Phân tích tính cách hung bạo và dữ dằn của con sông Đà trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
- Mở bài:
Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” rút từ tập “Sông Đà” gồm 15 tùy bút và một bài thơ phác thảo, ra đời năm 1960 trong khí thế phấn khởi hào hùng của những năm tháng miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Viết về dòng sông địa đầu tổ quốc, dồn nét trong tâm khảm Nguyễn Tuân là cảm hứng ngợi ca, khẳng định sự thay đổi của thiên nhiên đất nước trong thời kì đổi mới. Đặc biệt, hình ảnh con sông Đà với tính cách hung bạo và dữ dằn đã được Nguyễn Tuân khắc họa hết sức chân thực và sinh động
- Thâm bài:
Lời đề từ “Chúng thủy giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu” chứng tỏ Sông Đà là một dòng sông độc đáo và đầy cá tính. Vẻ đẹp độc đáo đó đã bắt gặp cây bút độc đáo của Nguyễn Tuân. Một nhà văn khi sống là một bản gốc và khi chết đi không có bản sao.
Nếu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận mỗi dòng sông trên đất Việt là những “con rồng nằm im”, Hoàng Phủ Ngọc Tường cảm nhận con sông Hương như “một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”, như “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”; thì Nguyễn Tuân lại cảm nhận con sông Đà như một con người, một sinh thể sống có hồn, như một người con của đất Việt. Sinh thể sống ấy có: nơi khai sinh, có tên khai sinh, có nơi xin nhập quốc tịch Việt Nam (một người Việt gốc hoa); có cuộc đời, có số phận, có vẻ đẹp cụ thể, có bản tính cụ thể: hùng vĩ, hung bạo, dữ dằn, đáng sợ. “Nguyễn Tuân là nhà văn không ưa những gì bằng phẳng, nhợt nhạt, khuôn phép, yên ổn. Ông là nhà văn của những tính cách độc đáo, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội” (SGK Ngữ văn 12 Nâng cao, tr 168). Nên Nguyễn Tuân đã chọn con sông Đà làm điểm đến.
Tính cách hung bạo và dữ dằn của con sông Đà – một vẻ đẹp dữ dội, hùng vĩ của con sông Đà thể hiện ngày ở vị trí của nhân vật trong tác phẩm. Hình tượng trung tâm của tùy bút là người lái đò, nhưng những trang đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân lại dành cho con sông mà ở đó, hình như cái ngông của ngòi bút Nguyễn Tuân đã gặp gỡ với cá tính đặc biệt của sông như một cuộc hẹn hò từ lâu với đứa con bướng bỉnh của bà mẹ Tây Bắc. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân đã trân trọng viết hoa cả hai chữ Sông Đà. Sông nước xứ mình đã chảy bao nhiêu trên trang viết của Nguyễn Tuân, nhưng chưa ở đâu, hình ảnh dòng sông lại hiện lên sống động như một sinh thể, có tâm trạng, có linh hồn, có tên riêng trong khai sinh, có lai lịch và tính cách phức tạp, phong phú như sông Đà trên trang văn của Nguyễn. Sự phức tạp ấy tập trung thể hiện ở hai phương diện mà Nguyễn Tuân gọi là hung bạo và trữ tình.
Tính cách hung bạo và dữ dằn của con sông Đà hiện lên qua lời đề từ: Thơ Nguyễn Quang Bích: “Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu”. Nét riêng của Sông Đà: thế chảy độc đáo, nghịch ngược, không giống ai của Sông Đà. Nguyễn Tuân tìm thấy sự đồng cảm với cái “ngông”của thiên nhiên.
Biểu hiện chủ yếu ở khúc thượng nguồn: lắm thác, nhiều ghềnh, độ dốc lớn, nước chảy xiết. Bờ sông có những đoạn rất hiểm trở: Vách đá với tư thế “dựng vách thành”, hai bờ sừng sững như áp sát nhau. Đó là vách đá hẹp, sâu, dốc thẳng đứng được đặc tả bằng một loạt các liên tưởng, so sánh cụ thể, độc đáo: Mặt sông chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Nó chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này nhẹ tay ném hòn đá qua vách… Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh…ta có cảm giác thất thần như ngước nhìn lên một tòa cao tầng nào đó vừa tắt phụt đèn điện. Chưa hết bàng hoàng, ta bị cuốn theo những âm thanh man dại của âm thanh tiếng nước mặt ghềnh Hát Loóng.
Âm thanh tiếng nước sông Đà là một thứ thật đáng sợ. Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt…Chúng ta vẫn hát Em có nghe thấy gió nói gì không? Và hình dung tiếng gió dịu dàng trong lời thì thầm tình tự. Nhưng hẳn đó không phải là cái gió cuồn cuộn như thành hình, gùn ghè (biến âm của hai tiếng gầm gừ và hầm hè chăng?) như thành tiếng. Một thứ tiếng quỷ quái và ghê rợn: Thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Chưa thỏa, nhà văn còn tiếp tục tả tiếng thác với muôn vàn giọng điệu: Nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo… Thế rồi, nó bất thần Rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa như nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.
Những câu văn trùng điệp gợi không khí quay cuồng, bỏng rát của một trận cuồng lửa, hủy diệt. Dùng lửa để tả nước, lấy rừng tả sông, đem những yếu tố vốn tương khắc, giờ lại hòa hợp để tương sinh một so sánh độc đáo, gợi cảm là nhà văn muốn nhấn mạnh đặc tính hủy diệt ghê gớm của Sông Đà. Câu văn có kết cấu trùng điệp, liên hoàn, nhịp ngắn tạo giọng văn dồn dập, gấp gáp, căng thẳng, từ ngữ cực tả trạng thái dữ dội gợi ấn tượng hãi hùng, rùng rợn và sức tàn phá khủng khiếp. Dữ dội nhất phải kể đến những hút nước. Trông xa nó giống như cái lúm đồng tiền trên má một cô nàng xinh xinh, nhưng kì thực nó là mồ chôn bao số phận.
Nguyễn Tuân đã đặc tả hút nước Sông Đà: sâu, sáng, xanh trong thăm thẳm bằng những so sánh đặc biệt. Hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Mặt giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh. Cốc pha lê nước khổng lồ. Từ đáy hút nước nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải.. Kết hợp thủ pháp của văn học và thủ pháp của điện ảnh, Nguyễn Tuân đã truyền đến độc giả cảm giác chân thực, sống động như tận mắt chứng kiến vẻ tính cách hung bạo và dữ dằn của con sông Đà hùng vĩ..
Đá Sông Đà đã dàn bày thạch trận trên sông như một trận đồ bát quái bắt dìm bằng hết, bắt chết bằng được bất cứ con thuyền nào qua đó. Thạch trận không chỉ có vẻ hung hãn, dữ dằn của vách đá, hút nước mà còn bộc lộ bản chất nham hiểm, xảo quyệt. Mặt sông Đà “cả một chân trời đá nó bày thạch trận trên sông đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngay trên sông đòi ăn chết cái thuyền”. Có những đoạn mặt ghềnh “nước xô đá đá xô sóng sóng xô gió cuồn cuộn những luồng ghùn ghè suốt năm…”. Mặt hòn đá nào cũng ngỗ ngược, “nhăn nhúm”, méo mó. Nó đứng, ngồi, nằm, nghiêng với những nhiệm vụ riêng, bày sẵn thạch trận thành ba tuyến. Bày ba trùng vi nhằm tước đoạt và hủy diệt đến cùng sự sống của con người: giở mọi thủ đoạn, mưu ma chước quỷ để dẫn dụ, phục kích, đó là “binh pháp” sâu hiểm của “thần sông, thần đá”. Chúng đã chọn khúc ngoặt – khi tầm nhìn bị hạn chế để đánh phục kích, dụ người vào sâu thế trận, đánh quật vu hồi, cô lập hóa, chặn mọi đường sinh. Khi giáp lá cà: giở mọi ngón đòn hiểm ác: nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, uy hiếp tinh thần đối phương.
Với cách miêu tả mang cảm giác mạnh, nhà văn Nguyễn Tuân đã dựng nên một nét tính cách hung bạo và dữ dằn của con sông Đà nhưng đồng thời nó cũng rất sống động như một sinh thể sống. Vì thế tác giả thường gọi con Sông Đà chứ ít gọi là dòng sông.
Tuy nhiên, để thấy hết cái dữ dội của Sông Đà, phải cùng ông bước vào trận thủy chiến với cả một đội quân hùng hậu, đông đảo, dữ dằn, hung hãn của sông gồm có lực lượng: đá hậu, đá tướng, đá tiền vệ với nhiều thủ đoạn nham hiểm. Chúng giăng sẵn trận đồ bát quái với ba trùng vi, tập đoàn cửa sinh cửa từ, hệ thống boong-ke, pháo đài đá chìm nổi, lộ diện hay giấu mặt…
Trùng vây thứ nhất có bốn cửa tử, một cửa sinh. Sóng trận địa phóng thẳng vào mình, mặt nước hò la vang dậy (…), ùa vào mà bẻ gẫy cán chèo võ khí trên cánh tay ông lái, chúng dọa dẫm, sấn sổ, hiếu chiến, sóng nước như quân liều mạng đội thuyền lên với vẻ hùng hổ, nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình giữa trận nước vang trời thanh la não bạt, hung hăng như một đấu sĩ bất bại. Chúng đã dùng đến miếng đòn hiểm độc nhất: luồng nước (..) bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò. Chúng muốn giở ngón đòn hiểm hóc quyết định nhằm nốc ao đối phương.
Trùng vây thứ hai, chúng tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Chúng bộc lộ bộ mặt nham hiểm, xảo quyệt. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá- thiên nhiên hùng mạnh như thú dữ. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đòn cửa tử- dai dẳng, quyết liệt. Chúng không ngừng khiêu khích.
Trùng vây thứ ba ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả, luồng sống ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác…Dường như có bao nhiêu liên tưởng độc đáo, bao nhiêu sáng tạo từ ngữ dồn chứa đã tụ hội về đây, tạo nên bức tranh sơn dầu hoành tráng với những mảng màu va đập tới tấp làm náo động cả không gian. Bằng cách đó, Nguyễn Tuân đã bắt sự hung bạo phải hiện lên thành hình khối, đường nét, âm thanh và muôn vàn chuyển động sống động.
Qua vẻ đẹp hung bạo và dữ dằn của con sông Đà, Nguyễn Tuân bộc lộ tình yêu đất nước say đắm thiết tha của một người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ hào hùng của thiên nhiên Tây Bắc. Đồng thời, cũng tạo nên bối cảnh không gian chuẩn bị cho sự xuất hiện của con người, nhấn mạnh môi trường lao động đầy gian lao thử thách để ca ngợi con người. Khắc họa bản chất Sông Đà: vừa “khắc nghiệt như dì ghẻ, chúa đất”, vừa hùng vĩ dữ dội để tạo ấn tượng về con sông mang diện mạo một kẻ thù số một, thách thức đối với con người, gợi ham muốn chinh phục, khám phá, chế ngự.
Ngôn từ phong phú, sử dụng thuật ngữ, hệ từ vựng của nhiều ngành khoa học, nghệ thuật khác nhau (quân sự, võ thuật, thể thao…) để diễn tả tính chất cuộc đấu tranh giữa con người – tự nhiên: quyết liệt, căng thẳng, một mất một còn. Cảm xúc dạt dào, tinh tế.
Mặc dù hình tượng nổi bật trong tác phẩm là người lái đò nhưng xuyên suốt tác phẩm là hình tượng rất riêng của con sông Đà. Nếu như thần thoại “Sơn Tinh, Thủy Tinh” lý giải cái hung bạo, khắc nghiệt của Sông Đà bằng tư duy cổ sơ “năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Nguyễn Tuân lại dựng lên vẻ đẹp dữ dội, hung bạo, hùng vĩ của Sông Đà bằng những trang văn cụ thể, chân xác, giàu liên tưởng. Qua đó, có thể thấy niềm say mê của Nguyễn muốn dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hóa và những kì tích lao động của con người, tình yêu thiên nhiên đắm say và tinh thần dân tộc. Một tấm lòng dào dạt với cuộc sống mà Nguyễn Tuân đã hòa nhịp bằng trái tim chân thành của một nghệ sĩ tài hoa.
Ngòi bút Nguyễn Tuân không chỉ vẫy gió tuôn mưa khi nói về vẻ đẹp hùng vĩ của dòng sông mà tâm hồn còn dào dạt mênh mông khi viết về dòng sông trữ tình. Có thể nói, tất cả những đối cực khác nhau của cái đẹp đều được nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân phô khoe hết vẻ đa dạng phong phú trong ngòi bút…
- Kết bài:
Giá trị đích thực của tác phẩm văn chương không phải chỉ qua việc phản ánh, khắc họa tính cách hung bạo và dữ dằn của con sông Đà; diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một của con sông Đà mà còn ở tầm tư tưởng, cảm xúc và những suy nghiệm sâu sắc về con người, về cuộc sống. Cái đẹp của văn tuỳ bút Nguyễn Tuân thể hiện tập trung ở Người lái đò sông Đà, nhưng lòng yêu mến thiết tha, thái độ trân trọng chế độ mới, cuộc sống mới và sự thay đổi căn bản trong quan niệm thẩm mĩ chính là cái mạch ngầm tư tưởng, cảm xúc có ý nghĩa quyết định đối với công việc sáng tạo của người nghệ sĩ.
Cảm nhận tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân