phan-tich-doan-trich-luc-van-tien-cuu-kieu-nguyet-nga-trich-truyen-tho-luc-van-tien-nguyen-dinh-chieu

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

  • Mở bài:

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ XIX. Với tấm lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác văn chương nhằm mục đích truyền bá đạo lý làm người, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí cứu nước của nhân dân. Truyện thơ nôm Lục Vân Tiên là tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu. Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu tác phẩm, miêu tả cảnh Lục Vân Tiên đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Đoạn trích cho thấy tinh thần trượng nghĩa, chống kẻ gian tà, bênh vực công lý, của Lục Vân Tiên, qua đó thể hiện sâu sắc tư tưởng “văn dĩ tải đạo” của Nguyễn Đình Chiểu.

  • Thân bài:

Một trong những đặc trưng về nội dung của văn học trung đại là “văn dĩ tải đạo” (văn chương là để chở đạo). Các nhà Nho xưa gắn chức năng của văn chương với việc cải hoá, giáo hoá con người, tiến tới xây dựng xã hội với những chuẩn mực mà nhà nước phong kiến đã đề ra. Văn chương không chỉ chuyên chú ở việc tao nhã mà còn phải có chức năng giáo dục, định hướng cho con người hình thành và rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp, ca ngợi sự công bình, đề cao đạo lý, chống lại cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đẹp, cái thiện.

Với truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện triệt để tư tưởng ấy. Đối với ông, văn chương không gì ngoài mục đích giáo hoá con người, trừ gian diệt ác, đè cao nhân nghĩa. Sứ mệnh của văn chương là làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, con người ngày càng hạnh phúc hơn, cái đẹp được gìn giữ, tôn vinh, cái xấu, cái ác sẽ bị trường trị. Bởi thế, hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên được xây dựng tuy có phần cứng nhắc theo tư tưởng ấy nhưng dưới góc nhìn đương thời đây là một mẫu mực.

Hình ảnh Lục Vân Tiên được khắc hoạ qua mô típ ở truyện Nôm truyền thống: một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái thoát hiểm nghèo, từ ân nghĩa đến tình yêu. Lục Vân Tiên là một nhân vật lý tưởng và mơ ước của Nguyễn Đình Chiểu, là một chàng trai vừa rời trường học bước vào đời, lòng đầy hăm hở, muốn lập danh, mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. Tình huống đánh cướp là thử thách tài năng và tấm lòng thương người, là cơ hội hành động cho chàng.

Qua đoạn trích, ta thấy, Lục Vân Tiên là người dũng cảm, giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha.

Chủ tớ Kiều Nguyệt Nga trên đường bị cướp chặn xe hà hiếp. Lúc ấy, Lục Vân Tiên sau những tháng ngày ôn văn luyện võ trên núi, đã xin thầy được xuống núi thi thố tài năng. Trên đường, chàng ghé về nhà thăm cha mẹ trước khi lên kinh thì  tình cờ chứng kiến hành động ngang ngược của bọn cướp. Bất bình, Lục Vân Tiên ra tay tương trợ kẻ gặp nạn:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Không sẵn vũ khí trong ray Vân Tiên liền “bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”. Hành động thể hiện sự gan dạ, không do dự lao tới cứu người. Trước bọn cướp người đông thế mạnh, chàng không hề run sợ, lớn tiếng khuyên chúng dùng tay:

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Hai câu thơ cho thấy bản tính quân tử, minh bạch của Lục Vân Tiên. Trước khi ra tay, chàng tuyên bố lí do sự ra tay của chàng là vì chính nghĩa, việc ra tay cũng minh bạch, không phải đánh lén. Hành động đánh cướp đã bộc lộ rõ ràng tính cách anh hùng, tài năng võ nghệ và tấm vì nghĩa của Lục Vân Tiên. Vẻ đẹp của Lục Vân Tiên là vẻ đẹp riêng của con người dũng tướng.

Lục Vân Tiên là người anh hùng vì nghĩa quên thân (không suy tính thiệt hơn, không ngại nguy hiểm tính mạng).

Tướng giặc Phong Lai thấy có người lạ mặt đến can dự, trước hơi kinh ngạc, sau sợ hỏng việc, hắn liền nổi giận, lập tức đe doạ:

“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.
Trước gây việc dữ tại mầy,
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng.”

Chẳng hề nao núng, Vân Tiên bình bĩnh nghênh địch. Bọn cướp hung tợn, đông người, vũ khí sắc bén nhưng chẳng thể cản bước chàng tiến công:

Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Chỉ sau một hồi quần thảo, quân cướp đã bị Vân Tiên đánh cho một trận nhớ đời, tan vỡ tìm đường thoát thân:

Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

Tướng cướp Phong Lai lúc đầu hùng hổ, đến lúc này cũng bị đánh sống dở chết dở:

Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Ở đây, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng nghệ thuật đối lập, tương phản để làm nổi bật tính cách anh hùng về tài năng và tấm lòng vị tha của Lục Vân Tiên. Hình ảnh Lục Vân Tiên trong trận đánh được miêu tả thật đẹp-vẻ đẹp của người dũng tướng cũng theo phong cách văn chương thời xưa nghĩa là so sánh với những hình mẫu lí tưởng như dũng tướng Triệu Tử Long mà người Việt Nam đặc biệt Nam Bộ vẫn mê truyện Tam quốc. Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vì nghĩa vong thân”, cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng những thế lực tàn bạo.

Lục Vân Tiên là người từ tâm, nhân hậu, biết trọng nghĩa, khinh tài,  luôn tận tâm đối với người khác.

Sau khi đánh tan bọn cướp, thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên “động lòng”, an ủi họ “ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han. Biết rõ sự tình, Vân Tiên vô cùng cảm thông, liền tiếp tục khẳng định bọn cướp đã bị đánh đuổi để kẻ gặp nạn an lòng:

Vân Tiên nghe nói động lòng,
Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la.

Chàng chính trực, liêm khiết, lại là người chuẩn mực lễ nghi. Kiều Nguyệt Nga mạn pháp bước ra khỏi kiệu, khấu đầu tạ ơn, bày tỏ lòng biết ơn đối với vị ân nhân vừa ra tay giải mối nguy lớn, bảo toàn phẩm hạnh. Thế nhưng, Vân Tiên vội vàng ngăn cả:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai.

Hành động có phần khiên cưỡng nhưng lại rất đúng với tư cách của một người quân tử thấm nhuần luân lí Nho gia. Việc gặp gỡ gái trai dù là minh bạch, không có gì trái với đạo lính nhưng đối với Vân Tiên, điều ấy thật bất tiện.

Để bớt ngượng ngùng, Vân Tiên liền hỏi han tên tuổi, quê quán. Chàng mới rõ Kiều Nguyệt Nga là con gái của tri phủ, là người có danh vị quyền thế. Nàng khẩn khoản mời chàng về nhà để để cha mình đáp đền ơn sâu. Một lần nữa, Vân Tiên khảng khái chối từ và nêu cao tư tưởng của mình:

“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Nay đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Ở đoạn sau, chàng còn từ chối nhận chiếc trâm vàng của nàng, chỉ cùng nhau xướng họa một bài thơ rồi thanh thản ra đi, không hề vấn vương. Đối với chàng, làm việc nghĩa như là bổn phần, là lẽ tự nhiên. Đó là cách cư sử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Giữa cuộc đời lắm nhiễu nhương, cái ác, cái xấu hoành hành, những con người như thế thật cần thiết và đáng quý biết bao.

Cái chí của người anh hùng là trừ gian, diệt bạo, bảo vệ công lí, công bình, xem thường danh lợi.  Chàng chỉ rõ hành động giải nguy vừa rồi chỉ là việc nên làm, phải làm và khuyên Nguyệt Nga chớ nặng lòng mang ơn. Điều đó càng khiến cho Nguyệt Nga càng thêm mến yêu và cảm phục.

Lục Vân Tiên là một người hào hiệp, chính trực, trọng nghĩa khinh tài, nhân hậu. Chàng đã thể hiện đạo lý làm người truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta đó chính là tình cảm đùm bọc, sẻ chia trong lúc khó khăn. Qua đó, ta cũng thấy được cái nhìn nhân sinh quan của tác giả Nguyễn Đình Chiểu ông là một người hiệp nghĩa yêu công bằng, và có tấm lòng nhân hậu, muốn giúp đỡ người khác.

Bên cạnh việc khắc hoạ đậm nét nhân vật Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu cũng chú trọng xây dựng nhân vật Kiều Nguyệt Nga theo các chuẩn mực cần có của người phụ nữ Việt Nam.

Kiều Nguyệt Nga là một thiếu nữ con quan, trên đường đi đến nơi cha làm việc bị bọn cướp vây bắt, may được Lục Vân Tiên giải thoát. Cảm kích trước hành động này, nàng muốn bày tỏ ơn nghĩa, nhưng chàng đã từ chối vì làm ơn há dễ trông người trả ơn. Đây cũng là một nhân vật chính và là một nhân vật lí tưởng trong tác phẩm. Những lời giãi bày của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên đã bộc lộ phẩm chất tốt đẹp của nàng.

