Phân tích cảnh ngộ và tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích.
- Mở bài:
Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nằm ở phần thứ hai Gia biến và lưu lạc. Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục, bị Tú Bà mắng nhiếc, Kiều nhất quyết không chịu tiếp khách làng chơi, không chịu chấp nhận cuộc sống lầu xanh. Đau đớn, phẫn uất, tủi nhục nàng định tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn bèn lựa lời khuyên giải, dụ giỗ Kiều. Mụ vờ chăm sóc thuốc thang, hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả nàng cho người tử tế. Tú Bà đưa Kiều ra sống riêng ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng để thực hiên âm mưu mới đê tiện hơn, tàn bạo hơn. Đoạn trích khắc họa đậm nét tâm trạng nhớ thương buồn tủi của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở Lầu Ngưng Bích.
- Thân bài:
Tại lầu Ngưng Bích, một mình Thúy Kiều đối diện với bao la cảnh vật. Nàng vừa mới rời xa gia đình đã sa chân vào cạm bẫy cuộc đời, tâm trạng vừa lo sợ, vừa chán chường mệt mỏi. Ngoái trong gia đình xa cách muôn trùng. Nhìn về tương lai thăm thăm, mịt mờ. Càng mong mỏi, càng nghĩ ngợi, càng hoang mang, đau đớn tột cùng:
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nủa cảnh, như chia tấm lòng
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bờ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa?
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Kết cấu đoạn trích gồm 3 phần. Sáu câu đầu khắc họa hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều. Tám câu tiếp theo là nỗi thương nhớ Kim Trọng và thương nhớ cha mẹ của nàng. Tám câu cuối miêu tả tâm trạng đau buồn, âu lo của Kiều thể hiện qua cách nhìn cảnh vật.
Khóa xuân nghĩa là khóa kín tuổi xuân. Ý thơ nói cấm cung (con gái nhà quyền quý ngày xưa không được ra khỏi phòng); ở đây nói đến việc Kiều bị giam lỏng. Tấm son là tấm lòng son, chỉ tấm lòng thủy chung gắn bó:
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nủa cảnh, như chia tấm lòng
Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng (khóa xuân). Nàng trơ trụi giữa một không gian mênh mông, hoang vắng: “bốn bề bát ngát xa trông”. Cảnh “non xa”, “trăng gần” gợi hình ảnh ở lầu Ngưng Bích đơn độc, chơi vơi giữa mênh mông trời nước. Từ trên lầu cao nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa, những cồn cát bụi bay mù mịt. Cái lầu trơ trọi ấy giam một thân phận trơ trọi, không một bóng hình thân thuộc bầu bạn, không cả bóng người.
Hình ảnh “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng”, “bụi hồng” có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, rợp ngợp của không gian, qua đó diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều. Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín.
Tất cả như giam hãm con người, như khắc sâu thêm nỗi cô đơn khiến Kiều bẻ bàng, chán ngán, buồn tủi, “bẻ bàng mây sớm đèn khuya”. Sớm và khuya, ngày và đêm, Kiều “thui thủi quê người một thân” và dồn tới lớp lớp những nỗi niềm chua xót đau thương khiến tấm lòng Kiều như bị chia xẻ: “Nữa người nữa cảnh như chia tấm lòng”. Vì vậy, dù cảnh có đẹp đến mấy, tâm trạng Kiều cũng không thể vui được.
Nghĩ mình rồi nhớ đến người. Ngay sau đó, nàng nhớ thương Kim Trọng và thương nhớ cha mẹ:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bờ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa?
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Kiều nhớ Kim Trọng nhớ cha mẹ sau. Theo nhiều nhà nho thì như vậy là không đúng với truyền thống dân tộc, nhưng thật ra lại rất hợp lý. Kiều bán mình cứu cha và em là đã đền đáp được một phần công lao cha mẹ. Chứ hiếu chữ thuận cũng đã một phần mãn ước. Còn đối với Kim Trọng, nàng đã phụ tình bạc nghĩa, dứt bỏ lương duyên. Thế nên trong lòng nàng nàng cắn rứt khôn ngui.
Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lý do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Nhớ Kim Trọng, Kiều “tưởng” như thấy lại kỷ niệm thiêng liêng đêm thề nguyện, đính ước: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Cái đêm ấy hình như mới là ngày hôm qua. Một lần khác nàng nhớ về Kim Trọng cũng là “Nhớ lời nguyện ước ba sinh”. Kiều xót xa hình dung người yêu vẫn chưa biết tin nàng bán mình, vẫn ngày đêm mỏi mòn trong chờ chốn Liêu Dương xa xôi.
Nàng nhớ người yêu với tâm trạng đau đớn: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Có lẽ “tấm son” ấy là tấm lòng Kiều son sắt, thủy chung, ngày đêm nhớ thương Kim Trọng. Cũng có thể là Kiều đang tủi nhục khi tấm lòng son sắt đã bị dập vùi, hoen ố, không biết bao giờ mới gột rửa cho được. Trong nổi nhớ chàng Kim có cả nổi đau đớn,tủi hận vò xé tâm can.
Nhớ cha me, nàng thấy “xót” khi tưởng tượng, ở chốn quê nhà, cha mẹ nàng vẫn tựa cửa ngóng chờ tin tức người con gái yêu. Nàng xót thương da diết và day dứt vì không thể “quạt nồng ấm lạnh”, phụng dưỡng song thân, băn khoăn không biết hai em có chăm sóc cha mẹ chu đáo hay không.
Nàng tưởng tượng nơi quê nhà tất cả đã đổi thay. Góc tử đã vừa người ôm, cha mẹ ngày thêm già yếu. Cụm từ “cách mấy nắng mưa” vừa cho thấy sự xa cách bao mùa mưa nắng, vừa gợi sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên lên con người và cảnh vật . Lần nào nhớ về cha mẹ, Kiều cũng “nhớ ơn chín chữ cao sâu” và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy của cha mẹ.
Nỗi nhớ thương của Kiều đã nói lên nhân cách đáng trân trọng của nàng. Hoàn cảnh của nàng lúc này thật xót xa, đau đớn. Nhưng quên đi cảnh ngộ bản thân, nàng đã hướng yêu thương vào những người thân yêu nhất. Trái tim nàng thật giàu yêu thương giàu đức hi sinh. Nàng thật sự là một người tình thủy chung, một người con hiếu thảo, một người có tấm lòng vị tha cao cả đáng quý.
- Kết bài:
Đoạn trích miêu tả chân thực cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi đáng thương, nỗi nhớ người thân da diết và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo vị tha của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Ở đoạn trích này, nghệ thuật miêu tả nội tâm của Nguyễn Du rất đặc sắc, bút pháp tả cảnh ngụ tình cũng vào hạng hay nhất trong Truyện Kiều.