Hành trình kiếm tìm lý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa.
- Mở bài:
Trong hệ thống các hình tượng người nghệ sĩ trong văn học hiện đại Việt Nam, bên cạnh kiến trúc sư Vũ Như Tô, văn sĩ hộ Hộ, nhân vật thi sĩ trong Tiếng hát con tàu ta không thể không nhắc đến nhiếp ảnh gia Phùng, nhân vật chính trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Thông qua hành trình kiếm tìm lý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng, nhà văn nhẹ nhàng gợi mở về những triết lí về cuộc sống không khỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm.
- Thân bài:
Hành trình kiếm tìm lí tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng thể hiện qua một loạt sự kiện mang tính nhận thức. Trước hết, ta có thể thấy Phùng vốn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một ngành nghệ thuật khám phá cuộc sống thông qua đôi mắt, qua cách nhìn của nghệ sĩ. Tình huống xảy ra với Phùng bắt đầu trong lần đi công tác để chụp bộ ảnh lịch. Phùng đã đến một vùng biển miền Trung. Ở đây, anh đã bắt gặp khung cảnh tuyệt mĩ của thiên nhiên vào thời điểm sáng sớm trên biển, sương trắng như sữa, pha màu hồng của mặt trời, điểm thêm vài bóng im phăng phắc như pho tượng trước mui thuyền.
Tất cả như bức tranh mực tầu của danh hoạ thời cổ hài hoà, thực đơn giản mà toàn bích. Chứng kiến khung cảnh đó, Phùng cảm thấy vô cùng bối rối, trái tim như có ai bóp thắt trong trạng thái xúc động cực điểm. Lúc này, anh đã có khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn và một niềm hạnh phúc tràn ngập do cái đẹp tuyệt đỉnh mang lại. Điều đó đã khiến Phùng tin rằng “cái đẹp chính là đạo đức”, cái Mĩ chính là cái Thiện. Chi tiết này cho thấy, Phùng là một người có tố chất nghệ sĩ ở phương diện biết khám phá và say mê cái đẹp, nhưng tiếc rằng, cái nhìn của anh về cuộc sống còn quá giản đơn.
Sau đó, một sự kiện kinh hoàng xảy ra đã khiến nhận thức của Phùng có bước ngoặt lớn. Đó là, trên nền thiên nhiên tuyệt bích kia, Phùng đột nhiên chứng kiến cảnh bạo lực dã man của một người đàn ông hàng chài với vợ. Phùng kinh ngạc đến mức đứng há mồm ra nhìn trong mấy phút. Sau đấy, anh đã lao vào can ngăn vì không thể dửng dưng trước nỗi đau của con người. Nhưng điều đáng nói nhất là tâm trạng và suy nghĩ của anh sau khi đôi vợ chồng và đứa con gia đình hàng chài bỏ đi: anh vẫn không chịu tin đây là hiện thực mà chỉ “như một câu chuyện cổ đầy quái đản”. Phùng không thể tin nổi cái xấu xa, đau khổ có ngay trong khung cảnh tuyệt mĩ của thiên nhiên. Đến lúc này, Phùng đã hiểu ra rằng, cái đẹp không còn là đạo đức nữa, cái Mĩ chưa chắc là cái thiện. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong nhận thức của Phùng về cuộc sống.
Sự kiện tạo ra bước ngoặt thứ hai của anh là câu chuyện xảy ra ở toà án. Ban đầu, Phùng và Đẩu – người bạn thân của anh, hiện đang làm chánh án – khuyên người phụ nữ bỏ chồng cho đỡ khổ. Đây là cách nghĩ tốt đẹp nhưng đơn giản, bởi hai anh chỉ biết bênh vực quyền sống con người bằng pháp luật. Vì thế, sau khi nghe lời nói của người đàn bà hàng chài, trước cái lí, cái tình rất thật, không thể bác bỏ của người đàn bà, anh cảm thông, đồng tình với chị, hiểu quy luật khắc nghiệt của cuộc đời. Đến đây, anh đã thấy cả nỗi khổ lẫn vẻ đẹp trong người đàn bà và trong cuộc sống khổ cực của chị. Anh đã hiểu rằng cuộc sống là một điều phức tạp, không thể có cái nhìn giản đơn, phiến diện. Không thể chỉ dùng lí trí máy móc để phán xét và hành động. Đến đây, nhận thức của Phùng đã có bước ngoặt thứ hai.
Cuối cùng, sự kiện tạo bước ngoặt thứ ba cho nhận thức của Phùng đến khi anh trở về sau chuyến công tác. Anh đã quyết định thay đổi tác phẩm của mình: dùng ảnh đen trắng thay cho ảnh màu để làm nổi bất hai mảng tương phản, qua đó để diễn tả sâu sắc những nghịch lí cuộc đời. Đặc biệt, từ trong bức anh ấy, nếu “ngắm kĩ”, người ta vẫn thấy màu hồng. Đó là cái nhìn lạc quan về cuộc đời dù trong đó còn có biết bao đau khổ, tăm tối. Nhất là, nếu “nhìn lâu hơn”, người ta thấy bước ra khỏi tấm ảnh là người đàn bà thô kệch, lam lũ, nhợt nhạt vì kéo lưới suốt đêm (cái khổ) nhưng bước chân vẫn chậm rãi, chắc chắn (cái đẹp của sức sống mạnh mẽ), lẫn vào đám đông (cái phổ biến, bị che lấp đòi hỏi sự khám phá).
Tới lúc này, thực sự Phùng đã thấm thía sứ mệnh của nghệ thuật: không chỉ thấy vẻ đẹp bề ngoài mà còn thấy cả hiện thực đau khổ, đặc biệt là vẻ đẹp ẩn sâu bên trong cuộc sống, trong con người lao động. Muốn vậy, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều, sâu sắc về cuộc đời.
Qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn người đọc nhận thức về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật không thể chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề ngoài nhất là cái vẻ đẹp tuyệt vời thơ mộng, mà còn phải thấu nhị tới bề sâu, bề sâu của cuộc đời không hề đơn giản, mà tâm điểm chính là con người với số phận đa đoan, với mọi nhọc nhằn và cả khổ đau, không hiếm những ngang trái bi kịch. Cuộc đời đâu phải chỉ toàn màu hồng, cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch
- Kết bài:
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng chính là “điểm nhìn nghệ thuật” của nhà văn, là hình tượng nhân vật kể chuyện vừa đem lại tính chân thực và hấp dẫn cho câu chuyện kể vừa tạo ra một khoảng cách, một “cự ly”, một độ lùi nhất định để suy ngẫm. Chiếc thuyền được đặt trong khung cảnh dữ dội của một cơn biển động, cuộc vật lộn mưu sinh nhọc nhằn vẫn còn đó. Nó cho thấy rằng, chiếc thuyền ngoài xa đâu chỉ là vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Sức ám ảnh người đọc ở tác phẩm này còn là mối quan hoài đến xót xa, day dứt của nhà văn về những nỗi nhọc nhằn đau khổ của con người, giống như những người đi biển họ vẫn luôn phải chống chọi với phong ba và bão táp và cuộc sống vốn chẳng bao giờ bình yên.
Tham khảo:
Triết lí về cuộc sống qua Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
- Mở bài:
Nguyễn Minh Châu được biết đến là nhà văn tài năng với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Các tác phẩm văn học của ông đều chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý về cuộc sống. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông. Từ những phát hiện bất ngờ của nhếp ảnh Phùng, nhà văn từng bước bóc tách bản chất của cuộc sóng, nêu lên mối liên hệ giữa cuộc sống và nghệ thuật khiến người đọc không khỏi bất ngờ, sửng sốt.
- Thân bài:
Phát hiện đối lập nhau của người nhiếp ảnh Phùng.
Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm chứa nhiều tình huống truyện bất ngờ, độc đáo. Mỗi một tình huống truyện lại đưa bạn đọc đến với những ý nghĩa ẩn dấu đằng sau. Dưới con mắt nhìn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, các tình huống lần lượt diễn ra đầy bất ngờ. Trong mỗi tình huống lại mang đến những bước ngoặt mới cho nhận thức của Phùng cũng như bạn đọc.
Phát hiện thứ nhất: Hình ảnh hoàn mỹ của một buổi sáng bình minh trên biển,
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Phùng đang cố gắng tìm kiếm cho mình bức ảnh đẹp nhất tại bờ biển. Trên bờ biển là lác đác những cỗ xe hư hỏng trải qua chiến tranh bị bỏ lại. Sau một quãng thời gian phục kích, cuối cùng Phùng cũng đã bắt được một cảnh đẹp trời cho.
Dưới những hạt mưa phùn lác đác và từng lớp sương mù đan xen vào nhau, Phùng đã kịp ghi lại cho mình hình ảnh “có một không hai” trên biển. Hình ảnh chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong bầu sương mờ ảo, lấp ló đằng sau đó còn có vài bóng người,…
Hình ảnh vô cùng chân thực, giản dị nhưng lại toát lên một vẻ đẹp cuốn hút đến kỳ lạ. Nhân vật Phùng liên tục bấm máy để có thể lưu lại toàn bộ vẻ đẹp hoàn mỹ của thiên nhiên. Chỉ với vài ngôn từ miêu tả nhẹ nhàng, Nguyễn Minh Châu như đã đưa độc giả trực tiếp đứng trên bờ biển để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc nhất vô nhị này.
Tuy nhiên, khi Phùng và các độc giả đang mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có thì câu chuyện lại đang chuẩn bị chuyển sang tình huống mới. Đó là hiện thực đầy nghịch lý đằng sau vẻ đẹp đắt giá trời cho kia.
Phát hiện thứ hai: Hình ảnh cuộc sống hiện thực phũ phàng, nghịch lý.
Khi đang đắm mình vào hình ảnh sở hữu vẻ đẹp trời ban thì Phùng lại bất ngờ phát hiện ra được nghịch lý của cuộc sống. Phùng bước gần hơn tới bãi biển và thấy được hình ảnh rõ ràng của “những bóng người mờ ẩn sau làn sương”. Đó là người phụ nữ trạc 40 tuổi, thô kệch và mang vẻ mặt mệt mỏi sau một đêm dài thức trắng. Theo đằng sau là một người đàn ông có tấm lưng rộng, chân đi chữ bát,…
Khi lên đến bờ, người đàn ông lập tức rút thắt lưng và đánh tới tấp vào người đàn bà. Vừa đánh lão ta vừa chửi rủa vô cùng thậm tệ. Tuy nhiên, trái ngược lại là hình ảnh người đàn bà cam chịu, nhẫn nhịn từng cái vung dây nịt mà không hề phản kháng.
Hình ảnh đầy bạo lực kia đã khiến Phùng vô cùng sững sờ và quên mất vẻ đẹp hoàn hảo lúc trước. Khi chưa kịp ngăn cản thì có một bóng nhỏ vụt qua và giành được chiếc thắt lưng từ tay người đàn ông. Đó là Phác – con trai lớn của đôi vợ chồng kia.
Thông qua những chi tiết ngắn gọn, ta có thể thấy được Phùng không chỉ là một người yêu cái đẹp, anh còn là người sẵn sàng đứng lên chống lại cái xấu. Với hai tình huống truyện bất ngờ trên của chiếc thuyền ngoài xa, ta có thể thấy rằng đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ không phải lúc nào cũng là điều tốt đẹp. Chúng có thể là những cái bất công, xấu xa.
Câu chuyện đầy triết lý của người đàn bà làng chài trên tòa án huyện.
Hình ảnh người đàn bà không chỉ dừng lại ở những chi tiết được tác giả miêu tả ngoài bờ biển mà sự khó khăn, nhọc nhằn của người đàn bà còn được đẩy lên cao trào tại tòa án huyện.
Phùng gặp lại người đàn bà trên tòa án huyện. Nhưng lần này, người đàn bà lại tiếp tục mang đến cho anh và “Đẩu” – người bảo vệ công lý những bài học mới về cuộc sống. Mặc dù suốt ngày bị chống bạo hành nhưng chị vẫn luôn nhẫn nhịn. Hình ảnh chị co rúm, ngồi nép vào một góc khiến cho sự thê lương, nhọc nhằn lại càng hiện rõ hơn bao giờ hết.
Những lời van xin, vái lạy để “tòa đừng bắt con bỏ nó” đã khơi dậy tính tò mò của Phùng và Đẩu. Người đàn bà là một người yêu chồng, thương con vô điều kiện. Chị hiểu được nỗi vất vả, gánh nặng chồng đang chịu đựng nên mới đánh vợ để giải tỏa áp lực chứ bản chất ông ấy hiền lành lắm. Đặc biệt, để các con được ăn no thì chúng cần có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Một người đàn ông dù vũ phu nhưng có thể cùng chị nuôi sống 10 đứa con và chống chịu vào những hôm biển động.
Tác giả gọi “người đàn bà” mà không phải là gọi tên bởi có lẽ chị không phải là người duy nhất sống trong hoàn cảnh như vậy. Trong xã hội còn biết bao người đàn bà cũng đang hy sinh mình như thế.
Bức ảnh đẹp được chọn để trưng bày
Kết thúc của chiếc thuyền ngoài xa là những diễn biến trong cuộc sống của Phùng sau chuyến công tác. Sau những thấu hiểu của nhân vật Phùng về cuộc sống của người đàn bà làng chài thì anh cũng trở về thành phố. Đúng như dự đoán bức tranh nhận được sự đánh giá rất cao của mọi người. Bức ảnh được đóng khung và treo ở nhiều nơi. Thậm chí là trong các gia đình giàu có yêu nghệ thuật. Càng nhìn vào bức tranh, nhân vật Phùng lại như thấy được màu hồng hồng của sương mai, vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Nhưng cũng đan xen vào đó là hình ảnh người đàn bà lam lũ bước ra từ tấm ảnh.
- Kết bài:
Trong cuộc sống hiện thực, ẩn đằng sau vẻ đẹp “màu hồng” chính là những sự thật khốc liệt, tàn ác. Chúng ta không biết được những uẩn khúc chứa đựng trong vẻ đẹp hoàn mỹ đó. Đi cùng với nghệ thuật chân chính là hiện thực cuộc sống trần trụi. Hành trình kiếm tìm lý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng cũng là hành trình của nhà văn và cả người đọc trong cuộc sống hôm nay: không ngừng soi chiếu mình trong nghệ thuật và cuộc sống để tìm thấy bản chất chân thực của cuộc đời.
- Phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
- Phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu