phan-tich-nhung-cuoc-doi-thoai-giua-truong-ba-va-moi-nguoi-de-lam-ro-bi-kich-cua-nhan-vat-nay

Phân tích những cuộc đối thoại giữa Trương Ba và mọi người để làm rõ bi kịch của nhân vật này

Phân tích những cuộc đối thoại giữa Trương Ba và mọi người để làm rõ bi kịch của nhân vật này

1. Hồn Trương Ba và xác hàng thịt

  Từ ngày nhập vào xác anh hàng thịt, Trương Ba đã phải sống trong hàng loạt mâu thuẫn. Ông không quen với cái xác mới của mình bởi ông đã 50 tuổi, còn xác anh hàng thịt lại quá trẻ, mới 30. Ông Trương Ba vốn yếu đuối, lại bị hen, ăn ít, sống nho nhã còn anh hàng thịt thì mỗi bữa ăn tám chín bát cơm, thích ăn thịt, uống rượu xô bồ… Các mâu thuẫn đó cứ tăng dần lên, dẫn đến cuộc đối thoại gay gắt giữa hồn và xác. Hồn châm ngòi cho cuộc đối thoại bằng cách tách ra khỏi xác và quả quyết : xác “chỉ là những thứ thấp kém” của một con thú – cái bản năng thuần túy của loài vật, không có sự giáo hóa, không có văn minh.

Trái lại, dù phải sống nhờ thể xác của anh hàng thịt nhưng hồn “vẫn có một đòii sống riêng : nguyên vẹn , trong sạch, thẳng thắn”. Với hồn, đời sống ấy tuy phải khu trú trong cái xác thô thiển nhưng vẫn giữ nguyên dược những giá trị tinh thần cao khiết. Phản bác lại hồn Trương Ba, xác anh hàng thịt cũng chẳng vừa : “ông không tách khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác”. “Lí lẽ” mà xác đưa ra là : “Hai ta đã hòa với nhau làm một rồi”, “ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi”. Ông “chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu” vì “tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục !”, “là cái bình để chứa đựng linh hồn”. Chưa hết, xác còn “chứng minh” ảnh hưởng “ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết” của hồn bằng những “dẫn chứng” cụ thể : “Khi ông ở bên nhà tôiKhi ông đúng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…”, rồi “cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác… chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì ?”. Còn nữa, “cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi” đã giúp “ ông tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi”…

Cuộc đối thoại cứ thế tiếp diễn đến khi xác “đề xuất giải pháp” cho sự tồn tại “hòa bình” mang tên “hồn Trương Ba , da hàng thịt” bằng “trò chơi tâm hồn”. “Luật chơi” là hồn cứ việc nghĩ mình cao khiết thánh thiện, làm điều gì xấu thì cứ đổ tội cho xác để được thanh thản. Bù lại hồn sẽ phải chấp nhận làm đủ mọi việc để “thỏa mãn những khát thèm” của xác.

Trong cuộc đối thoại này, có thể thấy hồn Trương Ba càng lúc càng “đuối lí”. Từ chỗ cao giọng phủ nhận : “Vô lí, mày không thể biết nói !”, “Mày không có tiếng nói” đến chỗ chấp nhận xác có tiếng nói, dù đó là “tiếng gọi nơi hoang dã”(Jack London) của bản năng thấp kém, tầm thường. Từ chỗ phủ định quyết liệt những bằng chứng “hai năm rõ mười” của xác đến chỗ không dám trả lời, lúng túng trong câu hỏi đứt quãng : “Ta…ta… đã bảo mày im đi!”. Từ chỗ hăng hái đấu lí, sẵn sàng đáp lại tất cả những lí lẽ xác đưa ra đến chỗ “bịt tai lại” “Ta không muốn nghe mày nữa!”. Từ cách xưng hô “ mày” – “ta” vào đầu cuộc đối thoại đến chỗ đổi cách xưng hô mà xác đã tinh ý phát hiện ra : “Ấy đấy, ông bắt đầu gọi tôi là anh rồi đấy !”. Từ đầy khí thế đấu tranh đến tiếng kêu “ trời” “như tuyệt vọng” và nhất là phải “bần thần nhập lại vào xác thịt”. Như vậy, sự đuối lí của hồn Trương Ba càng lúc càng rõ, nó khiến cho ta có cảm giác hồn đã bị dồn vào con đường cụt không lối thoát, phải chấp nhận sự an bài, đồng ý với giải pháp “hòa thuận” – “hồn Trương Ba, da hàng thịt” mà xác đưa ra. Đây cũng chính là bi kịch “sống nhờ”, sống không được đúng là chính mình, phụ thuộc vào thân xác của kẻ khác của hồn Trương Ba.

Trái lại với hồn Trương Ba, xác hàng thịt mỗi lúc một lấn lướt. Xác chủ động “tuyên chiến” khi hồn khao khát được tồn tại độc lập riêng mình. Xác thách thức, giễu cợt, mỉa mai : “có đấy!” , “có tiếng nói đấy!” , “có thật thế không?”. Xác cao giọng, khoái chí đòi hồn phải “thành thật trả lời!”. Xác biết rõ người ta nghĩ gì về mình, đồng thời cũng tỏ ra thấu hiểu từ điệu bộ lúng túng bên ngoài đến những biện luận bên trong lòng tìm kiếm sự thanh thản và vô tội của hồn. Xác “lợi khẩu” khi đưa ra lí lẽ. Xác “mềm dẻo” trong thuyết phục, tranh luận. Khi thì sử dụng lí lẽ, lúc lại đưa ra bằng chứng. Khi thì cao giọng thách thức, lúc buồn rầu thanh minh. Khi thì đắc ý, tinh quái, lúc lại vuốt ve xoa dịu. Vừa dụ dỗ, mua chuộc, vừa trắng trợn phỉ báng. Xác đã chứng tỏ được ưu thế của nó, uy quyền của nó và sự chi phối khủng khiếp của nó bằng kết cục của màn đối thoại : “ cái hồn ương bướng “ lại tìm về với chỗ trú thân là xác anh hàng thịt. Sự thắng thế  của xác đã cho thấy hồn đã ngộ nhận về chính mình. Sau bấy nhiêu chuyện đã xảy ra mà hồn vẫn cho rằng mình “ nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn “  và đổ mọi tội lỗi cho xác. Không phải ngẫu nhiên xác khẳng định “ tác giả “ của “ trò chơi tâm hồn” không ai khác ngoài “ những điều ông vẫn tự nói với mình và với người khác đấy chứ”.  Xác chỉ làm nhiệm vụ “ tổng kết”  và phát biểu “ luật chơi” cho rõ ràng, cụ thể mà thôi.

Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt chưa đựng một hàm ý xâu xa, cũng là tư tưởng nghệ thuật của nhà văn: linh hồn và thể xác là hai phương diện tồn tại trong mỗi con người. Có thể  nào sống mà không cần đến dáng hình, thân thể? Nhưng lẽ nào đời sống của con người lại chỉ thu gọn trong những nhu cầu thuần túy bản năng? Đừng “bỏ bê” thân xác để chỉ biết đến một thứ linh hồn chung chung  trừu tượng không thuộc về một ai trên cõi thế gian này, nhưng cũng đừng chỉ chạy theo những khát thèm của xác thịt mà trở về với hồng hoang nguyên thủy. Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thân xác chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng, giữa phần “ người” và phần “ con” trong mỗi con người. Với Trương Ba, nhân vật chính trong vở kịch này, cuộc đấu tranh ấy chỉ tạm lắng dịu, mâu thuẫn kịch từ chỗ trào lên, sôi sục, hóa thành “ khẩu chiến”  giữa hồn với xác, tạm thời được nén xuống âm ỷ, nhức nhối bên trong để nhất định phải biến thành hành đồng hóa giải mâu thuẫn, cởi nút cho cái bi kịch này.

2. Hồn Trương Ba và những người thân.

Một trong những tiền đề quan trọng để hồn Trương Ba đi đến quyết định cuối cùng, hóa giải mâu thuẫn là cảm nhận rõ rệt và đau đớn về bi kịch sống nhờ, sống tạm, trái lẽ tự nhiên. Bi kịch ấy càng trở lên rõ ràng và giày vò Trương Ba khi những người thân yêu nhất đã hiểu sai về ông, đã không còn coi ông như trước. Ngay cả khi họ rất thông cảm với ông thì những lời nói, những hành động trái với bản chất vốn có của ông cũng khiến họ bị tổn thương nặng nề và khó chấp nhận. Đây là câu nói trong nước mắt đau đớn, yêu thương, giận dỗi và bế tắc của người vợ: “ Tôi biết, ông vốn là người hết lòng yêu thương vợ con… Chỉ tại bây giờ… Ông đâu còn là ông  Trương Ba làm vườn ngày xưa” , “ Ông bây giờ còn biết đến ai nữa!”. Và đây nữa, câu trả lời bực tức, dàn hắt của đứa cháu hồn nhiên, ngây thơ, chưa hiểu thấu cái lắt léo của những bi kịch cuộc đời cùng tiếng khóc nức nở của nó: “ Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông!”, “Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn ông tôi nữa! Ông mà quý cây à? Sáng qua, tôi để ý ông triết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái trồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát cả cây sâm quý mới ươm! Ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy”, “ Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”.

Người thương và hiểu Trương Ba nhất là chị con dâu. Chị còn thương ông hơn bởi chị “ biết giờ thầy khổ hơn xưa nhiều lắm”.  Song, ngay cả chị cũng phải thốt lên: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa […] thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia ? Làm thế nào, thầy ơi ?”. Thế là đã rõ, trong thân thể anh hàng thịt, Trương Ba đã không còn là mình. Tất cả những người thân đều đã nhận thấy và đau đớn, lo lắng, bàng hoàng, bế tắc khi nói ra điều đó. Thể xác đang xâm chiếm, đang lấn lướt linh hồn, đang tha hóa cái linh hồn ấy. Tiếng nói, tiếng cười đắc thắng, hợm hĩnh của xác đang vang vọng đâu đây. Bi kịch sống nhờ của Trương Ba, đến đây, có thể coi là lến đến đỉnh điểm.

Biết mình như vậy trong mắt người thân, hồn Trương Ba đau đớn tột cùng. Vì ông mà tất cả người thân yêu nhất đều phải khóc. Người vợ yêu thương rưng rưng trong dòng nước mắt tủi thân tủi phận, chua chát, dằn dỗi. Đứa cháu gái vỡ òa trong tiếng khóc tức tưởi không hiểu sao ông nội thân yêu, gần gũi lại trở thành một người “xấu lắm, ác lắm”. Chị con dâu bàng hoàng trong dòng nước mắt sẻ chia và bế tắc,  muốn thương, muốn níu giữ hình ảnh của thầy mà không biết phải làm thế nào. Vì ông mà nhà cửa toang hoang. Anh con trai định bán khu vườn để mở cửa hàng thịt, còn vợ ông thì định bỏ đi thật xa để ông được thảnh thơi với cô vợ hàng thịt. Đây là lúc Trương Ba “thẫn thờ”, “bế tắc”, “run rẩy” trong nỗi đau, “lặng ngắt như tảng đá” để rồi nhận thấy: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lẩn át ta”.

Một sự vỡ lẽ vừa bàng hoàng, vừa chua chát đã dẫn đến quyết định dứt khoát ở Trương Ba, đẩy tình huống kịch vào độ căng quyết liệt hơn: “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?”, ta “không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”. Những câu độc thoại nội tâm được nói to ước lệ trên sân khấu kịch đã phơi trải cơn bão tố dữ dội và đau đớn của hồn Trương Ba trong cuộc đấu tranh giành giật lại bản thân từ bàn tay thô bạo của “con quỷ dữ bản năng” ở nhân vật Trương Ba. Và đó chính là điểm mấu dẫn đến hành động Trương Ba “đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết”, thắp hương, châm lửa gọi Đế Thích.

3.  Cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích

Bi kịch của Trương Ba đến đây đã lên tới đỉnh điểm và đòi hỏi phải được “cởi nút”. Và không ai khác, chính Trương Ba đã trực tiếp “cởi nút” hóa giải bi kịch của cuộc đời mình bằng hành động thắp hương gọi Đế Thích xuống trần gian để thông báo một quyết định hệ trọng: đã đến lúc phải chấm dứt “cái vật quái gở mang tên: Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Quyết định này bắt nguồn từ một bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của nhân vật. Từ chỗ ngộ nhận “Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn” đến chỗ nhận thức một cách rõ ràng, dứt khoát “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”. “ Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” ; từ chỗ cho rằng “Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong” đến việc cảm nhận một cách thấm thía và cay đắng: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”, “Không thể sống với bất cứ giá nào được […]. Có những cái giá đắt quá, không thể trả được”.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong nhận thức của Trương Ba bởi sau những gì đã diễn ra, hồn Trương Ba đã “giác ngộ” hơn ai hết cái chân lý giản dị mà không dễ dàng: được sống là chính mình – “được là tôi toàn vẹn”. “Là tôi toàn vẹn” tức là dám là mình, dám chịu trách nhiệm về mình, cũng có nghĩa là dám từ bỏ cái “trò chơi tâm hồn” nào đó mình đang tự biện minh để tìm kiếm sự thanh thản giả tạo. Đừng ngộ nhận rằng sẽ có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Cũng đừng “đổ vấy” cho thân xác khi chạy theo ma lực âm u, đui mù, xui khiến của bản năng. Thoát li thân xác, tâm hồn chỉ là một thứ siêu hình, một vật trang sức, để tự vỗ về an ủi kiểu AQ. Rời bỏ tâm hồn, thân xác chỉ còn là “tiếng gọi nơi hoang dã”. Ham sống, muốn được sống là khao khát tự nhiên của mỗi con người. Nhưng…nếu cái giá phải trả đắt quá, nếu người ta phải trả cho sự tồn tại của mình bằng “cước phí” tâm hồn thì nhất định không thể sống như vậy được! Cho nên, “Là tôi toàn vẹn” – cái điều tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra lại chẳng dễ dàng chút nào. Để ngộ ra điều đó, Trương Ba đã phải bước qua bao nhiêu trải nghiệm đắng cay, kể cả việc phải hứng chịu bi kịch đớn đau dành cho chính mình và những người thân yêu nhất.

Với quyết định xin Đế Thích cho cu Tị được sống lại, trả thân xác cho anh hàng thịt, còn mình thì “không nhập vào hình thù ai nữa” “Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!” hồn Trương Ba đã trở lại là mình “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Nhưng để thực sự “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”, hồn Trương Ba còn phải trải qua một “phép thử” nữa trước khi bước tới thế giới của sự thanh thản vĩnh hằng. Cái phép thử có tên “cu Tị”. Bảo rằng nhân vật không phải đấu tranh gì nữa, cứ thế “lời nói đi đôi với việc làm” em lại biến Trương Ba thành Đế Thích mất rồi. Trương Ba là ông nông dân hiền lành, chất phác. Trương Ba yêu gia đình, quý vợ con, thương cháu gái. Trương Ba gắn bó với mái nhà và mảnh vườn thân thuộc. Bạn đọc tưởng “tôi không ham sống hay sao?”. Thế nên, Trương Ba cần suy nghĩ trước gợi ý bất ngờ của tiên Đế Thích: Nhập vào cu Tị. “Thử hình dung xem nào…sẽ phải giải thích cho chị Lụa […]. Rồi còn hàng xóm, lí trưởng, trương tuần […]. Bà vợ tôi, các con tôi […]. Cái Gái nhà tôi […]”. Đặt mình vào viễn cảnh “nhập vai” đó, hồn Trương Ba đã thay tác giả mà phát biểu những suy nghĩ đầy chất thơ, cũng thấm đẫm triết lí về hạnh phúc, về lẽ sống, chết ở đời: “Trẻ con phải ra trẻ con, người lớn phải ra người lớn”, “Mình tôi giữa đám người hậu sinh. Những gì chúng thích thì tôi ghét, những gì tôi thích thì chúng chẳng ưa. Tôi sẽ không khách ngồi dai ở nhà người ta”. Đó là sự lựa chọn dũng cảm. Chấp nhận cái chết, chấp nhận sự hư vô để “được là tôi toàn vẹn”. Lựa chọn của Trương Ba là tất yếu vì ông đã thấm thía cái bi kịch đau đớn của cảnh không được là mình, “giác ngộ” chân lý đích thực của sự sống, đã trải qua sự đấu tranh ở một tâm hồn thanh cao, trong sáng, vượt lên nghịch cảnh.

Kịch của Lưu Quang Vũ là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tính thời sự và những vấn đề muôn thủa. Từ một câu truyện dân gian, Lưu Quang Vũ cảnh báo về các hiện tượng: Con người chỉ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ, sống dung tục, tầm thường; lấy cớ tâm hồn là quý, đời sống tinh thần mới là đáng trọng để bỏ bê những nhu cầu nâng cao đời sống vật chất; sống giả, không giám và cũng không được sống thật với bản thân mình. Đó là những nguy cơ đẩy con người đến chỗ tha hóa.

Thông qua những cuộc đối thoại giữa Trương Ba với mọi người, tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Bi kịch của Trương Ba và gia đình ông rất gần gũi với những vấn đề của cuộc sống  xã hội thời hiện đại. Tình huống kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt dồn dập, căng thẳng xoay quanh nhiều nhân vật từ tiên thánh trên trời đến người trần nơi hạ giới khiến ý nghĩa tác phẩm được mở rộng và nâng cao. Vở kịch đưa đến nhiều tầng ý nghĩa từ phê phán thói làm việc vô trách nhiệm gây hậu quả tai hại; lên án những kẻ chức sắc tham ô, hối lộ, sách nhiễu dân chúng, nhưng quan trọng nhất là những thông điệp sâu sắc: Cuộc sống với những thành công, tiền tài, tình yêu… thật đáng quý, nhưng không thể sống bằng mọi giá; con người sẽ phải trả giá đau đớn nếu bất chấp tất cả để đạt mục đích, để thỏa mãn những ham muốn vị kỉ; những giá trị tinh thần cao quý sẽ dần bị tha hóa nếu con người phải sống lệ thuộc vào hoàn cảnh sống dung tục bên ngoài; cuộc sống của con người chỉ thực sự hạnh phúc, thực sự có ý nghĩa, có giá trị khi được sống đúng là mình, khi được sống hài hòa giữa linh hồn và thân xác, giữa bản chất thật bên trong và những biểu hiện bên ngoài!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang