Phân tích hành trình kiếm tìm liý tưởng của nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh Biệt cửu trùng đài
- Mở bài:
Vũ Như Tô là một vở kịch lịch sử. Đây là một tác phẩm thành công của Nguyễn Huy Tưởng. Qua hành trình kiếm tìm lí tưởng của nhân vật Vũ Như Tô, nhà văn thể hiện quan điểm của mình về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cường quyền, giữa nghệ sĩ và nhân dân và có thể là cả vấn đề về văn hoá dân tộc.
- Thân bài:
Bản thân nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một nghệ sĩ đặc biệt, bởi ông luôn đam mê sáng tạo những tác phẩm có quy mô lớn, dựng lên những hình tượng hoành tráng về lịch sử bi hùng của dân tộc, nêu được những vấn đề nhức nhối, có tầm vóc lớn lao của văn chương nghệ thuật.
Trong cả vở kịch và đoạn trích, nhà văn đã thực hiện được điều đó qua việc khắc họa mâu thuẫn giữa khát vọng nghệ thuật thuần tuý của Vũ Như Tô với lợi ích thiết thực của nhân dân (lí tưởng và thực tế, nghệ sĩ và nhân dân, đam mê và tội lỗi). Qua đó, ta thấy được quan điểm nhân dân của tác giả; đồng thời thấy được thái độ cảm thông, trân trọng của tác giả đối với những nghệ sĩ tài năng và hoài bão lớn nhưng lại lâm vào bi kịch giữa lí tưởng và thực tế.
Hành trình kiếm tìm lí tưởng của Vũ Như Tô thể hiện rõ ở những hồi đầu của vở kịch. Vũ Như Tô là một người nghệ sĩ chân chính, một người có tài và có tâm với nghệ thuật. Ông là một kiến trúc sư siêu phàm, ngàn năm chưa có một, biết sai khiến gạch ngói như tướng cầm quân, xây đài cao nóc vờn mây mà không tính sai một viên gạch. Nhưng Như Tô lại không có điều kiện để sáng tạo và thi thố tài năng. Khi biết có thể mượn tay bạo chúa để thực hiện hoài bão thì ông bất chấp tất cả, kể cả công sức, tiền bạc, máu xương của nhân dân.
Chính việc quá đắm chìm trong khát vọng nghệ thuật vĩnh cửu đã khiến nghệ sĩ rơi vào thế đối nghịch với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân. Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy và lợi ích thiết thực của nhân dân là mâu thuẫn không dễ giải quyết. Điều này đã khiến dân chúng hiểu lầm: “Vua xa xỉ vì ông, công khố hao hụt vì ông, dân gian lầm than vì ông, man di oán hận vì ông, thần nhân trách móc là vì ông”.
Thậm chí, khi có biến loạn, Như Tô vẫn không tỉnh mộng: Đan Thiềm giục đi trốn, nhắc “ông đừng mơ mộng nữa” nhưng ông không nghe. Dân chúng cho ông là thủ phạm (vua xa xỉ, dân lầm than là vì ông), ông vẫn nghĩ “họ hiểu nhầm”. Nhìn cảnh đốt phá, nghe tiếng quân tìm mình phanh thây, ông vẫn cho là “vô lý”.
Bị bắt trói về trình chủ tướng, ông hy vọng có thể “giảng giải” cho người đời hiểu mình. Chỉ khi Cửu Trùng Đài bị cháy, Vũ Như Tô mới nhận ra bi kịch, nhưng sự thức tỉnh ấy quá muộn. Cuối cùng, tác phẩm Cửu Trùng Đài là một công trình tuyệt mĩ nhưng quá cao siêu, đối lập với lợi ích thiết thực của nhân dân, là một “bông hoa ác” nên bị dân chúng phá hủy. Còn người nghệ sĩ Vũ Như Tô thì bị người dân hiểu lầm, căm ghét, sát hại, giấc mộng nghệ thuật hoàn toàn tan vỡ, chết mà vẫn ôm hận.
Là một nghệ sĩ đầy tài năng và giàu sáng tạo, Vũ Như Tô muốn khẳng định tài năng của mình, muốn tô điểm cho đất nước, muốn làm đẹp cho đời, nhưng khát vọng nghệ thuật và đam mê sáng tạo của ông đã đặt lầm nơi lạc chốn, lạc điệu với thời thế, xa rời thực tế, nên đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của bản thân và của cả công trình thấm đẫm mồ hôi tâm não của mình. Người đọc, người xem thương người nghệ sĩ có tài có tâm, đam mê nghệ thuật, khao khát sáng tạo, sẵn sàng hi sinh tất cả cho cái đẹp nhưng xa rời thực tế, mà phải trả giá đắt bằng cả sinh mệnh và cả công trình nghệ thuật đầy tâm huyết sáng tạo của mình
Đoạn trích nói riêng và vở kịch nói chung đã để lại giá trị nhân văn sâu sắc rằng: “Không có cái đẹp tách rời cái chân cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không thể chỉ mang cái đẹp thuần tuý, nó phải có mục đích chân chính là phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc đời. “Văn chương không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời, cuộc đời là nơi xuất phát và là nơi đi tới của văn chương”. Người nghệ sĩ phải có hoài bão lớn, có khát vọng sáng tạo những công trình vĩ đại cho muôn đời, nhưng cũng biết xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng đó với điều kiện thực tế cuộc sống với đòi hỏi của muôn dân”. Một vấn đề đặt ra nữa là “Xã hội phải biết tạo điều kiện sáng tạo cho các tài năng, vun đắp tài năng, quý trọng nâng niu những giá trị nghệ thuật đích thực”.
Nguyễn Huy Tưởng đã giải quyết được phần nào mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật đích thực phải thống nhất với quyền lợi của con người. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì con người. Người nghệ sĩ khi làm nghệ thuật phải chú ý đến điều đó.
Giá như bên cạnh tài năng siêu phàm ngàn năm chưa dễ có một, Vũ Như Tô có thêm sự tỉnh táo, thức thời như Đan Thiềm và tấm lòng nhân nghĩa biết lấy dân làm gốc như Nguyễn Trãi thì có lẽ đã không có cảnh đốt Cửu Trùng Đài, tiêu diệt nhân tài ở phần cuối của vở kịch.
Nói thì đơn giản như vậy, nhưng người đời hiểu rằng việc hiện thực hóa ước mong đó không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng. Nhưng dù khó khăn như vậy, người nghệ sĩ chân chính vẫn không đơn độc bởi họ có công chúng, có độc giả, đặc biệt là những người tri kỉ. Nếu Như Tô chỉ có Đan Thiềm, Hộ chỉ có Từ thì sự tri âm mới chỉ là một hiện tượng đơn lẻ, cá biệt và kết quả là người nghệ sĩ cùng tác phẩm nghệ thuật vẫn không có được chỗ đứng thực sự vững bền.
Sẽ thật hoàn hảo nếu Vũ Như Tô được quần chúng nhân dân thấu hiểu và trân trọng như Đan Thiềm thấu hiểu và trân trọng ông. Cuộc đời đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với người nghệ sĩ nhưng xã hội cũng phải biết lắng nghe và tạo điều kiện cho người nghệ sĩ có thể thi thố tài năng của mình. Mối quan hệ giữ nghệ sĩ và cuộc đời là sự tương tác chứ không thể chỉ đặt ra những yêu cầu một chiều. Nói một cách hình ảnh: nếu Tử Kì đòi hỏi Bá Nha phải có tài đánh đàn tuyệt đỉnh thì ngược lại Bá Nha cũng đòi hỏi Tử Kì phải có một đôi tai tuyệt vời.
- Kết bài:
Từ bi kịch của Như Tô, hậu thế hiểu ra bài học đau xót cho hành trình kiếm tìm và thể nghiệm lí tưởng nghệ thuật: nghệ sĩ dù có tài năng và lí tưởng cao siêu đến đâu thì cũng phải biết vì nhân sinh thì mới được tồn tại, trân trọng và bảo vệ và ngược lại. Đồng thời, qua bi kịch của Vũ Như Tô, người đời cũng thấm thía một bài học khác: cần phải trân trọng và tạo điều kiện để người nghệ sĩ được phát huy tài năng và thực hành lí tưởng của mình.