Phân tích hai mâu thuẫn bi kịch trong “Vĩnh biệt Cửu trùng đài”.
Đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn thuở về cái đẹp, và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhân dân, đồng thời tác giả bày tỏ niềm cảm thông, trân trọng đối với nghệ sĩ tài năng, giàu khát vọng nhưng lại rơi vào bi kịch
Kịch bản có thể trở thành tác phẩm bi kịch không phải mỗi khi nó kết thúc một cách bi thảm, mà khi nó được kết cấu trên cơ sở xung đột hay mâu thuẫn bi kịch. “Vũ Như Tô” chứa đựng mâu thuẫn bi kịch.
Mâu thuẫn bi kịch là mâu thuẫn mang tính nội tại. Mâu thuẫn có ý nghĩa xã hội to lớn. Mâu thuẫn không thể giải quyết. Mọi cách khắc phục mâu thuẫn đều dẫn đến sự diệt vong những giá trị quan trọng. Trong “Vũ Như Tô” có hai mâu thuẫn cơ bản:
* Mâu thuẫn thứ nhất: Mâu thuẫn giữa bọn tham quan bạo chúa sống xa hoa trụy lạc với nhân dân lao động cơ cực, thống khổ.
– Đây không phải là mâu thuẫn bi kịch. Mâu thuẫn này chủ yếu thể hiện ở những hồi trước của vở kịch, đã thành cao trào trong hồi cuối này. Bạo chúa Lê Tương Dực chết trong tay những người nổi dậy do Trịnh Duy Sản cầm đầu. Đại thần của y là gian thần Nguyễn Vũ chết trong một trò hề nhạt nhẽo. Hoàng hậu và đám cung nữ hết thời của y bị những kẻ nổi dậy nhục mạ, bắt bớ. Dân chúng hò reo, đốt phá, nhiếc móc… được một phen hả lòng hả dạ…Uy quyền của bạo chúa tiêu tan theo tro bụi Cửu Trùng Đài. Đây đúng là lúc “dân nổi can qua”, vua quan “thất thế”. Tiếc rằng cuộc nổi dậy ấy không mang lại điều gì tốt đẹp hơn cho dân chúng bởi giang sơn sẽ rơi vào tay những kẻ cầm đầu cuộc phản loạn.
* Mâu thuẫn thứ hai: Mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật cao siêu, thuần túy, muôn đời của người nghệ sỹ với lợi ích trực tiếp, thiết thực của dân chúng. Đây là mâu thuẫn bi kịch, cũng là mâu thuẫn cơ bản của vở kịch.
– Nguyên nhân sâu xa của bi kịch: Do người nghệ sỹ sinh bất phùng thời (sinh ra không gặp thời). Câu chuyện Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài cho vua Lê Tương Dực, như nó được kể trong Đại Việt sử kí và Việt Sử thông giám cương mục với cái chết oan khốc của người thợ có tài bên cạnh công trình bỏ dở gây cho mọi người đọc có tầm nhìn rộng hơn các sử gia Nho giáo ấn tượng một thảm kịch nhân sinh đau xót và chua chát. Nguyễn Huy Tưởng cấu tạo tình huống bi kịch bằng cách phóng đại đến mức khổng lồ, đến mức huền thoại tầm cỡ nhân vật chính, song vẫn tái tạo khá trung thành hoàn cảnh lịch sử – xã hội mà trong đó nó sống và hành động.
Người nghệ sỹ thiên tài Vũ Như Tô không có điều kiện sáng tạo, không thể thi thố tài năng. Vì thế khi biết rằng có thể mượn tay bạo chúa Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão của mình thì người nghệ sỹ ấy mù quáng sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả mồ hôi, xương máu, nước mắt của nhân dân. Chính niềm khao khát đắm chìm trong mơ mộng đã đẩy Vũ Như Tô đến vị thế đối nghịch với lợi ích trực tiếp, thiết thực của dân chúng. Cuối vở kịch, xung đột kịch đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Và nếu như trong những hồi đầu, nó chỉ là mâu thuẫn có vẻ mờ nhạt, thấp thoáng đằng sau mâu thuẫn thứ nhất thì giờ đây nó dường như đã hòa nhập làm một với mâu thuẫn thứ nhất. Thậm chí, người dân hầu như không mấy quan tâm đến việc trả thù bạo chúa Lê Tương Dực mà chỉ chăm chăm tìm giết Vũ Như Tô và cung nữ “đồng bệnh” với ông là Đan Thiềm.
– Cốt lõi xung đột kịch: Vũ Như Tô muốn thực hiện lí tưởng nghệ thuật thì rơi vào tình trạng đi ngược lại quyền lợi của dân chúng. Nếu xuất phát từ lợi ích của nhân dân thì không thể thực hiện được ước mơ nghệ thuật muôn đời. Kết thúc hồi V, Vũ Như Tô bị rơi vào bi kịch không lối thoát.
Nếu quan niệm hoạt động sáng tạo là sự thực hiện mệnh lệnh của cái ĐẸP và việc bảo vệ quyền sống và những quyền chính đáng khác của con người là sự thực hiện mệnh lệnh của cái THIỆN thì trước mắt chúng ta là cuộc xung đột quyết liệt giữa cái ĐẸP và cái THIỆN.
Phân tích đoạn kịch “Vĩnh biệt Cửu trùng Đài” (trích vở kịch “Vũ như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng)