xe trong hiểm nguy. Tất cả đều vượt qua bởi :
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Hình ảnh “một trái tim” là hình ảnh hoán dụ, chỉ người lính. Trái tim họ luôn căng tràn sự sống, cũng như sôi sục lòng căm thù giặc sâu sắc. Trái tim còn tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, lòng trung thành với Đảng và tình yêu nước sâu đậm của người lính.
Đây là chủ đề sâu thẳm của bài thơ. Đây mới là điều hệ trọng và thiêng liêng mà cả bài thơ đầy giọng “ngang tàng”, lạc quan chưa hé lộ. Nhà thơ đã nói đúng tinh thần thời đại : Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Cả nước lên đường đánh Mĩ vì Miền Nam ruột thịt. Vậy là trái tim đã giúp những người lính vượt qua gian khổ trên những chiếc xe không kính, không đèn, không mui xe… Trái tim rực lửa căm thù giặc và nóng bỏng yêu thương đồng bào Miền Nam ấy chính là vẻ đẹp sâu thẳm của tâm hồn Việt Nam thời đánh Mĩ, là trái tim nhân hậu, thủy chung của cả dân tộc .
Khổ thơ cuối cùng mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm đặc biệt. Trong khói lửa hoang tàn của chiến tranh mọi thứ đều bị phá hủy. Chiếc xe thảm hại vì không có kính, chẳng có đèn, không có mui mà lại còn xước thế nhưng bom đạn của kẻ thù dường như chẳng thể thắng nổi ý chí con người. Chỉ cần trong buồng lái vẫn còn một trái tim còn đập còn một tinh thần bất diệt thì xe vẫn còn chạy. Đó chính là điều mà nhà thơ muốn gửi gắm, tinh thần yêu nước sẽ trở thành một ngọn lửa bất diệt chiến thắng mọi kẻ thù, nó vượt lên trên hết cả những mũi tên hòn đạn, đạp lên mọi kẻ thù tàn bạo.
Hình ảnh người chiến sĩ lái xe là hình ảnh đại diện cho vô số lớp người chiến sĩ trong khói lửa chiến tranh. Tinh thần của các anh cũng chính là thứ tình yêu nước thiết tha mà cả dân tộc thời bấy giờ đang hừng hực. Chiến tranh tuy đã lùi xa hơn ba mươi năm thế nhưng hình tượng người chiến sĩ ấy vẫn sống mãi trong lòng độc giả. Nó trở thành những bức tượng đài bất diệt về tinh thần yêu nước và sự quả cảm trong những năm tháng đau thương mà anh hùng của dân tộc.
- Kết bài:
Thơ là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Phạm Tiến Duật đã thể hiện thành công tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam yêu nước trong những năm tháng đánh Mĩ hi sinh gian khổ mà vĩ đại của dân tộc ta. Chiến tranh đã lùi xa mãi mãi, nhưng những “dấu xe trên dãy Trường Sơn” của những chiếc xe độc đáo một thời góp phần làm nên kì tích trong thơ Phạm Tiến Duật sẽ còn đánh thức tâm hồn chúng ta.
Xem thêm: