Phân tích đọan trích Ra-ma buộc tội (dưới góc độ thi pháp)
Ra-ma-ya-na là một trong những sử thi xuất sắc và rất nổi tiếng của Ấn Độ. Tác phẩm này được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ IV – III trước Công nguyên, có ảnh hưởng sâu sắc, vượt thời gian và không gian trong văn học, văn hóa Ấn Độ nói riêng và của nhiều nước Đông Nam Á nói chung. Tác phẩm là một trường ca, gồm 24000 câu thơ đôi.
Thi pháp trong đoạn trích Ra-ma buộc tội, nổi bật là vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người. Nhìn chung, do Ra-ma-ya-na là sáng tạo của nhiều thế hệ tu sỹ – thi sỹ, và cuối cùng được hoàn thiện bởi đạo sỹ Van-mi-ki, nên quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm này có tính tích hợp từ nhiều nguồn tư tưởng như tôn giáo, triết học, mỹ học, xã hội học và nhân học. Trong đó, vấn đề cơ bản là con người được xây dựng từ những quan niệm và các tiêu chí của các hệ giá trị của cộng đồng, đặc biệt chú ý đến quan niệm về chuẩn mực giá trị tinh thần – lòng tự trọng
của con người và vấn đề phẩm tiết của người phụ nữ. Do vậy, một mặt, tác phẩm đề cao sức mạnh, ý thức vượt khó, lòng dũng cảm của Ra-ma trong chiến thắng quỉ Ra-va-na, nhưng chủ yếu tập trung về mối quan hệ của Ra-ma với Xi-ta ở góc nhìn danh dự, giá trị phẩm tiết.
Chính điều đó dẫn đến hành vi Ra-ma chối bỏ vợ vì nghi ngờ Xi-ta, vợ mình, đã bị quỉ Ra-va-na làm nhục. Ra-ma tự giải thích lý do hành vi của mình, thể hiện rõ quan niệm về giá trị con người: Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường. Nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng, vì nàng đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ. Giờ đây, nàng đang đứng trước mặt ta, nhưng trông thấy nàng, ta không chịu nổi, chẳng khác nào ánh sáng đối với ngưởi bị đau mắt. Vì vậy, ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu tùy nàng, ta không ưng có nàng nữa.
Cũng với quan niệm về sự sống phải luôn gắn với danh dự và phẩm tiết, như là cái lẽ tồn tại của một người phụ nữ, Xi-ta cố gắng để biện minh cho nỗi oan của mình: Nước mắt nàng đổ ra như suối. Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói: “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn? Thiếp đâu phải là con người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của thiếp ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng như thế đâu có phải. Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi”.
Như vậy, trong mâu thuẫn giữa Ra-ma và Xi-ta, vấn đề không dừng lại ở hai cá nhân này trong tình cảm vợ chồng, mà là vấn đề thuộc triết lý sống, thuộc đạo đức của cộng đồng nhiều thời đại trong quan niệm về con người. Chính vì thế, Xi-ta, dù muốn hay không cũng phải bước vào giàn hỏa thiêu như một giải pháp của công lý và minh chứng cho sự trong sáng hay không của mình. Và chỉ có thần Lửa, người kiểm chứng đức hạnh của Xi-ta, mới minh oan được cho nàng, đem nàng trả lại cho Ra-ma, để từ đó anh hùng Ra-ma cùng người vợ thủy chung trở lại kinh đô, cai quản đất nước và sống trong hạnh phúc cùng với muôn dân.
Một phương diện khác của Ra-ma-ya-na là quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện trong cái nhìn ở cả phương diện hành động và phẩm chất. Ở phương diện hành động thì đề cao lòng dũng cảm, dám đương đầu với thử thách cam go nhất, khó khăn nhất và chiến thắng vinh quang. Điều đó thể hiện ở cuộc chiến Rama chiến thắng quỉ Ra-va-na. Trong phương diện phẩm chất thì đề cao ý thức con người về đạo lý, về sự thanh cao của tâm hồn, về lòng tự trọng.