Qua lời giãi bày với ân nhân Lục Vân Tiên, ta thấy rõ Kiều Nguyệt Nga là một cô gái khuê các, thùy mị, nết na, thông minh và chuẩn mực. Những phẩm chất cao quý ấy thể hiện qua cách xưng hô của nàng đối với Vân Tiên: “quân tử”, “tiện thiếp” thể hiện sự khiêm nhường, mực thước. Cách nói năng văn vẻ, dịu dàng: “Làm con đâu dám cãi cha”, “Chút tôi liễu yếu đào thơ / Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần”. Cách trình bày vấn đề rõ ràng, khúc chiết, diễn tiến sự việc rõ ràng, dễ hiểu, vừa đáp ứng đủ những lời thăm hỏi ân cần của Vân Tiên, vừa thể hiện tấm lòng cảm kích chân thành của mình.

Tiếp theo, hành động của nàng còn rất chân thành thể hiện niềm cảm kích, xúc động của mình: “Trước xe quân tử tạm ngồi / Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”. Nguyệt Nga là người chịu ơn, lại là một cái ơn trọng, không chỉ là ơn cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng: “Lâm nguy chẳng gặp giải nguy / Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”. Nàng hiểu rõ sự tình,  rất áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn chàng, dù hiểu rằng đền đáp đến mấy cũng không thể đủ: “Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Bởi thế, cuối cùng nàng đã tự nguyện gắn bó cuộc đời với chàng trai khảng khái, hào hiệp đó và đã dám liều mình để giữ trọn ân tình, thủy chung với chàng. Nét đẹp tâm hồn đó đã làm cho hình ảnh Kiều Nguyệt Nga chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân, những con người bao giờ cũng xem trong ơn nghĩa “Ơn ai một chút chẳng quên”.

Có thể thấy, mục đích chính của Nguyễn Đình Chiểu khi viết tác phẩm Lục Vân Tiên là để truyền dạy đạo lý làm người (văn dĩ tải đạo), lấy văn chương để thể hiện mục đích giáo hoá của mình:

“Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”

Đạo lý đó thể hiện ở việc coi trọng tình nghĩa giữa người với người: tình cha con, mẹ con, tình nghĩa vợ chồng, bè bạn, tình yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người gặp khó khăn, hoạn nạn; đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy (Vân Tiên đánh cướp, Hớn Minh bẻ giò Đặng Sinh); đồng thời thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời thông qua kết thúc có hậu của tác phẩm là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà. Bởi thế, hình ảnh của nhân vật Lục Vân Tiên trong trận đánh được miêu tả thật đẹp đẽ, phi thường. Chàng đột hữu xung, khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang, được so sánh với hình mẫu Triệu Tử Long trong Tam quốc. Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vì nghĩa vong thân”, “cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng nhiều thế lực bạo tàn”.

Đọc cả đoạn thơ ta thấy nhân vật chủ yếu được miêu tả qua hành động, cử chỉ, lời nói, ít khắc họa ngoại hình, càng ít đi sâu vào diễn biến nội tâm, mang tính chất của văn học dân gian; ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, gần với lời nói thông thường và mang tính chất địa phương Nam bộ, phù hợp với ngôn ngữ người kể chuyện; ngôn ngữ thơ đa dạng, phù hợp với diễn biến tình tiết và tính cách nhân vật.

Giọng điệu thơ trong đoạn trích hết sức sảng khoái khi Lục Vân Tiên đánh cướp. Đó cũng là tiếng lòng hồ hởi của tác giả mong ước có một vị anh hùng ra tay thực thi công lí, diệt trừ kẻ bạo tàn, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ những con người lương thiện.

Nguyễn Đình Chiểu đã khéo léo sử dụng nghệ thuật tự sự, miêu tả chi tiết để khắc họa thành công hình ảnh nhân vật Lục Vân Tiên, thể hiện được chàng như một anh hùng, nhưng cũng vô cùng gần gũi, giản dị, đời thường, chứ không xa cách, cao vời vợi. Đó cũng là một trong những đặc trung cơ bản nhất trong thơ văn của cụ Đồ Chiểu.

  • Kết bài:

Đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trong nghĩa khinh tài, Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình. Đặc biệt, hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc họa thần tình. Cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử của chàng rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Tuy nhiên hình tượng này rất chân thật vì lòng thương người, chí quả cảm, tinh thần vị nghĩa của Vân Tiên đậm đà màu sắc đạo lí nhân dân ta. Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa (Phạm Văn Đông). Trên một trăm năm mươi năm qua, nhân vật Lục Vân Tiên được nhân dân ta yêu mến, hâm mộ. Hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên mang cái đẹp của đạo lý nhân dân.

Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang